Saturday, November 23, 2013

THƯƠNG TIẾC MỘT THỜI ĐÃ QUA VÀ ĐÃ XA

THƯƠNG TIẾC MỘT THỜI ĐÃ QUA VÀ ĐÃ XA 

Nhớ lại 9 năm , 9 cái mùa Xuân Thanh Bình Thịnh Trị (1954-1963) của Đồng Bào VIỆT NAM ở Miền Nam , dưới thời Tổng Thống NGÔ ĐÌNH DIỆM Vị Tổng Thống (Nguyên Thủ Quốc Gia) đầu tiên của Chính phủ VNCH. 
Tuy ngắn ngủi , nhưng không bao giờ phai nhòa trong tâm tưởng của Đồng bào Miền Nam và hơn 1 triệu Đồng bào Miền Bắc (1954). Đầy ắp nghĩa tình của Ngày Tết , của các lễ hội…các tập tục dân gian (phong tục tập quán), các lễ lạc , khắp nơi khắp chốn pháo nổ đì đùng khắp trời Nam nước Việt ta. Niềm vui và an lạc kéo dài không thiếu một nghi thức nào. Khắp nơi từ thành thị đến thôn quê nam thanh nữ tú tới lui dập dìu , gần như nhà không đóng cửa , của rơi không ai nhặt, …, trên có cơm canh, dưới có cá lội, ruộng đồng bát ngát lúa xanh tươi , chim chóc ngày ngày đua nhau hót líu lo… Ôi! Tràn đầy hạnh phúc, an bình thịnh vượng và hoan ca của một thời vàng son mà người VIỆT và nước VIỆT trên một nửa giang san phía Nam được hưởng.

Bây giờ nhớ lại, phải nói là tiếc thương một thuở thanh bình, xinh đẹp và ngắn ngủi ấy!
Thế nhưng, vũ trụ xoay vần, lịch sử biến thiên, nhân tâm ly tán!…vì:

Sau khi TT NGÔ ĐÌNH DIỆM bị ám sát ?!?! Từ đó mỗi độ Xuân về, đồng bào Miền Nam không còn nghe được pháo Tết đúng nghĩa nữa , mà ngày nào cũng chỉ nghe đạn pháo kích của VC, mìn nổ, lựu đạn nổ, plastic nổ. Bắt buộc vì tự vệ cả hai bên cùng nổ và cái Tết Mậu Thân đã nổ lớn đến mức cả thế giới phải kinh hoàng… Mãi đến hôm nay, đã 50 năm rồi người Dân Miền Nam VIỆT NAM chưa một lần ăn cái Tết nào trọn vẹn, có ý nghĩa thật sự trong Thanh Bình An Lạc Vui Ca trên chính Quê Hương mình.

Người ta nói rằng: Mặc dầu TT. Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu đã bị giết một cách thảm bại, nhục nhã. Nhưng lịch sử đôi khi cũng tỏ ra công bằng. Với độ lùi thời gian 50 năm, càng ngày chân lý được phục hồi và sự thật càng được tỏ bày… Đất nước do cộng sản quản lý càng sa lầy, càng thối nát thì người ta càng thấy nền Đệ Nhất Cộng Hòa miền Nam là ưu việt, là tốt đẹp, là đáng sống. Ít ra thì ở nơi đây cũng là một mảnh đất lành cho con người trú ngụ và sống xứng đáng là con người.

Người ta cũng nói rằng: Ngay những sử gia Mỹ cả đến những kẻ thù oán ông Diệm một cách không khoan nhượng cũng đến lúc cần và nên nghĩ lại để thay đổi lại lối nhìn một chiều của họ. Ngày nay, người ta phải thừa nhận ông Diệm không hề là bù nhìn của Mỹ, càng không thể gọi là bè lũ Mỹ-Diệm, như CSVN vẫn tuyên truyền, nhồi sọ, rêu rao.

