Thursday, August 21, 2014

(Bài 6) - Huế Nợ Ai?

(Bài 6) - Huế Nợ Ai?


_____________________

Huế - Thảm Sát Mậu Thân


Huế - Thảm Sát Mậu Thân  
Tác giả Liên Thành
Nguyên Chỉ Huy Trưởng Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh Thừa Thiên và Thị Xã Huế

(Tái bản lần thứ 5, 5-2014, có bổ túc), dày hơn 820 trang, bìa cứng chữ mạ vàng, sách đóng chỉ
1/ Đặt sách online (Credit Card/ Paypal)
- Địa chỉ nhận sách tại Hoa KỳUS $35 >> Bấm vào Đặt sách online
- Địa chỉ nhận sách ngoài Hoa KỳUS $70 >> Bấm vào Đặt sách online
2/ Đặt sách bưu điện (Money Order/ Check) xin gởi về
Liên Thành
Address: P.O. Box 6147 - Fullerton, CA 92834 - USA
Phone: 626-257-1057
Email: ubtttadcsvn.vg@gmail.com
______________________
Bài 6
Huế Nợ Ai?
Liên Thành

(Trích trong sách Huế - Thảm Sát Mậu Thân)
___________________

---------------------------------------------------------
Trích 9 bài từ các trang 135, 489, 688, 710, 754, và 763  trong sách Huế - Thảm Sát Mậu Thân  Bài 1 2 3 4 5 6 7 8 9
---------------------------------------------------------

HUẾ NỢ AI! VÀ AI NỢ HUẾ! 

Với tôi, thường thì nợ tiền nợ bạc dễ trả, nhưng nợ ân tình, nợ ân nghĩa, làm sao trả được đây?
Trong cuộc thảm sát Tết Mậu Thân 1968, Huế đã nợ ai? Và ai đã nợ Huế?

Huế Nợ Ai?

Hai mươi sáu ngày Huế sống trong hãi hùng ghê rợn xác chết sình thối vương vãi đầu đường cuối xóm, đến tận chốn ruộng đồng khe rạch, đâu đâu cũng xác người. Huế bị đày đọa khốn khổ điêu linh, bị tàn sát bởi kẻ thù phương bắc và bọn quỷ đỏ địa phương. Bọn nằm vùng tại Huế, chúng sinh ra và lớn lên bên cạnh dòng sông Hương dịu dàng thơ mộng, với núi Ngự Bình với đồi Vọng Cảnh lãng đãng sương mù và những thôn xóm “vườn ai mướt quá xanh như ngọc” của Hàn Mặc Tử, và với nếp giáo dục của một cố đô lễ nghĩa khuôn phép đạo đức. Thế nhưng tất cả những tinh hoa của vùng địa linh này đã không thể uốn nắn giáo dục được bọn cộng sản nằm vùng. Bởi vì có lẽ chúng là những con quỷ đầu thai làm người ở xứ Huế. Những con quỷ đó là ai? Là những kẻ đã sử dụng tôn giáo làm bình phong che đậy cho bộ mặt cộng sản thứ thiệt như Đôn Hậu, Trí Quang, Thiện Siêu, Chánh Trực, Như Ý là những tên như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân, Lê Văn Hảo, Nguyễn thị Đoan Trinh v.v…

Đặc biệt, nếu không được che đậy bằng bộ mặt tôn giáo thì có lẽ dân Huế đã không bị phỉnh gạt nặng đến như vậy. Cái gì thầy nói cũng đều là chân lý mà tín đồ không cần phải suy nghĩ thêm. Thầy nói thầy không là cộng sản, thầy chỉ chống độc tài Mỹ-Diệm-Thiệu-Kỳ đàn áp tôn giáo, thì tín đồ sẽ tin Mỹ Diệm Thiệu là những tên độc tài và không bao giờ tin thầy là cộng sản, và còn tin rằng tôn giáo mình đã bị đàn áp bởi bè lũ cầm quyền!

     Nhưng tín đồ có biết đâu, trong đêm tối, trong những lúc cửa đóng then cài thầy đã rước cộng sản vào chùa, giấu vũ khí trong chùa lừa gạt tín đồ. Không có các thầy và những tên tay sai đắc lực của thầy thì dân Huế không thể chết nhiều như thế. Huế kêu trời, trời ngoảnh mặt. Huế kêu đất, đất lặng yên. Huế kêu gọi thần linh, Huế cẩu khẩn Phật, Chúa ai cũng quay lưng. Dân Huế chết oan chết ức, dân Huế chết mà chẳng biết đã làm gì nên tội mà phải chết. Huế đang tuyệt vọng, Huế kêu cứu. Cuối cùng tiếng kêu cứu đau thương đó đã đến tận trái tim của những chàng trai Miền Nam anh dũng trên đến từ khắp bốn vùng chiến thuật. Những anh lính Việt Nam Cộng Hòa, những thiên thần của xứ Huế!

