Lịch sử ghi nhận tên tuổi một vài triết gia cận đại đã tạo tiền đề cho các bản tuyên ngôn nhân quyền như Thomas Hobbes (1588-1679), Edward Coke (1552-1634), John Locke (1632-1704). Tuy nhiên, văn bản pháp lý đầu tiên trên thế giới mãi đến năm 1789 mới ra đời, đó là Bản Tuyên ngôn Nhân quyền của Cách mạng Pháp.
Sinh hoạt dân chủ cộng đồng đầu tiên trên thế giới được sinh ra ở thành Aten nước Hy Lạp từ thế kỷ thứ VIII TCN. nhưng Jean Bodim người Pháp (1530-1596) cho rằng dân chủ biểu hiện như một thể chế đầu tiên phải chờ đến chế độ phong kiến tập quyền.
Trước đó mấy thế kỷ, ở Việt Nam, những yếu tố nhân quyền, dân chủ đã xuất hiện vằng vặc trong thơ văn, trong tư tưởng của một vĩ nhân sinh năm 1380, mất năm 1442. Người đó là Nguyễn Trãi.
Bối cảnh
Nguyễn Trãi sinh ra trong một gia đình khoa bảng, cha là Nguyễn Phi Khanh giữ chức Hàn lâm viện học sĩ kiêm Tư nghiệp Quốc tử giám trong triều Hồ. Đỗ tiến sỹ năm 21 tuổi, Nguyễn Trãi là một con người học rộng tài cao nhưng thời cuộc đã dồi đập ông bằng những tận cùng gian truân, chìm nổi.
Vừa đậu tiến sĩ, được Hồ Quý Ly cử giữ chức Ngự Sử Đài Chánh Chưởng, thì cha con Nguyễn Trãi cùng hầu hết vua quan trong triều đều bị giặc bắt làm tù binh và tháng 7 năm Ðinh Hợi (1407) bị bọn quan quân nhà Minh áp giải về Kim Lăng (Nam Kinh). Ông cùng em là Nguyễn Phi Hùng lẽo đẽo đưa cha đến Ải Nam Quan, khóc lóc xin theo chân để được phụng dưỡng nhưng đền bờ con suối ngày nay mang tên suối Phi Khanh, vâng lời thân phụ, Nguyễn Trãi đã quay về lo “rửa nhục cho nước, trả thù cho cha”.
Nhưng rồi ông đã bị Trương Phụ bắt và quản thúc bên ngoài thành Ðông Quan trong cảnh:
“Góc thành Nam, lều một gian
No nước uống, thiếu cơm ăn … ”
Ra sức tìm cách trốn thóat để chu du thiên hạ, bôn ba qua nhiều nơi của đất nước trong cảnh “thập niên phiêu chuyển thán bồng bình” (Quy Côn Sơn chu trung tác), do “trải nhiều biến thì mưu kế sâu, tính việc xa thì thành công lạ” (Phú núi Chí Linh) và “ngẫm nay suy trước xét cùng mọi lẽ hưng vong” (Bình Ngô đại cáo), Nguyễn Trãi đã viết “Bình Ngô sách” .
Tiếp nhận được “Bình Ngô sách”, cuối năm 1426, Lê Lợi lập bản doanh ở bến Bồ Đề (Gia Lâm). Tại đây, ông cho dựng một cái chòi cao ngang bằng tháp Báo Thiên ở Đông Quan. Lê Lợi ngồi tầng thứ nhất của chòi, Nguyễn Trãi ngồi tầng thứ hai, làm quân sư.