Chúng ta hẳn thấy rằng mọi cố gắng tìm hiểu về VNCH- nhất là thời kỳ Đệ Nhất Cộng Hòa, không thể không bắt đầu bằng ông Diệm, và ngay cả thời kỳ sau chế độ của Ông.
Ngày nay khi nhìn lại giai đoạn ấy, người ta thấy ông Diệm đã phủ bóng lên tất cả những xung đột tranh cãi, khen chê cũng như những âm mưu thủ đoạn dẫn đến cái chết của ông và sự tan rã của miền Nam Việt Nam. Cái chết ấy không chấm dứt một giai đoạn lịch sử mà như một bóng ma luôn theo đuổi bất cứ ai muốn tìm hiểu con người ông như một ám ảnh không rời. Ông Diệm vẫn sống mãi, ngay đối với cả những kẻ thù ghét ông thuộc nhiều phía. Cuộc cách mạng lật đổ ông Diệm không nhất thiết đưa tới một sự ổn định như nhiều người mong muốn. Trái lại, nó tạo ra sự tan vỡ về một thể chế, một sụp đổ cả một hệ thống phòng thủ an ninh, và nhất là sự mất niềm tin hoàn toàn vào chủ quyền quốc gia.

Và nếu nói cho cùng thì sau cái chết của Ông, Việt Nam (trên toàn lãnh thổ) thực sự đã có một khoảng trống về vị trí lãnh đạo mà không một ai có đủ tư cách để bù đắp vào cái khoảng trống ấy được (dù rằng có người từng phê phán ông là chỉ dựa dẫm vào tài nhìn xa trông rộng của bào đệ ông: Ngô Đình Nhu). Tất cả các chính trị gia Việt nam đủ loại từ quốc gia đến cộng sản khi có cơ hội ở vai trò lãnh đạo đã tỏ ra bất lực và yếu kém (kể cả thiếu tài và khiếp nhược).

Riêng người Mỹ dù có truyền thống dân chủ lâu đời, là nước (đại diện cho khối Tự Do) xuất cảng những khái niệm về tự do-dân chủ, những khái niệm về độc lập, tự chủ, tự cường, nhưng đôi khi chúng ta thấy họ đã dẫm đạp lên chính những điều mà họ đòi hỏi nơi các nước đang mở mang phải nghe theo.

Khởi đầu ngàn năm thứ ba, đã có rất nhiều nỗ lực và nhiều nhà trí thức Việt nam nhìn nhận một xu hướng lịch sử mới như (kiểu) gió đổi chiều khi người ta nghĩ đến “một sự đánh giá lại lịch sử”, một sự nhìn nhận lại những ngộ nhận, xuyên tạc và bôi nhọ một chế độ để đổi trắng thay đen lịch sử.

Nhưng riêng cá nhân tôi, tôi không tin gì cả từ nhận định của cả hai phía: Quốc gia và Cộng Sản. Tôi bi quan hơn nhiều, dù cũng đôi khi tin rằng lịch sử sẽ xoay chiều như nguyên lý Âm-Dương, Đêm-Ngày, Sáng-Tối. Hưng thịnh rồi tới Tiêu vong và ngược lại…

Đất nước này từ khi thành lập tới bây giờ, đã phải trải qua biết bao nhiêu là thăng trầm. Những thời đã qua từ Đinh, Lê, Lý, Trần đến những nhân vật đã làm nên lịch sử như Lê Lợi, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền và gần đây nhất là người anh hùng áo vải Tây Sơn Nguyễn Huệ. Tất cả các vị anh hùng dân tộc đó đều có tinh anh, khí phách, tự lập tự cường, mà chỉ có hồn thiêng đất nước un đúc hàng trăm năm, có khi đến hàng mấy trăm năm mới có được một người.

