Nguyễn Hoàng Đức
|
Sự khôn ngoan của chuột chỉ là
chui rúc để tồn tại
|
Việt
Nam, ôi quê hương yêu dấu rừng vàng biển bạc của chúng ta, nhưng mà có
phải nó đang tụt xuống hàng “hố rác” của nhân loại? Từ Bắc chí Nam, từ
Quảng Ninh đến Cần Thơ các cô gái trẻ nườm nượm đi thi để lọt qua vòng
tuyển lấy chồng Hàn Quốc. Với một lý do mở màn rất đơn giản, ít nhất
người ta được xuất ngoại lần đầu, được đáp máy bay lên bầu trời. Trái
lại, nếu không dám dứt bỏ một lần làm sao thoát cảnh lội bì bõm bên bờ
ruộng để leo lên phi cơ phản lực vượt ra quốc tế? Những cô gái Việt này
ao ước đàn ông Hàn Quốc chẳng khác gì “tây mũi tẹt”, giống cha ông châu Á
đã từng khao khát phương Tây như thần thánh cái gì cũng có. Trời ơi,
quả là một trời một vực, cùng da vàng mũi tẹt như nhau, chỉ sau vài thập
kỷ, một đằng thì thành tây, đi đâu cũng leo lên xe hơi và máy bay; một
đằng thì bán cả đời mình chỉ để nếm một lần leo phi cơ. Tại sao? Có phải
tại trí khôn của người Việt mà rất nhiều người chúng ta lúc nào cũng
thường trực tự hào?
Có
nhiều người Việt phản ứng rất mạnh mẽ khi thấy ai nói về cái xấu của
người Việt, như thể nói thế là chạm đến quốc hồn – quốc túy, nói xấu tổ
tiên, ông cha… và họ phản đối như thể đó là thước đo chứng minh lòng yêu
nước của mình rằng: tôi yêu tổ quốc, tổ tiên, dân tộc, giống nòi, và
tôi phản đối lại là để bảo vệ tổ quốc. Họ có bảo vệ tổ quốc không? Thực
ra, họ chỉ bảo vệ cái xấu trong chính con người họ. Hoàng đế Napoleon có
nói “Bao dung với cái xấu là sự đồng tình với nó”.
Đúng vậy một kẻ ăn cắp thường có cái nhìn vô tội với một thằng ăn cắp
khác. Kẻ nói dối cũng vậy. Kẻ độc ác, đố kỵ, ích kỷ cũng thế, nó không
giành cho những ai giống nó một cái nhìn phán xử khác lạ…
Kết
quả bao dung cũng là bao che cho cái ác tràn lan vô bờ đến vậy dẫn đến
dân tộc Việt ngày nay theo các bảng sắp hạng đều không ngoi ra khỏi vị
trí đội sổ, thua xa cả những nước trong khu vực từ 50 đến 100 năm. Nói
đâu xa, nước Lào là nước nhỏ bé nghèo nàn bậc nhất thế giới, nhưng từ
xưa đến nay luôn trở thành giấc mơ của người Việt. Thời bao cấp, mấy anh
sinh viên Lào chỉ có vài cái nhẫn vàng đeo ngón tay đã trở thành niềm
ao ước của nhiều cô gái Việt. Còn giờ đây, xe hơi loại bán tải của Lào
nhiều như xe đạp từ quê lên phố vẫn là mơ ước của giới trung lưu Việt
Nam. Còn giới cán bộ trung lưu Việt hí hửng về thu nhập cỡ dăm chục
triệu đồng mỗi tháng thì vẫn còn thua loại rửa bát, làm thuê ở
Singapore, một nước nằm trong khu vực.
Sự
bao dung – bao che – cũng là đồng hóa đó đã gây ra vô số cái xấu cái ác
ở Việt Nam: nào ăn cắp nắp cống, tháo đinh đường tầu, tháo đinh rầm
cầu, cắt đường dây điện thoại, rải đinh “đa cạnh” ra đường, rồi xi măng
cốt tre…đã gây ra nhiêu tai nạn khủng khiếp. Mới nhất là nạn pha trộn
tạp chất vào xăng dầu đã gây ra hàng loạt vụ cháy xe gây thiệt hại tài
sản và chết chóc tang thương. Đó là một thảm họa! Nhưng còn thảm họa hơn
ngay khi đã tìm ra mầm mống của những vụ pha trộn, người ta vẫn triển
khai sự bao dung, nghĩa là vẫn bao che cho những thứ nguy hiểm chết
người rình rập ngay trong chiếc xe của người dân. Tại sao? Vì các công
ty xăng dầu đều thuộc các ông lớn, chẳng lẽ ông lại muốn phơi áo sân sau
của mình! Trong một buổi gặp mặt các phóng viên. Một vị quan chức nêu
ra ý kiến chỉ đạo: để kích thích du lịch Việt Nam báo chí cần khai thác
đưa tin về những lời nói tốt đẹp của khách thăm quan nước ngoài, như vậy
mới lôi kéo được du lịch.
