Samuel A. Bleicher “...Tuy nhiên, đặc tính của một nước Trung Quốc đương đại lại hoàn toàn khác so với đặc tính của những nước đã có sự thay đổi chế độ vừa kể. Đặc thù của Trung Quốc khiến cho chế độ CSTQ khó có thể tan rã đột ngột, ngay cả khi phải liên tục đối mặt với khó khăn về kinh tế...”
Đôi lời (Anh Ba Sam): Với sự hiểu biết sâu sắc tình hình Trung Quốc, không chỉ về chính trị, mà còn về các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, địa lý, dân tộc học, thậm chí cả triết lý sống – một điều hiếm thấy ở một nhà báo phương Tây – tác giả, ông Samuel Bleicher đã từng làm việc cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cũng như đã trải qua nhiều năm sống và làm việc ở Trung Quốc. Ông Bleicher hiện là giáo sư liên kết của Ðại học Geogertown, có công ty tư vấn mang tên, The Strategic Path LLC
Qua bài phân tích này, ông Bleicher đã chỉ ra rằng, sự thay đổi chế độ ở Trung quốc không thể sớm xảy ra một cách dễ dàng, khác với các nhận định đơn giản của khá nhiều người, trong đó có một số kinh tế, chính trị gia, cho rằng, sự sụp đổ ở Trung Quốc tất yếu sẽ xảy ra một khi nền kinh tế ở nước này bị suy thoái. Ngay cả khi xung đột xã hội căng thẳng đang diễn ra ở Trung Quốc cũng khó có thể đủ để châm ngòi cho một cuộc cách mạng ở nước này.
Tuy nhiên, điều thú vị chính là ở chỗ, tác giả đã chỉ ra các kịch bản thay đổi chế độ có khả năng xảy ra, tuỳ thuộc vào các điều kiện trong và ngoài nước. Trong một thế giới liên kết chặt chẽ của thời đại toàn cầu hóa mà Trung Quốc đã chấp nhận tham gia cuộc chơi và đã được hưởng khá nhiều lợi ích từ thế giới bên ngoài, các yếu tố chính trị, kinh tế, dân chủ và quân sự bên ngoài chắc chắn ảnh hưởng đến sự thay đổi này. Nhưng quan trọng hơn cả là vận mệnh chính trị Trung Quốc, giờ đây không chỉ là ván cờ giữa các phe phái trong giới lãnh đạo Ðảng Cộng sản Trung Quốc, mà người dân Trung quốc bắt đầu đóng vai trò chính trong cuộc chơi và cũng chính họ cuối cùng sẽ là những người chiến thắng trong ván cờ này.
Có một hợp đồng xã hội được ngầm hiểu, đặt nền tảng cho mối quan hệ giữa người dân Trung Quốc với chính quyền. [Theo hợp đồng đó] người dân chấp nhận sự chuyên chế của Ðảng Cộng sản Trung Quốc, với tệ nạn tham nhũng và sự tham gia tối thiểu của công chúng [trong việc điều hành đất nước], chính quyền cộng sản Trung Quốc không ngừng cải thiện nhanh đời sống kinh tế. Nhưng hợp đồng xã hội đó đang có nguy cơ bị phá vỡ, do Trung Quốc đang trên con đường [phát triển] không bền vững, sẽ dẫn đến sự trì trệ hoặc suy thoái kinh tế trong những thập niên tới.
Có nhiều thủ phạm gây nên sự suy thoái củaTrung Quốc, trong đó giới hạn sinh thái đứng đầu danh sách. Chẳng hạn như, trong quyển sách Khi một tỷ người Trung Quốc hành động (When A Billion Chinese Jump),Jonathan Watts liệt kê danh mục các thảm họa sinh thái hiện tại, cũng như các thảm họa tiềm ẩn: khai thác mỏ than đến cạn kiệt ở các tỉnh miền Tây khô ráo, đánh bắt cá và hải sản quá mức, thiếu nước và ô nhiễm nước công nghiệp, khai thác các khu rừng nguyên sinh và đồng cỏ đến mức không thể phục hồi được, tất cả những sự kiện trên càng trở nên trầm trọng hơn do ảnh hưởng lệch lạch của sự thay đổi khí hậu toàn cầu.
