Monday, November 28, 2011

Logo “U–No”

Phan Bạch Quán

Logo “U– No” và 2 kiến trúc sư Việt Nam


Trong những cuộc biểu tình của người dân Việt Nam phản đối hành động xâm lấn của Trung Cộng trong những Chủ Nhật tháng Tám và tháng Chín 2011, người ta thấy xuất hiện những chiếc ao t– shirt (áo thun) màu trắng hay đen trên có hình một chữ U bị gạch chéo. Hình đó có tên là hình “No– U”, hay, logo “U– No” – Logo này mang ý nghĩa “Nói Không với đường chữ U”, tức đường Lưỡi Bò, tức đường Chín Điểm, do Trung Cộng tự vẽ ra hòng thu tóm toàn bộ biển Đông.

Do đâu mà có logo “U–No”?

Ban đầu, nhiều bạn trẻ đi biểu tình đã mặc áo thun đỏ có hình sao vàng. Trước kia, họ mặc những chiếc áo này để đi cổ võ cho đội bóng đá Việt Nam. Thế nhưng, những chiếc áo mang hình cờ nước CHXHCN Việt Nam vẫn chẳng che chở được gì cho đoàn người biểu tình, họ vẫn bị công an ngăn chận, hành hung, đe dọa.

Từ đó, nảy ra một nhu cầu cấp bách là phải có một (hay nhiều) biểu tượng (logo) thay thế cho cờ đỏ và sao vàng. Những logo ấy phải thể hiện rõ ràng, ngắn gọn nguyện vọng của người dân thay cho tiếng hô, lời nói, chữ viết, rằng họ không bao giờ chấp nhận đường ranh 9 điểm – đường lưỡi bò, đường hình chữ U – của nhà cầm quyền Cộng Sản Bắc Kinh. Và trường Đại học Hoa Sen đã đứng ra tổ chức cuộc thi thiết kế logo “Non– U”.

Cuộc thi này được trang báo điện tử Dân Làm Báo tháng 7– 2011 phổ biến qua một thông báo có tựa đề “Trường Đại học Hoa Sen tổ chức cuộc thi Thiết Kế Logo Non– U, Nói Không với Đường Lưỡi Bò”. Nhưng, chỉ vài ngày sau, cũng trên trang mạng này, một bài khác lại ra thông cáo, “Dừng cuộc thi nói Không với chữ U”. (1)

Chẳng cần giải thích, ai cũng biết thừa tại sao cuộc thi bị cấm. Nhà cầm quyền Cộng sản Hà Nội không muốn phong trào chống Trung Cộng lan rộng và lớn mạnh vì lo sợ phong trào này sẽ chuyển thành một cuộc “cách mạng hoa sen” lấy cảm hứng từ cuộc “Cách mạng Hoa lài” của người dân Bắc Phi.


Vài Logo U-NO)
Nguồn ảnh: OntheNet
Tuy nhiên, hành động ngăn chận lòng yêu nước đã đi chậm một bước! Theo ông Nguyễn Quang A thì đã có 6 logo Non– U được vẽ ra trước khi có cuộc thi vẽ logo của Đại học Hoa Sen thì, đấy là những mẫu logo của họa sỹ Văn Sáng, kiến trúc sư Lý Trực Dũng và kiến trúc sư Võ Thành Lân.

Dưới đây là phần giới thiệu sơ lược về hai trong ba người vẽ logo

Lý Trực Dũng


Lý Trực Dũng
Nguồn: OntheNet
Lý Trực Dũng sinh năm 1946. Quê ở Thừa Thiên – Huế. Ông tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Xây dựng Weimar (CHDC Đức cũ), nay là Đại học Bauhaus. Về mặt chuyên nghiệp, ông hoạt động trong các lĩnh vực kiến trúc, xây dựng. Như một họa sĩ, ông vẽ tranh biếm họa và tranh lụa. Tranh biếm họa của Lý Trực Dũng xuất hiện thường xuyên trên các báo, tạp chí của Việt Nam và Đức.

Hơn 35 năm biếm hoạ, Lý Trực Dũng đã sáng tác hàng ngàn tranh biếm và đoạt được nhiều giải thưởng trong cũng như ngoài nước. Tại Đức, Lý Trực Dũng có tranh trên các tạp chí biếm họa và nhật báo như: Eulenspiegel, Fur Dich, FreieWelt, Tribune, Bauer Zeitung, Das Magazin, Die Welt. Ông được nhận giải thưởng biếm họa của International Biennal of Humor (Cuba 1983) và giải thưởng biếm họa của International Cartoonfestival Knokk Heist (Bỉ 1984).

