Monday, November 25, 2013

Nỗi đói lạnh của người dân vùng lũ Quảng Ngãi

Một khu chợ ở Nghĩa Hành sau cơn lũ. 
Một khu chợ ở Nghĩa Hành sau cơn lũ.

Đã hơn một tuần kể từ ngày trận lũ lịch sử quét qua huyện Nghĩa Hành và một số huyện lân cận thuộc tỉnh Quảng Ngãi, nhưng đời sống người dân vùng rốn lũ thuộc xã Hành Tín Tây và Hành Tín Đông vẫn còn thoi thóp, rã rời, nhìn chẳng khác nào hoang địa. Không nước uống, không thức ăn, không có lối đi vì khắp nơi ngập tràn bùn non nhão nhoét… Những gương mặt buồn và những mái nhà buồn ẩm ướt hiện ra trước mắt, khiến chúng tôi cứ ngỡ ngàng như mình đang lạc vào một chốn hồng hoang, mịt mùng nào đó!
Đói, rét và sợ hãi
Một người dân ở xã Hành Tín Tây, than thở: Coi như không ăn uống gì hết, không có đâu mà ăn. Sóng thì nó dộng mà, nhào hết, cái thùng gạo xuống đất luôn, cất ở trên trính nó cũng nhào hết. Cái vạt cửa này nó cũng trôi hết rồi mới đi đơm lại (tìm), kiếm lại. Họ lượm họ mới cho, mới ráp lại đây. Cái thau cũng trôi, cái nồi cơm điện mới mua về, chưa nấu nó cũng trôi mất… Tôi mới nói là lụt năm 1999 cũng chưa bằng đâu! Năm 1999 nó tới đây (chỉ cái bàn gỗ) thôi! Mà năm nay nó lên tuốt trên đó (chỉ nóc nhà).
Một người nông dân khác, tên Nghĩa, ở xã Hành Tín Tây, cho chúng tôi biết là nhà của ông bị ngập đến chạm nóc, trong những ngày nước lũ, ông và vợ con cùng đứa cháu nhỏ phải chui lên một căn gác ọp ẹp vốn dùng để chất hạt giống, căn gác rộng chưa đầy bốn mét vuông, lót bằng gỗ thầu dầu tạm bợ. Nhiều lúc mưa gió, nước lụt nổi sóng, ngồi trên gác mà cảm giác được cả ngôi nhà đang rung, đong đưa theo nhịp sóng, ông và gia đình chỉ biết cầu nguyện Trời Phật phù hộ tai qua nạn khỏi.

Bùn non ngập ngang gối, nhà cửa trở thành nơi chứa bùn. RFA
Bùn non ngập ngang gối, nhà cửa trở thành nơi chứa bùn. RFA