Kế đến là việc điều hành thiếu hữu hiệu - các quyền sở hữu đích thực, nền hành chính lương thiện, sự giám sát pháp lý công minh. Sự điều hành thiếu hữu hiệu kể trên không những gây khó khăn về mặt xã hội, mà còn được coi như là chướng ngại quan trọng ngăn cản sự tăng trưởng của nền kinh tế. Dựa trên những nghiên cứu gần đây cho thấy tiến bộ kinh tế có tương quan mật thiết với sự quản lý điều hành tốt, Mark Whitehouse công bố trên báo Wall Street Journal rằng: “Trung Quốc đã đạt được tiến bộ lớn trong việc giúp người dân thoát khỏi thứ hạng các nước nghèo nhất. Nhưng nếu kinh nghiệm của các nước khác là một chỉ dấu nào đó, thì Trung Quốc cần một cuộc cách mạng để trở thành một quốc gia giàu có“.
Một sức ép thứ ba lên hệ thống của Trung Quốc là sự lựa chọn kinh tế vĩ mô của chính phủ không bền vững. Theo Strafor, sự mất cân bằng trong cấu trúc kinh tế Trung Hoa đặt nặng vào dầu tư và do chính phủ hoạch định, chắc chắn tạo ra “một cuộc chạy đua không phải giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ hoặc thậm chí giữa Trung Quốc và thế giới” mà là “một cuộc đua để xem điều gì sẽ đập vỡ Trung quốc trước, sự mất cân bằng nội tại của chính Trung Quốc hay quyết định của Hoa Kỳ dùng chính sách can thiệp của chính phủ đối với mậu dịch quốc tế”.
Khi một hoặc nhiều sức ép kể trên gây ra sự trì trệ kéo dài hoặc suy thoái kinh tế, chính quyền ÐCSTQ sẽ không có khả năng đem lại tăng trưởng kinh tế như đã hứa hẹn. Các thảm họa kinh tế và xã hội sắp xảy ra, gồm sự phụ thuộc vào các nguyên liệu thô nhập khẩu đắt đỏ ngày càng nhiều, nhu cầu xuất khẩu bị giảm đáng kể, các vụ bạo loạn do công nhân ngành xuất khẩu và các sinh viên đại học tốt nghiệp bị thất nghiệp gần đây, sự sụp đổ trong ngành bất động sản, lạm phát tăng nhanh và sự khan hiếm thực phẩm ở các vùng thành thị.
Một cách rõ ràng hay ngầm hiểu, nhiều điều trong các cuộc thảo luận về “con đường không bền vững” cho rằng sự trì trệ hoặc suy thoái kinh tế sẽ huỷ diệt chế độ CSTQ, một khi chế độ này thất bại trong thực hiện được hợp đồng xã hội. Có rất nhiều ví dụ thay đổi chế độ tương tự, từ sự sụp đổ mang tính lịch sử của các triều đại Trung Quốc và sự sụp đổ của Liên Xô cùng chế độ cộng sản ở các nước đồng minh Ðông Âu, cho đến Cách Mạng màu trong những năm 2000, và gần đây là các cuộc nổi dậy Mùa Xuân Ả Rập ở Tunisia, Ai cập, Yemen, Lybia và Syria.
Tuy nhiên, đặc tính của một nước Trung Quốc đương đại lại hoàn toàn khác so với đặc tính của những nước đã có sự thay đổi chế độ vừa kể. Đặc thù của Trung Quốc khiến cho chế độ CSTQ khó có thể tan rã đột ngột, ngay cả khi phải liên tục đối mặt với khó khăn về kinh tế. Câu hỏi thực sự là, liệu chế độ này sẽ đáp ứng bằng cách thay đổi thành một chế độ cởi mở hơn, một chế độ có sự tham gia của quần chúng, hay một nền chuyên chế ngày càng tàn bạo và bị cô lập. Chỉ có giới lãnh đạo và nhân dân Trung Quốc là những người cuối cùng có thể thực hiện sự lựa chọn hệ trọng này. Hoa Kỳ và phương Tây cần đi những bước thận trọng để tránh bị cho là nguyên nhân gây ra sự nguy khốn về kinh tế ở Trung Quốc.
