Minh võ
Người xưa thường nói: Thẳng mực tầu đau lòng gỗ và lời thật mất lòng, hay trung ngôn nghịch nhĩ. Vì mấy câu này mà tôi cứ lưỡng lự, do dự hoài. Không biết có nên phơi bày hết ý nghĩ, tâm tư của mình cho thiên hạ rõ không. Vì chắc chắn sẽ có nhiều người rất buồn và không ít người giận, ghét.
Vậy thì, trước khi nhập đề, với những ai có thể buồn, tôi xin kính cẩn vinh danh trước.
Thưa các chiến sĩ vô danh, và các anh hùng trong cuộc chiến 30 năm của nước ta. Các vị đã chọn đứng trong hàng ngũ những người Quốc Gia chống kẻ thù của dân tộc. Cho nên các vị chưa bao giờ thua. Các vị chỉ có thắng, và thắng một cách oanh liệt. Cho dù đấy chỉ là những chiến công trong phạm vi đơn vị, địa phương, nghĩa là về mặt chiến thuật.
Nhưng đáng tiếc rằng trong phạm vi chiến lược, thuộc về trách nhiệm của trung ương, của cấp lãnh đạo quốc gia, chúng ta, nhũng người thuộc phe quốc gia, nói chung đã thua. Và sự thất trận này đã đem lại những hậu quả vô cùng bi thảm cho đại đa số nhân dân ta. Như ai cũng đã thấy.
Vậy mà cho đến nay vẫn còn có người cố biện bạch rằng chúng ta không thua, chúng ta chỉ bị đồng minh thất hứa , “tháo chạy”, bỏ rơi. Những luận điệu đó có thể xoa dịu vết thương của kẻ chiến bại. Cũng có thể đánh lừa tự ái hay vuốt ve lòng tự hào dân tộc, một dân tộc từng đánh bại những đạo quân xâm lược hùng mạnh từ phương Bắc. Nhưng đó chính là nguyên nhân của mọi thất bại trong 36 năm qua trong mục tiêu giành lại chủ quyền cho dân tôc ta từ tay những người Cộng Sản.
Lê TưVinh: “...sắp bỏ chạy đến nơi rồi” Nguồn: Stanford |
Điều mà chúng tôi muốn nói ở đây là con người tiên đoán đúng phóc về những biến cố Đông Âu và Liên Xô đã nói sai rằng Cộng Sản Việt Nam sẽ tan rã đến nơi. Là một đảng viên Duy Dân, ông Vinh tôn thờ lãnh tụ Lý Đông A, và đến năm 1991 vẫn tin rằng lãnh tụ anh minh của Duy Dân hãy còn sống. Nhưng dù sống hay chết, thì Lãnh tụ Duy Dân, đồng thời cũng là người chủ xướng Thuyết Nhân Chủ đã không thể truyền cho đệ tử của mình cái “huệ nhãn” để thấy được tình hình Việt Nam lúc ấy. Lý Đông A, mới ở tuổi đôi mươi, chẳng những có huệ nhãn của nhà Phật mà còn có cả cái nhìn tâm linh của Ki Tô giáo. Ông nói theo Byron, “Hãy nhìn con mắt người mù không ngừng ngẩng lên nơi Chúa mà đi... Người đó không thấy bằng mắt mà thấy bằng lỏng…”(2) Ông thường dùng chữ Tâm (lòng) để nói về tâm linh. Ông cũng là tác giả danh ngôn “Nuôi tâm sinh thiên tài, nuôi óc sinh nhân tài, nuôi thân sinh nô tài.”
Tại sao ông Vinh nhìn thấy trước Liên Xô sụp đổ. Mà không thấy được sự tồn tại và sống giai của Cộng Sản Việt Nam? Tại vì số phận Việt Nam đã được an bài từ trước. Kể tù ngày các nhà cách mạng ở Hoa Nam chấp nhận Hồ Chí Minh. Họ không biết rõ Hồ Chí Minh là Cộng Sản. Và không rành về chiến lược chiến thuật, hay mánh lới thâm độc của Lênin nằm trong chiêu bài dân tộc giả dối. Về sau, có một người duy nhất lúc ấy hiểu và biết cách đối phó, thì lại bị giết đi!