     Họ là người lính Nhảy Dù. Họ là Thủy Quân Lục Chiến. Họ là Biệt Động Quân. Họ là Sư Đoàn I Bộ Binh. Họ là Đại Đội Trinh Sát của Đại Úy Nguyễn Tri Tấn. Họ là Đại Đội Hắc Báo của sư đoàn I Bộ Binh tinh nhuệ. Họ là Không Quân. Họ là Hải Quân. Họ là Lực Lượng Đặc Biệt trong đêm khuya đã được nhảy từng toán một vào vùng địch tại Kim Long, Liễu Cốc. Họ là Địa Phương Quân. Họ là Nghĩa Quân. Họ là những đoàn Xây Dựng Nông Thôn. Họ là Cảnh Sát Quốc Gia. Tất cả họ là người Lính Việt Nam Cộng Hòa, từ chính quy đến bán chính quy. Tất cả đã lăn xả vào trận chiến, đem xương trắng máu đào bảo vệ đồng bào bảo vệ Huế, phản công đẩy lui Cộng quân ra khỏi thành phố Huế, cho dù máu đổ xương rơi vẫn quyết một lòng làm trọn nhiệm vụ mà quốc gia dân tộc đã giao phó cho họ. Họ đã hãnh diện hy sinh mạng sống cho tổ quốc điêu linh và cho đồng bào đang khốn khổ bởi hành động tàn bạo của cộng quân.

    Ôi những người lính Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh mạng sống mình cho dân chúng Huế được sống Tết Mậu Thân 1968. Các anh xứng đáng nhận được sự kính trọng muôn đời của đồng bào Huế với các anh, những anh hùng liệt sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã Vị Quốc Vong Thân:
    Xin nhận những nén nhang và ba lạy ơn nghĩa ơn tình của biết bao đồng bào Huế đã luôn khấn nguyện vong linh các anh cứ mỗi độ xuân về: Người Lính Việt Nam Cộng Hòa, anh hùng muôn đời của lịch sử.
      
        Đặc biệt tri ơn những ân nhân đã khuất bóng:

1- Cố Trung Tướng Ngô Quang Trưởng
    - Tư lệnh Sư Đoàn I Bộ Binh.
    - Tư Lệnh Quân Đoàn I/Quân Khu I.

    Đã 3 lần trong đời binh ngiệp của ông xã thân cứu Huế.
    - Năm 1966, Miền Trung nổi loạn, sư đoàn I Bộ binh gần như rã ngũ, Đại Tá Ngô Quang Trưởng đã cùng lực lượng Chính Phủ Trung Ương đến Huế ổn định tình hình, tái tổ chức lại Sư đoàn I Bộ Binh.
    - Mậu Thân 1968, Chuẩn Tướng Ngô Quang Trưởng là Tư lệnh chiến trường Trị Thiên, phản công đánh tan gần 10 ngàn quân cộng sản, đẩy bọn chúng ra khỏi Thành phố Huế.

Cố Trung Tướng Ngô Quang Trưởng

   - Mùa hè đỏ lửa tháng 5/1972, cộng quân xua 10 ngàn quân, lần nầy có cả xe tăng tấn công Trị Thiên-Huế, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh chiến trường Trị Thiên-Huế, phản công tái chiếm Quảng Trị, và lại một lần nữa cứu Huế khỏi rơi vào tay cộng sản.

2- Cố Thiếu Tướng Phạm Văn Phú
    Tư Lệnh Phó Sư Đoàn I Bộ Binh
    Tư Lệnh Sư Đoàn I Bộ Binh
    Tháng 5/1972 sau khi chiếm xong thị xã Đồng Hà và tỉnh Quảng Trị, cộng quân xua 10 ngàn quân, mưu toan tấn công chiếm Huế. Là Tư Lệnh Sư đoàn I BB, một trong những sư đoàn thiện chiến nhất của quân lực VNCH, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú thật đã không hổ danh là Tư Lệnh của một sư đoàn tinh nhuệ và thiện chiến trấn giữ vùng giới tuyến.

Cố Thiếu Tướng Phạm Văn Phú
       Ông tự sát ngày 30 tháng 4 khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng

    Còn nhớ trong những ngày mùa hè đỏ lửa tại Huế, cộng quân pháo hằng loạt hằng giờ loại hỏa tiễn 122 ly, 130 ly vào các mục tiêu trong thành phố Huế một cách khá chính xác vì bọn chúng đã chiếm cao điểm Baston, một cao điểm chiến lược nằm về phía tây thành phố Huế. Tại cao điểm nầy bọn chúng có thể quan sát Thành phố Huế và những mục tiêu trong thành phố mà bọn chúng muốn pháo kích.

    Cao điểm nầy nếu Sư đoàn I không chế ngự được thì Huế sẽ còn bị cộng quân pháo kích và số thiệt hại về nhân mạng và tài sản của đồng bào Huế sẽ lên rất cao. Trong nhiều ngày Thiếu Tướng Phạm Văn Phú đã tung nhiều đợt tấn công, nhưng vẫn không chiếm được cao điểm Baston, địch vẫn tiếp tục pháo kích vào thành phố Huế. Cuối cùng ông đã đưa ra một quyết định thật táo bạo đó là cho lực luợng nhảy ngay trên đầu địch và đánh bật ra, hay nói theo danh từ quân sự là “nở hoa trong lòng địch”.

    Một đơn vị tinh nhuệ của Sư Đoàn I/BB đã được Thiếu Tướng Phạm Văn Phú giao phó trách nhiệm lịch sử nầy, đó là Đại Đội Hắc Báo. Chỉ một trung đội của đại đội Hắc Báo sau đợt oanh kích yểm trợ của Không Quân VNCH vào mục tiêu Baston, trung đội Hắc Báo do Thiếu Úy Tuấn chỉ huy đã từ trực thăng vận nhảy xuống đánh bật cộng quân ra khỏi cao điểm Baston. Kể từ ngày giờ đó Huế không còn bị pháo của cộng quân nữa.