Thời đại ngày nay chỉ sản sinh ra những kẻ tiểu nhơn, gian hùng, độc ác, tráo trở, chứ làm gì có bậc anh hùng đúng nghĩa. Dù ông Ngô Đình Diệm có tốt đến đâu thì cũng bị lũ ngụy trí thức ra sức bôi nhọ, trét bùn. Vì trong đầu của chúng chỉ luôn nhìn vào những chỗ để chỉ ra cho người ta thấy cái đó là xấu chứ không phải tốt. Nhưng như một hột kim cương, dù có bị bôi nhọ, làm bẩn bao nhiêu đi nữa, một khi đã được tẩy sạch bởi nước mưa, trải qua tháng ngày, cái tinh anh, cái tinh tuyền, cái lộng lẫy trong sáng của nó cuối cùng vẫn phơi bày. Tôi chỉ có thể khẳng định một điều tất yếu là cứ xem quả thì biết cây. Và có thể nói rằng từ khi sinh ra cho đến giờ này, tôi đã được sống chỉ duy nhất chín năm thanh bình đúng nghĩa, mặc dù lúc đó bản thân còn quá nhỏ. Và tôi thấy tôi chẳng bị bất cứ một thế lực nào đủ sức để nhồi sọ, lừa dối hay tẩy não mình. Còn bài hát tôn vinh Ngô Tổng Thống, chẳng qua cũng chỉ là một hình thức tuyên dương và tuyên truyền bình thường mà bất cứ chế độ nào cũng làm để đối đầu với một chính thể độc tôn, độc tài của Cộng sản miền Bắc. Riêng cái khoản này thì chế độ XHCN mới là số một.

Ngày nay kể từ khi chủ nghĩa CS ngoại lai của phương Tây thâm nhập vào nước ta, nó đã được các tay đại gian hùng, đại ác nhân núp bóng và chớp thời cơ một cách tuyệt diệu (kiểu thuận thủ khiên dương) để áp đặt cái chủ nghĩa phi nhân, phi luân, phi dân tộc, và man rợ đó lên đầu lên cổ của tuyệt đại đa số người dân VN vốn bản chất hiền hậu và lương thiện (không thể nhìn thấy điều gì khác ngoài việc cố vươn lên để tự sinh tồn).

Cái đáng sợ của chủ nghĩa CS không phải là CNCS, mà là biện pháp nhồi sọ và ngu dân hóa của một thiểu số gian manh độc ác, tham quyền cố vị, hám lợi và sẵn sàng bán đứng tất cả để củng cố vị trí của mình càng lâu càng tốt. Và phải đau đớn mà thú nhận rằng: họ đã thành công, cho dù trong giai đoạn ngắn ngủi. Nhưng cái nguyên nhân lớn nhất chính là sự ngu dốt của họ, kéo theo đó là sự ngu dốt của hàng triệu người theo đóm ăn tàn, khi luôn cho mình là đúng nhất, là tốt đẹp nhất, có công nhất và do đó tự cho mình có quyền sinh sát trên những người khác.

Một sự lừa dối vĩ đại khi đánh tráo tất cả những khái niệm cao cả của loài người. Cái Tốt, điều Thiện biến thành Cái Ác, và ngược lại. Từ đó ta có thể hiểu ra rằng đối với loại người này, họ không thể nào phân biệt TỐT/XẤU – CAO THƯỢNG/HOẶC BẦN TIỆN, BỈ ỔI khác nhau ở chỗ nào. Họ có thể là những người được xem là có học dưới cái mác giáo sư, tiến sĩ. Họ cũng có thể trưng dẫn nhiều chứng từ của những người có tên tuổi khắp nơi trên địa cầu như là bằng chứng thuyết phục nhất để làm cho chính những người lương thiện nhất trong chúng ta phải nghi ngờ về Sự Thật đúng như đó là Sự Thật. Chúng ta có thể đọc nhan nhản trên các tờ báo hoặc trang mạng tràn ngập trong thời đại Internet hiện nay. Cứ mỗi khi ở đâu có người nói “phải”, thì lập tức ở đó có người nói “không phải”. Đâu đó có người được hoan hô, thì cũng sẽ xảy ra là chính người đó bị đả đảo.