Kháng chiến thành công, khi triều đình định công ban thưởng, dù công lao vào bậc nhất, Nguyễn Trãi chỉ được phong tước Quan phục hầu, chức Thượng thư Bộ Lại, kiêm Nhập nội Hành khiển và trông coi Môn hạ sảnh, tức những chức quan đối nội, lo việc triều đình, ở bậc hai, bậc ba trong hàng ngũ quan chức đời Lê. Chẳng những thế, do nghi oan trong việc Đèo Cát Hãn nổi loạn, lại bị gian thần lung lạc, năm 1429 Lý Thái Tổ ra lệnh bắt Trần Nguyên Hãn khiến ông phải tự sát, Nguyễn Trãi cũng bị hạ ngục. Khi được tha, trong bài thơ “Oan thán”, ông đã thổ lộ nỗi u uất của mình:
Hư danh thực hoạ thù kham tiếu,
Chúng báng cô trung tuyệt khả liên.
(Danh hư thực họa nên cười quá,
Bao kẻ dèm pha xót người trung)
Ông xin về Côn Sơn sống trong tâm trạng:
Bình sinh thế lộ thán truân chiên
Vạn sự duy ưng phó lão thiên
Thốn thiết đản tồn không tự tín
Nhất hầu như cố diệc kham liên
Quang âm thúc hốt thì nan tái
Khách xá thê lương dạ tự niên
Thập tải độc thư bần đáo cốt
Bàn duy mục túc tọa vô chiên
(Ký hữu)
(Bình sinh vất vả ngán đường đời
Muôn việc đành nên phó mặc trời
Tấc lưỡi hãy còn ăn nói được
Chiếc thân vẫn khó, xót thương thôi
Bóng xuân thấm thoắt thì khôn kéo
Quán khách lạnh lùng đêm quá dài
Đọc sách mười năm mà kiết xác
Ăn toàn rau muống, chẳng chiên ngồi)
Nhưng rồi trước sau niềm ưu ái trong Ức Trai vẫn cứ mãi còn cuồn cuộn dâng trong tâm khảm người trí thức Việt Nam đến muôn đời:
Bui một tấc lòng ưu ái cũ
Ðêm ngày cuồn cuộn nước triều đông
(Thuật hứng)
Chủ quyền vì dân quyền
Vương quốc Nam Việt do Triệu Đà thành lập gồm miền bắc Việt Nam ngày nay và Quảng Đông, Quảng Tây. Năm 111 TCN, quân của Hán Vũ Đế xâm lược, sáp nhập Nam Việt vào đế chế Hán. Nước Nam Việt bị đổi thành Giao Chỉ bộ và bị chia nhỏ thành 9 quận. Lúc đầu các vị tướng dòng dõi Lạc Việt vẫn còn được giữ chức tước. Nhưng cùng với sưu cao thuế nặng, khi chủ trương đồng hóa được tiến hành qua việc cải tổ luật hôn nhân, xóa bỏ chế độ mẫu hệ, biến Việt Nam thành một xã hội phụ hệ … ,một cuộc khởi nghĩa do Hai Bà Trưng lãnh đạo đã nổ ra và được coi là sự kiện đấu tranh giành độc lập đầu tiên ở Việt Nam.
Trước Ngô Quyền, dù các chính quyền họ Khúc, họ Dương đã xây dựng nền tự chủ nhưng trên danh nghĩa, chức Tiết độ sứ vẫn bao hàm nghĩa là một phiên trấn của “thiên triều” phương Bắc,
Thế kỷ thứ VI, Lý Bí vứt bỏ các tên gọi mà Trung Quốc áp đặt cho nước ta như Giao Chỉ, Giao Châu, An Nam đô hộ phủ… và đặt tên nước là Vạn Xuân (sau này nhà Đinh gọi là Đại Cồ Việt, nhà Lý gọi là Đại Việt) để chứng tỏ sự cùng tồn tại ngang hàng với các nước lớn ở Trung Hoa.
Đến Lý Thường Kiệt, sau khi đánh tan quân Tống và thừa thắng giải phóng cả Quảng Đông, Quảng Tây (chiếm giữ được một tháng mới đành rút về bên này sông Như Nguyệt), chủ quyền lãnh thổ lần đầu tiên được tuyên bố thật lẫm liệt:
“Nam quốc sơn hà Nam Đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”.