    Thiếu Úy Tuấn và trung đội Hắc Báo của anh đã quả cảm hoàn thành một sứ mạng lịch sử oai hùng, cứu được bao nhiêu sinh mạng cũng như tài sản của chính phủ và đồng bào Thừa Thiên, cũng như đem lại sự ổn định an ninh cho Huế. Trung đội Hắc Báo và Thiếu Úy Tuấn quả là những anh hùng tuyệt vời của trang quân sử Việt Nam Cộng Hòa.

    Ngày 30 tháng 4 năm 1975, thiếu tướng Phạm Văn Phú đã tự tử tại nhà. Trang quân sử Việt Nam muôn đời khắc ghi tấm gương oanh liệt của Thiếu Tướng.

3- Cố Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan
    Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia, Cục Trưởng An Ninh Quân Đội, Giám Đốc Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo.

    Không có ông, phong trào Bàn Thờ Phật Xuống Đường sẽ là một hiểm họa đưa đến mất Huế/Trị Thiên vào tay cộng sản năm 1966. Với bản tính mạnh mẽ và một khả năng lãnh đạo thiên phú, ông đã làm được  điều mà 4 tướng Nguyễn Chánh Thi, Nguyễn Văn Chuân, Tôn Thất Đính, Huỳnh Văn Cao, đã không thể làm được.
                        
Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan
Một đời tận tụy với non sông

        Mậu Thân tại Sài Gòn ông là vị tướng duy nhất xả thân cầm súng chiến đấu bên cạnh các chiến sĩ Cảnh Sát Dã Chiến và Cảnh Sát Quốc Gia trên khắp các nẻo đường Sài Gòn. Với thiên tài về quân sự, ông đã chế ngự được bọn cộng sản một cách dễ dàng, không có Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan, Sài Gòn có thể đã trở thành một biển máu như Huế.

    Sau khi ổn định Sài Gòn, ông liền lập tức bay ra ổn định Huế. Với một tình yêu bao la dành cho xứ Huế, nơi ông đã sinh ra và lớn lên, chính ông đi xin đất xin tôn xin gạch để làm nhà và chính tay ông đã cầm búa cầm đinh miệt mài hối hả làm việc như một ông thợ nề, một đốc công xây cất, để nhanh chóng hoàn tất nơi trú ẩn cho đồng bào không còn nhà cửa sau cuộc thảm sát. Trại tỵ nạn Tình Thương cho dân Huế sau thảm sát Mậu Thân và việc ông cấp lương cảnh sát cho khoảng 150 cô nhi quả phụ Cảnh Sát Quốc Gia sau thảm sát Mậu Thân để nuôi dưỡng các cháu thơ nên người là một chứng tích của tấm lòng nhân hậu thương dân như con của ông. Trung Tâm Phượng Hoàng đầu tiên của Huế do chính bàn tay ông cầm búa đóng đinh xây dựng nên, và những bài học về tình báo trong chiến dịch Phượng Hoàng thao thao bất tuyệt một thầy một trò của ông dạy cho tôi, cũng là tất cả tình yêu và tâm huyết của ông dành cho đất nước Việt Nam và xứ Huế. Từ việc dẹp phong trào Bàn Thờ Phật Xuống Đường, bắt Thích Trí Quang, đến việc lăn xả trong lửa đạn tết Mậu Thân tại Sài Gòn, tổ chức chương trình Phượng Hoàng v.v. tất cả đều xuất phát từ tấm lòng yêu nước, quyết tâm tận diệt tai họa cộng sản, bất chấp cá nhân mình phải lãnh những hậu quả nào.

    Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan, một vị tướng tài ba lỗi lạc liêm khiết, một tấm gương can đảm thẳng thắn hiếm có, một nhân cách quân tử cao vời, một người con hiếu thảo phụng dưỡng mẹ già đến hơi thở cuối cùng. Ông là niềm hãnh diện của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và của quốc gia, ân nhân lớn của Sài Gòn và Huế. Miền Nam Việt Nam mãi mãi tiếc thương và nhớ ơn Thiếu Tướng.

(Xin đọc bài Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan và Huế)

4- Cố Đại Tá Phan Văn Khoa
     Tỉnh Trưởng Tỉnh Thừa Thiên Thị trưởng Thị xã Huế 1965-1968.

    Tháng 2/1966 khi Thích Trí Quang và Thích Đôn Hậu lợi dụng Phật Giáo và Phật tử phát động cuộc phản loạn tại miền trung. Trong tình thế hỗn loạn nhiễu nhương tại Miền Trung và đặc biệt là Thừa Thiên-Huế từ tháng 3/1966 trở đi, Tỉnh Trưởng tỉnh Thừa Thiên, Thị Trưởng Thị xã Huế, Trung Tá Phan Văn Khoa là vị tỉnh trưởng duy nhất, trung thành với chính nghĩa quốc gia, dám đứng ra chống đối phong trào làm loạn của ông Trí Quang và Đôn Hậu, không đi theo phe phản loạn của Tướng Nguyễn Chánh Thi và Trí Quang.

    Tư gia ông bị nhóm phản loạn đốt cháy, văn phòng và Tòa Hành Chánh Tỉnh bị đám phản loạn chế ngự, đài phát thanh Huế và các công ốc của chính phủ trong thành phố cũng bị bọn chúng chiếm cứ, Trung Tá Tỉnh Trưởng Phan Văn Khoa phải di tản toàn bộ Chỉ huy của ông ra khỏi thành phố Huế về trú đóng tại Bộ Chỉ Huy Chi Khu Hương Thủy đợi viện binh của chính phủ trung ương từ Saigon ra tiếp ứng.