Các yếu tố kinh tế và văn hóa đối trọng
Mặc dù có những điểm giống nhau có thể dễ dàng nhận ra, chế độ CSTQ chắc chắn sẽ không sụp đổ nhanh chóng giống như chế độ chuyên chế toàn trị ở Liên Xô hoặc chế độ Mubarak ở Ai Cập. Trung Quốc thuộc loại khác, do vấn đề dân số và văn hóa, cấu trúc kinh tế và chính trị hợp thành một thể thống nhất có tính quốc gia, cũng như bản chất của sự đối kháng quần chúng. Quan niệm cho rằng, khi tăng trưởng kinh tế chấm dứt sẽ làm cho chế độ CSTQ sụp đổ, đã bỏ qua yếu tố thực tế của xã hội Trung Quốc.
Đặc thù của Trung Quốc trước hết là tính đồng nhất về văn hóa của nước này. Trong số 1,3 tỷ dân thì 92% là người Hán, có cùng ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo và các quan điểm triết lý, và ngoại hình tương tự, làm giảm thiểu sự chia rẽ. Dân chúng ở các vùng tự trị Quảng Châu, Nội Mông, Tây Tạng, và Tân Cương có đặc thù ngôn ngữ, văn hóa, diện mạo, và ở nhiều mức độ khác nhau, họ xem mình không phải người Hoa. Nhưng không một sắc tộc nào trong số 56 dân tộc thiểu số ở Trung Quốc có đông hơn 1,25% dân số Trung Quốc. Tây Tạng là những người được quốc tế biết rõ nhất, dân số cũng chưa tới 6 triệu người. Hơn nữa, thực tế địa lý ràng buộc chặt chẽ giữa các vùng tự trị đó với Trung Quốc về mặt kinh tế, và chế độ CSTQ đang thúc đẩy các mối liên hệ đó qua việc di cư người Hán.
Liên Xô là nước có “kịch bản thay đổi chế độ” duy nhất gần giống Trung Quốc về mặt qui mô dân số, nhưng ngay từ đầu, Liên Xô đã là một liên bang, gồm các nước cộng hòa tách biệt về ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo và có mức sống khác nhau. Phần lớn những nước đã từng trải qua sự thay đổi chế độ là những nước nhỏ hơn Trung Quốc rất nhiều và không đồng nhất về văn hóa. Ai Cập là nước lớn nhất trong các nước xảy ra cách mạng Mùa Xuân Ả Rập, cũng chỉ có 78 triệu người, và khoảng 90% dân số theo đạo Hồi. Năm trong mười tám tỉnh ở Trung Quốc có dân số lớn hơn thế. Nước lớn nhất đã xảy ra Cách Mạng màu là Ukraine, có dân số dưới 50 triệu người, trong đó có 20% là người sắc tộc và sử dụng tiếng Nga.
Văn hóa Trung Hoa đã duy trì tính liên tục bền vững, nhưng cấu trúc kinh tế và xã hội đã thay đổi một cách đột ngột trong 30 năm qua. Hầu hết các hoạt động kinh tế giờ đây là một phần của một thể hợp nhất, với các công ty nhà nước và tư nhân trên danh nghĩa do chính quyền chỉ đạo, hợp tác để mở rộng sản xuất. Khoảng một nửa dân số sống ở thành thị. Chính sách định hướng xuất khẩu về “chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc” đã khiến các vùng duyên hải giàu có phụ thuộc nặng nề vào sự thâm nhập thị trường nước ngoài và nguồn lao động nội địa, cũng như nguyên liệu thô.
Khác với các triều đại Trung Quốc trước đây, nông nghiệp không còn là yếu tố chi phối hệ thống kinh tế Trung Quốc. Nền tài chính của chế độ CSTQ không còn phụ thuộc vào thuế của các sản phẩm nông nghiệp. Thay vào đó, Trung Quốc trợ cấp các vùng nông thôn bằng ngân quĩ có được từ xuất khẩu. Nguồn dự trữ ngoại tệ dùng để nhập khẩu thực phẩm trong giai đoạn đói kém và hạn hán. Một cuộc nổi dậy của nông dân giống như thế đã từng bị các triều đại phong kiến đàn áp, khó có thể xảy ra để lật đổ chế độ hiện tại.