Trong Lễ hiến phù ở Chiêu Lăng, lời Trần Nhân Tông cũng đã sang sảng:
“Xã tắc hai phen phiền ngựa đá. Non sông ngàn thuở vững âu vàng”.
Dẫu sao, cho đến như vậy chủ quyền lãnh thổ mới chỉ được xác định qua hai yếu tố. Yếu tố thứ nhất định rõ nước ta không phải chỉ gồm những quận thuộc hạ của Trung Quốc mà là một nước riêng có “Nam Đế” trị vì. Yếu tố thứ hai phủ định tiềm thức cho rằng chỉ Trung Hoa là tâm điểm hoàn cầu và chỉ ở đấy vua mới là “Thiên tử” (con Trời), được ban cho “thiên mệnh” trị vì bàn dân thiên hạ gồm tất cả các bộ tộc man di khác: rợ hung nô ở phương bắc và các bộ tộc Bách Việt ở phương nam.
(Trong khoảng một ngàn năm gần như toàn thể các tộc Bách Việt sống ở phía Nam sông Dương Tử đều đã bị Hán hoá và tuyệt chủng. Chỉ còn lại duy nhất một dân tộc thoát được nạn này là dân tộc Lạc Việt – tổ tiên chủ yếu của dân tộc Việt Nam sau này – không những không bị đồng hoá mà, kỳ diệu hơn, còn giành được độc lập, giữ được một phần đất phía Bắc và tiếp tục bành trướng về phía Nam để tạo thành một quốc gia riêng, biệt lập với Trung Quốc).
Đến Nguyễn Trãi, tinh thần độc lập dân tộc mới được phán đỉnh thật rành rẽ:
“Xét nước Đại Việt ta từ trước.
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.
Bờ cõi sông núi đã riêng.
Phong tục Bắc, Nam cũng khác.
Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần nối đời dựng nước.
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, đều làm đế một phương.
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau.
Song hào kiệt vẫn không hề thiếu”.
(Bình Ngô đại cáo)
Để chứng minh chủ quyền, Nguyễn Trãi không chỉ dựa vào sách trời, vào lãnh địa của vua mà đã đưa ra hàng loạt chứng lý về sự dị biệt giữa nước Đại Việt ta với Trung Quốc:
Không chỉ riêng cõi bờ sông núi mà phong tục cũng khác nhau. Không chỉ có các đời vua Triệu, Đinh, Lý, Trần sánh mặt cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên đều làm đế một phương mà còn tự hào rằng ta đã có cả nền văn hiến trường tồn độc lập … “Duy ngã Đại Việt chi quốc, thực vi văn hiến chi bang”.
Trước đấy Trần Nghệ Tông cũng đã từng ý thức sự dị biệt: “Triều đình ngày trước dựng nước tự có pháp độ riêng, không theo chế độ nhà Tống, là vì Nam, Bắc đều làm chủ nước mình, không cần phải băt chước nhau” song trong “Dư địa chí”, Nguyễn Trãi mới ghi rõ thành lệnh cấm người Việt bắt chước phong tục Ngô.
Càng rành rẽ, hào sảng khi Nguyễn Trãi tung hô:
“Xã tắc từ đây bền vững.
Non sông từ đây đổi mới.
Để mở nền muôn thuở thái bình.
Để rửa nỗi ngàn thu sỉ nhục”.
Rõ ràng Nguyễn Trãi là người đầu tiên đưa ra được một định nghĩa dân tộc toàn diện và tương đối có hệ thống.
Thật vậy, cho đến năm 1913, người ta mới đọc được một định nghĩa được xem là có giá trị đầu tiên trong lịch sử nhân loại của Stalin về dân tộc: “Dân tộc là một khối cộng đồng người ổn định được thành lập trong lịch sử, dựa trên cơ sở cộng đồng về tiếng nói, lãnh thổ, sinh hoạt kinh tế và tâm lý biểu hiện trong cộng đồng văn hoá”.