Nhiều người vẫn đặt câu hỏi: Tại sao Cộng Sản tàn lụi hay sụp đổ mau chóng ở Đông Âu, mà nó lại tồn tại và càng ngày càng mạnh lên ở Á châu, ở Việt Nam? Nhưng ít có ai dám đưa ra một câu trả lời thành thực, trung thực như lòng mình nghĩ, và cũng là câu trả lời xác thực nhất. Lý do là vì sợ “đau lòng gỗ”.
Saigon 1975 Nguồn ảnh: CORBIS/Bertmann |
Có bao giờ các nhà lãnh đạo các đoàn thể đảng phái đang hăng say đấu tranh cho một việt Nam Tư Do tự hỏi, lý do sâu xa của những thất bại đó trong 36 năm qua là gì không? Có ai trong số đó dám thành thật nhìn nhận rằng câu trả lời nằm ngay trong lời tiên đoán của một vị tổng thống Mỹ khi nhận xét về con người và cái chết của Ngô Đình Diệm không? Tổng Thống Nixon đã ví ông Diệm như tảng đá đỉnh vòm, giữ cho tòa nhà vòm đứng vững. Khi hạ và giết ông Diệm là ngưòi ta đã lấy tảng đá đó đi, khiến cho tòa nhà sụp đổ. Kể từ đó, nguyên văn lời của Nixon là “toàn bộ hệ thống chính trị của Nam Việt Nam sụp đổ tan tành”.( 3 ) Đã tan tành thì chẳng có cách gì hàn gắn lại được. Đó là tình trạng thực tế của tập thể người quốc gia hải ngoại suốt 36 năm qua. Cứ chỉ nhìn vào một vài đảng lớn nổi tiếng là thế, gắn bó là thế, mà nay bỗng chia làm 3 làm 4. thì nói chi đến các tổ chức cộng đồng khác. Đã bao lần các người đấu tranh đã cố gắng tập họp lại thành một tổ chức lớn mạnh đủ uy tín đại diện cho tập thể người Việt Quốc Gia, nhưng không thành công. Và sẽ không bao giờ thành công, nều không nhìn nhận mình thua vì đi trệch đường của chủ nghĩa dân tộc chân chính.
Nhớ lại những diễn biến xảy ra trước ngày mất nước: Cuộc rút lui vô trật tự - phải gọi là kế tháo chạy mới đúng - từ cao nguyên trên đường số 7 B khiến hàng ngàn binh sĩ và gia đình và thường dân bỏ mạng, cho đến nay vẫn còn có người bào chữa, bảo là thượng sách để “thách đố” đồng minh!
Rồi, trong khi quân sĩ đang hăng say chống đỡ để chặn làn sóng tiến công của địch quân trên các mặt trận thì tổng thống và thủ tướng bỗng từ chức rồi bỏ chạy tháo thân sang Đài Bắc. Những điều đó có thể đổ cho đồng minh phản bội bỏ rơi không? Hay tại chính mình đã tự bỏ rơi mình, gíán tiếp hàng địch trước khi địch tới? (Tôi không dám bất kính một cấp lãnh đạo tối cao của Việt Nam Cộng Hòa cũ. Nhưng đành phải thốt ra lời phê bình chân thật vì mục đích xây dựng.)
Như vậy mà còn có những vị tai to mặt lớn trong chính quyền cũ cố dựa vào mấy cuốn băng ghi âm mới được giải mật đẻ ngụy biện rằng mình không thua, chỉ bị đồng minh tháo chạy bỏ rơi!
Tổng thống cuối cùng chỉ tại vị được hơn một ngày, chưa làm được gì chống địch quân, đã vội đầu hàng địch. Như vậy không phải là thua, chỉ bị đồng minh bỏ rơi sao?
Nói ra điều này khiến nhiều người buồn bực, vì chạm tự ái cá nhân và tập thể. Nhưng nếu im lặng sẽ đắc tội với Tổ Quốc và Lịch Sử.
Đã nhận là mình thua thì cũng nên tìm hiểu tại sao thua. Chúng tôi đã từng nêu nhiều lý do của sự thất trận và đã chứng minh là đúng. Cho nên ở đây xin miễn nhắc lại chi tiết. Chỉ xin tóm lược đại ý về hai nguyên nhân chính.