Nền kinh qui hoạch của Liên Xô không có sự trao đổi mậu dịch với nước ngoài, các sản phẩm và dịch vụ còn tương đối thô sơ và bị lệch theo hướng có lợi cho Moscow và St. Petersburg (2 trung tâm quyền lực chính trị của Liên Xô thời bấy giờ – ND). Các nước cộng hòa ở châu Âu và các đồng minh Liên Xô đã dự đoán chính xác rằng, có thể cải thiện nhanh chóng mức sống bằng cách thoát khỏi Liên Xô và mở cửa giao thương với Tây Âu. [Trong khi đó] không hề có sự thúc đẩy tương tự ở một vùng nào của Trung Quốc vốn đã được hưởng lợi từ thương mại quốc tế cũng như đang dựa vào mậu dịch quốc tế. Bất kỳ tỉnh nào cố tách ra khỏi Trung Quốc sẽ chịu hậu quả nặng nề về mặt kinh tế.
Mặc dù thu nhập trung bình ở Trung Quốc gần bằng những nước đã trải qua cách mạng Mùa xuân Ả Rập và Cách Mạng màu, hơn 200 triệu người Trung Quốc hiện đang được hưởng đời sống “trung lưu” thành thị. Tình trạng kinh tế của họ phụ thuộc vào sản xuất ở các xí nghiệp, xây dựng, thương mại quốc tế và tài chính. Tỷ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc năm 2008 là 4%, và hầu hết mọi người đều có việc làm vì lý do kinh tế lẫn văn hóa. Tỷ lệ thất nghiệp năm 2008 được báo cáo là 30% ở Lybia, 14% ở Tunisia và 8% ở Ai Cập và đó là con số trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu. Không kể đến xuất khẩu dầu, những nước Ả Rập này là những nước kém phát triển nhất, năng suất lao động kém hiệu quả nhất trên thế giới.
Các lực lượng chính trị đối lập
Các lực lượng chính trị đối lập
Giờ đây, chế độ CSTQ thực hiện theo mô hình lãnh đạo ở các tập đoàn công ty, với các nhiệm kỳ đã được xác định rõ, đem lại một mức độ ổn định mà các chế độ cộng sản khác chưa bao giờ đạt được. Những thái quá của Mao và “Bè lũ bốn tên” cảnh báo không nên cho phép bất cứ điều gì dẫn đến sự thống trị của một người. Ước vọng của Trung Quốc muốn được quốc tế nể vì, cùng với nét văn hóa sâu sắc chuộng tìm đồng thuận, triệt để không chấp nhận việc “luồn lách”(*). Hệ thống ủy ban mờ ảo là phản đề của chủ nghĩa “sùng bái cá nhân”, thường thấy ở hầu hết các nước đã trải qua sự thay đổi chế độ đột ngột.
Mục tiêu của chế độ CSTQ là “một xã hội hài hòa” dựa trên “viễn cảnh phát triển khoa học”. Tương đối một số ít người Trung Quốc nghi ngờ thiện chí của giới lãnh đạo trung ương trong việc cải thiện kinh tế, cho dù họ nghĩ sao đi nữa về cách tiếp cận vấn đề nhân quyền của chính phủ. Việc thành lập một liên minh đối lập chống lại những ủy ban hoạt động theo phương pháp đồng thuận xem ra khó hơn là chống đối một cá nhân lãnh đạo lộ nguyên hình, tự tôn tự đại.
Về mặt hành chính, chế độ CSTQ là một cơ cấu đơn hợp nhất. Quan chức trong các tỉnh thay phiên nhau điều hành và thường ít có sự liên hệ với quản hạt mà họ điều hành. Tương tự, quân đội cũng hoạt động như một tổ chức quốc gia thống nhất. Các sỹ quan quân đội cao cấp là đảng viên Ðảng Cộng sản, tham gia một cách tích cực. Sự sắp đặt này nhằm cổ vũ cho sự trung thành đối với các định chế quốc gia và ngăn chặn các liên minh đối lập hoặc các lực lượng ly khai tiềm ẩn.