Định nghĩa dân tộc của Stalin nêu lên bốn yếu tố: kinh tế, ngôn ngữ, lãnh thổ, tâm lý.
Tiếc rằng sách báo quốc tế chưa thống nhất ghi nhận sự thực này: trước Staline mấy thế kỷ, định nghĩa dân tộc của Nguyễn Trãi đã vượt trội không chỉ ở mặt định lượng, năm yếu tố: văn hiến, lãnh thổ, phong tục, chính quyền, nhân dân.
Ở đây, yếu tố thứ năm – nhân dân – còn là sự vượt trội về phẩm chất của định nghĩa.
Đặc biệt, trong yếu tố thứ năm này, đại biểu của nhân dân không phải là một nhóm người nào, một giai cấp nào mà là các anh tài, hào kiệt.
Một cách tổng quát, Nguyễn Trãi khẳng định rằng ở Việt Nam: “hào kiệt vẫn không hề thiếu”, “người tài ở đời vốn không ít”.
Đi vào thực tế, ông chỉ rõ: “người có tài ở hàng kinh luân bị khuất ở hàng quân nhỏ”, “người hào kiệt náu ở nơi đồng nội, lẫn ở hàng binh lính”, người “dựng gậy làm cờ, dân chúng bốn phương tụ họp. Hòa rượu cùng uống”. …
Và chỉ ra rằng “mến người có nhân là dân, mà chở thuyền và lật thuyền cũng là dân”, “chìm thuyền mới biết dân như nước” (Quan hải).
Cho nên Nguyễn Trãi đề xuất triều đình phải cầu hiền bằng nhiều đường, nhiều cách: thi cử, tiến cử.
Phương thức tiến cử được tâu là: “văn võ đại thần, công hầu, đại phu từ tam phẩm trở lên, mỗi người đều cử một người, hoặc ở triều đình, hoặc ở thôn dã, bất cứ là đã xuất sĩ hay chưa, nếu có tài văn võ, có thể trị dân coi quân, thì… tùy tài trao chức” ( Chiếu cầu hiền tài).
Phải chăng ở đây đã biểu hiện tinh thần bầu cử tự do.
Nguyễn Trãi không chỉ lưu tâm đến tầng lớp elit mà “thường nghĩ quy mô lớn lao, lộng lẫy đều là sức lao khổ của quân dân”. Cho nên ông luôn răn mình và nhắc mọi người phải biêt “Ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày”.
Bởi vậy, xác lập chủ quyền không phải chỉ để “Nam Quốc sơn hà Nam Đế cư” mà là để xây dựng một đất nước:
Vua Nghiêu Thuấn, dân Nghiêu Thuấn
Dường ấy ta đà phỉ sở nguyện
(Tự thán 4)
Ở đấy:
Lẽ có Ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ khắp đòi phương
(Bảo Kính Cảnh Giới 43)
Ở đấy phải thực hiện được:
Trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược
Có nhân, có trí, có anh hùng
(Bảo Kính Cảnh Giới 5)
Ở đấy các đấng quân vương phải:
Thánh tâm dục dữ dân hưu tức,
Văn tự chung tu trí thái bình
(Quan duyệt thuỷ trận)
(Lòng thánh muốn cho dân nghỉ ngơi,
Rốt cuộc phải xây dựng thái bình bằng văn trị)
Ở đấy “từ các đại thần tổng quản, cho đến đội trưởng cùng các quan ở viện, sảnh, cục, phàm người có chức vụ coi quân trị dân, đều phải theo phép công bằng, làm việc cần mẫn, thờ vua thì hết trung, đối dân thì hết hòa, đổi bỏ thói tham ô, sửa trừ tệ lười biếng, bè đảng riêng tây phải dứt; thái độ cố phạm phải chừa” ( Quân trung từ mệnh tập).
