Sunday, September 4, 2011

Trung Quốc và nợ công của Mỹ


Báo giới Tây Phương đã không công bằng đối với Hoa Lục. Khi Mỹ hạ điểm tín dụng và bị Bắc Kinh cảnh giác với tư cách nước chủ nợ lớn nhất, rằng lề lối sinh hoạt chính trị và tiêu xài của con nợ cần phải sửa đổi thi` các nhà phê bình Âu-Mỹ đều đồng loạt trả lời gay gắt với ba lập luận chính: (1) Hoa Lục lệ thuộc vào thị trường tiêu thụ nhập khẩu của Hoa Kỳ; (2) Trung Quốc không có nơi nào khác gởi tiền an toàn ngoài việc mua công phiếu của Mỹ; và (3) chính nền kinh tế của Hoa Lục cũng là một quả bóng to lớn chờ phát nổ.

Số tiền 1300 tỷ USD nợ công vay của Mỹ vay từ Trung Quốc không phải là một mớ giấy lộn như nhiều người đã nhận xét. Giá trị của đồng đô la và hệ thống tài chánh của Hoa Kỳ hoàn toàn đặt trên mức độ khả tín của nước Mỹ, không phải tự nhiên có mà do công lao của nhiều thế hệ suốt trăm năm để lại: trải qua hai trận thế chiến; trợ giúp cho Nhật Bản và Âu Châu hồi phục; đóng góp thành hình Liên Hiệp Quốc, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Ngân Hàng Thế Giới và Tổ Chức Mậu Dịch Toàn Cầu; chủ động giải quyết nhiều cuộc khủng hoảng tại Đông Á và Nam Mỹ.

Nước Mỹ không thể dùng lập luận ngang bướng kiểu “xoá nợ” (tôi rầu vì thiếu anh 1 ngàn đồng ; nhưng nếu anh cho tôi vay 1 triệu đồng lại tới phiên anh lo) vì nếu đánh mất mức độ khả tính tức đồng đô la sẽ mất giá trị và nền kinh tế Hoa Kỳ rơi vào lạm phát khủng khiếp như đã xảy ra tại Đức trong thập niên 30 hay Nam Mỹ trong thập niên 60, 70 và 90.

Ngoài Trung Quốc còn có nhiều đồng minh thân tín cho Mỹ mượn tiền như Nhật (800 tỷ USD), Anh (350 tỷ USD), Đài Loan (150 tỷ USD), Canada (80 t ỷ USD), v.v… Không nước nào có thể an tâm khi Hoa Kỳ không bảo đảm được nợ công.

Trở sang thị trường tiêu thụ của Mỹ. Cho dù Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Việt Nam v.v.. đều lệ thuộc ít nhiều vào xuất cảng sang Mỹ nhưng không ai phủ nhận được là chính quyền và dân chúng Mỹ đã tiêu xài vô trách nhiệm trong 8 năm của tổng thống G. W. Bush. Ngân sách từ thặng dư 250 tỷ USD năm 2000 rợi xuống thiếu 400 tỷ USD năm 2008. Nước Mỹ chi phí vào hai cuộc chiến tại Iraq và Aghanistan, nhà nước lại cắt thuế để mua chuộc dân chúng hài lòng về kinh tế mà không phản đối chiến tranh; mượn tiền Hoa Lục và quốc tế để hạ lãi xuất ngân hàng tạo ra quả bóng địa ốc. Mất công ăn việc làm trong lãnh vực sản xuất nhưng dân Mỹ vẫn tiêu xài nhờ vào giá trị nhà đất tăng vọt và tìm ra công việc mới trong xây dựng và tài chánh – cho đến ngày bóng nổ đến nay thị trường địa ốc vẫn còn 30% dưới cao điểm năm 2007 còn nạn thất nghiệp nằm lì ở 9%.