Do mối liên hệ sâu sắc về chính trị và kinh tế giữa Trung Quốc với thế giới bên ngoài, hoạt động [của đất nước] sẽ không thực tế nếu thiếu [sự điều hành của] một chính phủ trung ương hữu hiệu. Phá vỡ [sự thống nhất quốc gia] là một phản bội về mặt tâm lý đối với đa số người dân Trung Quốc, đã kinh qua nỗi nhục một nước Trung Quốc “yếu đuối” do các thế lực đế quốc áp đặt hồi thế kỷ 19. Bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài cũng sẽ gây phản ứng đoàn kết người dân Trung Quốc để chống lại.
Hơn nữa, trong một thế giới được trang bị vũ khí nguyên tử và liên kết với nhau về mặt kinh tế, các nước khác cũng muốn làm việc với một chế độ trung ương có quyền hành về quân đội, chính trị và kinh tế. Việc các cường quốc và các tổ chức quốc tế tiếp tục công nhận chế độ CSTQ sẽ ngầm phá các phong trào đối lập và ly khai. Thời kỳ “các nước trong tình trạng chiến tranh” xuất hiện trở lại (hoặc đưa Ðài Loan trở về với Đại Lục) là điều không thể tưởng tượng có thể xảy ra trong thế kỷ 21.
Hàng ngàn người biểu tình phản đối chính quyền, các vụ biểu tình, nổi loạn và các hành động bạo lực đã xảy ra ở Trung Quốc hàng năm. Nhưng hầu như tất cả đều phát sinh từ những hành vi sai trái ở cấp địa phương hoặc công ty: Các kiểu làm ăn suy đồi [về đạo đức] như: giả mạo thực phẩm, xây dựng trường học bằng hàng dỏm, làm ô nhiễm môi sinh hoặc đối xử độc đoán với những người dân dám thách thức các quan chức tham nhũng. Các nhóm chống đối thường kêu gọi sự giúp đỡ của [chính quyền] Bắc Kinh, thỉnh thoảng chính quyền cũng trở thành anh hùng cứu giúp do thực hiện các hành động sửa sai.
Chế độ CSTQ tấn công dữ dội bất kỳ nhóm nào có tầm vóc toàn quốc mà họ không công nhận, cho dù là tổ chức tôn giáo (Pháp Luân công) hay chính trị (Tuyên ngôn 2008). Lo sợ về một cuộc “Cách mạng hoa nhài” ở Trung Quốc hay các cuộc biểu tình nhỏ tổ chức trên mạng Twitter đã xảy ra trong năm 2011, các bộ phận an ninh Trung Quốc đã phản ứng bằng cách đánh phủ đầu, kể cả việc bắt giữ và làm biến mất những người “gây rối” như họa sĩ nổi tiếng Ngải Vị Vị và 20 luật sư nhân quyền hàng đầu của nước này. Chế độ này cũng bắt đầu kiểm soát các phương tiện liên lạc điện tử hết sức tinh vi. Những hành động đó đã vô hiệu hóa bất kỳ mối đe dọa nhỏ nhặt nào mà họ thấy.
Vào thời Trùng Quốc đương đại, những sự kiện gây nên sự phẫn nộ lan rộng chống đối chế độ CSTQ rất là hiếm hoi. Các cuộc bầu cử gồm nhiều ứng viên trong nội bộ đảng chỉ được tổ chức ở cấp địa phương. Chẳng có sự chung nhất nào có thể so sánh được với các cuộc bầu cử gian lận ở những nước xảy ra Cách Mạng màu. Bất kỳ sự chống đối đáng kể nào đối với thể chế quốc gia này đều phải đối mặt với thực tế khó khăn lớn, vì thiếu những cơ hội để gây dựng một tổ chức và xây dựng giới lãnh đạo ở tầm quốc gia.
Sự bất bình về tai nạn tàu cao tốc gần Ôn Châu xảy ra gần đây đã lan rộng trong quần chúng và tiếp theo là sự che đậy bằng cách dập tắt các tin tức có liên quan, cho thấy có khả năng [xảy ra] một kiểu châm ngòi khác [cho quần chúng]. Bộ Ðường sắt Quốc gia chịu trách nhiệm trực tiếp về chương trình tàu cao tốc, và vì vậy sự căm ghét của công chúng nhắm trực tiếp vào cấp trung ương của chế độ CSTQ. Chính quyền đã sa thải 3 viên chức cao cấp trong Bộ Ðường sắt và chắc chắn sẽ đền bù thiệt hại cho những người bị thương, nhưng các hành động như thế không giải quyết được mối lo ngại sâu sắc của người dân về chính sách, sự minh bạch, và xử lý vấn đề đúng luật. Một thảm họa lớn như vụ tai nạn lò phản ứng hạt nhân Fukushima tan chảy có thể dấy lên sự chống đối chế độ CSTQ mạnh mẽ và liên tục. Tuy nhiên, mặc dù các dự án được kiểm soát ở tầm quốc gia, đặc biệt là các nhà máy năng lượng hạt nhân, sẽ trở nên phổ biến hơn khi Trung Quốc tiến bộ hơn về mặt kỹ thuật, khả năng một tai nạn lớn có thể làm rung chuyển chế độ CSTQ dường như rất nhỏ.