- Vậy những lời nói về cái xấu của người Việt thì sao? – một nhà báo hỏi lại.
Vị quan chức cười xòa “cái này thì…” – có nghĩa là không được đăng.
Tóm
lại, người Việt chỉ quen với những “sự thật” được biên tập, nói thẳng
ra chỉ thích lời khen mà không muốn bị chê. Như vậy là người Việt chưa
trưởng thành, chỉ là những đứa trẻ thích nghe lời khen mà không muốn bị
chê. Mới đây có nhiều bài báo như của học giả Vương Trí Nhàn tập hợp
những bài viết của các học giả lớn như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan
Khôi, Đào Duy Anh, Đặng Thai Mai … hoặc của nhà báo Hoàng Tùng… đã nêu
ra từ xưa, nhiều chuyên gia phương Tây đã nhận xét người Việt rất nặng
như: “nói dối”, “ăn cắp”, và “sát nhân”. Đặc biệt có chuyên gia nói:
“Việt Nam là quốc gia của những con chuột”.
Trong
một phóng sự truyền hình, người ta phản ánh nạn người Việt qua các nước
Tây Âu, có rất nhiều người tham gia trồng cây cần sa. Họ bị giam trong
nhà kín, không được ra ngoài, suốt ngay lo chăm bón các cây cần sa dưới
ánh đèn điện. Việc họ bị giam cầm trong nhà không được nhìn thấy ánh
sáng mặt trời liệu có phải là những con chuột? Gần hơn, một loạt các vụ
giam cầm công nhân người Việt tại Nga, ăn ở và làm việc trong nhà hầm
như súc vật, đến khi cháy không có đường thoát hiểm đành ôm nhau chết.
Liệu có phải họ bị đối xử như những con chuột và chết như những con
chuột? Và ai đã đối xử với họ như chuột? Bọn thực dân ư? Không, đó chính
là những người Việt, mới đó vẫn còn chân lấm tay bùn nhưng đã sớm bước
vào con đường lưu manh hóa tiểu nông, rồi thành tư bản đỏ học đòi. Ai mà
nói về cái xấu của người Việt thì đám này uất ức đầu tiên. Tại sao? Vì
đó là những cái xấu mà chính họ mới là đại biểu cao cấp nhất.
Một
quốc gia muốn trưởng thành và tiến bộ thì nó phải kiện toàn pháp luật
bởi vì không có pháp luật không thể thành quốc gia mà đó chỉ là sắc tộc
gia đình trị bán khai. Điều kiện đầu tiên để có pháp luật là không ai
cho dù là vua chúa, chủ tịch hay thủ tướng được ở trên pháp luật. Vua
phạm tội xử như thứ dân. Nhưng cái điều hiển nhiên đó cho đến nay đã đầu
thiên niên kỷ thứ ba người Việt vẫn không được sống trong Nhà nước pháp quyền. Cái
gọi là nhà nước của chúng ta là thứ hầm bà làng, đồng nát như lãnh đạo
vẫn thường cất tiếng nói cửa miệng “đảng, nhà nước, và nhân dân”. Trong
câu nói này dù bao sân nhưng vẫn thiếu một cơ quan trực tiếp của pháp
luật đó là “chính phủ”, và như thế chẳng có ai chịu trách nhiệm cả.
Trong khi đó ở các nước người ta luôn phải tuyên bố: chính phủ đã làm
việc này việc kia.
Việt
Nam làm sao có pháp luật khi điều bốn của hiến pháp, Đảng tuyên bố
“lãnh đạo tất cả”, cả quốc hội là cơ quan lập hiến, cả chính phủ là cơ
quan hành pháp. Người ta nói “Quốc hội là cơ quan quyền lực tối cao”,
nhưng mở màn kỳ họp quốc hội, người ta lại đem nghị quyết của trung ương
đảng vào đọc như một định hướng bất khả biện, thì làm sao quốc hội còn
là cơ quan tối cao được. Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất nhưng
lại chịu sự lãnh đạo cao nhất hơn của đảng, thử hỏi ai thứ nhất? ai thứ
nhì? Có một việc giản dị như vậy sao người ta vẫn ấp úng che đậy, không
thể minh bạch? Vì thế ở Việt Nam, từ lập pháp đến hành pháp đều chỉ là
lối tập trận giả, nhưng có một sự thực bên trong đó: là mong muốn và định vị tuyệt đối của quyền lực.