Cuối cùng là lời phê bình rằng nền kinh tế Trung Quốc là một bong bóng sắp nổ. Lối nhận xét bi quan này đã có trong suốt 30 năm từ khi thị trường Hoa Lục bốc hoả vì là nước chậm tiến mới mở cửa, cho đến nay nền kinh tế của họ chiếm hạng nhì thế giới, và có lẻ sẽ còn tiếp tục ngay khi họ vượt qua Hoa Kỳ lên hàng đầu vào khoảng năm 2025. Dĩ nhiên trù ẽo mãi theo kiểu “mai ông chết” thì phải có ngày đúng do quy luật vũ trụ là vật cực tắt phản – chớ không phải nhờ vào các nhà tiên tri tài giỏi!

Nếu một cuộc khủng hoảng xảy ra Trung Quốc vẫn có nhiều khả năng xoay xở hợn cả Hoa Kỳ lẫn Âu Châu với số tiền mặt 3000 tỷ USD trong tay. Tây Phương rất khó đánh giá khả năng chiụ đựng của người Á Đông: lạm phát tại Hoa Lục tăng 6% cho là nghiêm trọng có thể mang đến biến động xã hội, trong lúc thực tế như tại Việt Nam lạm phát 20% thì dân chúng than vãn nhưng nhà nước vẫn vững vàng, nhà giàu thêm giàu còn công nông dân âm thầm cam chiụ số phận của họ.

Sức mạnh của Trung Quốc không phải ở những thành phố hào nhoáng Bắc Kinh Thượng Hải – cho dù mức đồ sộ của những nơi này đã ngang hàng với Nữu Ước, Luân Đôn và Tokyo. Nhưng nhờ chính nền giáo dục của họ tạo ra vô số các chuyên viên, một số ít xuất sắc du học sang Âu-Mỹ, con số đông còn lại trong nước với khả năng Anh Ngữ và chuyên môn còn kém nhưng vô cùng chiụ khó. Người Mỹ thường chê rằng kỷ sư Tàu không giỏi nhưng quên mức lương của họ chỉ bằng 1/10 ở Hoa Kỳ, năng suất tăng thêm ½ là Tàu sẽ qua mặt Mỹ.

Xã hội 1.3 tỷ người nên không ai dám nói nhìn thấy toàn diện. Khi xe lửa điện bị lật thì báo giới Tây Phương phê bình là một thất bại lớn không những của ngành đường sắt mà còn cho cả chính sách đầu tư của Hoa Lục. Dân chúng Trung Hoa cũng xôn xao bất mãn vì lề lối che dấu tai nạn, xe hoả tốc hành giảm từ 300km/g xuống còn 200km/g nhưng rồi so với 20 năm trước xe chỉ chạy 10km/g thì mới thấy các bước tiến khủng khiếp. Hơn thế nửa họ vẫn đang đầu tư ào ạt để chuẩn bị bán xe lửa, điện thoại cầm tay, v.v.. tiến vào các thị trường Âu Mỹ cạnh tranh với các tên tuổi lớn như Siemens, Alcatel, Sony và Samsung.

Để kết luận, sự trổi dậy của Trung Quốc lâu dài vẫn là mối lợi cho Hoa Kỳ và thế giới cho dù là mối đe doạ cho Việt Nam. Nước Mỹ cần một đối thủ cạnh tranh vì trong 20 năm làm siêu cường duy nhất từ sau Chiến Tranh Lạnh họ đã đơn phương phung phí vô trách nhiệm tiềm năng kinh tế, chính trị và quân sự. Thế giới đều nhìn nhận rằng tổ chức dân chủ tại Mỹ có khả năng mềm dẻo thích ứng hơn mọi quốc gia khác, nhưng không vì vậy mà Hành Pháp và Quốc Hội Hoa Kỳ có thể quên đi câu nói đầu môi của giới đầu tư: “Các thành tựu trong quá khứ không bảo đảm cho kết quả của tương lai”

(Past performance is not an indicator of future results**)

Đây là câu kết luận trong mọi hình thức quảng cáo đầu tư ở Mỹ – chủ yếu để các công ty không bị thân chủ kiện ra toà nếu lỡ thua lỗ quá nhiều! Tuy vậy câu này có thể dùng làm gối đầu giường cho mọi nhà lãnh đạo dù Âu-Mỹ-Hoa hay Việt.

© Đ.H.Q

0 comments:

Powered By Blogger