    Phải nói rằng sự thành công của Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan trong vụ dẹp đám phản loạn miền trung Trí Quang, Đôn Hậu tại Huế đã có một phần lớn sự đóng góp tích cực của Trung Tá Phan Văn Khoa Tỉnh Trưởng Tỉnh Thừa Thiên, Thị Trưởng Thị Xã Huế.

    Trong biến cố Mậu Thân 1968 Trung Tá Tỉnh Trưởng đã mắc phải lỗi lầm lớn đó là quá chủ quan, nên đã không có kế hoạch phòng thủ Huế và cũng không có mặt tại Bộ Chỉ Huy. Thế nhưng sau khi được cứu thoát, kể từ ngày mùng bảy Tết cho đến ngày 26 tháng 2 /1968 ông đã chu toàn  trách nhiệm  của mình đối với đồng bào Huế. Cho dù bị cách chức trả về quân đội vì lỗi lầm lớn này, nhưng ông thật sự là một vị tỉnh trưởng đáng kính, một vị tỉnh trưởng biết đặt vận mệnh quốc gia lên trên quyền lợi cá nhân không, vững vàng không nao núng trước áp lực của các chùa, đại đức thượng tọa. Ông đã trả giá cho sự chủ quan của mình trong biến cố Mậu Thân, đời sống có ai không lầm lỗi? Thế nhưng công lao của ông trong vụ biến động miền trung dẹp Bàn Thờ Phật Xuống Đường tái lập an ninh và đời sống bình thường cho dân chúng là một công ơn của ông đối với Huế.

    Đối với cá nhân tôi, ông là một cấp chỉ huy đáng kính, một sĩ quan có tài, đức.

5- Cố Chuẩn Tướng Lê Văn Thân
    Đại Tá Lê Văn Thân, Tỉnh Trưởng Tỉnh Thừa Thiên Thị trưởng Thị xã Huế 1968-1971. Từ Bộ Tổng Tham Mưu ra thay thế Trung Tá Phan văn Khoa bị cách chức trả về quân đội sau Mậu Thân.

    Xin đặc biệt cảm tạ Đại Tá Lê Văn Thân trong công tác truy tìm nạn nhân và các mồ chôn tập thể tại Huế. Ông lệnh cho tôi dẫn tên Hồ Tỵ bí danh Sơn Lâm, Huyện Ủy Viên huyện Hương Thủy đặc trách an ninh, mà chúng tôi đã bắt được sau Mậu Thân, đến gặp ông mỗi ngày. Ròng rã suốt 3 tháng trời, từ sáng đến chiều ông đã cùng tôi và tên Sơn Lâm dùng phương tiện máy bay trực thăng bay liên tục trên vòm trời Huế để tên Sơn Lâm chỉ những vùng có mồ chôn tập thể mà hắn biết được, vì hắn là người đã từng hoặc thi hành lệnh, hoặc tự ý đã ra lệnh cho thuộc cấp của hắn chôn sống hằng trăm đồng bào tại các quận Phú Vang, Phú Thứ, Hương Thủy.

    Ngoài việc truy tầm các mồ chôn tập thể, Đại Tá Tỉnh Trưởng Lê Văn Thân còn dùng mọi phương tiện của chính quyền tỉnh thị xã lo lắng chu toàn trong việc cải táng cho các đồng bào bất hạnh có nơi yên nghĩ tại nghĩa trang tập thể Ba Đồn.

    Lỗi lầm của ông là quá nuông chiều và sợ các áp lực từ các tu sĩ Phật Giáo nên đã ngó lơ hoặc rất nương tay với các phần tử nằm vùng khoác áo Thượng Tọa Đại Đức làm gì thì làm.

    Dẫu vậy, ông cũng đã hết lòng lo lắng cho việc truy tìm nạn nhân thảm sát Huế Mậu Thân. Xin chân thành cảm tạ Chuẩn Tướng Lê Văn Thân.

6- Đại Tá Tôn Thất Khiên
   Tỉnh trưởng tỉnh Thừa Thiên, thị trưởng thị xã Huế, tháng 10/1971- 11/1974.

      Xuất thân và đã từng giữ những chức vụ cao cấp trong Sư Đoàn I Bộ Binh, và sau đó ông trở thanh chuyên viên “hành nghề” Tỉnh Trưởng như tỉnh trưởng tỉnh Quảng Ngãi, rồi tỉnh Trưởng tỉnh Quảng Trị trước khi đảm nhận chức Tỉnh Trưởng Tỉnh Thừa Thiên Thị trưởng Thị xã Huế, thay thế Đại Tá Lê Văn Thân bị thuyên chuyển vì không chu toàn nhiệm vụ trong vụ bầu cử Tổng Thống  nhiệm kỳ II vào ngày 1 tháng 10 năm 1971.

    Là một người Huế chính gốc Hoàng Tộc nên ông có những tình cảm thiết tha mặn nồng với Cố Đô.