Quyền lực tuyệt đối để làm gì? Để có được quyền lợi tuyệt đối! Quốc hội
Việt cộng ở trình độ nào? Quốc hội đúng nghĩa là bàn của chủ tịch đoàn
ngồi thấp hơn ghế của các nghị viên, được đặt ở giữa, để các nghị viên
thoải mái tranh biện. Trái lại quốc hội Việt cộng thì nghị viên ngồi dưới như xem kịch, còn chủ tịch đoàn ngồi phía trên như ban giám khảo.
Chủ tịch bước ra bệ nói như MC, còn ở dưới giơ tay tán thưởng. Đúng là
hình thức văn công chẳng giống ai. Đó là bằng chứng sờ sờ chứng tỏ cái
gọi là quốc gia của chúng ta còn ấu nhi đến mức nào? Hội trường quốc hội
đúng nghĩa của Việt nam vẫn đang xây để chờ cơ hội sánh bước với loài
người. Than ôi vào thiên niên kỷ thứ ba rồi mà người Việt vẫn chưa nhấc chân bước đầu tiên vì hiến pháp đích thực. Thử hỏi người Việt là người hay là chuột?
Theo
các chuyên gia, chuột là thứ sống theo bầy và thuộc loại thông minh bậc
nhất, chúng không bao giờ để bị dính bẫy đến lần thứ hai. Một con bị
sập bẫy, cho dù bẫy sắt, bẫy tre hay bẫy dính, thì chúng liền tụ lại họp
hành rút kinh nghiệm rồi thông báo cho cả bầy trên toàn lãnh thổ cống
ngầm cách thức nhận biết và tránh bẫy. Nhưng dù bầy chuột có khôn đến
mấy, chúng cũng không phải là thứ kiêu hãnh của ánh sáng. Sự khôn ngoan của chúng chỉ là chui rúc để tồn tại, mà không phải là vươn thẳng để sống minh bạch và tiến bộ.
Đó
là quan lại cũng như dân chúng. Giờ đến văn hóa. Thơ là thứ phổ biến
cũng như dễ nhất của Việt Nam hiện nay. Thôi thì tiểu nông, tiểu thương,
các cụ hưu trí, các em mới lớn đua nhau làm thơ. Giờ hãy nhìn tập đoàn
làm thơ, có đông rinh rích và rúc ríc làm thơ không? Mới đây Trung quốc
lĩnh giải Nobel văn học lần hai. Tại sao họ có hai thành tựu đó? Bởi vì
cách đây hơn nửa thế kỷ người Trung Quốc đã bỏ làm thơ, và coi thường
thơ. Ai chẳng yêu quê hương. Nhưng người đi xa về bao giờ cũng yêu quê
hương hơn, yêu da diết và đau đáu. Tại sao? Bởi vì tình yêu của họ đã
lên men rất nhiều bởi nỗi nhớ cồn cào. Người làm thơ sẽ yêu thơ hơn nếu
người ta biết từ bỏ thơ để sống trong một cuộc đời toàn diện có công lý,
tình yêu, tranh đấu, sám hối và cứu chuộc. Văn là người! Thi ca là cuộc
đời! Người làm thơ sẽ trở về với thơ như nước nguồn từ đỉnh cao ùa
xuống, chứ không phải như tí nước mài mực rồi cọ lên giấy vòi vĩnh khúc
vinh quang. Hãy viết văn làm thơ như những con đại bàng sà xuống
từ lý tưởng cuộc đời, chứ không phải bằng những khúc rúc ríc lẩn trốn
khôn ngoan của bầy chuột chỉ quen thủ thế trong cơ chế xin cho của bóng
tối. Một chút thành công tem phiếu bao cấp chỉ là cách con
chuột chui qua kẽ hở kiểm duyệt bé tí của ông chủ, đó không phải là cách
con ngựa phi nước đại cùng những con khác trên thảo nguyên để tìm xem
con nào mạnh nhất?! Dám ra gió cuộc đời! Dám ganh đua minh bạch! Mới có
thể tìm được giải quán quân đại bàng, hay những con chiến mã! Còn đua
trong ao hợp tác ư? Chính những nhà quán quân mậu dịch đã thừa nhận
“chúng ta chỉ là tép”.
Mong
rằng mọi người Việt đều biết vượt qua tự ái để phấn đấu cho một xã hội
tiến bộ, minh bạch và kiêu hãnh thực sự. Để những cô con gái Việt không
phải nhìn đàn ông hàng xóm kiêu sa như “tây mũi tẹt”. Rất cám ơn!
Nguyễn Hoàng Đức
0 comments:
Post a Comment