Thứ nhất, ban đầu, khi đệ nhị thế chiến gần chấm dứt, khi chiến tranh Việt Nam chưa khai mào, các lãnh tụ cách mạng thuộc phe Quốc Gia ở Hoa Nam đã chứa chấp, nuôi dưỡng, bảo lãnh ra khỏi tù một con người cộng sản xảo quyệt là Hồ Chí Minh, rồi còn cấp tiền, vũ khí và nhân sự do ông ta đuợc toàn quyền tuyển chọn, mang vế nước để “giải phóng” làm nên cái gọi là cuộc cách mạng tháng tám, mặc dầu ngày nay ai cũng biết đó chỉ là một cuộc cướp chính quyền bằng mưu mô, mánh lới xảo quyệt: giật micro, phất cao cờ đỏ để biến cuộc mit tinh của đoàn công chức chính phủ Trần Trọng Kim thành cuộc mit tinh rồi biểu tình tuần hành của Việt Minh. Bằng chứng cụ thể về sự lầm lẫn của các vị trên nằm ngay trong tác phẩm lịch sử của Việt Nam Quốc Dân Đảng, cho nên không thể nào bảo là chúng tôi bịa đặt, hay cường điệu. Kế đến – hai tuần sau – ông Hồ đọc tuyên ngôn Độc Lập. Chính quyền cướp được bằng mánh lới không quang minh chính đại. Nhưng kể từ đó chính quyền của phe Quốc Gia đã bị lọt vào tay CS cho tới ngày nay. Trên sáu mươi năm rồi.
Điều tệ hại hơn là các lãnh tụ quốc gia đã ngửa tay nhận 70 ghế (không được bầu) trong “quốc hội” đầu tiên và nhiều ghế bộ trưởng trong cái gọi là chính phủ Liên Hiệp do Hồ Chí Minh cầm đầu. Những hành động tiếp tay cho CS này đã gián tiếp công nhận Hồ Chí Minh và đồng đảng là người yêu nước, chẳng những không được Hồ Chí Minh biết ơn mà còn bị ông ta thóa mạ, làm nhục, ví các vị lãnh đạo phe Quốc Gia như phân bón. Sự ví von này nằm trong sách tự truyện của ông Hồ viết dưới bút hiệu Trần Dân Tiên, và được Võ Nguyên Giáp nhắc lại trong hồi ký của mình. Không thể bào chữa rằng vì lúc ấy phe Quốc Gia yếu thế quá nên phải tạm chấp nhận món quà hối lộ chính trị đó. Vì Trung Hoa Dân Quốc lúc ấy không ưa Hồ Chí Minh, và còn đỡ đầu cho các nhà cách mạng Việt Nam không Cộng Sản từ nhiều năm trước. Chỉ tại các vị đó thiếu sáng suốt, lại háo hức muốn nắm lấy vài hư vị để thỏa lòng mong đợi đã lâu.
Thứ hai, năm 1963 một số tướng lãnh và mấy chính khách thuộc các đảng đối lập ở Saigon đã theo lệnh Mỹ lật và giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Cái tội không chỉ nằm ở chỗ giết một lãnh tụ tài ba kiên cường có viễn kiến chính trị như nhà tiên tri, đã dấn thân đứng ra cứu quốc trong lúc nước nhà lâm nguy, mà nhất là ở chỗ phá sập một sự nghiệp chính trị mà ông đã dầy công tạo được cho miền Nam: sáng lập nền Cộng Hòa Việt Nam. Cái mà ngày nay người Việt tỵ nạn CS khắp thế giới còn hành diện, tự hào nhắc lại là Việt Nam Cộng Hòa chính là công trình sáng tạo vĩ đại của Ngô Đình Diệm. Cùng với Việt Nam Cộng Hòa, là một nền độc lập, một chế độ vững mạnh có thể đương đầu với miền Bắc Cộng Sản. Cuối tháng tư năm 1975 miền Nam mới chết. Nhưng ngay đầu tháng 11 năm 1963 nó đã trải qua cơn xuất huyết, hấp hối suốt 12 năm.
