Phê phán chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam hiện nay
Kính Hòa, phóng viên RFA 2014-08-18
Công nhân đô thị chăm sóc công viên Lê Nin ở Hà Nội. AFP photo
Một trong những khía cạnh mà những người tham dự
hội thảo nhan đề “Thoát Trung” ở Hà Nội vừa qua đề cập tới là chủ nghĩa
cộng sản, cũng như những biến thái của nó là chủ nghĩa Stalin và chủ
nghĩa Mao. Mặc dù trong hội thảo này, tranh luận về văn hóa được đưa lên
hàng đầu nhưng không tránh khỏi những bàn luận về chính trị xoay quanh
ba thứ chủ nghĩa vừa nêu.
Điều trớ trêu là ngay giữa lòng Hà Nội, dưới câu
khẩu hiểu ca tụng chủ nghĩa cộng sản và các nhà lý luận của nó như
Marx, Engels, Lenin, người ta công khai thách thức tính đúng đắn của chủ
nghĩa cộng sản.
Sự thách thức chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam có
lịch sử dài lâu chứ không phải mới đây, từ những ngày đầu tiên chủ nghĩa
này bám rễ vào Việt Nam. Sự thách thức đó vẫn tồn tại trong lúc chủ
nghĩa này lên đến đỉnh điểm hùng mạnh nhất. Và khi hệ thống cộng sản đổ
vỡ khắp nơi, cộng với bùng nổ của công nghệ thông tin thì sự thách thức
đó ngày càng lớn.
Một trong những người thách thức chủ nghĩa cộng
sản ngay trước khi đảng cộng sản chấp nhận nền kinh tế thị trường là
tiến sĩ Hà Sĩ Phu, người học hành và lớn lên trong lòng chế độ cộng sản.
Trước cuộc hội thảo ở Hà Nội trong tháng tám này, cũng có một cuộc hội
thảo khác tương tự, ông Hà Sĩ Phu nói với chúng tôi sau cuộc hội thảo ấy
rằng vấn đề chung của cả hai dân tộc Việt và Hoa là chủ nghĩa cộng sản.
Năm 2013 chủ nghĩa cộng sản chứng kiến một thách
thức lớn là 72 nhân sĩ trí thức gửi kiến nghị đòi bỏ điều bốn trong
Hiến pháp quốc gia về sự độc tôn của chủ nghĩa cộng sản tại Việt Nam.
Tháng bảy 2014 đến lượt 61 đảng viên hiện vẫn còn sinh hoạt đảng kiến nghị kêu gọi từ bỏ chế độ toàn trị.
Cũng trong tháng bảy 2014, luật sư Nguyễn Đăng
Trừng tại Sài Gòn bị khai trừ ra khỏi đảng. Lý do được nhiều người nói
đến chính là việc luật sư Trừng không đồng ý sự can thiệp quá nhiều của
đảng bộ TP HCM vào công việc của đòan luật sư Thành phố HCM.
Con đường đến Việt Nam của CNCS
Chủ nghĩa cộng sản đến Việt Nam với lý do làm
phương tiện cho việc đòi độc lập. Lý do lớn này làm cho ngay chính những
đảng viên cộng sản không coi trọng phương diện ý thức hệ của nó bằng
những vấn đề thực tế. Ông Trần Đức Nguyên, từng là thư ký của cố Thủ
tướng Võ Văn Kiệt nới với chúng tôi sau khi ký tên vào bản kiến nghị 61:
“Cái việc mà đưa ra yêu cầu sửa đổi chế độ
toàn trị thì đã nói từ thời kiến nghị 72 rồi. Sau đó có những ý kiến đã
nói rõ là đất nước phải chuyển từ chế độ toàn trị sang dân chủ một cách
ôn hòa. Và như thế là không đụng đến những vấn đề về chữ nghĩa. Cái đó
là cái thực trạng thì cần phải thay đổi.”
