Wednesday, August 27, 2014

Chủ tịch Sang: ‘Có kẻ hiểm ác, giấu mặt đối xử bất nhân’ với bà Võ Thị Thắng

Bút tích của chủ tịch nước Trương Tấn Sang gián tiếp xác nhận thông tin vừa được nhà văn Đào Hiếu tiết lộ trong bài “Võ Thị Thắng: có một nụ cười khác”

Theo Đào Hiếu, vào năm 1999, các thế lực chính trị trong đảng cộng sản đã lên kế hoạch ‘ám sát’ và ‘bắt nóng’ đối với bà Võ Thị Thắng khi bà còn đang giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam.

“Kẻ thù giấu mặt ấy là ai? Chị biết, Bộ chính trị cũng biết nhưng không làm gì được”, Đào Hiếu viết.

Tại lễ tang bà Võ Thị Thắng hôm 23/8, chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã để lại những giòng bút tích trên sổ tang, trong đó có đoạn: "có kẻ hiểm ác, giấu mặt đối xử bất nhân".

Khi đất nước thanh bình, lý ra Võ Thị Thắng phải được cống hiến công sức mình cho đất nước trong mội trường thuận lợi nhưng không hẳn được như vậy! Thời nào cũng có kẻ hiểm ác, giấu mặt đối xử bất nhân nhưng Võ Thị Thắng vẫn lại hiên ngang ngẩng cao đầu: “Sống vĩ đại, chết vinh quang”  - Trích lưu bút của chủ tịch Trương Tấn Sang ghi tại lễ tang bà Võ Thị Thắng.
Lưu bút của chủ tịch Trương Tấn Sang ghi tại 
lễ tang bà Võ Thị Thắng.

Trên thực tế, bà Thắng đã chọn phương án “Sống để bụng, chết mang theo”. Bí mật về những kẻ được cho là “hiểm ác, giấu mặt” vì thế chưa bao giờ được bà Thắng lên tiếng lúc sinh thời.

Theo Đào Hiếu, sự bức hại này từng khiến bà Thắng trở nên tuyệt vọng và nghĩ đến việc tự sát trong một phiên họp của Ban chấp hành trung ương đảng cộng sản.

Báo Tiền Phong mô tả: có mặt trong lễ tang bà Võ Thị Thắng, chủ tịch nước Trương Tấn Sang “dừng thật lâu bên linh cữu người đồng chí thân thiết, mắt đỏ hoe”.

‘Kẻ hiểm ác, giấu mặt’ là ai?

Bà Võ Thị Thắng
Dựa trên những thông tin đã được công bố, kẻ “hiểm ác, giấu mặt” ám chỉ một cơ quan đầy quyền lực là Tổng cục tình báo quân đội, hay còn gọi là tổng cục 2. 

Người đứng đầu tổng cục 2 khi ấy là trung tướng Đặng Vũ Chính. Chức vụ Tổng cục trưởng Tổng cục 2 sau đó được truyền lại cho tướng Nguyễn Chí Vịnh - người cũng là con rể của tướng Đặng Vũ Chính.
Tổng cục 2 liên quan trực tiếp đến nhiều vụ tranh chấp quyền lực chính trị lớn trong hàng ngũ chóp bu đảng cộng sản Việt Nam.

Bà Võ Thị Thắng cùng hàng loạt quan chức cấp cao trong đảng cộng sản, trong đó có cả đại tướng Võ Nguyên Giáp từng bị tổng cục 2 cáo buộc làm việc cho CIA.

Mục đích những cáo buộc này nhằm triệt hạ lẫn nhau nhằm tranh giành những vị trí chóp bu trong đảng cộng sản. 

Sau nhiều vụ bê bối chính trị nghiêm trọng, tổng cục 2 được xem là một cơ quan “siêu quyền lực”. Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh hiện nay đã lên chức thứ trưởng bộ quốc phòng Việt Nam.

Minh oan

Bà Võ Thị Thắng sinh năm 1945 tại Long An, đồng hương với chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Bà nổi tiếng với bức ảnh mang tên ‘Nụ cười Võ Thị Thắng’ vào năm 1968. Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc bà Thắng nở nụ cười tươi trước tòa án hình sự thời Việt Nam Cộng Hòa, sau vụ ám sát bất thành ông Trần Văn Đỗ, phường trưởng phường Phú Lâm, quận 6, Sài Gòn.

Việc ám sát một viên chức dân sự Việt Nam Cộng Hòa được đảng cộng sản ngợi ca là ‘anh hùng’, bất chấp sự thật đây là hành động giết người, khủng bố.

Sau năm 1975, bà Thắng từng giữ nhiều vị trí như ủy viên trung ương đảng, đại biểu quốc hội trong nhiều khóa, tổng cục trưởng tổng cục du lịch Việt Nam. Bà Thắng còn được chủ tịch Cuba Fidel Castro nhận làm ‘con nuôi’.

Sau nhiều cuộc bức hại bởi chính các ‘đồng chí’ của mình, có tin nói rằng vào năm 2000, bộ chính trị cộng sản đã minh oan cho bà Thắng. Thông tin về việc minh oan đến nay vẫn không hề được công bố.
Bà Võ Thị Thắng qua đời vào ngày 22/8/2014, mang theo những bí mật lớn về những âm mưu, thủ đoạn ghê rợn trong cung đình cộng sản.
Theo báo Tiền Phong mô tả: có mặt trong lễ tang bà Võ Thị Thắng, 
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang “dừng thật lâu bên linh cữu 
người đồng chí thân thiết, mắt đỏ hoe”.

Từ 'chị' đến 'đồng chí' Võ Thị Thắng

Bút tích của chủ tịch nước Trương Tấn Sang dường như là một sự cố tình đầy ẩn ý, gợi lại bí mật về các cuộc chiến phe phái mà đảng cộng sản chưa bao giờ chính thức thừa nhận.

Trong dòng lưu bút tại sổ tang, chủ tịch Sang dùng đến 6 dấu chấm cảm, ông cũng gọi người quá cố một cách thân mật là ‘chị Thắng’. 

Bút tích của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng  ghi tại lễ tang bà Võ Thị Thắng.

Trong khi đó, bút tích của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tỏ ra khách sáo hơn khi dùng cách gọi “đồng chí Võ Thị Thắng”. Viết trong sổ tang, ông Dũng ghi rằng bà Thắng là “người đảng viên cộng sản kiên trung bất khuất”.

Điếu văn đọc trong lễ tang viết rằng 'chị' Thắng là người “mạnh dạn thẳng thắn trong đấu tranh, có chính kiến rõ ràng…”

“Trong mọi hoàn cảnh chiến tranh cũng như hòa bình, chị luôn vững vàng vượt qua mọi thử thách, thể hiện phẩm chất trung kiên, bộc trực, mạnh dạn thẳng thắn trong đấu tranh, có chính kiến rõ ràng…” - Trích điếu văn đọc tại tang lễ bà Võ Thị Thắng.

Tang lễ bà Võ Thị Thắng được cử hành theo nghi lễ cấp cao, sau đó được di quan về chôn cất tại quê nhà thuộc xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, tỉnh Long An.


Hoàng Trần

0 comments:

Powered By Blogger