Ở đấy các quan chức triều chính phải biết tâm niệm:
Mắt hòa xanh đầu dễ bạc
Lưng không uốn, lộc nên từ
Cơm kẻ bất nhân ăn, ấy chớ
Áo người vô nghĩa mặc, chẳng thà
(Mạn thuật)
Nhân nghĩa với nhân quyền
Đưa dân quyền vào nội hàm chủ quyền là một bước phát triển của ý thức dân chủ. Tuy nhiên Nguyễn Trãi không dừng ở đó. Trong tư tưởng Nguyễn Trãi, chữ “nhân” cứ điệp trùng lấp láy. Có nhà nghiên cứu đã đếm được trong toàn bộ tác phẩm của Nguyễn Trãi chữ “nhân” được nhắc đến 59 lần, chữ “nghĩa” – 81 lần và tổng cộng hai chữ “nhân”, “nghĩa” được ông sử dụng đến 140 lần.
Bản hùng ca trứ danh trong lịch sử Việt Nam cũng được mở đầu bằng “nhân nghĩa”:
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo;
Và, đây đó vấn đề nhân nghĩa được đặt ra là:
Quyền mưu bản thị dụng trừ gian,
Nhân nghĩa duy trì quốc thế an.
Đài các hữu nhân nho tịch noãn,
Biên thuỳ vô sự liễu doanh nhân.
(Hạ quy Lam Sơn)
(Quyền mưu vốn là để trừ gian ác,
Nhân nghĩa thì giữ gìn cho thế nước được yên.
Chốn đài các có người giỏi, chiếu nhà nho ấm,
Nơi biên thuỳ không có việc, doanh liễu được nhàn)
Dù hai chữ “nhân nghĩa” được viết trước hay viết sau các chữ “ trừ bạo”, “trừ gian” thì vấn đề nhân nghĩa vẫn được đặt ở tầm chiến lược, được xem là mục tiêu vĩ đại cuối cùng.
Vậy thì, nhân quyền cao hơn chủ quyền hay chủ quyền cao hơn nhân quyền?
Có lẽ không nên phán định một cách cơ học mà hãy tư duy bằng trái tim, bằng linh cảm như Nguyễn Trãi. Chính chủ tịch Hồ Chí Minh sau này cũng phát biểu tư tưởng ấy bằng câu nói chí lý: “Độc lập mà dân không được hưởng tự do, hạnh phúc thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.
Gaddafi kêu gào thảm thiết: Chủ quyền cao hơn nhân quyền. NATO phán quyết: Nhân quyền cao hơn chủ quyền. Ai đúng, ai sai? Xin hãy lấy tư tưởng Nguyễn Trãi mà soi rọi.
Người bảo, nhưng chữ nhân, chữ nghĩa chính là chữ của Khổng Tử?
Đúng là trong Ngũ thường, chữ nhân đã được đặt lên đầu: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Quân tử phải đạt được ba đức: “nhân – trí – dũng”.
Song, Khổng Tử chia xã hội làm hai hạng: quân tử và tiểu nhân, trong đó “Chỉ hạng đàn bà và tiểu nhân là khó dạy. Gần thì họ nhờn, xa thì họ oán”.
Ông đặt mục tiêu cao cả nhất của quân tử là “bình thiên hạ” ( tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ), và, thật nguy hiểm khi ông dạy các bậc quân tử coi các dân tộc khác là “tứ di” là “bỉ lậu”. Khổng Tử nói: “Các nước Di, Địch, dù có vua nhưng cũng không bằng Hoa Hạ (Trung Hoa) không có vua” !
Nguyễn Trãi vốn xuất thân từ “cửa Khổng sân Trình” nhưng trải nghiệm trong môi trường giao thoa giữa văn hoá Đại Việt được cấu trúc theo mô hình Phật giáo với văn hoá Đại Việt được cấu trúc theo mô hình Nho giáo từ Trung Quốc, thông qua một cuộc đời truân chuyên, tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi khoan hòa, nhân ái hơn, dân chủ hơn.