    Tháng 5/1972 mùa hè đỏ lửa mà cộng quân tung 10 ngàn quân tấn công và chiếm Huế bằng chiến thuật cũ, đó là tạo một cuộc “tổng nổi dậy” lần thứ ba. Cuộc “tổng nổi dậy” đầu tiên được lãnh đạo bởi Thích Trí Quang có tên là “bàn thờ Phật xuống đường”, cuộc tổng nổi dậy lần thứ 2 chính là cuộc thảm sát Mậu Thân. Để phá vở âm mưu cuộc tổng nổi dậy lần 3 này, bộ chỉ huy CSQG Thừa Thiên/Huế đã ra tay trước, mở cuộc hành quân mang tên Bình Minh hốt sạch trọn ổ bọn cơ sở nội thành chủ chốt tại Huế để ngăn chận  cuộc tổng nổi dậy do cơ quan Thành Ủy Việt Cộng sắp đặt. Trong cương vị Tỉnh Trưởng tỉnh Thừa Thiên, thị trưởng thị xã Huế, ông đã hổ trợ tối đa cho lượng Cảnh Sát Quốc Gia Thừa Thiên Huế thi hành luật pháp. Nhờ thế dân Huế đã thoát được cuộc tổng nổi dậy lần thứ III của quân cộng sản, xin ghi ơn sự đóng góp thật lớn lao này của ông đối với Huế. Ngoài ra cá nhân tôi và toàn thể bộ chỉ huy CSQG Thừa Thiên/Huế cũng nợ ông một món nợ ân tình. Đó là chính ông đã đứng ra đỡ đòn cho lực lượng CSQG Thừa Thiên Huế và nhất là cá nhân tôi. Không có ông chúng tôi khó lòng hoàn thành nhiệm vụ. Còn nhớ trong chiến dịch Bình Minh, chúng tôi đã bắt khoảng 1500 cơ sở nằm vùng trong đó cả các viên chức chính quyền cao cấp của tỉnh và có cả “quân nhân” QLVNCH làm nội tuyến, có cả thành phần cao cấp trong các đảng phái chính trị, các thành phần lãnh đạo Phật Giáo cũng nội tuyến, do đó áp lực đã đè rất nặng lên lực lượng CSQG Thừa Thiên Huế. Phía các đảng phái chính trị, phía Phật Giáo Ấn Quang đã vận động 4 dân biểu hạ viện quốc hội từ Sài Gòn, trong đó có bà Kiều Mộng Thu và một ông dân biểu Huế (xin tạm không nêu tên ở đây) buộc chúng tôi phải thả cơ sở cộng sản nằm vùng, lấy cớ khơi khơi rằng chúng tôi là bắt bớ dân lành vô tội! Không có Đại Tá Tôn Thất Khiên, anh em CSQG chúng tôi khó mà yên thân với các chùa, các đảng phái và các vị “dân biểu” VNCH này.

    Nhiều năm tù tội trong các trại tù cộng sản sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, giờ đây Đại Tá Tôn Thất Khiên và gia đình đang định cư tại Hoa Kỳ. Ngoài tình bà con trong Hoàng Tộc, tôi và ông còn có tình thầy trò. Ông đã hết lòng hổ trợ chúng tôi trong chiến dịch Bình Minh, làm ngơ cho chúng tôi đàn áp phong trào biểu tình chống tham nhũng tại Huế của linh mục Trần Hữu Thanh để cuối cùng ông bị cách chức tỉnh trưởng.

    Đại Tá Tôn Thất Khiên là một vị chỉ huy đứng về phía lẽ phải, sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân để bảo vệ lý tưởng quốc gia và quyết tâm diệt cộng.    

Trong cả hai tình nghĩa đó, Liên Thành và anh em lực lượng CSQG Thừa Thiên-Huế xin ghi lòng tạc dạ ân tình của ông và gởi đến Đại Tá lời cảm ơn chân thành từ đáy lòng…

7- Thiếu Tá Nguyễn Văn Tố
    Mậu Thân 1968 Thiếu tá Nguyễn Văn Tố là Tham Mưu Trưởng Tiểu Khu Thừa Thiên.

    Trong suốt thời gian 26 ngày cộng quân chiếm Huế, tại khu vực quận III danh từ của VNCH, và là khu vực cánh Nam của mặt trận Huế, danh từ của cộng quân, Thiếu Tá Nguyễn Văn Tố là địch thủ của Tư Lệnh Cánh Nam mặt trận Huế, Đại tá Việt Cộng Thân Trọng Một. Bởi lẽ tại khu vực mặt trận cánh nam ngay giờ phút đầu của cuộc tấn công, vị Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Trung Tá Phan Văn Khoa bị kẹt tại tư thất không thể có mặt tại nhiệm sở để chỉ huy và điều động cuộc phản công, vị Tiểu Khu Phó kiêm Quân Trấn Trưởng Quân Trấn Huế Thiếu Tá Bảo bị thương trầm trọng, bộ chỉ huy Tiểu Khu Thừa Thiên còn lại một giới chức độc nhất đó là Thiếu Tá Nguyễn Văn Tố, Tham Mưu Trưởng. Ông đã chỉ huy lực lượng bố phòng, đẩy lui mọi cuộc tấn công của cộng quân vào BCH/Tiểu Khu, ông đã xuất sắc đối đầu với Thân Trọng Một và sau đó ròng rã suốt 26 ngày ông phối hợp điều động lực lượng cơ hữu của Tiểu Khu và lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia Thừa Thiên-Huế hành quân phối hợp với quân đội Hoa Kỳ đẩy lui cộng quân ra khỏi quận III, gây tổn thất nặng nề cho bọn chúng.

