Sunday, October 2, 2011
Kỷ niệm hôn phối,nhìn lại "đoạn đường chiến binh"
Huy Phương
Ngày xưa, ông bà cụ chúng ta lập gia đình có khi "cha mẹ đặt đâu con ngồi đó", hôn nhân trước, tình yêu sau, dần dà "thia lia quen chậu vợ chồng quen hơi", không yêu thương cũng tình nghĩa. Các cụ đâu có nhớ ngày nhớ tháng lúc lấy nhau, mà cũng không hoài công kỷ niệm cho nhọc công, cứ sinh con, đẻ cháu đầy đàn để nối dõi tông đường là đủ bổn phận. Ngày nay, theo Âu Mỹ, bà con cũng ăn mừng kỷ niệm hôn lễ, 10 năm, 20 năm, 50 năm. Sách vở có đặt tên cho những ngày kỷ niệm hôn lễ từ năm thứ nhất cho đến năm thứ 100. Đại khái năm thứ nhất hôn phối gọi là Lễ Giấy (Paper), năm thứ hai gọi là Lễ Bông (Cotton), năm thứ 10 gọi là Lễ Thiếc-Nhôm (Tin-Aluminum), năm thứ 20 kêu bằng Lễ Sứ (China), năm thứ 30 gọi là Lễ Ngọc Trai (Pearl), năm thứ 40 gọi là Lễ Ngọc Thạch (Ruby), năm thứ 50 gọi là Lễ Vàng (Gold), 60 là Kim Cương (Diamond), 70 là Bạch Kim (Platinum) và năm thứ 100 là Lễ "Kim Cương10 Carat" (10 Carat-Diamond). Lễ sau cùng này chỉ để dành cho Cụ Ông Cụ Bà Bành Tổ, đặt tên thêm cho vui chứ thực tế không hề có.
Đất nước chúng ta đã trải qua nhiều năm chiến tranh, chết chóc, rồi tù đày, chia cắt, sau tháng 4-1975 nhiều cuộc chia tay tưởng chỉ là tạm biệt, cuối cùng lại là vĩnh biệt, từ đó ít có cuộc hôn nhân nào vững bền. Trong cuộc đổi đời ngày đó, biết bao nhiêu gia đình chịu cảnh chia ly, tan tác, đưa đến những nghịch cảnh đau lòng khiến hạnh phúc chưa bao giờ trọn vẹn. Rời quê hương nước ngoài, một lần nữa cuộc sống đổi thay, lòng người cũng thay đổi, lại bao nhiêu cuộc hôn nhân tan vỡ. Mấy ai đã đi trọn được một cuộc tình và dưới mái nhà xưa nay chỉ có một hình bóng thân yêu duy nhất.
Cuộc đời này buồn nhiều hơn vui, nên có gì vui thì cứ làm. Người ta tổ chức kỷ niệm 50 năm làm báo, 50 năm âm nhạc, 50 năm sân khấu, mình không có gì thì kỷ niệm 50 năm lấy vợ. 50 năm không phải là một thành tích, 50 năm chỉ là một đoạn đường. Trong quân đội người ta gọi đó là "đoạn đường chiến binh", bò dưới hỏa lực, dưới những hàng kẽm gai, chỉ cần ngóc đầu dậy là bị sát thương. Thiên Chúa Giáo thì có "đoạn đường Thánh Giá", mà Chúa đã chịu khổ nạn để đi qua, hôn nhân cũng không phải là đoạn đường đầy hoa thơm và cỏ lạ hay lót bằng nhung lụa. Còn "bí quyết" để đi cho trọn một đoạn đường dài với chỉ một người thì ca dao tục ngữ dân gian đã nói nhiều rồi, tựu trung chỉ trong một chữ "nhẫn". Từ xưa đến nay, các bạn có thấy ai làm lễ cưới mà không có một cái nhẫn đeo vào ngón tay không?
