Friday, November 29, 2013

TẠ ƠN TRỜI - TẠ ƠN... BÀ!

TẠ ƠN TRỜI - TẠ ƠN... BÀ!


Sông Dương Tử và sông Hoàng Hà là hai con sông lớn ở Trung bộ Trung Quốc. Đời nhà Đường, Trương Kiên được lệnh vua sai đi tìm nơi phát tích của sông Hoàng Hà. Trương Kiên và đoàn tùy tùng cứ ngược dòng đi mãi. Sau một thời gian khá dài với không biết là bao nhiêu gian lao vất vả, Trương và đoàn tùy tùng đối diện với một thác nước cao ngất không có cách gì vượt qua được. Từ dưới lòng sông nhìn lên, nước từ trên trời ào ào đổ xuống sông Hoàng Hà liên miên không dứt. Trương Kiên trở về tâu lên vua:

"Nước sông Hoàng Hà từ trên trời chảy xuống".

Ai nấy đều tin như thế. Lý Bạch cũng tin như thế. Nhà thơ lấy điệu Cổ nhạc phủ làm bài Tương Tiến Tửu rất hay, lời lẽ vô cùng hào phóng. Tương Tiến Tửu là một bài hát mời rượu với lời mở đầu:

"Quân bất kiến Hoàng hà chi thủy thiên thượng lai,
Bôn lưu đáo hải bất phục hồi..."
(Ngươi chẳng thấy nước sông Hoàng Hà tự trên trời rơi xuống,
Chảy ra biển không bao giờ quay lại...)

Lão Móc rất khoái bài này, trong đó có nhiều câu đọc lên sướng tê cả người. Gặp những lúc trăng thanh gió mát, rảnh rang thế sự, ông Móc cũng khoái gật gù lon bia, tay trái cái râu khô mực; bà Móc có cằn nhằn thì ông Móc liền trích từ trong bài ấy ra vài câu để cãi chầy cãi cối.
*
Lão Trương Kiên đúng là một cái lão nói càn. Chịu khó trèo lên cái thác ấy, đi ngược lên nữa ông sẽ tìm gặp những con suối nhỏ góp nước cho cái thác vĩ đại đổ nước xuống sông Hoàng Hà.

-Chưa chắc đâu! Luận như ông Móc thế nó có vẻ thấp lắm. Những con suối ấy lấy nước ở đâu? Mưa! Nước mưa ở đâu rơi xuống? Dĩ nhiên là ở trên trời rơi xuống! Như vậy luận cho cùng, ông Trương Kiên nói đúng đấy chứ. Có khi đời không hiểu hết ý người xưa...

-Ừ! Thì có thể lắm. Nhưng dù sao đi nữa thì bài Tương Tiến Tửu vẫn bắt đầu bằng câu "Quân bất kiến Hoàng hà chi thủy thiên thượng lai", và vẫn hay. Uy Viễn tướng công đã từng:

"Gõ lấy nhịp, hát câu Tương Tiến Tửu".

Nghe nói đã có “nhà tranh đấu chống Cộng lừng danh” Hoàng Duy Hùng, nghị viên khu vực F thành phố Houston theo chỉ thị của tên Thứ Trưởng chó chết Nguyễn Thanh Sơn của “nước Việt Nam xã nghĩa” thi hành cái gọi là phương pháp tranh đấu “trực diện - đối thoại” về nước để được bọn này công bố là “đảng viên đảng cộng sản”, sau đó, cả bọn kéo nhau đến gặp cựu Chủ Tịch Sáu Phong “Chém Gió” nói những lời bợ chả ra làm sao cả. Trở ra hải ngoại, bị đồng hương Houston “đốt cho cháy rụi không còn manh giáp” trong kỳ bầu cử vừa qua, thiệt làm mất mặt bầu cua! Vậy mà cũng có thể đẻ ra cái phát kiến ra ứng cử Dân biểu vào năm 2014 để tranh cái ghế Dân biểu đã 10 năm của Dân biểu Hubert Võ. Thiệt là cái mặt dầy còn hơn cái mo!