Ðiều gì sẽ xảy ra với chế độ Cộng sản Trung Quốc?
Những ví dụ về ‘kịch bản thay đổi chế độ’ cho thấy, người dân bị thúc đẩy để lật đổ các chế độ toàn trị khi chính quyền ở những nước này đe dọa sự sống còn của các phe nhóm bất mãn, thất bại trong việc lập chính sách giải quyết vấn đề thất nghiệp và lạm phát cao, hoặc tham gia các hoạt động phi pháp trắng trợn để tiếp tục nắm quyền, khi đương đầu với sự giận dữ của đông đảo quần chúng chống đối. Những điều vừa kể, không có điều nào áp dụng vào tình hình Trung Quốc hiện nay.
Tuy nhiên, suy thoái kinh tế chắc chắn sẽ dẫn đến thay đổi. Hệ quả [do suy thoái] rất có thể là đấu đá chính trị nội bộ làm cho các phe phái suy yếu hơn, khi tìm cách bảo vệ phần (kinh doanh, tài sản) của họ trong một nền kinh tế trì trệ. Một kết quả khác nữa là Trung Quốc sẽ ngày càng bận tâm đối phó với thách thức nội bộ và ít quan tâm đến vai trò lãnh đạo, hay thậm chí vai trò đáp ứng trong quan hệ toàn cầu.
Ðể giảm bớt sự bất mãn cao độ [trong quần chúng] về việc điều hành kinh tế kém cỏi liên tục kéo dài, ÐCSTQ có thể sẽ không bầu lại người giữ chức chủ tịch thêm nhiệm kỳ thứ hai, hoặc thậm chí chủ tịch có thể từ chức trước khi kết thúc nhiệm kỳ. Tuy nhiên, những điều làm cho kinh tế suy thoái sẽ không biến mất. Không có chủ tịch mới nào sẽ có thể ngăn chặn được sự suy thoái.
Kinh tế vô cùng khó khăn
Ban lãnh đạo mới có thể không làm vừa lòng công chúng được lâu, đặc biệt do sự thay thế này cũng đến từ một quá trình [chọn lựa] không rõ ràng như cũ và cũng từ những cán bộ cũ là đảng viên ĐCS Trung Quốc. Khác với một cuộc bầu cử thực sự, quá trình thay thế lãnh đạo này sẽ không tạo ra sự tin tưởng trong dân chúng về các nhà lãnh đạo mới, hay bất kỳ sự quan tâm nào đến sự thành công của họ. Một cách trớ trêu, sự thay đổi trong giới lãnh đạo ĐCSTQ không dự trù trước có thể bị coi như thừa nhận thất bại, và điều này thúc đẩy nhu cầu thay đổi hệ thống chính trị cơ bản hơn nữa. Kết quả cuối cùng là giới lãnh đạo mắc bệnh cuồng hãi nhiều hơn, dẫn tới sự thay đổi cơ chế hình thức, gia tăng ảnh hưởng hoặc thậm chí nắm quyền quân đội và các cơ quan an ninh.
Do phải đối phó với các vấn đề vô cùng khó khăn về môi trường và kinh tế, chế độ ÐCSTQ có thể sẽ cố thử nhiều cách cải cách khác nhau như kiểu công minh (glasnost) và đổi mới (perestroika), cho phép sự tham gia chính trị rộng rãi hơn [trong dân chúng]. Mục tiêu của những cải cách này là giảm bớt nỗi bất bình trong dân chúng, cho người dân có cảm giác tham gia và ủng hộ chính sách của chế độ nhiều hơn.