Tôi không phủ nhận một thế giới đại đồng hòa bình an lạc mà lại thiếu vắng những mâu thuẫn, dị biệt (vì đây là một trong những yếu tố làm cho xã hội tiến bộ), nhưng tôi ngao ngán khi những khác biệt đó lên tới đỉnh điểm đến nỗi có thể đánh tráo được tất cả những khái niệm tốt đẹp chân chính. Ở đây tôi chỉ nói đến xã hội Việt nam chúng ta mà thôi. Thật ngán ngẩm và chán nản đến mức tôi không còn có bất cứ hy vọng gì cho đất nước của chúng ta nữa. Với tính cách của người Việt nam hiện giờ, tôi phải hết sức đau lòng mà nói rằng chúng ta chưa xứng đáng hưởng bất cứ nền Tự Do Dân Chủ chân chính nào cả (mặc dù chúng ta đã phải trải qua biết bao đau thương, nước mắt và cả máu do những tên đại bịp của thế kỷ lừa đảo và cưỡng chế chúng ta để hòng đổi lấy cái mà chúng ta khao khát). Tại sao lại bi quan vậy? Câu trả lời đơn giản xin thưa là trong chúng ta lúc nào cũng có kẻ nội thù, kẻ ăn nói ngược ngạo, kẻ sẵn sàng làm tay sai cho ngoại bang phương Bắc, kẻ xôi thịt… Lúc nào cũng có kẻ hèn nhát và sợ mất mát thì đến bao giờ chúng ta mới có độc lập tự do?!

Ngày nào mà cả đất nước (trên 90 triệu người đân) dám đứng lên lôi cổ những thằng ăn hại đái nát đang phá hoại đất nước và làm tay sai cho giặc ngoại bang kia, đem cái lũ người khốn kiếp đó quăng ra ngoài một hoang đảo xa xôi và không cho quay về nữa. Không cần phải chửi bới, hành hạ hay chém giết ai cả.

Ngày nào mà tất cả chúng ta đều nhận ra rằng chúng ta đã bị nô lệ, đã bị giam cầm trong những suy nghĩ độc ác và thành kiến của chúng ta, khiến chúng ta trở nên mơ hồ giữa thù và bạn, giữa đúng và sai và vô tình chúng ta đã tự tròng vào cổ mình cái ách nô lệ, mà những người công giáo thường bảo rằng đó là ách nô lệ của tội lỗi ngay từ thuở ban sơ (khi con người bắt đầu nói dối và đổ lỗi lẫn cho nhau như trong sách Sáng Thế Ký của người công giáo đã mô tả).

Vì thế đừng nói gì đến Tự Do, Dân Chủ hay gì gì khác, khi những nhận thức sơ đẳng về đúng sai, phải trái, chưa được phân biệt rõ ràng. Khi đầu óc của người dân chúng ta còn mù mờ về cái gọi là “quyền làm người”, làm sao mà những người CS, tay lăm lăm súng và dao, đang sẵn sàng nuốt chửng vào bụng những đặc quyền đặc lợi mà chính chúng ta vì ngu dốt và sợ hãi đã không dám đấu tranh để giành lại.

Làm sao những kẻ không còn chút lương tâm sĩ diện ấy sẵn sàng trả lại cho chúng ta những gì của chúng ta? Không bao giờ!!! Vì thế mà trên 90 triệu dân không làm gì được vài ba triệu đảng viên vô tri đang chạy theo tiền và quyền mà họ nghĩ là họ đang nắm ưu thế, tại làm sao lại phải bỏ. Người Anh Mỹ có câu “đáng đời mày” (It serves you right!), nghe ra thật thấm thía mà lại đúng hết biết!

