Lời thưa đầu: Blogger Paulus Sơn bị bắt ngày 3 tháng 8 năm 2011. Sau đây về vài nét sinh hoạt nơi làng quê của ông, sau ngày ấy, do một người dân địa phương (ẩn danh) ghi lại. Chúng tôi xin được phổ biến bài viết trên diễn đàn này, theo lời yêu cầu của chính tác giả.
Vô cùng trân trọng và kính mến
Tưởng Năng Tiến
Sự kiện một số người lịch sự về làng chở mẹ của thằng Sơn đi lên Hà Nội chữa bệnh khiến bà con bản làng bàn tán không ngớt. Mấy hôm sau tin tức càng đa dạng hơn. Ở vùng quê nghèo nàn này, việc thằng bé Paulus Lê Văn Sơn bị công an trên bộ ở Hà Nội bắt vì tội hoạt động lật đổ chính quyền đã khiến dân làng xôn xao từ nửa năm nay. Người đoán già, người đoán non đủ mỗi người một kiểu. Có người làm ở ủy ban xã thì nói vẻ am hiểu là thằng Sơn ấy theo bọn phản động. Dân làng ai cũng lè lưỡi, họ cứ ngỡ rằng bọn phản động kinh lắm, chúng ở tận bên trời nào, chúng 3 đầu, 6 tay, ngồi máy bay như thương gia, hay như điệp viên 007 lúc đi ô tô, lúc lái phi cơ, tiền tiêu như rác, ăn uống xa hoa… chứ ai ngờ thằng Sơn nhà nghèo kiết xác kia cũng là phản động. Ôi hóa ra bọn phản động gần quanh mình, đơn giản thế sao.? Chúng ở gần ngay mình, nghèo như mình, ngay ở làng mình chả phải ở đâu xa xôi gì. Cũng không ghê gớm , nham hiểm gì đâu. Cái thằng Sơn gầy gò trói gà không chặt đeo kính ấy thì làm sao lật đổ chính quyền của ta có bao quân đội, công an thế được. Bà con làng cứ bàn thế, ông làm ở ủy ban phải chấn chỉnh ngay ‘’ Dào ôi, bà con ta không biết đấy thôi, bọn phản động là nó ghê lắm, nó bên ngoài bình thường thế thôi, chúng nó là khiếp lắm, thủ đoạn lắm.’’
Chuyện bẵng đi, vào lúc Tết nhất mọi người tạm quên chuyện thằng Sơn. Bỗng nhiên qua Tết một nhóm người lịch sự, đi xe ô tô từ Hà Nội về nhà thằng Sơn. Mấy người ra ngó nghiêng hóng chuyện, lại xì xào nhau ‘’ chắc là cán bộ về điều tra đấy, vụ này bắt nhiều người lắm, chưa xong đâu’’ . Đang đứng rập rình ngoài ngõ xem thì thấy mẹ thằng Sơn được dìu ra xe ô tô, người nhà mang theo đồ dùng, cả người nhà cũng lên xe. Có người không nhịn nổi tò mò mới hỏi đưa bà đi đâu. Người nhà mới trả lời là các bạn thằng Sơn trên Hà Nội nghe tin mẹ nó ốm nặng quá, mới về đây đón bà đi lên Hà Nội chăm sóc, chữa bệnh vì trên đó có điều kiện hơn. Chiếc xe đi khuất để lại đám dân làng lao xao bàn tán. Người bảo không biết nhóm người này là thế nào với nhà thằng Sơn, rõ là nhà nó có chả họ hàng chi trên Hà Nội mà. Người nói là hình như có ông bác trên đó, người khác gắt là làm gì có bác nào. Nhà nó cả họ ở quê ai mà chả biết. Có ông cựu chiến binh quả quyết nói đây là chính sách của Đảng và Nhà Nước ta, vốn nhân đạo mới đưa mẹ nó đi chữa bệnh vì hoàn cảnh nhà nó neo người lại khó khăn. Mấy người xuýt xoa nhà nước ta là tình lý rạch ròi lắm. Tội thì xử lý, nhưng cũng rất biết thương người. Chính sách nhân đạo là thế… rồi mấy người còn nhắc lại trước Tết có công an tỉnh còn về thăm mẹ Sơn , biết bà bệnh còn cho một hộp sữa và ít hoa quả cơ đấy.
Thế rồi khi mẹ thằng Sơn đi được mấy hôm, ông trưởng thôn gọi điện báo cho người nhà thằng Sơn đang chăm mẹ nó trên Hà Nội rằng : Bà nằm đâu để công an đến thăm.