Sách lược này gồm việc gia tăng nỗ lực giảm bớt tệ nạn tham nhũng ở địa phương. Nhờ sử dụng hệ thống toà án nhiều hơn, việc điều trần chính phủ, giới truyền thông và các hệ thống khác để dân chúng bày tỏ nỗi bất bình, chính quyền sửa sai, có thể lái sự tức giận của công chúng sang hướng khác, tránh việc xuống đường. Những bước đi đó có lẽ là sách lược tốt nhất để bảo đảm sự sống còn của chế độ về lâu dài, vượt qua thời kỳ khó khăn trước mắt.
Tuy nhiên, diễn biến tiệm tiến để quần chúng tham gia [điều hành đất nước] là điều không thể không xảy ra. Chế độ CSTQ hiện nay hình như tin tưởng rằng, bất kỳ sự phát tán quyền lực cai trị đáng kể nào cũng sẽ dẫn đến sự suy yếu không thể chấp nhận được, hoặc dẫn đến sự kết thúc của chế độ.
Một khả năng tiềm ẩn khác là, khi nền kinh tế liên tục trì trệ, bất mãn sẽ gia tăng, điều này sẽ thúc đẩy chính quyền gia tăng cường độ đàn áp các tổ chức, cũng như đàn áp những tiếng nói và những tổ chức đối lập hiện hành hay tiềm tàng. Ông James Fallows, một nhà quan sát nhạy bén, cho rằng tiến trình này đã bắt đầu trong một chừng mực nào đó để đối phó với cách mạng Mùa Xuân Ả Rập. Kết quả là sự gia tăng ảnh hưởng của quân đội và các cơ quan an ninh có thể đẩy chính sách của chính quyền theo hướng đàn áp và độc tài hơn. Chủ nghĩa quân phiệt tàng ẩn hình như là một đặc tính của nhiều chế độ toàn trị và về mặt này có lẽ Trung Quốc không phải là trường hợp ngoại lệ.
Về lâu dài, các biện pháp này có nhiều khả năng gây sự bất mãn và chống đối nhiều hơn trong dân chúng khi điều kiện kinh tế và chính trị không được cải thiện. Nếu sự chuyên chế toàn trị và kinh tế thường xuyên sa sút, kèm theo nạn tham nhũng liên tục, tự tung tự tác, đàn áp, bất công, và nếu các quyền lợi của giới công chức, chính trị và kinh tế làm cho các nguồn tài nguyên xa rời quyền lợi của toàn bộ dân chúng, chế độ CSTQ cuối cùng sẽ phải đối mặt với sự chống đối của đông đảo quần chúng. Trong cơn tuyệt vọng, chế độ này thậm chí có thể đe dọa các nước láng giềng bằng quân sự, dùng việc này như một thủ đoạn chính trị nội bộ có tính toán, hoặc đó là kết quả của sự lo sợ và cuồng hãi trong giới lãnh đạo. Kết quả này có khả năng sẽ tàn phá cả Trung Quốc lẫn thế giới bên ngoài.
Phương Tây và sự suy thoái của Trung Quốc
Rất nhiều bằng chứng cho thấy sự tăng trưởng hiện nay của Trung Quốc không bền vững do nhiều nguyên nhân. Nếu quả thực như vậy, Trung Quốc đang đối mặt với khó khăn, bất kể đặc trưng của chế độ cai trị như thế nào. Sự suy thoái của Trung Quốc, trong trường hợp đặc biệt xảy ra hỗn loạn, có thể gây thiệt hại đến lợi ích kinh tế của Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế, vốn phụ thuộc vào Trung Quốc như một cỗ máy cho sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cũng như một đối tác về hợp tác hòa bình trong vấn đề kiểm soát phổ biến hạt nhân. Sự trì trệ hoặc suy thoái kinh tế trong dài hạn [ở Trung Quốc] ảnh hưởng đến chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế.
Trong ba thập kỷ qua, Hoa Kỳ và châu Âu thi hành một loạt chính sách nhằm đưa Trung Quốc vào hệ thống kinh tế và chính trị toàn cầu. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều người trong Quốc Hội [Mỹ] lập luận rằng, Trung Quốc hiện quá mạnh, đã đến lúc phải đòi Trung Quốc thay đổi chính sách vụ lợi về định giá tiền tệ, bảo vệ sở hữu trí tuệ và các vấn đề nhân quyền.