Thời nay, việc lập gia đình được người ta tính toán, có công ăn việc làm, làm chủ được một căn nhà mới tính chuyện hôn nhân, hai bên thuộc "môn đăng hộ đối", anh kỷ sư thì chị cũng phải dược sĩ, nghèo nghèo thì chị "ly" (assembly), anh cũng phải "tách" (tehnician). Ngày xưa cũng có chuyện "phi cao đẳng bất thành phu phụ", hay "anh chưa thi đỗ thì chưa... động phòng", chỉ có những anh liều như người viết bài này, 25 tuổi, mới có chút công ăn việc làm, không có tài sản, cũng chẳng có gia tài bố mẹ để lại, đang ở nhà thuê, để ý đến một cô, đã vội vàng về xin bố mẹ đi hỏi cưới cho bằng được, mà không biết "ngày mai sẽ ra sao?"(Qué sera, sera...) Nhà nghèo, lỡ sinh ra trong một gia đình đông con, thi vào sư phạm là con đường ngắn nhất để có cơm ăn, thì tiền đâu mà lo chuyện cưới hỏi, nên một đôi hoa tai ngày cưới cũng phải mượn nhờ bà chị họ. Không lẽ ai nghèo cũng không có được vợ hay sao? Vả lại nghèo giàu vốn do số mệnh, chúng ta có muốn thay đổi cũng khó lòng. Đôi lúc vợ tôi than số phải lấy chồng nghèo, "thiếu trước hụt sau", câu giải thích của tôi là, nghèo hay giàu đã nằm sẵn trong cung "phu" của vợ, mà tử vi của vợ mình là "thân cư phu", thì dù lấy ai cũng phải chịu cảnh nghèo là đúng thôi!
Tôi biết những viên chức trong chính phủ miền Nam ngày trước, tuy mang tiếng là lấy vợ đã bốn, năm mươi năm, nhưng thực tế Việt Cộng đã lấy mất của họ, người ít thì vài ba năm, người nhiều có khi mất mươi, mười lăm năm, trong các trại tù tập trung của Cộng Sản sau khi miền Nam thất thủ. Tôi cũng vậy, nếu có một buổi lễ kỷ niện 50 năm hôn phối, thì thực tế chỉ còn 43 năm. Bảy năm nhiều khi qua như một giấc mộng, nhưng đôi lúc cũng là một thời gian dài uổng phí của tuổi thanh xuân. Sau bảy năm, có lẽ theo nguyên tắc tiếp vận, số đạn dược dành cho khẩu đội nếu không dùng sẽ không được bồi hoàn, và nếu có được bồi hoàn thì qua bảy năm dài, số đạn phơi sương phơi nắng cũng thành đạn lép bất khiển dụng. Cho nên đến tuổi già, dù trên vẫn còn răng, dưới vẫn có túi, nhưng là:
"Hàm răng vẫn có hàm răng rụng
Túi đạn tuy còn túi đạn không!"
Bạn có bao giờ tin tử vi, bói dịch, chỉ tay, tướng số không? Trong một đất nước chiến tranh, đầy xáo trộn, bất bình thường như đất nước chúng ta, nhiều khi tướng số, tử vi cũng lộn tùng phèo. Thỉnh thoảng theo bạn bè tôi cũng có đi xem bói hay nhờ quý "Thầy" chấm tử vi, ông nào cũng nói số tôi hai vợ, và các con tôi phải có anh em dị bào. Tự kiểm điểm lại tôi thấy mình cũng thuộc loại "cù lần", nổi tiếng là "thầy tu", chỉ biết "cơm nhà, quà vợ", nhìn lại nửa thế kỷ qua, giờ đây đi đứng đã lụm khụm, quanh quẩn chỉ độc có một bà vợ già, không thể nào có chuyện hai vợ được. Thắc mắc bèn đi tầm sư để hỏi cho ra lẽ, biết đâu về già sắp xuống lỗ lại có thêm một bà nữa cũng nên!
Ông thầy bói cười ngất mà "phán" rằng: "Ông bỏ vợ đã bảy năm, sau bảy năm ở tù về, lại sống với bà khác, vậy không phải hai vợ là gì?" Bây giờ thì tôi đã hiểu, thời gian bảy năm tù đã hóa giải chuyện hai vợ trong số mạng của tôi. Như vậy cũng có thể hiểu rằng, nếu không có chiến tranh, tù đày chưa chừng tôi cũng có hai vợ, còn "được" hai vợ hay "bị" hai vợ là một chuyện khác! Nhiều ông bạn của tôi đi tù về vợ bỏ hay bỏ vợ cũng vì vận nước, thôi thì cứ cho là chuyện số mạng.
Ở cuối cuộc đời, được như thế này cũng ấm lòng, còn ngày mai ra sao xin nhờ ơn trên. Tôi không cầu xin thêm những điều hiện nay tôi chưa có, tôi chỉ cầu xin đừng mất đi những gì hiện nay tôi đang có, dù đó là những điều rất đơn giản.
Dù sao thì mỗi buổi sáng thức giấc, lại có "thêm một ngày nữa để yêu thương!" cứ bước tới, bước tới, dù không "biết ra sao ngày sau!"
--------
Duc H. Vu - Cảm ơn tác giả Huy Phương ! :-)
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 comments:
Post a Comment