Tôi mới nói là lụt năm 1999 cũng chưa bằng đâu! Năm 1999 nó tới đây (chỉ cái bàn gỗ) thôi! Mà năm nay nó lên tuốt trên đó (chỉ nóc nhà)
Dân ở xã Hành Tín Tây
Tôi mới nói là lụt năm 1999 cũng chưa bằng đâu! Năm 1999 nó tới đây (chỉ cái bàn gỗ) thôi! Mà năm nay nó lên tuốt trên đó (chỉ nóc nhà).dân ở xã Hành Tín Tây
Thế rồi suốt hai ngày hai đêm chật vật chạy thoát con nước, gia đình ông cũng thoát được nạn hồng thủy. Khi nước rút, bước ra vườn, ông không dám tin vào mắt mình nữa, nó giống như một bãi rác, tất cả các loại rác rều ngập vườn, ngập sân, rắn rết, côn trùng bò lỏm ngõm… Gạo lúa ướt nhão, bùn non ngập đến quá gối, xác heo, xá gà nằm vất vưởng khắp nơi. Chẳng còn gì để ăn, gạo ướt, lúa ướt, vì nước ngập vào buổi tối và ngập quá nhanh, chỉ lo đưa người chạy trốn con nước được là quí hóa lắm rồi, mọi thứ vật dụng như ti vi, tủ lạnh, máy giặt, bàn ủi, xe máy… bị ngập ngổn ngang.
Heo gà, trâu bò cũng không tài nào cứu kịp vì nền nhà ông Nghĩa cao hơn đường, khi nước ngập nhà thì không có cách nào đi ra đường được, heo nái ngụp lặn một hồi rồi uống nước lăn ra chết, hai con bò cố chống chọi với dòng nước, ngụp lặn và sống sót, còn bầy gà thì miễn bàn, bay tán loạn rồi rụng xuống nước hết như sung rụng mỗi khi có mưa lớn. Ông Nghĩa ngồi nhìn qua lỗ ngói mới đục trên mái nhà, chứng kiến cảnh súc vật, gia cầm nhà mình chết mà chỉ biết rơi nước mắt.
Một người nông dân khác tên Hiền, kể với chúng tôi rằng suốt cuộc đời, từ lúc cha sanh mẹ đẻ đến bây giờ, sống bên bờ sông Vệ đã hơn sáu mươi năm, ông chưa bao giờ chứng kiến một trận lũ dữ như trận lũ này, ông nói rằng phải gọi nó là lũ chứ không thể gọi là lụt, vì nước chảy quá xiết, tốc độ dâng của nó trong giờ cao điểm mỗi giờ lên một mét nước. Với tốc độ dâng và chảy xiết như vậy, gia đình ông hoàn toàn rơi vào hoang mang, không còn đủ bình tĩnh để dọn dẹp bất cứ thứ gì ngoài việc thả chiếc ghe nan ra sân và đưa gia đình lên đó.
Nhà neo đơn, chỉ còn hai ông bà và một người cha già, ông năm nay đã ngoài sáu mươi, người cha già đã ngoài tám mươi, ba người già ngồi trên ghe nhìn con nước trôi cuồn cuộn cuốn xô mọi thứ đồ đạt, vật dụng, không có gì để ăn, người cha già xỉu lên xỉu xuống, nước cũng không có để uống, hai ông bà phải dùng chiếc ca nhà binh hứng nước mưa mà uống. Đến nửa đêm, người cha già chuyển cơn đau bụng, đi tiêu chảy, hai ông bà không biết làm gì, chỉ còn nước kêu trời. Người cha già bảo ông Nghĩa ra bứt một ít đọt ổi cho ông nhai. Đến sáng hôm sau, nhờ một nắm đọt ổi đắng chát mà người cha thoát khỏi cơn đau bụng. Nhưng lúc này, cái đói hành hạ mọi người.

Trường học, vào ngày 22 tháng 11 năm 2013. RFA
Trường học, vào ngày 22 tháng 11 năm 2013. RFA