Trong tuần qua,,vì chẳng đặng đừng mà Lão Móc phải viết bài “Sơn Tùng, người cầm bút thiếu liêm khiết trí năng”. Chính người bị phê phán là nhà văn, luật sư Sơn Tùng cũng không thể lên tiếng về những điều phê phán trong bài viết. Chuyện khôi hài là bà Đỗ Thị Thuấn lại lên tiếng là “những gì Lão Móc viết thì không nên tin”. Có người thắc mắc thì bà này lôi chuyện Lão Móc đã phê phán ông anh rễ của bà ta là nhà văn Nhật Tiến về chuyện ông này mang sách “Trăm hoa vẫn nở trên quê hương” về Việt Nam để xin xỏ hoà hợp hòa giải với VC, bị VC nó đá đít mà không biết nhục.

Lần này, bà Bút Vàng (nickname của Đỗ Thị Thuấn) còn đưa ra một phát kiến động trời là: “Lão Móc không đáng xách dép cho các ông Trần Thanh Hiệp, Nguyễn Ngọc Bích”.

Chuyện LM có đáng xách dép hai ông này hay không thì đâu có dính dáng gì tới chuyện Lão Móc viết bài phê phán những người cầm bút thiếu liêm khiết trí năng cỡ như hai ông Nguyễn Ngọc Bích, Sơn Tùng! Với phát kiến này thì khó có ông Lý Bạch nào làm được thêm một bài “Tương Tiến Tửu” thứ hai!   

Ấy chết! Thứ Năm là ngày Lễ Tạ Ơn, sao Lão Móc lại đi nói chuyện bá láp làm phiền nhiều người như vậy nhỉ? Nhân Lễ Tạ Ơn, Liên Đoàn Gà Tây toàn quốc có tặng Tổng Thống Hoa Kỳ một con gà tây, và con gà tây này sẽ được Tổng Thống tha mạng, đem đi nuôi ở một chỗ khác theo truyền thống từ năm mươi mấy năm nay.

Vậy thì, theo truyền thống; trong những ngày này chúng ta cũng không nên nói gì đến chuyện bênh bậy, cãi bừa của các ông bà nhà văn, nhà báo về già muốn làm chuyện gỡ gạc cuối đời!
*
-Nè ông Móc, mỗi khi lai rai mà bà Móc cằn nhằn thì ông làm sao?
-Còn làm sao nữa, thì đem bài Tương Tiến Tửu ra cãi chầy cãi cối!
-Làm thế thì bà ấy thôi cằn nhằn?
-Dĩ nhiên! Khi đàn ông giở chày, giở cối ra thì các bà sẽ nhường!
Hay nhỉ ? Thế ông cãi cối thế nào?
-Tôi sẽ đọc mấy câu:


"Quân bất kiến Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai,
Bôn lưu đáo hải bất phục hồi.
Quân bất kiến cao đường minh kính bạch phát,
Triêu như thanh ti mộ như tuyết".

Rồi tôi mượn lời dịch của cụ Trần Trọng Kim dịch cho bà ấy nghe, chỉ sửa chữ đầu tiên từ chữ "Anh" ra chữ "Bà":

“Bà chẳng thấy Hoàng Hà nước nọ,
Tự trên trời chảy đổ ra khơi.
Ra khơi thôi thế là thôi,
Về nguồn trở lại có đời nào đâu.
Bà chẳng thấy nhà cao gương sáng,
Những buồn tênh vì mảng tóc thưa.
Sớm còn xanh mượt như tơ
Tối đà như tuyết bạc phơ bời bời...”

Bà ấy sẽ cảm thông rằng sự đời cũng như dòng nước chảy, thời gian qua rồi chả bao giờ tìm lại được, sớm tóc xanh, chiều tóc bạc. Em ơi có bao lâu, sáu mươi năm cuộc đời...  