Nhiều người thường hay khuyên: “chúng ta không nên nhắc lại những chuyện xưa cũ, chẳng có ích lợi gì cho việc giải quyết những vấn đề trước mắt, như vấn đề Việt Nam đang bị Tầu Cộng thôn tính dần. Nhưng những sự việc xưa cũ ấy chính là lịch sử, là sự tồn tại, sự sống của dân ta. Nếu nó không được viết một cách trung thực, lại còn bị bóp méo, xuyên tạc thì sợ rằng sẽ đến lúc nước ta không còn lịch sử, tấm hình chữ S thân yêu sẽ bị xóa mất trên bản đồ thế giới. Các sử gia, các nhà nghiên cứu lịch sử có nghĩ như thế không? Có nên dùng sự thực lịch sử để phá tan lớp mây mù gian dối bao phủ dân ta nước ta gần thế kỷ qua?
Ngày nay đã quá rõ: Bảo Ngô Đình Diệm kỳ thị và bách hại Phật Giáo là sai. Bảo Ngô Đình Diệm đàn áp các đảng phái đối lập là sai. Bảo Ngô Đình Diệm diệt các giáo phái là sai. Bảo Ngô Dình Diệm là bạo chúa, là độc tài sắt máu là sai, bịa đặt, hay it nhất cũng là cường điệu, tuy chế độ Ngô Đình Diệm chưa dân chủ đủ, do tình hình chiến tranh ý thức hệ đòi hỏi một số biện pháp an ninh cần thiết.(4)
Để chống tham vọng bá quyền của Trung Cộng, một số luật gia, sử gia, hay nhà nghiên cứu ở Hải Ngoại, với kiến thức uyên bác đã cố gắng chứng minh rằng 700 km vuông ở biên giới và hàng chục ngàn cây số vuông ở biển Đông hay những quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là thuộc chủ quyền Việt Nam. Có vị còn có tham vọng đưa vấn đề ra trước Liên Hiệp Quốc hay tòa án quốc tế để đòi lại công lý. Đó là thái độ và hành động yêu nước đáng khâm phục. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, Việt Nam nay đã nằm trong tay Cộng Sản, dù chúng ta vẫn nói chúng chỉ là bọn cướp nước, thì chúng vẫn đang làm chủ.Vậy nếu như các vị có thành công đòi lại được những vùng biên giới và vùng biển nói trên, thì những vùng đó đâu có thuộc về chúng ta, vì “chúng ta “ đã bỏ nước chạy ra nước ngoài và đại đa số dnay đã có Quốc Tịch ngoại quốc, đã thề trung thành với “tổ quốc mởi”. Rút cuộc ta đòi Hoàng Sa, Trường Sa là đòi cho Việt Cộng. Mà Việt Cộng cũng chẳng thật tâm muốn đòi lại cái mà chúng đã dâng cho Bắc Triều.
Đàng khác liệu Liên Hiệp Quốc, hay tòa án quốc Tế có tiếp nhận đon khiếu nại của những cá nhân đơn độc không? Phải chi tập thể người việt Hải Ngoại có một tổ chức đủ lớn để đại diện, có tư cách pháp nhân và có uy tín quốc tế thì may ra còn có kết quả hơn!
Có lẽ chính vì thực tế phũ phàng này mà các cuộc vận động biểu tình đòi Trung Cộng trả lại Hoàng Sa, Trường Sa không được đồng bào trong nước và ở hải ngoại hưởng ứng rộng rãi. Chúng ta nghĩ sao nếu so sánh những cuộc biểu tình của vài trăm người, với những cuộc biểu tình của hàng trăm ngàn người ở Bắc Phi đưa tới những cuộc cách mạng hoa lài, mùa Xuân Ả Rập? Vì vậy mà có người ví von, nếu cách mạng ở Việt Nam xảy ra thì có lẽ sẽ là cách mạng hoa bản hạ, vì nó sẽ bị bọn cướp nước đàn áp dễ dàng hay thẳng tay tàn sát như đang xảy ra ở Syria, hay đã từng xảy ra ở Thiên An Môn đầu tháng sáu 1989.
Nguyên nhân sâu xa của thảm trạng này tóm lại cũng vì chúng ta đã thua. Vậy thì chỉ còn cách thành thực và lương thiện nhận mình thua, mới có hy vọng trong tương lai con cháu, hay chắt chít của chúng ta sẽ có cơ hội giành lại phần thắng đánh đuổi được bọn cướp nước.