Lý Trực Dùng nêu rõ bổn phận của một họa sĩ vẽ tranh biếm:

“Nhắc đến biếm hoạ là bắt đầu nói đến một tính chất phê phán, nêu chính kiến của tác giả về một vấn đề của xã hội, một cá nhân hay một chính thể nào đó bằng ngôn ngữ tạo hình rất đặc biệt. Các hoạ sĩ biếm hoạ không chỉ dừng lại ở vai trò một nghệ sĩ, mà ở mặt nào đó, họ là những trí thức có tư cách và trách nhiệm của một công dân, có ý thức với cộng đồng. Một kiểu “nhà báo vẽ” đặc biệt có khả năng và vai trò phản biện xã hội với cách làm việc trào lộng, hài hước.”

Nhưng dưới chế độ cộng sản, chế độ độc tài, chính kiến của cá nhân không được quyền tự do bày tỏ cho dù cá nhân đó là một họa sĩ danh giá. Lý Trực Dũng từng vẽ một bức họa với những cái xẻng nhỏ và những cái xẻng lớn mà người ta vứt hết xẻng nhỏ để tất cả đều mang xẻng lớn. Bức tranh ban đầu vốn có tên “Sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa”, nhưng đến khi lên báo, để tránh những “hiểu lầm” đáng tiếc, đã được biên tập lại thành “Một kiểu sản xuất lớn”.

Lý Trực Dũng có lần phải than phiền về sự ngu dốt, hèn nhát và quan liêu của bộ máy kiểm duyệt:
“Bức tranh mới nhất của tôi cũng về đề tài tàu cao tốc được vẽ như sau: một ông bố mặc quần áo rách, mặt mũi hớn hở đang nói với cô con gái và cậu con trai: “Mình sắp có tàu cao tốc rồi. Chỉ số IQ cao vào loại nhất thế giới. Các con ở nhà khỏi đi học”.

Rất tiếc tờ báo đặt hàng tôi vẽ bức tranh đó đã đăng bức tranh nhưng tự ý cắt bỏ câu: “Các con con ở nhà khỏi đi học”. Chính câu cuối này mới đắt, mới quan trọng, nó là thông điệp chính của bức tranh đến bạn đọc. Nó thể hiện thái độ của người dân trước phát biểu “quá nổi tiếng” của một đại biểu quốc hội chắc có chỉ số IQ rất cao vừa qua khi hùng hồn đòi làm tàu cao tốc. Khi bị cắt phần lời nói trên, bức tranh trở nên vô nghĩa. Bản thân tôi rất ngượng khi xem bức tranh đó trên báo mà vẫn đề tên tác giả là tôi.”(2)

Dù không so sánh chỉ số IQ với người thế giới, nhưng qua thực tế ta thấy, khi được giáo dục đúng đắn trẻ em Việt Nam đều đạt những thành tựu tốt đẹp. Thế mà cho tới ngày nay, sau hơn 30 năm hòa bình thống nhất, Việt Nam vẫn còn rất thiếu lực lượng lao động rành nghề. Đó là kết quả của một nền giáo dục bệnh hoạn, lạc hậu và sơ cứng. Nền giáo dục này chỉ có tài tảy não và nhồi sọ trẻ em cùng một lúc. Lý Trực Dũng nghĩ tới nó như một cỗ máy đen đúa. Nó biến trẻ em thành những hình nộm không mặt mũi, không cá tính.


“Giáo dục” trong cuộc triển lãm tranh biếm họa “Để xem, để cười và để nghĩ” (11/2009)
Nguồn ảnh: Lý Trực Dụng/tinmoi.vn

Tới khi Trung Cộng lộ rõ những hành vi dọa nạt, bá quyền, Lý Trực Dũng đã vẽ hình biển Việt Nam bị 3 con rắn nhe nanh hăm dọa, cả 3 con rắn này đều đội nón “hồng vệ binh”. Một bạn đọc tên Lê Dũng sau khi nhìn thấy bức tranh ấy đã gởi thơ đến họa sĩ. Xin được trích vài đoạn trong lá thơ này (3):

Thân gửi Họa sỹ Lý Trực Dũng,
Tôi là Lê Dũng – một công dân Hà nội II (Gốc Hà Tây, quê Lụa).