Trên con đường đến Việt Nam nói riêng và đến
châu Á nói chung chủ nghĩa cộng sản đã gặp phải một thực trạng mà nhiều
người cho là thuận lợi để phát triển, đó chính là khía cạnh chuyên chế
của ý tưởng xã hội Khổng Giáo. Nhà văn Thùy Linh, từ Hà Nội nói với Mặc
Lâm của đài RFA, sau hội thảo “Thoát Trung” trong tháng tám:
“Sau khi chủ nghĩa cộng sản nắm quyền thì
đạo Khổng rất có lợi cho sự tồn tại của họ. Mới đầu thì họ chống ở một
chừng mực nào đó nhưng thật ra họ bị ảnh hưởng của Khổng giáo mà chính
họ không biết bởi vì nó ăn vào trong máu, và điều đó làm cho chính quyền
hiện nay hưởng lợi.”
Phản hồi của ĐCS và ảnh hưởng của sự thách thức
Sau khi kiến nghị 72 ra đời hồi năm 2013, đảng
cộng sản im lặng một thời gian rồi lên tiếng chỉ trích những người đưa
kiến nghị 72 là chống lại sự cai trị của đảng. Hiến pháp Việt nam sửa
đổi 2013 vẫn duy trì đảng cộng sản và ý thức hệ của nó ở vị trí độc tôn.
Sau khi ký kiến nghị 61, Giáo sư Tương lai nói
rằng ông chờ đợi sự phản hồi của đảng. Từ đó đến thời điểm chúng tôi
hoàn thành bài viết này thời gian đã hơn một tháng, người ta chưa thấy
truyền thông của đảng cộng sản lên tiếng. Còn ông Hà Sĩ Phu thì nói rằng
đảng cộng sản cũng sẽ bỏ ngoài tai kiến nghị 61:
“Có thể nói chắc chắn rằng họ không nghe gì
cả. Điều đó là đương nhiên, họ không nghe một tí gì, không nghe một phần
trăm nào. Bởi vì cái lập trường của đảng thì quá rõ rồi, vì đối với
đảng cộng sản chân lý là vô nghĩa, lòng tốt là vô nghĩa, đặt trên bàn
của họ chỉ là lợi ích.”
Tuy nhiên cũng có người, như Giáo sư Nguyễn Mạnh
Hùng người theo dõi sát chính trị Việt nam cho rằng mặc dù có thể không
được lắng nghe, nhưng những kiến nghị như thế là rất tốt. Nhà văn Phạm
Đình Trọng thì hy vọng tác động của kiến nghị 61 đến các đảng viên của
chính đảng cộng sản:
“Cái kiến nghị này là văn bản chính thức của
một số đảng viên, họ đã dứt khoát lên tiếng đoạn tuyệt với chủ nghĩa
Marx, chủ nghĩa cộng sản. Đoạn tuyệt với chủ nghĩa Marx tức là cái lõi
lý luận của chủ nghĩa cộng sản. Đây là một tiếng nói rất rõ ràng. Còn
lại là những người kiếm lợi từ chủ nghĩa cộng sản, những người bất tài,
kém cỏi, và nhờ có chủ nghĩa cộng sản họ mới có vị trí như thế, thì họ
sẽ cố duy trì, nhưng đây là một đợt tấn công mạnh mẽ vào cái thành trì
bảo thủ ấy.”
Những lời phát biểu này thể hiện rằng sự thách
thức chủ nghĩa cộng sản tại Việt nam theo năm tháng đã chuyển từ sự
thách thức trên phương diện ý thức hệ sang sự thách thức về quyền lực và
quyền lợi không còn mang màu ý thức hệ nữa. Chỉ trích ý thức hệ vẫn có
thể diễn ra một cách công khai khi mà nó chưa xuống đường để đụng chạm
tới quyền lợi của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Điều này được thấy rõ trong một tương quan so
sánh sau đây: chỉ sau hội thảo “Thoát Trung” vài ngày, Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng trong buổi nói chuyện với lực lượng công an đã nhắc đến thế lực
thù địch và sự chuyển hóa chính trị nguy hiểm cho chế độ. Tuy nhiên
trước đó, trong hội trường diễn ra hội thảo “Thoát Trung” nhiều người
nêu lên sự không đúng đắn của chủ nghĩa Marx ngay dưới chân dung ông.
0 comments:
Post a Comment