Tư duy nhân nghĩa của Nguyễn Trãi là: “ việc nhân nghĩa cốt ở an dân”, là “dùng quân nhân nghĩa cứu dân khổ, đánh kẻ có tội”, là “đại đức hiếu sinh, thần vũ bất sát, đem quân nhân nghĩa đi đánh dẹp cốt để an dân” … Cho nên “đánh kẻ có tội, cứu vớt dân, là thánh nhân làm việc đại nghĩa”. Người nhân nghĩa phải biết “lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”, “Nhân nghĩa duy trì quốc thế an” .
Muốn làm nhân nghĩa đôi khi phải ra tay
Đánh một trận, sạch không kình ngạc
Đánh hai trận tan tác chim muông.
Đôi khi phải gây cảnh hãi hùng:
Lạng Giang, Lạng Sơn, thây chất đầy đường
Xương Giang, Bình Than, máu trôi đỏ nước
Nhưng tất cả, tất cả đều chỉ cốt để “an dân”.
Điều mà Nguyễn Trãi hằng mong tạo ra được là:
Họ đã tham sống sợ chết mà hòa hiếu thực lòng
Ta lấy toàn quân là hơn, để nhân dân nghỉ sức.
(Bình Ngô đại cáo)
Ông không hề khuyến khích tạo sự nghiệp anh hùng bằng những chiến công xây bằng xác thù.
Ra mắt Lê Lợi, Nguyễn Trãi trao cho vị thủ lĩnh nghĩa quân Lam Sơn bản “Bình Ngô sách”, trong đó Nguyễn Trãi vạch ra ba kế sách đánh quân Minh mà chủ yếu là “Tâm Công”, dùng lý lẽ diễn biến tinh thần, ý thức kẻ địch, nói rõ điều hơn lẽ thiệt, thuyết phục, cảm hoá chúng, từ đó đập tan tinh thần chiến đấu của chúng, làm cho chúng nhụt ý chí xâm lược, tự vỡ đội ngũ, chấp nhận con đường hoà giải, rút quân về nước. “Ngã mưu phạt nhi tâm công, bất chiến tự khuất” (ta đánh bằng mưu nên đánh vào lòng người khiến không đánh mà chúng phải khuất phục).
Nhờ “Tâm công” mà tháng 2 năm 1427, đô đốc Thái Phúc ở Nghệ An, đô đốc Thôi Tụ ở Diễn Châu mở cửa thành ra hàng nghĩa quân Lam Sơn. Tiếp theo là các thành Thuận Hóa, Tây Đô, Bình Than … Cuối năm đó đến lượt tổng binh Vương Thông cũng bắt mười vạn quân hạ khí giới nộp mình, “Tâm công” đại thắng.
Cao cả hơn, ở Nguyễn Trãi, nhân nghĩa không chỉ đối với dân mình mà ngay cả với kẻ thù. Sách lược Tâm công là biều hiện của tinh thần ấy. Đó là sự thăng hoa, là trạng thái siêu việt của tinh thần nhân nghĩa Nguyễn Trãi. Có được như vậy là do ông luôn tâm niệm: “Trả thù báo oán là thường tình của mọi người; mà không thích giết người là bản tâm của người nhân”, “Người quân tử không giữ oán cũ, ví như mưa to gió dữ, chốc tạnh lại quang”.
Đặc biệt là đối với kẻ thù đã sa cơ bại trận thì Nguyễn Trãi càng nương tay.
Cho nên khi địch quân đã lâm vào thế trận:
Đô đốc Thôi Tụ lê gối dâng tờ tạ tội,
Thượng thư Hoàng Phúc trói tay để tự xin hàng.