Tranh Lý Trực Dũng
Nguồn: LTD
Tôi xin trình bày với anh thế này: Hôm xuống đường ngày 12.6, tôi có thấy mấy cô gái xinh đẹp cầm mấy tờ A4 có vẽ tranh cổ động, châm biếm hình ảnh Tàu đang định nuốt chửng ta. Trong đó có vẽ hình mấy con cá mập răng lởm chởm, chúng nhe răng bao vây dải đất hình chữ S của Việt nam. Hỏi ra mới biết là của anh vẽ, tôi thấy tranh đó của Họa sĩ rất ấn tượng và có giá trị tuyên truyền.

[…]

Thôi, cám ơn anh nào nghĩ ra cái “cấm” đó, tôi chụp giựt ngay lấy làm ý tưởng của mình. Tại sao mình không in mấy cái “cấm” đó lên quần áo để bán nhỉ? Vậy nhờ anh xem triển khai giúp cái ý tưởng này nhé, công xá thế nào xin cứ cho biết, tất cả vì Tổ quốc thì có gì đáng lo anh nhỉ?



Phải chăng khao khát của những người như Lê Dũng đã thôi thúc Lý Trực Dũng phải bắt tay vẽ nên một lệnh cấm của toàn dân Việt Nam “Cấm Trung Cộng xâm phạm biển đảo Việt Nam, cấm đường lưỡi bò hình chữ U.”?

Võ Thành Lân



Võ Thành Lân
Nguồn: OntheNet
Võ Thành Lân sinh năm 1952. Tốt nghiệp Đại học Kiến Trúc TP Hồ Chí Minh (Sài Gòn) năm 1976. Ông từng nhận giải thưởng Ý tưởng của Hội kiến trúc sư quốc tế năm 1981 lúc còn là giảng viên trẻ trường Đại học Kiến trúc.

Sau hơn mười năm đứng trên bục giảng, Võ Thành Lân bỏ ra ngoài làm ăn, ông cho biết :

“Lý do tôi ra đi là vì nhiều khi tôi phải dạy cả những điều mà mình không chắc chắn. Thậm chí những gì mình biết cũng chưa chắc đúng. Giáo dục đại học là cọ xát để tạo ra cái mới. Điều học trò cần ở người thầy là những trải nghiệm cá nhân chứ không chỉ là những trang giáo trình.”

Kiến trúc sư Võ Thành Lân được biết đến như một người dám nói thẳng, nói thật. Trong một bài phát biểu đọc tại Đại hội Kiến trúc, ông từng nói:

“Có người suốt đời chỉ làm cán bộ, làm quan, chưa từng sản xuất ra một bản thiết kế nào nhưng rất giỏi cái việc làm cho tác giả của những bản thiết kế phải cụt hứng bất cứ lúc nào.” (4)

Chính vì có các quan chức không hề biết nghề nhưng lại rất giỏi trong việc soi mói, phê phán người có nghề nên dù với rất nhiều tiền bạc đầu tư, các đô thị Việt Nam ngày càng lún sâu thêm trong những tệ trạng về quy hoạch, kiến trúc và xây dựng. Những tệ trạng rõ nhất là nạn kẹt xe, ngập nước, và tai nạn giao thông ngày càng trầm trọng.

Theo Võ Thành Lân, các đô thị Việt Nam là những cái chợ hỗn tạp, hung bạo:

“Hiện nay chúng ta đang sống trong những cái chợ, những cái chợ lớn nhỏ tùy theo quy mô của đô thị. Kiểu đô thị chợ với nhà ống và xe gắn máy đang quy định cách sống, cách ứng xử, cách suy nghĩ của toàn bộ đời sống xã hội. Một đô thị mà trong đó, người ta sống, sinh hoạt, đi lại như trong một cái chợ thì tâm lý kẻ chợ luôn là tranh cướp, lấn chiếm từ cái vỉa hè, tấc đất trở đi, ăn gian, cân thiếu... Tiếp đó là cái gì cũng có thể “chạy”: Chạy ghế, chạy chức, chạy việc làm, chạy đi học, chạy giấy phép, chạy làm quan.” – Mới đầu là tập cho quen, dần dà trở thành tập tính và tư duy của cộng đồng, đó là sống theo kiểu tranh cướp nhau, sống mất trật tự, sống ích kỷ và hung bạo.” (5)
Gần đây nhất, sự kiện Lê Văn Luyện ngày 31 tháng 8, 2011 tuy chưa đủ 18 tuổi đã một mình ra tay giết 3 mạng người gia đình chủ tiệm vàng Ngọc Bích tại Bắc Giang là điển hình rõ ràng nhất cho kiểu sống “kẻ chợ” này. Kẻ giết người đã bị bắt giam nhưng Lê Văn Luyện có chính thực là tội phạm hay không, hay thủ phạm chính đưa đến vụ án ghê rợn này chính là chế độ Cộng Sản, cha đẻ của tội ác và bất công hiện đang hàng ngày diễn ra trên khắp đất nược
Trong tháng Mười này, người khắp thế giới đã rùng mình sởn gáy khi coi đoạn video clip một bé gái 2 tuổi (bé Duyệt Duyệt) tại tỉnh Quảng Đông, Trung Hoa bị hai xe tải liên tiếp cán lên người, vậy mà nhiều người nhìn thấy bé nằm trong vũng máu vẫn thản nhiên đi qua. Chưa xong, cùng trong tháng đó, một bé trai 5 tuổi tại tỉnh Tứ Xuyên bị một xe tải đụng phải, và rồi tài xế đã lùi xe để cán thêm một lần nữa cho bé chết hẳn vì không muốn rắc rối chuyện trả viện phí.

Có một mẫu số chung cho các đô thị Việt Nam lẫn Trung Hoa lục địa, con người đã trở thành vô cảm với đồng loại đến mức thú vật. Không, nói vậy là sai, trong trận lụt lịch sử tại thủ đô Bangkok Thái Lan, người ta chụp được hình ảnh các con vật biết giúp đỡ lẫn nhau, đó là một con chó cõng con khỉ trên lưng bơi trong biển nước, hay một chú khỉ xốc nách một chú chó lên cạn. Thưa vâng, đây là một sự so sánh hời hợt nhưng vẫn khiến chúng ta phải thở dài chua xót.

Chính chế độ Cộng Sản – với thể chế chính trị độc đảng – đã khống chế hết thảy các hoạt động xã hội, từ đó dẫn đến mọi thối nát bất công. Muốn thay đổi sự độc tài độc đảng này để tiến đến một thể chế đa nguyên đa đảng thì phải có các tổ chức dân sự như những hiệp hội ngành nghề; ví dụ trong giới kiến trúc cần thiết phải có một Kiến trúc sư Đoàn độc lập, không bị điều hành bởi các đảng viên Đảng Cộng Sản. KTS Võ Thành Lân từng đề nghị:

“Trên thế giới, một trong những nguyên tắc trở thành thành viên Kiến Trúc Sư Đoàn là anh không phải công chức. Anh không thể vừa quản lý, vừa hành nghề được. Chỉ có một loại công chức (người ăn lương nhà nước) được phép vào KTS Đoàn là các giáo sư ở trường đại học.

Để trở thành một: một thực thể xã hội, một nguồn lực quốc gia, một tình yêu nghề nghiệp chân phương, một trách nhiệm cá nhân hòan hảo của giới kiến trúc sư, cần phải bắt đầu từ một không gian nghề nghiệp lành mạnh và hiệu quả hơn. Tất cả, tất cả có gì khác hơn đó là cần phải có một KIẾN TRÚC SƯ ĐOÀN. Mà nào có xa lạ chi, khó khăn chi, cả thế giới nầy thiên hạ ai cũng làm vậy.”(*)


Logo trường Kiến trúc TP HCM
Nguồn: OntheNet
Tưởng cũng nên nhắc lại, Kiến trúc sư Võ Thành Lân chính là người đã thiết kế logo của trường Đại học Kiến trúc TPHCM năm 1976. Logo mang hình một bàn tay bên cạnh cây thước ê– ke và thước tê. Logo mang ý nghĩa “bàn tay xây dựng”.

Giờ đây, trước hiểm họa bành trướng xâm lăng của Cộng Sản Trung Hoa, Võ Thành Lân vẽ logo U– No mang ý nghĩa “nói Không với đường Lưỡi Bò, canh giữ từng tấc đất tấc biển”, vì rằng, mất nước là mất tất cả. Đó là thông điệp cho tất cả những ai còn nghĩ tới quốc gia dân tộc: “Muốn xây dựng tổ quốc, trước tiên, phải bảo vệ tổ quốc.”


© DCVOnline

0 comments:

Powered By Blogger