Friday, September 30, 2011

Thật ra chúng ta nên sợ điều gì ở Trung Quốc?


The Washington Post - Các nhà hoạch định chính sách Mỹ đang lo lắng về sự gia tăng rõ rệt con số các bài báo khoa học được xuất bản và số bằng sáng chế được cấp cho giới nghiên cứu ở Trung Quốc. Họ tin rằng điều này sẽ tạo cho Trung Quốc một lợi thế cạnh tranh khủng khiếp trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo.
Xét tới cùng, Trung Quốc hiện chỉ đứng thứ hai, sau Mỹ, về số lượng ấn phẩm khoa học, và từ nay tới năm 2015, mỗi năm Trung Quốc sẽ đăng ký số bằng sáng chế nhiều hơn cả Mỹ.

Giới làm chính sách của Mỹ lo ngại là đúng, nhưng họ lại đang lo nhầm chỗ.

Các bài báo khoa học của người Trung Quốc nhìn chung là không đúng hoặc là sản phẩm đạo văn. Chúng không có mấy ích lợi ngoài việc ve vuốt lòng tự hào dân tộc. Gần như chẳng có sáng chế nào ra đời từ các phòng thí nghiệm nhận tiền nhà nước. Đồng thời, các bằng sáng chế của Trung Quốc cũng không phải là chỉ dấu của sự sáng tạo, mà chỉ là những nhà tù mà đất nước này dựng lên để đánh thuế các công ty ngoại quốc đặt chân tới Trung Hoa. Người Trung Hoa đã học được cách chơi cái trò chơi của các công ty công nghệ và những cơ quan cấp bằng sáng chế tinh khôn của Mỹ: sử dụng bằng sáng chế để tống tiền những nhà sản xuất công nghiệp khác.

Lợi thế thật sự của Trung Quốc nằm ở thế hệ tới đây của họ – những sinh viên tốt nghiệp các trường đại học hàng đầu và rồi sẽ trở thành doanh nhân. Đám trẻ này rất giống với những kẻ đồng niên với chúng ở phương Tây. Chúng đều thông minh, có động lực, và đầy tham vọng. Trong khi những đứa trẻ của thế hệ Cách mạng Văn hóa – giờ đây đang làm việc trong các phòng nghiên cứu của chính phủ và lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước thống trị nền sản xuất – phải cố làm sao để không thách thức chính quyền và phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt quy định của chính phủ, thì thế hệ mới chẳng biết đến biên giới nào. Họ thậm chí không biết đến sự tàn bạo ở thời đại trước. Họ chẳng ngại gì mà không suy nghĩ vượt khỏi mọi giới hạn, chấp nhận rủi ro, và có tham vọng. Khác với cha mẹ họ, thế hệ mới này có thể đổi mới.

Sự thay đổi mà tôi đã chứng kiến trong lĩnh vực kinh doanh ở Trung Quốc, trong những chuyến đi của tôi tới Trung Quốc suốt sáu năm qua, thật là sâu sắc. Khi xưa sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp phải nỗ lực để vào các công ty đa quốc gia của phương Tây. Và vì thất bại là một điều cấm kỵ, cũng như địa vị xã hội thấp kém là thứ bị mặc nhiên gán cho các doanh nghiệp mới khởi sự, cho nên các bậc cha mẹ không khuyến khích con cái trở thành doanh nhân. Bây giờ không còn như thế nữa. Trước thành công của những doanh nhân như Jack Ma (người sáng lập website thương mại điện tử nổi tiếng Alibaba.com – ND) và Kaifu Lee (nguyên chủ tịch Google Trung Quốc – ND) và với việc những thế hệ doanh nhân đi đầu khởi nghiệp đã gặt hái được của cải, thanh niên Trung Quốc giờ đã có những hình mẫu để noi theo, và các bậc cha mẹ thì bắt đầu chấp nhận tinh thần doanh nhân hơn. Giờ đây, tham gia một công ty mới thành lập là “mốt” ở Trung Quốc – y như ở Thung lũng Silicon. Và việc thất bại, làm lại từ đầu cũng ngày càng được chấp nhận hơn.

Tại tất cả các thành phố lớn của Trung Quốc đều có những doanh nghiệp mới thành lập. Theo Lux Research, vốn đầu tư vào kinh doanh ở Trung Quốc đã lên tới 5,4 tỷ USD trong năm 2010 – tăng 70% so với năm trước. Có rất nhiều những Angel và Venture Capital đến nỗi giới đầu tư phải cạnh tranh với nhau để được đầu tư. Một đơn vị mới thành lập mà tôi đi thăm tuần trước ở Bắc Kinh, tên là Café Garage, đang tặng không gian văn phòng và Internet miễn phí cho các doanh nghiệp mới khởi sự, đổi lấy việc họ được đứng lên đầu trong hàng ngũ những nhà đầu tư.