Vì vậy xin nói thẳng ra một Sự Thật đau lòng là chúng ta chưa thể có Tự Do Dân Chủ hay bình đẳng được. Xin hãy vui lòng sống kiếp nô lệ vậy. Hãy đợi đến một hay vài chục năm nữa, biết đâu vì quá đau lòng mà đất nước sẽ lại sản sinh ra một đấng anh hùng mới, có thể so vai với vị anh hùng gần đây nhất như Quang Trung Nguyễn Huệ. Không cần phải có ai ủng hộ, mà một tay che lấp cả trời vì một thanh thượng phương bảo kiếm mà trời ban cho.

Hãy chờ đợi những nhà sử học trẻ với thời gian đủ để bình tĩnh nhìn lại, sẽ vượt qua những nhà sử học lớp đàn anh.  Những người đàn anh này phần đông đã phóng đại những sai lầm bất kỳ lớn nhỏ của một chế độ Cộng Hòa non trẻ dựa trên một mẫu thức một chế độ dân chủ đã có độ dài lịch sử của cả vài trăm năm. Mang vài trăm năm ra như thước đo để đòi hỏi một sớm một chiều thay đổi cả một hệ tư tưởng phong kiến, thuộc địa cả ngàn năm là một đòi hỏi vô trách nhiệm.

Hãy chờ đợi tiếng nói của lòng trung thực không bị lấn áp bởi những quyền lợi chính trị phe phái, những con người có đủ tri thức và lòng dũng cảm vượt qua được những lừa dối và lường gạt bỉ ổi nhất, dùng thanh gươm Công Lý và Sự Thật để đòi lại quyền làm người trong một đất nước luôn tự hào là đã có gần bốn ngàn năm văn hiến như nước ta. Lúc đó, họ không còn bị quá khứ bao vây ràng buộc hay ưu tư ám ảnh về việc bênh hay chống bất kỳ ai.

Nhớ lại thời 9 năm thanh bình đã qua và đã xa ấy không ai đã từng trải qua mà không đau xót, tiếc nuối, trừ những người CS và bọn đón gió trở cờ, cũng như những người chưa từng sống trong thời ấy.

Trong các bài phát biểu của ông Ngô Đình Diệm, người ta thường thấy rõ nơi ông nguyên tắc căn bản của một nhà lãnh đạo đất nước là phải đặt chủ quyền đất nước, độc lập dân tộc như một nguyên tắc không thể dung hòa hay nhân nhượng.

Không có độc lập, tự chủ thì không có gì hết- Tout ou rien- Hoặc là có, hoặc là không có gì cả... Đó là một sự thật để sau này giải tỏa được những tuyên truyền của CS như: Ông Diệm là con bài của Mỹ, Mỹ-Diệm hay một điều gì xấu xa mà người ta muốn lôi ông vào.
Đường lối thứ hai của ông là chống thực dân (Pháp) và chống chế độ CS độc tài.
Chính vì những nguyên tắc này mà ông được coi như thuộc lực lượng thứ ba (3e force). Nghĩa là chống cả cộng sản lẫn thực dân Pháp. Nhiều người cho là ông Diệm là người bướng bỉnh, cố chấp. Người khác cho ông là không có cái mềm dẻo chính trị của một chính trị gia, hoặc ông là loại người ngây thơ, thiếu nhậy bén về chính trị. Nhưng Ông đã thể hiện một con người chân chính, với một tinh thần Quốc Gia thuần túy, biết tôn trọng chủ nghĩa quốc gia, và luôn luôn đặt quyền lợi dân tộc, quốc gia trên hết.

Tất cả những nhận xét trên chỉ đúng một phần, phần còn lại là sai, vì họ đã không hiểu những viễn kiến chính trị của ông.
Viễn kiến chính trị ấy ông đã theo đuổi suốt cuộc đời làm chính trị của ông và sau này xét công hay tội đều phải căn cứ trên viễn kiến chính trị này.
Đó là:  ông Diệm (và Nhu) là những người không bao giờ chấp nhận hai chữ Thỏa Hiệp.