    Ngoài ra cũng phải cần nói đến tấm lòng của ông đối với đồng bào Huế: Trong những ngày ly loạn Tết Mậu Thân, tại các trại tỵ nạn ngay trong Quận III Thành phố Huế, đồng bào đã quá cơ cực vì cộng quân pháo kích tấn công vào các trại tỵ nạn, họ còn phải chịu cơn lạnh cắt da của mùa đông xứ Huế và đói run người. Tôi đã trình với ông cảnh kiệt quệ này và may thay quyết định của ông đã cứu được hằng ngàn đồng bào tỵ nạn khỏi cơn đói lạnh.

- “Liên Thành! Lập tức phong tỏa lập biên bản tịch thu một kho gạo, cấp phát cho đồng bào. Chính quyền tỉnh sẽ trả tiền lại cho chủ nhân sau khi khi tình hình Huế ổn định.”

    Tôi đã gặp bác Võ Văn Quế, Trung Úy CSQG, chủ đại bài gạo tại ngã ba Lê Lợi- Đội Cung. Bác Quế rất vui vẻ mở cửa kho gạo để lực lượng cảnh sát chúng tôi phân phối gạo cứu giúp đồng bào bị đói tại các trại tỵ nạn và tư gia.

    Giờ đây là thời điểm năm 2011, những người bị đói lạnh năm xưa trong các trại tỵ nạn tại Huế vào Mậu Thân 1968 có kẻ vẫn còn trên cõi đời, nhưng cũng đã có người khuất bóng, có người lưu lạc tha phương, có kẻ còn lại quê nhà, không cách nào hơn, tôi xin được đại diện cho lực lượng CSQG Thừa Thiên/Huế và cho số đồng bào đã nhận được số gạo cứu trợ này gởi lời chân thành đến hai ân nhân Thiếu Tá Nguyễn Văn Tố và Trung Úy Võ Văn Quế:
             Miếng khi đói bằng đọi khi no.
             Của tuy tơ tóc, nghĩa so ngàn trùng.

    Xin muôn vàn cảm tạ Thiếu Tá Nguyễn Văn Tố và cố Trung Úy Cảnh Sát Võ Văn Quế.

    Chiến cuộc chấm dứt vào ngày 26 tháng 2 năm 1968, Thiếu Tá Nguyễn Văn Tố đã được vinh thăng Trung Tá tại mặt trận cùng với Bảo Quốc Huân Chương Đệ Tứ Đẳng, kèm Anh Dũng Bội Tinh Nhành Dương Liễu.

    Trước ngày 30 tháng 4/1975 Đại Tá Nguyễn Văn Tố là Tỉnh Trưởng tỉnh Phú Yên.

    Trong thời gian bị cộng sản cầm tù sau ngày 30/4/1975, đã có lần bọn chúng đem ông và một người bạn của ông ra xử bắn, nhưng chẳng hiểu tại sao bọn chúng lại ngưng.

    Hiện tại ông và gia đình đang định cư tại nam California, USA.

8- Trung Tá Nguyễn Văn Tăng
    Quận Trưởng, Chi Khu Trưởng Chi Khu Hương Thủy.

    Nếu tin vào mạng số thì có lẽ mạng số của ông đã phải gắn liền với số mạng của Huế. Trong những lần Huế bị nạn, Thiếu Tá Nguyễn Văn Tăng đều có mặt, kề vai vào chống đỡ nỗi khổ đau, điêu linh, thăng trầm của Huế.

    Năm 1966, quận Hương Thủy của Thiếu Tá Tăng, và chính ông cùng một ít sĩ quan đứng ra chống lại cuộc bạo loạn miền trung của nhóm cộng sản khoác áo tăng lữ trong Phật Giáo Ấn Quang như Trí Quang, Đôn Hậu v.v… Quận đường Hương Thủy và Chi Khu Hương Thủy của Thiếu Tá Tăng là căn cứ địa an toàn cho lực lượng địa phương và chính phủ trung ương làm đầu cầu và tuyến xuất phát để tái chiếm Huế trong tay bọn tranh đấu.

    Ngày mùng 6 Tết Mậu Thân 1968, Thiếu Tá Nguyễn Văn Tăng chỉ huy hai đại đội Địa Phương Quân Cơ Hữu, vượt đoạn đường gian truân trắc trở và đầy hiểm nguy từ Dạ Lê đem quân vào Quận III tiếp cứu Huế, tiếp cứu Tiểu Khu Thừa Thiên, nơi mà người bạn thân của ông, Thiếu Tá Nguyễn Văn Tố đang là người hùng cô đơn chống trả các đợt tấn công của cộng quân với lực lượng quá chênh lệch 1 người lính VNCH chống 30 tên cán binh Bắc Việt.

    Có thể nói đơn vị đầu tiên của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tiếp cứu Quận III thị xã Huế là hai đại đội Địa Phương Quân của Thiếu Tá Nguyễn Văn Tăng do chính ông chỉ huy.

    Mùa Hè đỏ Lửa Tháng 5/1972, Trung Tá Nguyễn Văn Tăng Tham Mưu Trưởng Tiểu Khu Quảng Trị lui binh vào Huế. Ông đến Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát thăm tôi, tuy gian lao mệt nhọc, nhưng dáng dấp vẫn như xưa, khoan thai, chậm rãi, đầy nghị lực.

    Sau nhiều năm trong tù cộng sản, hiện ông và gia đình đang định cư tại nam California, USA.

