Việt Nam quo vadis? Đây là bức tranh xã hội bi thảm về một
sự thay đổi nào đó của Việt Nam (VN) từ quan sát của tôi trong thời gian
qua:
1- Giới quyền lực chóp bu: Đấu đá
nhau tranh giành quyền lực, nhưng tay nào cũng có con tin để áp lực lên
đối thủ chính trị, vì tay nào cũng có bàn tay ít nhiều nhúng chàm,
không bản thân thì người thân trong gia đình, họ hàng. Phương án cuối
cùng sẽ là thoả hiệp cứu đảng. Một tay nào đó nếu bị buộc rời ghế cũng
sẽ hạ cánh bình an, vì sẽ được bảo đảm an toàn trong cuộc mặc cả. Đừng
đặt hy vọng nào từ biến động về nhân sự (nếu có) của Hội nghị trung
ương 6 (đang diễn ra từ ngày 1 đến 15/10 tại Hà Nội) sẽ mang lại điều gì
tích cực gì đó cho tiến trình Dân chủ của VN. Gần 200 uỷ viên trung
uơng, tập hợp quan trọng nhất tạo ra toàn bộ bộ máy cai trị, vẫn sẽ mãi
giữ vững chắc nguyên tắc tuyệt đối: Còn đảng còn mình.
2- Tầng lớp đại gia, doanh nhân giàu có:
Nếu chế độ là thùng phân thì chúng là bầy giòi, sống cộng sinh trên chế
độ. Giới này bám giữ chế độ đến cùng. Đừng nói với chúng về các giá trị
dân chủ nhân quyền, mặc dù chúng biết rõ hơn ai hết, khi chúng chứng
kiến và huởng thụ các giá trị cao đẹp này tại các nước dân chủ, văn minh
trong những chuyến đi du lịch, hay công cán, tiêu xài xa hoa, ăn chơi
thoải mái. Chế độ hiện nay là lý tưởng với giới giàu có này, chúng kiếm
tiền bất chính quá dễ dãi, vì có thể mua được tất cả bằng tiền, hoặc
bằng rất nhiều tiền, bao gồm cả lương tâm và công lý.
3- Giới trung lưu, động lực của xã hội:
Trong giới này hầu hết là dân có học thức, nhưng đa phần cơ hội, giỏi
luồn lách, chấp nhận “sống chung với lũ”. Kinh tế đất nước có khó khăn
bao nhiêu họ vẫn tìm ra cách thích ứng làm cho cuộc sống không bị thiếu
thốn. Một số vô cùng ít ỏi có tinh thần phản kháng, thì hoặc bị bắt vào
tù, hết cơ hội tranh đấu, số còn tự do còn lại thì thiếu nhất quán về
quan điểm, thậm chí viết bài nói về đảng chẳng ra gì nhưng không đủ can
đảm ra khỏi đảng, vẫn chưa vượt qua nỗi sợ mất miếng ăn và nguy cơ phải
đối diện với vòng lao lý khốn khổ. Dường như tinh thần phản kháng của họ
được chú tâm vào tăm tiếng cá nhân, đặc biệt trên các phương tiện
truyền thông mạng, hơn là có đầu óc viễn kiến, thầm lặng, khôn ngoan tập
hợp, nối kết quần chúng, thậm chí khi tên tuổi nổi thì bắt đầu hãnh
tiến, ngộ nhận về bản thân, thích ồn ào, show off và sẵn sàng dìm hàng
nguời khác, kể cả dồng đội đã từng sát cánh chia sẻ yêu thương, vui buồn
khi bị đàn áp.
4- Giới lao động nghèo: Tính chịu
đựng gian khổ và cam phận nô lệ trở thành bản chất. Nhìn thấy bất công
và miếng ăn bị trấn lột nhưng đứng lên tranh đấu mang tính bột phát, võ
biền, bùng lên nhanh nhưng xẹp cũng nhanh như một quả bóng bị chọc thủng
đôi khi chỉ vì một sự ve vuốt hay đe doạ, dao động về phương pháp tranh
đấu trước bạo quyền, thiếu tổ chức và hiểu biết rất mơ hồ về nguyên do
cốt lõi. Ví dụ, vỡ đập thuỷ điện, màn trời chiếu đất đấy, nhưng có vị
lãnh đạo nào tặng một thùng mì ăn liền rẻ tiền thì rưng rưng nước mắt
cám ơn đảng và nhà nước. Kêu trời, phản đối bất công, nhưng chống chế độ
thì không.