Điều quan trọng đối với ông Diệm và Nhu là từ chối tất cả sự hợp tác với người Pháp, bởi vì theo ông ta tất cả mọi công dân yêu Độc lập, Tự do, Dân chủ và Bình đẳng đều có hai bổn phận: với tư cách người Việt Nam phải loại trừ khỏi ách đô hộ của người ngoại quốc và tranh đấu chống lại ý thức hệ cộng sản.và thỏa hiệp với người Pháp không phải là một giải pháp. Chẳng những vậy mà còn là một tội ác làm suy yếu lực lượng yêu nước... 
Ông Nhu viết tiếp: chủ nghĩa quốc gia tranh đấu một mất một còn là vũ khí hữu hiệu chống lại cộng sản và chủ nghĩa thực dân.
Và phải chăng viễn kiến chính trị về một con đường thứ ba vừa chống Pháp, vừa chống CS hồi ấy là thời cơ thuận tiện để ông Diệm thực hiện giấc mơ chính trị của mình?

Thế nhưng, sau Cái Chết của ông kéo theo cả một thảm trạng tàn khốc của chiến tranh trên đất nước, vì phải đồng thuận và lệ thuộc với người Mỹ mà, cuối cùng, định mệnh của đất nước đã được người Mỹ trao cho quân thù với cái giá của hàng triệu triệu người của cả hai miền đã phải hy sinh một cách vô ích.

Bản thân tôi, tôi không biết ông Diệm có phải là người lãnh đạo tài giỏi hay không, nhưng những gì ông làm được cho dân miền Nam qua 9 năm cầm quyền là quá sự mong đợi của mọi người. Trong thời gian này, ông đã:




* Định cư được gần 2 triệu người di cư từ miền Bắc vào mà không bị điều tiếng gì, không có cảnh dân oan đòi đất mà chính quyền ông giao cho người định cư.
* Dẹp được nội loạn trong một thời gian ngắn.
* Đóng cửa sòng bài Tân Thế Giới và các tiệm hút thuốc phiện.
* Miền Nam xuất cảng gạo nhiều nhất so với cả Đông Nam Á.



Điều luật 10/59 mà Hà Nội lu loa gọi là "tố cộng, diệt cộng", "lê máy chém khắp miền Nam", "xử chém hàng vạn người theo cộng", … thực chất là luật trị an để đối phó với nội loạn chứ không riêng gì với CS, nó có tính răn đe nhiều hơn, và có hiệu quả hầu như tuyệt đối. Số người bị chém duy nhất chỉ có một người được ghi nhận (xin đọc Đoàn Thêm "Việc Hàng Ngày").

Tất cả việc làm của ông Diệm không hề phải "sửa sai", phải "xin lỗi". Và những gì người ta cho rằng ông Diệm làm sai thì bây giờ (được đánh giá lại) hoá ra là cần thiết trong cái buổi giao thời, phôi thai của nền đệ nhất cộng hoà.


Nghĩ tới đây tôi không khỏi liên tưởng tới ông Võ Nguyên Giáp: Sao hai người cùng một quê là Quảng Bình mà lại khác nhau một trời một vực như vậy?
Giờ này , dù sao, tất cả đều đã ra người thiên cổ. Có tiếc thương hay oán hận thì cũng chả để làm gì!


Riêng tôi chỉ tiếc chín năm thời đó mình hãy còn quá nhỏ để có thể hiểu hết và thưởng thức cho hết cảnh thanh bình trăng trong gió mát, mà không phải ngửi thấy mùi ghê tởm của chiến tranh, hoặc không phải bịt tai, bịt mũi vì sự tanh tưởi của những miệng lưỡi tuyên truyền chính trị, biến cái có thành cái không và cái không thành có nữa.
Ngày xưa – Ôi! Một thuở thanh bình còn đâu?
(Những ngày cuối cùng tháng 11/2013)
PM.HXT

0 comments:

Powered By Blogger