……
Cứu binh hai đạo tan tành, quay gót chẳng kịp,
Quân giặc các thành khốn đốn, cởi giáp ra hàng
(Bình Ngô đại cáo)
thì Nguyễn Trãi bèn tâu với Lê Lợi: “Dùng binh cốt lấy bảo toàn cả nước làm trên hết. Để cho bọn Vương Thông trở về nói với vua Minh trả lại đất đai cho ta, đó là điều ta cần không gì hơn thế nữa… Hà tất phải giết hết bọn chúng để gây oán với nước lớn làm gì” (Quân trung từ mệnh tập).
Văn bia Vĩnh Lăng còn ghi rõ: “Những quân giặc bị bắt và những quân đầu hàng có đến mười vạn người, đều tha cho về cả. Đường thủy thì cấp cho hơn 500 thuyền, đường bộ thì cấp cho lương ăn và ngựa; răn cấm quân sỹ (của ta) không được xâm phạm mảy may (đến quân giặc)”.
(Có khác chi ta trải thàm đỏ “tiễn bạn” về: đường thủy có thuyền, đường bộ có ngựa …?)
Thực tế đó đã tạo nên khúc hoan ca trong Bình Ngô Đại cáo:
Thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh
Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền,
Ra đến biển mà vẫn hồn bay phách lạc,
Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa,
Về đến nước mà vẫn tim đập chân run.
Ân sủng nhân nghĩa ấy không chỉ ban phát để kẻ thù được hưởng mà chinh là để đất nước ta có cơ “tuyệt mối chiến tranh”, nhân dân ta được “mở nền thái bình muôn thuở”. Có được chủ trương như vậy quả đã xuất phát từ viễn kiến mang tầm thánh nhân:
Nghĩ kế nước nhà trường cửu
Tha cho mười vạn hàng binh
Gây lại hoà hảo hai nước
Dập tắt chiến tranh cho muôn đời
(Chí Linh sơn phú)
Cho nên, Nguyễn Trãi được quyền đặt vua ta trên tầm vua Tầu, hay ta được tự hào chính đáng về bậc trí nhân anh hùng Nguyễn Trãi:
Địch phải theo thượng sách: hai nước vẹn toàn dân được an ninh
Như thế thì thịnh đức của vua ta Cao tổ nhà Hán sao sánh kịp
Vua ta phải sánh ngang hàng với hai đế ba vương lừng danh thuở trước.
(Bình Ngô đại cáo)
Tầm nhân văn cao vời của Nguyễn Trãi còn biểu hiện khi ông tẩy chay Lương Đăng trong chủ trương hoàn toàn mô phỏng nhạc thể và nhạc cụ triều Minh trong việc soạn nhạc cung đình. Năm 1437 khi được vua Lê Thái Tôn sai thẩm định lại lễ nhạc, Nguyễn Trãi đã tâu: “Thời loạn thì dùng võ, thời bình thì dùng văn. Ngày nay định ra lễ nhạc là phải thời lắm. Song không có gốc thì không đứng vững, không có văn thì không thể lưu hành. Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc …. Xin bệ hạ yêu nuôi muôn dân, để cho các nơi làng mạc không có tiếng oán giận than sầu, đó là không mất cỗi gốc của nhạc vậy” (Quân trung từ mệnh tập)
Các học giả thường nói tới bốn thế hệ nhân quyền:
- thế hệ của những quyền tự do chính trị;
- thế hệ của những quyền lợi kinh tế xã hội;
- thế hệ của các quyền lợi cộng đồng;
- thế hệ của những quyền lợi nhân lọai.
Từ “Quân điếu phạt trước lo trừ bạo” đến “Việc nhân nghĩa cốt ở an dân”, từ “yêu nuôi muôn dân, để cho các nơi làng mạc không có tiếng oán giận than sầu” đến “Hòa bình là gốc của nhạc”, “Dập tắt chiến tranh cho muôn đời”, phải chăng tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi đã xuyên suốt bốn thế hệ nhân quyền.
Trung Thu Tân Mão
© Nguyễn Thanh Giang
0 comments:
Post a Comment