5- Người Việt ớ nước ngoài: Lực
lượng này chỉ mang tính hỗ trợ, không bao giờ có tính quyết định đối với
những thay đổi chính trị trong nước. Trong lực lượng này, số người trăn
trở về cuộc sống phi dân chủ và tự do bị chà đạp của dân chúng trong
nước và ưu tư về tiền đồ của đất nước, đa phần thuộc thế hệ lớn tuổi, ít
nhiều đã hứng chịu hậu quả xấu của chế độ cộng sản. Lớp ngừơi này, cũng
không chiếm đa số, thường góp phần cho tiến trình dân chủ bằng tham gia
các hoạt động báo chí, truyền thông, lobby/vận động dư luận quốc tế,
các hoạt động xã hội khác, làm từ thiện, v.v… có động cơ chủ yếu xuất
phát từ luơng tâm, các hoạt động tranh đấu của họ không có lợi ích máu
thịt với cuộc sống hiện tại trên đất người, nên dễ chán nản, bỏ cuộc.
Những người này đã gắn bó với đất nước cư trú bằng công việc, tài sản,
các chế độ an sinh xã hội, hưu trí cho tuổi già, con cái đã trưởng thành
thường không còn mang quốc tịch VN, ít ai có nhu cầu về VN sống phần
còn lại của cuộc đời.
Một số tổ chức chính trị hay đảng phái có tham vọng trong tương lai
sẽ về tranh đua chấp chính khi VN có chính sách đa đảng, không đủ tài
lực và uy tín tập hợp quần chúng trong bối cảnh nhà nước công an trị
tung mật vụ, an ninh bắt bớ, ngăn chặn khắp nơi, còn xã hội thì nằm
trong nội dung của bốn điểm đã nêu phía trên. Tham vọng này mong manh
như mây khói.
Đa phần của khoảng 4,5 triệu người Việt sống ở nước ngoài, nhất là
giới trẻ (cũng giống như trong nước) bàng quan với chính trị và thời
cuộc của đất nước, chú tâm làm ăn, kiếm tiền, dành dụm gửi giúp gia đình
và về nước vui chơi, khoe mẽ, đắc chí, kiêu hãnh trong vai “áo gấm về
làng”.
Đấy là chưa kể tới đội ngũ đông đảo “kiều bào yêu nước” vẫn khoái
chí vênh vao với những cái danh hão (như Uỷ viên Trung ương Mặt trận Tổ
quốc, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Hội hữu Nghị Việt Nam và nước nào
đó, v.v…) hoặc hám chút bã mía sẵn sàng hít đít voi, hay đánh bóng giày
bằng luỡi cho các ông chủ Ba Đình.
Tiền tươi thóc thật, tức là đôla tiền mặt, nhiều nhất từ Mỹ, vẫn ào
ào đổ về nước với con số khổng lồ, hỗ trợ rất lớn cho sự tồn tại của
chế độ (kiều hối gửi về nước tăng trung bình 10-15%/năm, năm 2011 đạt
trên 9 tỷ USD, đưa VN nằm trong 10 quốc gia nhận kiều hồi nhiều nhất
trên thế giới; 6 tháng đầu năm nay đạt khoảng 6,4 tỷ USD, theo
Vietnamnet ngày 27/9).
Lời kết
Tóm lại, kể từ sau khủng hoảng Vinashin, Vnalines và các bê bối mới
đây trong hệ thống tài chính-ngân hàng, từ hai thập niên nay, chưa bao
giờ báo chí, các chuyên gia kinh tế và các tổ chức xếp hạng tín nhiệm
của nước ngoài đưa ra những nhận định bi thảm về kinh tế VN như từ vài
tháng nay. VN đang bị xem như một điển hình xấu trong các nền kinh tế
mới nổi. Tình hình sẽ còn trượt dốc thê thảm hơn, một cuộc khủng hoảng
về ngân hàng dường như không còn là cường điệu, “từ hổ xuống mèo”, theo
Newsweek ngày 1/10. Nhưng hy vọng từ kinh tế suy giảm mạnh sẽ tạo ra
động lực phản kháng mạnh của xã hội là điều rất đáng ngờ.
Các quan chức chóp bu đang đấu đá dữ dội sau hội trường, các đối
thủ đang nỗ lực và hoảng loạn săn lùng các con tin để nắn gân, dí súng
vào mạng sườn nhau.
Mặc dù như thế, tôi vẫn cho rằng, ĐCSVN vẫn còn tiếp tục cai trị
dài dài. Một sự thay đổi nào đó cho lộ trình dân chủ là hết sức mịt mù,
nếu không nói là ảo tưởng, vì rút ra từ tổng hợp các phân tích trên đây,
dù phũ phàng, cay đắng, đáng buồn, nhưng là thực tế.
Ngày 3/10/2012
© 2012 Lê Diễn Đức – RFA Blog
0 comments:
Post a Comment