Từ ông trưởng thôn mọi người mới biết không phải những người kia là cán bộ nhà nước thực hiện chính sách nhân đạo nào của nhà nước với thằng nhãi nhép Lê Văn Sơn cả. Lại loạn cào cào lời qua tiếng lại. Một người lại nói ‘’ đời nào lại lãng phí tiền để chăm cho người nhà bọn phản động, không dạy bảo được con cái, đáng lẽ phải chịu tội đồng lõa ý. Lại còn chữa bệnh cho thì nhà nước dở hơi à. Đầy cựu chiến binh, thương binh, gia đình liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng còn ốm dặt dẹo đi ăn xin ngoài đường kia chưa chăm được nữa là… mọi người lại xôn xao bàn tán, lời qua tiếng lại. Cuối cùng lại khổ cái ông có rễ má vói chính quyền đứng ra trịnh trọng phát ngôn, thống nhất dư luận.
- Đó là bọn phản động, đồng bọn của thằng Sơn.
Dân làng hết băn khoăn, thế nhưng về nhà họ lại nghĩ bâng khuâng. Sáng sau gặp nhau ngoài đồng. Họ lại í ới nói.
- Sao cái bọn phản động nó ngang nhiên thế nhỉ, nó về tận đây giúp nhà thằng Sơn.
Người khác nói.
- Sao không bắt nốt bọn này đi nhỉ ?
Bà hàng xóm nhà thằng Sơn nói.
- Chắc là bạn bè của thằng Sơn, mấy giáo dân quen nó trên đó, chứ phản động gì đâu. Cứ động nghĩ thế là phản động. Mai này nhà người ta có việc gì , mình hàng xóm sang thăm nhau cũng là phản động hết cả sao. Làm người cũng có quan hệ này, quan hệ kia. Chả lẽ cứ quen ai cũng là phản động, chả lẽ cứ thăm nom nhà thằng phản động cũng thành phản động sao.?
Người khác nói.
- Đấy là mình có tình với nhau, chứ bên ngoài người ta biết đâu đấy. Rồi lại bị gọi lên hỏi, tại sao anh , chị đến nhà nó. Biết nó là loại gì không . Nó đang phá hoại đất nước, anh , chị làm thế là tiếp tay cho nó. Phải cách ly, cô lập những thành phần ấy ra để chúng hiểu nhân dân và đất nước không bao giờ chấp nhận hành vi của chúng chứ. Phải để chúng thấy nhục nhã, bị ngay cả bà con chòm xóm của mình xa lánh chúng, chúng mới thấy được bài học xứng đáng. Tôi năm nay hơn 70 rồi, chứng kiến nhiều việc trong đời, không sao mà nói hết được.
Cái bà vợ ông rễ má với ủy ban trưa về kể lại với chồng. Ông chồng điện lên huyện, lát sau mặt mũi quan trọng nói.
- Đó đúng là đồng bọn của thằng S, nó làm thế là có ý đồ của chúng nó. Chúng nó về đây cứu người là có mục đích khác. Không đơn giản là như mình nhìn thấy đâu, tại sao không phải bà con, ruột thịt của thằng Sơn. Thế mà chúng nó phải cất công về đây đưa đi chữa bệnh ? Phải nâng cao cảnh giác, bà con mình là còn ngây thơ lắm, ngây thơ lắm. Bọn phản động cực kỳ lắm âm mưu thủ đoạn. Chúng làm thế chắn chắn là có ý đồ. Tôi điện lên trên, họ bảo tôi phải lên đó trực tiếp báo cáo, mô tả sự việc. Bà chiều ra đồng nói cho bà con biết, đừng tin vào mắt mình, phải biết đặt câu hỏi, quan trọng nhất là câu hỏi nếu không phải bà con, ruột thịt thì tại sao lại làm thế.
Mấy tuần sau , xe ô tô đưa bà mẹ S về làng. Dân làng xúm ra xem. Thấy bà đi còn có người khiêng ra xe. Giờ tự bà mở cửa xe bước xuống, chào hỏi bà con, nói năng linh hoạt. Ai cũng lấy làm mừng cho bà.
Có người thầm thì vào tai người khác.
- May con bà ý là phản động, chứ bà ý mà là mẹ liệt sĩ thì có khi chả qua khỏi. Hôm nọ xem báo nhà nước thấy bà mẹ Việt Nam anh hùng còn bị cưỡng chế lấy nhà. Phải mang giấy chứng nhận liệt sĩ, di ảnh con vào chuồng bò treo rồi ở trong đó, đọc mà buồn quá. Chả biết xã hội thế nào nữa.
Tưởng Năng Tiến
22-02-2012
0 comments:
Post a Comment