9- Nghị Viên Võ Văn Bằng
    Ông là Nghị Viên Hội Đồng Tỉnh Thừa Thiên, và cũng là một trong những đệ tử ruột của ông Thích Trí Quang, nhưng ông khác người ở chỗ là đã “ngộ” rất sớm khi thấy những việc làm sai trái của một số tăng lữ lợi dụng Phật Giáo hoạt động cho cộng sản. Là một Phật Tử chân chính, phân biệt rõ ràng giữa Phật và Thầy, giữa đạo và đời, thật hiếm có những tín đồ như ông trong giới Phật Tử tại Thừa Thiên Huế.

    Sau Mậu Thân 1968, ông được Đại Tá Lê Văn Thân, Tỉnh Trưởng Tỉnh Thừa Thiên Huế, mời làm Trưởng Ban Truy Tầm và Cải Táng Nạn Nhân Tết Mậu Thân. Với sự hổ trợ giúp đỡ tích cực của đồng bào, của chính quyền Thừa Thiên-Huế và Đại Tá Tỉnh Trưởng Lê Văn Thân, nghị viên Võ Văn Bằng cùng với thân nhân của 5327 nạn nhân đã lo liệu đem thi hài các nạn nhân chôn cất tươm tất, an nghỉ tại nghĩa trang tập thể Ba Đồn.

    Tôi nghĩ, đại đức, tăng ni tu trọn khiếp người chưa chắc đã đạt được tấm lòng đạo đức nhân hậu như Nghị Viên Võ Văn Bằng, và nếu cõi đời sau có Niết Bàn thì nơi đó chính là nơi dành cho ông nghị viên đạo đức này.

     Trên đây là những vị ân nhân của Huế mà tôi nhớ được.
  
    Bản chất của dân tộc Việt Nam nhất là những người miền nam Việt Nam, luôn nghĩ đến mang ơn phải trả, mang nghĩa phải đền. Mậu Thân 1968 là một tai ương, một thảm họa của dân tộc, của xứ Huế. Những ai được sống sót sau thảm họa nầy đều mang ân nghĩa quá nặng với những tất cả các chiến sĩ VNCH và những vị ân nhân đã xã thân cứu Huế và đồng bào Huế, món nợ nầy trọn kiếp không trả nỗi, chỉ xin nói nhiều lần trong đời người:
    Xin Cám ơn…xin cám ơn… Xin cám ơn quý anh hùng tử sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa… Quý ân nhân đã xã thân cứu Huế cứu đồng bào Huế. Chúng tôi mãi mãi không quên ơn nghĩa nầy!

***

    SƯ ĐOÀN KỴ BINH KHÔNG VẬN HOA KỲ
             Và BCH/CSQG/THỪA THIÊN-HUẾ
          Như tôi đã trình bày ở phần trước, những ngày cận Tết Mậu Thân 1968, tình hình an ninh mỗi ngày mỗi nguy ngập. Lực lượng Hoa Kỳ trú đóng tại căn cứ Phú Bài là 2/3 sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến (USMC) thuộc Quân Đoàn 24, Tướng 4 sao Westmoreland, Tư Lệnh quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam tăng cường cho Thừa Thiên-Huế Sư Đoàn 101 Nhảy Dù và Sư Đoàn Kỵ Binh Không Vận Hoa Kỳ.

          Sư Đoàn Kỵ Binh Không Vận Hoa Kỳ đến Thừa Thiên-Huế trước Tết Mậu Thân 1968 và họ đã bố trí theo một tuyến dài phía tây bắc thành phố Huế, dọc vùng núi tỉnh Thừa Thiên. Trận chiến phản công tái chiếm thành phố Huế, ngoài quân lực Việt Nam Cộng Hòa, đơn vị đồng minh chiến đấu sát cạnh là Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ (USMC), tôi không nhớ rõ có đơn vị 101 Nhảy Dù tham dự hay không, nhưng chắc chắn là Sư Đoàn 1 Kỵ Binh Không Vận Hoa Kỳ họ đã dàn quân bố trí dọc phía tây bắc thành phố Huế, vùng núi thuộc tỉnh Thừa Thiên. Vào đêm 24, 25/2/1968, cộng quân tháo chạy khỏi thành phố Huế về phía vùng núi tây bắc, bọn chúng đã đụng đầu ngay với Sư Đoàn Kỵ Binh Không Vận Hoa Kỳ và kết quả là cộng quân đã thiệt hại nặng về nhân mạng vũ khi đến hơn 90%.

          Còn nhớ vào khoảng đầu năm 1969, Thừa Thiên-Huế có một trận lụt khá lớn, BCH/CSQG/Thừa Thiên-Huế khám phá Tiểu Đoàn K-4 thuộc Công Trường 4 Việt Cộng đang ẩn trốn tại vùng quận Vinh Lộc, vì lụt lớn bọn chúng không thể vượt đầm Cầu Hai để trở lại mật khu. Sau khi họp bàn với viên Cố Vấn Cảnh Sát Đặc Biệt, hai chúng tôi đi gặp và yêu cầu Chuẩn Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn Kỵ Binh Không Vận Hoa Kỳ mở cuộc hành quân phối hợp truy lùng Tiểu Đoàn K-4 cộng sản tại quận Vinh Lộc, Tỉnh Thừa Thiên.

       Sau phần trình bày tin tức của tôi, Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn Kỵ Binh chấp nhận và đề nghị phối hợp hành quân như sau:
       Sư Đoàn Kỵ Binh Không Vận Hoa Kỳ làm lực lượng bao vây và lục soát. Lực lượng CSQG/Thừa Thiên-Huế phối hợp lục soát và nhiệm vụ chính là thanh lọc đồng bào trong vùng.