Còn nếu chúng ta chỉ dựa vào Hoa Kỳ để tranh đấu thì liệu Hoa Kỳ có thật lòng và nhiệt tình muốn giúp chúng ta giành lại chủ quyên từ tay Cộng Sản không? Kinh nghiệm những nam 1945-1946 chưa đủ rõ là các đảng phái Quốc Gia lúc ấy đã được chính quyền Trung Hoa Quốc Gia nâng đỡ mà vẫn bị để rơi vào bẫy của Việt Minh đó sao. Vì vậy nếu có một ngày nào đó Hoa Kỳ giúp chúng ta để Việt Cộng trao cho một chức phó chủ tịch nhà nước chẳng hạn cộng với 35 ghế trong cái gọi là quốc hội, giống như năm 1945 Việt Minh đã cho các bậc tiền bối của chúng ta chức phó chủ tịch nhà nước và 70 ghế trong “quốc hội “, thì đó cũng lại chỉ là một cái bẫy để chúng sỉ nhục và phá nát uy tín của chúng ta mà thôi. Thiết tưởng các đảng viên Đại Việt Quốc Dân Đảng và Việt Nam Quốc Dân Đảng, nên rút kinh nghiệm của các vị tiền bối mà đừng trúng kế của kẻ thù. Chúng ta không nên bất kính các vị tiền bối, nhưng phải thận trọng rút kinh nghiệm từ những lầm lẫn của các vị ấy thì tương lai chúng ta mới khá được.
Chúng ta cũng không nên tin vào nhũng người gọi là phản tỉnh ở trong nước mới đứng lên phản biện, kiến nghị này nọ với các lãnh tụ Đảng và Nhà Nước về các vấn đề Bôc Xít, Hoàng Sa, Trường Sa, bao lâu những người đó chưa thừa nhận rằng họ hay cha ông họ đã lầm mà đi theo Hồ Chí Minh, và nay lấy làm ân hận về những lỗi lầm đó. Tôi rất nghi ngờ họ vẫn còn tự hào đứng trong hàng ngũ Việt Cộng, và tự hào là mình đã chiến thắng thì việc gì phải ân hận về những “thành tích” cũ. Cho nên khi kêu gọi đồng bào trong và ngoài nước hãy khép lại quá khứ để đoàn kết(5) họ đã chỉ lập lại luận điệu tuyên truyền của Việt Cộng mà thôi, vì dầu sao họ cũng tự hào mình có công” trong việc đánh bại Việt Nam Cộng Hòa.
Vả lại hiện nay cộng đồng người Việt Quốc Gia Hải Ngoại vẫn còn duy trì cái gọi là làn ranh Quốc Cộng không dễ gì đồng ý được với nhau về một cuộc xóa bỏ hận thù, khép lại quá khứ để đoàn kết với “đồng bào “ trong nước hầu đói lại chủ quyền và chống Trung Cộng.
Chính sự ngờ vực lẫn nhau và lòng tự phụ cho mình mới là kẻ thắng, chẳng bên nào chịu nhận mình thua mới là trở ngại lớn nhất cho bất cứ cố gắng đoàn kết nào trong tương lai.
Có thể nhiều người sẽ kêt án chúng tôi quá bi quan và chủ bại, và đòi chúng tôi hãy đưa ra một đường lối đấu tranh tích cực hơn. Đúng ra chúng tôi cũng rất cảm phục những vị không ngừng cố gắng đấu tranh trong tình thế bi đát. Mặc dù chúng tôi vẫn biết những cố gắng ấy chẳng đi đến đâu, nếu không có điều kiện tiên quyết là khiêm tốn nhận mình thua và thực lòng hối hận về những lỗi lầm trong quá khứ của các bậc tiền bối, và của chính mình. Chỉ khi nào có được điều kiện tiên quyết đó, thì chúng ta mới tin tưởng và hy vọng sẽ có một cứu tinh xuất hiện đưa ra một đường lối cụ thể khả dĩ được đa số nhân dân trong và ngoài nước hưởng ứng để lật lại thế cờ. Theo truyền thống, nước ta không thiếu người tài nhưng người tài chỉ xuất hiện trong một môi trường mà sự thực được tôn trọng, chứ không thể trong một môi trường giả dối.
San Diego 22-10-2011
0 comments:
Post a Comment