Sống bên bờ sông Vệ đã hơn sáu mươi năm, ông chưa bao giờ chứng kiến một trận lũ dữ như trận lũ này, ông nói rằng phải gọi nó là lũ chứ không thể gọi là lụt, vì nước chảy quá xiết, tốc độ dâng của nó trong giờ cao điểm mỗi giờ lên một mét nước
Ông Hiền
Không có cứu hộ, cứu trợ qua loa…
Theo như lời kể của một người nông dân yêu cầu giấu tên thì việc cứu hộ hoàn toàn không diễn ra trong đêm 16 tháng 11 ở xã Hành Tín Tây, mặc dù nhiều lần con gái của bà gọi điện kêu cứu đội cứu hộ nhưng đều nhận được câu trả lời là nước dâng quá mạnh, thôi thì hãy tự lo lấy bản thân. Một người nông dân khác ở xã Hành Tín Đông cũng kể với chúng tôi giống y như vậy. Bà còn nói rằng nhiều nhà, trước đó mấy giây còn gọi cứu hộ, sau đó nhà sụp, người trôi. Vì nước dâng cao nên âm thanh lan truyền trên mặt nước rất rõ, bà nghe cả tiếng kêu cứu, tiếng nói chuyện điện thoại và tiếng nhà sập rồi mọi âm thanh mất hút…
Một người đàn ông tên Sở, sống ở xã Hành Tín Đông, vừa dọn bùn non, lượm mấy viên gạch còn sót lại của căn nhà sau lũ, vừa buồn bã nói: Cứu trợ là mình đi tìm những nơi cực khổ mà cứu trợ chứ còn ngồi trên ủy ban mà cứu trợ thì có biết cái đường nào đâu! Mới đây hắn cho có ba ký gạo với ba gói mì chớ mấy. Hai chai nước nữa (bà vợ thêm vào). Chưa có cứu trợ, ba ký gạo với ba gói mì chớ mấy! Cứ lo dọn dẹp miết ri chớ, có khi nào chính quyền phải giúp đỡ bớt đi chớ nhà ửa nó sụp tùa lua hết!
Ông Sở nói thêm rằng trong suốt một tuần nay, hầu như người dân chung quanh khu vực ông ở chẳng có chút lương thực, thực phẩm nào ngoài mấy gói mì tôm, một ít dầu và nước mắm nhận từ cứu trợ. Bởi vì mọi thứ đều ngập, ngay cả cái bếp cũng không còn để nấu ăn, nên chỉ có mì tôm và mì tôm, mấy ngày đầu không có nước vì giếng bị ngập, cả nhà ông phải chia mì tôm ra để ăn sống cho đỡ đói, mỗi ngày, tiêu chuẩn một người được một gói mì tôm, buổi sáng nửa gói, bốn giờ chiều nửa gói, ăn lấp bụng để sống sót qua cơn bĩ cực, đợi hồi sức một chút rồi tính tiếp.
Cứu trợ là mình đi tìm những nơi cực khổ mà cứu trợ chứ còn ngồi trên ủy ban mà cứu trợ thì có biết cái đường nào đâu! Mới đây hắn cho có ba ký gạo với ba gói mì chớ mấy. Hai chai nước nữa (bà vợ thêm vào)
Ông Sở
Hiện tại, ở các chợ trong huyện Nghĩa Hành, bùn non vẫn còn ngập ngang đầu gối, chưa thể họp chợ. Nhưng nếu có họp chợ cũng chẳng có gì để bán, bởi rau màu, nông sản hoàn toàn bị hư hỏng. Đi từ xã Hành Tín Đông sang xã Hành Tín Tây, nhìn ra hai bên đồng ruộng, những vạt rau màu, những luống đậu tây, cà, dưa của nông dân bị nước ngập nhũn ra giống như ai đó vừa dội nước sôi đồng loạt lên, trông vừa thảm thương vừa đau xót.
Một người nông dân khác, tên Hải, với gương mặt buồn rầu, mệt mỏi, lắc đầu chua chát nói với chúng tôi rằng mấy ngày nay, ông không đủ thời gian để ăn uống bởi phải lo dọn dẹp ti vi, tủ lạnh, những thứ tài sản quí giá nhất của nhà ông bị ngập nước và bùn non. Có thể chúng đã hoàn toàn hư hỏng, nhưng dẫu sao, ông cũng hy vọng sẽ phục hồi lại được.
Ông bày tỏ thêm nỗi lo về bùn non, vì không có đơn vị bộ đội hay công an nào đến giúp nhân dân dọn bùn non, họ quá bận để lo dọn ở những cơ quan nhà nước. Bùn non ngập quá gối khắp nhà cửa, ruộng vườn là một nỗi lo không những hiện tại mà còn kéo dài cho đến ngày vào mùa, cho đến Tết với đường đầy bụi vào ngày nắng và nhầy nhụa vào ngày mưa. Có cả trăm nỗi lo, không riêng gì nỗi lo đói kém sau trận lũ mà trên thực tế, do con người gây nên, do những cái cửa đập vô tri vô giác của con người xây nên đã xả nước xuống đầu dân một cách không thương tiếc!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

0 comments:

Powered By Blogger