    Lực Lượng CSQG/Thừa Thiên đã sử dụng khoảng hơn 1 ngàn nhân viên Cảnh Sát vào cuộc hành quân phối hợp này, gồm CSDC, CSĐB, Cảnh Sát Sắc Phục, và toàn bộ Ủy Ban Phượng Hoàng Tỉnh.

    Ngày N, giờ G, Sư Đoàn Kỵ Binh Không Vận Hoa Kỳ bao vây 3 mặt quận Vinh Lộc, phía mặt biển và phá Tam Giang, đầm Cầu Hai do Hải Quân Hoa Kỳ đảm trách.

    Cán binh VC thuộc tiểu đoàn K-4 biết đã bị quân đội Hoa Kỳ bao vây, nên bọn chúng chôn dấu vũ khí trà trộn vào dân chúng, mong tìm đường tẩu thoát. Nhưng bọn chúng không thể thực hiện mưu kế này vì chúng tôi đã thành lập Trung Tâm Thanh Lọc. Phòng Tâm Lý Chiến của Sư Đoàn Kỵ Binh đã hỗ trợ đưa một toán y tế gồm các bác sĩ y tá đến vùng hành quân ngay tại Trung Tâm Thanh Lọc mà BCH/CSQG/Thừa Thiên-Huế thiết lập. Toán y tế của Sư Đoàn Kỵ Binh Không Vận Hoa Kỳ khám bệnh, phát thuốc, và phát thực phẩm cho đồng bào. Chúng tôi, dùng các hồi chánh viên của Tiểu Đoàn K-4 làm chỉ điểm. Kết quả có khoảng hơn 100 cán binh của K-4 bị bắt giữ.

     Sau cuộc hành quân này, tôi, viên Cố Vấn Trưởng của Bộ Chỉ Huy CSQG/Thừa Thiên-Huế, và viên Cố Vấn Trưởng Tình Báo, chúng tôi đi thăm và cám ơn Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn Kỵ Binh Không Vận Hoa Kỳ, về việc hai đơn đã phối hợp hành quân tại Quận Vinh Lộc. Vị Tư lệnh Sư Đoàn Kỵ Binh đã nhã nhặn hỏi chúng tôi đơn vị Kỵ Binh Không Vận cùa ông ta có thể giúp gì cho Bộ Chỉ Huy CSQG/Thừa Thiên-Huế. Tôi và viên Cố Vấn Trưởng của tôi trình bày với tướng Tư Lệnh Kỵ Binh Không Vận Hoa Kỳ rằng theo kế hoạch của Chính Phủ VNCH và Bộ Tư Lệnh CSQG tại Saigòn, chúng tôi đã thành lập 73 đơn vị Cảnh Sát Xã, gọi là Cuộc Cảnh Sát, chúng tôi đang lúng túng vì họ chưa có văn phòng làm việc. 

Louis Spalla, Cố Vấn Trưởng Bộ Chỉ Huy CSQG/TT Huế (bìa trái) đang đi hành quân cùng Trưởng Ty CSQG Liên Thành tại vùng Lăng Xá Bầu thuộc Quận Hương Thủy, Tỉnh Thừa Thiên

     Nghe chúng tôi trình bày xong, Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn Kỵ Binh Không Vận Hoa Kỳ đã nhanh chóng giúp đỡ các vật dụng như tôn, ci-ment, ván ép, gỗ, cho BCH/CSQG/Thừa Thiên Huế xây cất 73 trụ sở cuộc (Xã) cảnh sát tại 73 xã thuộc tỉnh Thừa Thiên. Với sự giúp đỡ đó, chúng tôi đã xây xong 73 cuộc cảnh sát Xã trong thời gian kỷ lục, và mỗi lần khánh thành trụ sở nào chúng tôi lại mời tướng Tư Lệnh Sư Đoàn Kỵ Binh tham dự. Chúng tôi đã tiết kiệm được một số ngân khoản khá lớn cho BTL/CSQG, vì nếu BTL/CSQG bỏ tiền ra xây cất 73 trụ sở Cảnh Sát Xã cho chúng tôi, thì số ngân khoản xây cất không phải là nhỏ. Lẽ dĩ nhiên, so với ngân sách của một quốc gia hay một đại đơn vị, thì số tiền này chẳng đáng gì, nhưng nó đã nói lên tình đồng minh, giữa hai đơn vị của hai đất nước, thể hiện qua hành động trực tiếp của vị chỉ huy một đơn vị trực tiếp hoạt động chung với chúng tôi.

(*) Cuộc Cảnh Sát là danh từ chỉ một đơn vị nhỏ của cảnh sát ở cấp xã.

Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn Kỵ Binh Không Vận Hoa Kỳ (phải) và Trung Úy Trưởng Ty CSQG  Liên Thành

     Trong niềm cảm xúc riêng tư, tôi và dân chúng Huế vô cùng cảm kích tấm chân tình của Chuẩn Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn Kỵ Binh Không Vận Hoa Kỳ, vì những giúp đỡ cả về tinh thần lẫn vật chất mà ông và đơn vị dưới quyền đã dành cho dân chúng Thừa Thiên - Huế.
                        
(Trích trong sách Huế - Thảm Sát Mậu Thân)

______________

Bài 7: Ai Nợ Huế?

0 comments:

Powered By Blogger