Trọng Nghĩa_RFI
Đầu tháng 9/2012, Trung Quốc đã âm thầm cho khởi động đập thủy điện
Nọa Trác Độ (Nuozhadu), con đập thứ năm trên thượng nguồn sông Mêkông
được Trung Quốc đưa vào hoạt động. Hành động này lại vừa bị giới nghiên
cứu đả kích, xem đấy là nguy cơ mới đe dọa hệ sinh thái của dòng sông
chung chảy qua sáu quốc gia trong khu vực.
Phải nói là sự kiện đập Nọa Trác Độ đi vào hoạt động không được Bắc
Kinh quảng bá ồn ào, cho dù đây là công trình thủy điện lớn nhất được
xây dựng tại Vân Nam, trên vùng thượng nguồn sông Mêkông đoạn chảy qua
Trung Quốc. Theo báo chí Trung Quốc, ngày 06/09 vừa qua, tập đoàn Hoa
Năng, chịu trách nhiệm con đập, đã cho vận hành tổ máy phát điện đầu
tiên công suất 650 megawatt.
Đây là tổ máy thứ nhất trong số 9 máy phát dự trù lắp đặt tại đập
thủy điện này khi hoàn tất vào năm 2014. Theo kế hoạch, khi chạy đủ công
suất, con đập này sẽ làm ra khoảng 24.000 gigawatt mỗi năm, một lượng
điện tương đương với mức tiêu thụ của toàn bộ Thành phố New York của Mỹ
trong 7 tháng.
Vấn đề tuy nhiên là con đập khổng lồ này có nguy cơ gây hại nhiều hơn
cho các nước nằm ở hạ nguồn dòng sông, từ Miến Điện, Lào, cho đến Thái
Lan, Cam Bốt và đặc biệt là Việt Nam, làm trầm trọng thêm các tác hại
của các con đập khác, mà Trung Quốc đã xây trên thượng nguồn như Mạn
Loan, Đại Triều Sơn, Cảnh Hồng, Tiểu Loan…
Nghiên cứu của Trung tâm Stimson, một trung tâm tham vấn tại
Washington đã xác định rằng bốn đập thủy điện phía bên trên Nọa Trác Độ
mà Bắc Kinh từng cho hoạt động « đã làm thay đổi thủy lưu của dòng sông
và cản đường lưu thông của phù sa màu mỡ, rất cần thiết cho việc duy trì
năng suất đất, nuôi dưỡng thủy sản và ngăn biển xâm lấn tại vùng đồng
bằng sông Cửu Long ».
Cho đến nay, dù giới khoa học và bảo vệ môi trường đã nhiều lần lên
tiếng tố cáo tác hại của các con đập trên thượng nguồn, chính quyền Bắc
Kinh vẫn nhất mực phản bác, cho rằng các công trình của họ không hề có
ảnh hưởng tiêu cực đến các nước bên dưới, thậm chí lại còn có lợi nhờ
giúp điều hòa lưu lượng dòng sông.
Quan điểm của Bắc Kinh đương nhiên không được giới nghiên cứu tán
đồng. Phản ứng trước việc Trung Quốc cho khởi động đập thủy điện Nọa
Trác Độ, hôm 24/09 vừa qua, ông Milton Osborne, chuyên gia về Đông Nam Á
tại Viện Lowy, một trung tâm nghiên cứu chính sách quốc tế tại Úc, đã
lên tiếng báo động :
« Dù ít được báo chí phương tây chú ý vì ở nơi xa xôi, các con đập do
Trung Quốc xây dựng trên dòng Mêkông sẽ làm thay đổi năng lực sản xuất
của con sông dài và quan trọng nhất Đông Nam Á, một con sông thiết yếu
trong việc nuôi sống 60 triệu người dân vùng hạ nguồn sông Mêkông ».
Ông Osborne đã bác bỏ lập luận của Bắc Kinh, cho rằng các con đập của
họ chỉ chi phối 13,5% lượng nước của sông Mêkông. Theo ông, tỷ lệ này
lên đến 40% vào mùa khô, do đó ảnh hưởng đối với vùng hạ nguồn rất lớn.
Giới quan sát đã ghi nhận phản ứng kín đáo của Việt Nam, nước được
cho là bị thiệt hại nặng nề nhất vì các con đập của Trung Quốc trên
thượng nguồn. Đúng một hôm sau khi Trung Quốc loan báo việc đưa đập Nọa
Trác Độ vào hoạt động, chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đã công
khai bày tỏ thái độ quan ngại về các công trình thủy điện, có thể gây
hiềm khích giữa các láng giềng.
Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á
-Thái Bình Dương APEC ở Vladivostok (Nga) ngày 07/09 vừa qua, ông Trương
Tấn Sang không nêu đích danh nước nào, nhưng đã cảnh báo : « Tình trạng
xây đập, điều chỉnh dòng nước chảy xuống hạ lưu của một số nước ở
thượng nguồn là vấn đề gây quan ngại cho nhiều quốc gia, tiềm ẩn tác
động quan hệ giữa các nước liên quan ».
Ý ám chỉ Trung Quốc được cho là rất rõ vì cho đến lúc này, Trung Quốc
là nước duy nhất đã hoàn thành đập nước ngăn chặn dòng chảy chính của
sông Mêkông.
0 comments:
Post a Comment