Nhưng thay đổi hướng đi của Mỹ và châu Âu trong lúc này có thể là bước đi không thích hợp.
Nhưng thay đổi hướng đi của Mỹ và châu Âu trong lúc này có thể là bước đi không thích hợp.
Mặc dù Trung Quốc hiện nay có vẻ giống một đối thủ chính trị và kinh tế đang trỗi dậy, tình trạng này có thể nhanh chóng bị đảo ngược. Các dự đoán sai lầm về “Nhật Bản là số một” cách nay ba thập niên nên dùng để cảnh báo thế giới không nên phản ứng quá mức về “mối đe dọa Trung Quốc“. Các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ trong việc đáp trả chính sách kinh tế hoạch định về tiền tệ và trao đổi mậu dịch, cũng như không tuân thủ các quyền sở hữu trí tuệ, cho dù chính đáng, nhưng có thể gây ấn tượng cho Trung Quốc rằng Hoa Kỳ đã tạo ra, hay ít nhất cũng đã thúc đẩy và làm cho kinh tế Trung Quốc phải đình trệ. Hoa Kỳ nên tránh không để cho ÐCSTQ có bất cứ lý do nào cáo buộc Hoa Kỳ là nguyên nhân gây ra các tai họa ở Trung Quốc. Nếu toàn bộ người dân Trung Quốc xem Mỹ là nguyên nhân gây ra tai họa, thì quan hệ Mỹ – Trung có thể bị nhiễm độci trong nhiều thập kỷ.
Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế cũng nên nhìn nhận rằng, khi kinh tế Trung Quốc xấu đi, bất kỳ sự vận động quân sự mang tính đối đầu nào cũng dễ gặp phải sự leo thang [chống đối], hơn là sự nhân nhượng. Sự đối đầu có thể đẩy chế độ CSTQ vốn đang chật vật, thực hiện chủ nghĩa yêu nước hiếu chiến, tập hợp dân chúng đứng lên. Chế độ CSTQ đã tẩy não người dân và sử dụng tình cảm chống Nhật như mục đích chính trị đối với những người Trung Quốc sinh ra sau Đệ nhị Thế chiến rất lâu. Chiêu bài “mối đe doạ ngoại bang” sẽ được dùng để cổ vũ dân chúng đoàn kết, cũng như biện hộ cho bất kỳ sự đàn áp nào đối với thành phần đối lập trong nội bộ xuất hiện, dù đó là sự chống đối thực hay chỉ là cảm nhận. Chế độ CSTQ cũng ưu tiên gia tăng chi tiêu quốc phòng và đánh lạc hướng quần chúng khỏi các diễn biến bất lợi về sinh thái cũng như kinh tế. Hoa Kỳ nên thật sự cố gắng, tránh trở thành kẻ thù mới của Trung Quốc. Mỹ cần đi những bước thận trọng để tránh làm cho sự suy thoái kinh tế ở Trung Quốc càng tồi tệ hơn, cho cả Trung Quốc lẫn các nước còn lại trên thế giới.
Nguyễn Trùng Dương dịch từ Foreign Policy in Focus
Trọng Khiêm hiệu đính
Trọng Khiêm hiệu đính
Nguồn: Blog Anh Ba Sam (Bản tiếng Việt © Ba Sàm) 2011
Ghi chú của editor:
(*) China’s desire for international respectability, along with a deep cultural bias favoring consensus, discourages anything more radical than “muddling through”: Do văn hóa Trung Quốc không chấp nhận sự khác biệt, nên tất cả mọi người phải đồng thuận về một vấn đề nào đó thì mới thông qua. Trên thực tế, con người vốn sinh ra đã không giống nhau, nên rất khó có thể tìm sự đồng thuận của tất cả mọi người trong cùng một vấn đề. Vì không chấp nhận ý kiến khác biệt, nên Trung Quốc không thể thực hiện những quyết định lớn, bởi thiếu sự đồng thuận của tất cả mọi người, mà chỉ có thể thực hiện những việc nhỏ. Điều này hoàn toàn trái ngược với văn hóa Mỹ và phương Tây: chấp nhận sự khác biệt.
0 comments:
Post a Comment