-Nhưng nếu bà ấy lại nói rằng các ông cứ uống như thế sẽ không làm nên cơm cháo gì, lại hao tốn tiền bạc?

-Thì ta lại đọc tiếp:

"Nhân sinh đắc ý tu tận hoan,
Mạc sử kim tôn không đối nguyệt.
Thiên sinh ngã tài tất hữu dụng,
Thiên kim tán tận hoàn phục lai".

Rồi sửa giọng ngâm nga cho bà ấy nghe:

Khi đắc ý cứ chơi cho phỉ,
Dưới vầng trăng đừng để chén không.
Có thân âu hẳn có dùng,
Ngàn vàng tiêu hết, lại hòng kiếm ra.

Ngâm như vậy tức là mình cho bà ấy biết rằng trời sinh ra tôi không làm Vương, làm Tướng được thì ít nhất tôi cũng cắt cho bà được cái sân cỏ; bà muốn coi phim Tàu thì đã có thằng già này lái xe đi mướn, bà muốn vừa coi phim vừa ăn gỏi đu đủ khô bò thì đã có thằng già này đi mua về. Miễn là khi tôi nhậu thì làm ơn "Dưới vầng trăng đừng để chén không", có nghĩa là khi tôi vừa làm cạn ly đầy thì ngay tức khắc bà phải rót đầy ly cạn. Đừng có sợ tốn tiền, mai tôi lái xe đi làm là có tiền ngay!

-Chà! Ông nói nghe thông quá nhỉ? Nhưng nếu bà ấy mỉa mai là làm trai "phải có danh gì với núi sông". Cứ nhậu như ông thì đời sau ai biết tới thì mình nói sao?

-Dễ lắm! Đọc cho bà ấy nghe ông Lý Bạch nói:

"Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch,
Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh".

Bao thánh hiền xưa kia lặng lẽ,
Chỉ anh say để tiếng đời đời.

-Cũng có lý. Nhưng bà ấy là người nắm hầu bao. Tiền bạc bao nhiêu bà ấy giữ hết. Bả không đưa tiền ra thì lấy đâu mà nhậu, ông Móc?

-Đừng có lo!:

"Chủ nhân hà ngôn vi thiểu tiền,
Kính tu cô thủ đối quân chước.
Ngũ hoa mã, thiên kim cừu,
Hô nhi tương xuất hoán mỹ tửu.
Dữ nhĩ đồng tiêu vạn cổ sầu".

Chủ nhân hỡi, chớ e tiền ít,
Mua rượu về chén tít cùng ta
Cừu thiên kim, ngựa ngũ hoa
Đem đi đổi rượu khề khà uống chơi
Sầu đâu vằng vặc muôn đời

Đời nay không có áo cừu đáng giá ngàn vàng, không có ngựa ngũ hoa quý giá; nhưng cái áo da dê Đại Hàn ông đang mặc cũng đáng giá bạc trăm, chiếc xe ông đang chạy cũng đáng giá bạc ngàn. Bảo thằng con đem đi gán cho chủ tiệm là tha hồ mà say. Ông với tôi uống cho tiêu hết cái vạn cổ sầu!

-Ông nói phải! Nhưng tôi nói tự nảy giờ là trong trường hợp bà xã bả ưa cằn nhằn. Còn nếu mình vừa mở mồm nói: "Bà nó ơi, hôm nay lễ Tạ Ơn, bà mua cái gì về cho tôi và ông Móc đánh chén nhé!" thì bà ấy đáp ngọt ngào: "Vâng!" Gặp trường hợp ấy thì làm sao?

-Còn làm sao nữa. Thì bàn tiệc dọn xong, ông làm lễ Tạ Ơn Trời, nhân thể Tạ Ơn... Bà!

LÃO MÓC

0 comments:

Powered By Blogger