Trong chuyến đi gần đây của tôi, hồi tuần qua, tôi cũng dạy học ở Đại học Thanh Hoa, trong một chương trình khởi nghiệp do Trung tâm Doanh nhân UC-Berkeley tổ chức. Sinh viên ở đó rất giống với những sinh viên tôi dạy ở Duke và Berkeley. Họ khao khát kiến thức, quan hệ, và ý tưởng. Sự khác biệt duy nhất mà tôi để ý thấy là cách họ trả lời câu hỏi sau: Tại sao bạn muốn trở thành doanh nhân? Sinh viên Mỹ thường nói về việc tạo dựng gia sản và thay đổi thế giới. Sinh viên Trung Quốc thì bảo họ coi kinh doanh là một cách để vượt lên trên “hệ thống”, để trở thành người chủ của chính mình và để tạo ra con đường riêng đến thành công. Rõ ràng họ không thích thú ý tưởng làm việc cho một doanh nghiệp nhà nước cồng kềnh, một chính quyền chuyên quyền độc đoán, hay là cho cái mà họ coi là một công ty đa quốc gia nhiều cơ hội của nước ngoài.

Mỗi năm đều có hàng chục nghìn người nhập cư có học vấn từ Mỹ trở về Trung Quốc, đem đến cho hệ thống doanh nghiệp ở Trung Quốc một sự tăng trưởng mạnh mẽ. Những người hồi hương này đang đào tạo cho người trong nước biết cách làm thế nào để xây dựng những công ty kiểu Thung lũng Silicon.

Hãy lấy Robert Hsiung làm ví dụ. Tốt nghiệp Đại học Stanford năm 2008, anh đã nhận được vài cơ hội việc làm ở Thung lũng Silicon, Singapore và Hong Kong. Nhưng anh quyết định trở thành doanh nhân và chuyển tới Bắc Kinh, vì nền kinh tế đang bùng nổ và số người Trung Quốc sử dụng Internet đang gia tăng nhanh chóng. Doanh nghiệp đầu tiên của Robert, một công ty mạng xã hội tên là OneCircle.cc, chỉ thành công khiêm tốn. Công ty tiếp theo của anh, FoxFly, cũng thất bại vì những đối thủ lớn hơn đã tràn vào thị trường của Robert. Tháng 8 vừa qua, anh khởi sự doanh nghiệp thứ ba, chuyên về phát triển một ứng dụng mạng chuyên nghiệp. Robert nói với tôi rằng anh ta hoàn toàn không thấy có vấn đề gì khi tuyển dụng những sinh viên kỹ thuật hàng đầu. Và cho dù anh đã từng thất bại, các nhà đầu tư Trung Quốc vẫn sẵn sàng đầu tư hàng trăm nghìn đôla vào công ty mới nhất của anh.

Trung Quốc có cơ hội tiếp nhận toàn bộ nguồn năng lượng mới này và dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo. Nhưng điều ấy không có nghĩa là họ sẽ làm như thế. Tôi đã hỏi sinh viên và doanh nhân sở tại về các trở ngại mà họ biết mình sẽ phải đối mặt. Gần như tất cả đều nói đến hai nỗi sợ: Rằng một công ty quy mô lớn hơn – như là Baidu hay Tencent – sẽ ăn cắp công nghệ của họ, vì luật sở hữu trí tuệ của Trung Quốc không có hiệu lực gì; và rằng một khi họ đã đạt được những thành công to lớn, quan chức chính phủ sẽ nhào vào kiểm soát công ty hoặc đòi chia phần.

Chừng nào nền pháp quyền của Trung Quốc còn chưa được củng cố và doanh nhân chưa có được sự tự do mà họ cần, chừng đó Trung Quốc còn có thể chứng kiến rất nhiều hoạt động khởi nghiệp, nhưng những sáng tạo làm thay đổi thế giới thì sẽ không xuất hiện. Tuy nhiên, một khi Trung Quốc đã dẹp bỏ được những trở ngại cuối cùng rồi, thì ta phải coi chừng.

Ảnh: Một cậu bé đeo mặt nạ kinh kịch vẫy lá cờ Trung Hoa trên quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, ngày 1-3-2011. Ảnh: Jason Lee/ Reuteurs.

Thủy Trúc dịch từ The Washington Post
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011

0 comments:

Powered By Blogger