2011-09-28
Theo công luận quốc tế và giới truyền thông hải ngoại thì quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo tại Việt Nam bị hạn chế, bị kiểm soát gắt gao, chỉ những tôn giáo do nhà nước dựng lên và quản lý mới được hoạt động.
Ông Nguyễn Tấn Lạc tại buổi lễ ra mắt Ủy Ban Vận Động CPC
Lý do
Đỗ Hiếu: Xin ông cho biết về mục đích, thành phần nhân sự và hoạt động của Ủy Ban Vận Động CPC?
Ông Nguyễn Tấn Lạc: Ủy Ban Vận Động CPC được thành lập với mục đích chính là tranh đấu cho tự do tôn giáo. Ủy ban vận động đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC vì đây là một mục tiêu tranh đấu gần cận nhất có thể đạt được, để vận động Bộ Ngoại Giao hay quốc hội Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở vào danh sách CPC, làm áp lực với Việt Nam phải tôn trọng tự do tôn giáo. Về thành phần nhân sự thì chúng tôi có rất nhiều các vị cố vấn tại Vùng Hoa Thịnh Đốn cũng như các nơi khác, rất quen thuộc, là những vị nhân sĩ, giáo sư trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Chúng tôi bắt đầu chính thức hoạt động ngày 12 tháng 12, 2010, ngày ra mắt Ủy Ban tại Nam California. Xin nhắc lại mục đích chính của chúng tôi là để vận động và tranh đấu cho tự do tôn giáo ở Việt Nam.
Đỗ Hiếu: Theo ông vì sao Hà Nội không bị Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đưa tên vào danh sách CPC?
Ông Nguyễn Tấn Lạc: Sở dĩ kỳ này Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ chưa đưa Việt Nam vào lại danh sách CPC, là không ngoài quyền lợi quốc gia của Hoa Kỳ, vì Hoa Kỳ muốn duy trì mới quan hệ gần cận với Việt Nam, khuyến khích, giúp Việt Nam đẩy mạnh sự thay đổi trong nước. Đó là điều không có gì ngạc nhiên, vì quyền lợi của Hoa Kỳ, mặc dù Bộ Ngoại Giao Mỹ nhìn nhận là còn rất nhiều vấn đề vi phạm tự do tôn giáo cũng như về nhân quyền ở Việt Nam.
Ủy Ban Vận Động CPC được thành lập với mục đích chính là tranh đấu cho tự do tôn giáo.
Ô. Nguyễn Tấn Lạc
Hoa Kỳ chưa đưa Việt Nam vào lại danh sách CPC, điều đó dễ hiểu, nhưng chúng tôi nhìn thấy rằng, đúng ra Bộ Ngoại Giao hay chính phủ Hoa Kỳ thấy quyền lợi của Hoa Kỳ cũng là quyền lợi của nhân dân Việt Nam, mà người dân Việt Nam đã bị cộng sản cai trị dưới một chế độ độc tài suốt ba phần tư thế kỷ qua, người dân không hề được hưởng quyền tự do căn bản, mà trong đó tự do tôn giáo là cái quyền cao nhất, thiêng liêng nhất thì đáng lẽ ra Hoa Kỳ nên đưa Việt Nam trở lại CPC.
Sau khi đã cho ra khỏi danh sách này mấy năm, sự vi phạm tự do tôn giáo vẫn còn và rất trầm trọng, mỗi ngày một nhiều hơn. Quan niệm của Hoa Kỳ không sai, nhưng cũng nên cân nhắc rằng quyền lợi của nhân dân Việt Nam là quan trọng, trong mối bang giao giữa hai nước, chứ không phải là quyền lợi của đảng cộng sản Việt Nam, hay là nhà cầm quyền Việt Nam.”
Kết quả
Đỗ Hiếu: Như vậy, công cuộc vận động của cộng đồng Người Việt hải ngoại và của Ủy Ban vận Động CPC có hy vọng đạt được kết quả như mong muốn hay không?
Ông Nguyễn Tấn Lạc: Đây là một nhiệm vụ rất khó khăn, dù Bộ Ngoại Giao Mỹ không đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC, nay chúng tôi vẫn còn tiếp tục vận động Bộ Ngoại Giao để xét lại việc này. Chúng tôi rất đồng ý với ông Chủ Tịch Ủy Hội Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ, cũng như dân biểu Ed Royce, dân biểu Sanchez và nhiều dân biểu khác đều nhìn nhận rằng quyết định vừa rồi của Bộ Ngoại Giao là một sai lầm, vì thế chúng tôi phải đẩy mạnh công cuộc vận động một lần nữa, mong rằng Bộ Ngoại Giao Mỹ sẽ xét lại, hay ít ra cũng có một số biện pháp làm áp lực buộc Việt Nam phải tôn trọng tự do tôn giáo một cách đúng đắn để cho người dân trong nước được hưởng quyền tự do tôn giáo thực sự và những quyền tự do căn bản khác.
Đỗ Hiếu: Nếu không bị Washington đưa vào lại danh sách CPC thì có cách nào khuyến cáo nhà cầm quyền Việt Nam, để yêu cầu họ cho các tôn giáo chân chính được sinh hoạt thật sự tự do?
Ông Nguyễn Tấn Lạc: Nếu Hoa Kỳ không đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC, tôi nghĩ là Bộ Ngoại Giao vẫn có thể áp dụng những biện pháp khác, trong đó có những khuyến cáo hay những đòi hỏi, vẫn có thể làm được, yêu cầu Việt Nam phải tôn trọng, cải thiện quyền tự do tôn giáo, bằng nhiều cách khác nhau.
Đó là tùy theo sự khéo léo về ngoại giao qua vị đại sứ mới, có những khuyến cáo hay biện pháp đòi hỏi Việt Nam phải cho các tôn giáo thực sự đã có ở Việt Nam, hàng mấy nghìn năm qua, trước khi có đảng cộng sản, được tự do hoạt động. Những tôn giáo đã có từ lâu đời ấy, trước khi hoạt động đều phải xin phép nhà cầm quyền Việt Nam, là điều rất phi lý.
Tôi nghĩ rằng Hoa Kỳ cần lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa, điều đó sẽ buộc Việt Nam phải thi hành chính sách tự do tôn giáo một cách đúng đắn.
Ô. Nguyễn Tấn Lạc
Hoa Kỳ vẫn có thể áp dụng một số biện pháp nếu như chưa muốn đưa Việt Nam vào lại CPC, đã có dự trù từ những khuyến cáo này đến khuyến cáo khác, và cần nhấn mạnh rằng quyền lợi của Hoa Kỳ và quyền lợi của người dân Việt Nam là tối thượng và chính phủ Việt Nam cần phải lắng nghe tiếng nói của người dân trong nước, cũng như những khuyến cáo từ chính phủ Hoa Kỳ mà chấm dứt những hành vi đàn áp tôn giáo trong nước.
Dù được che đậy dưới bất cứ hình thức khéo léo gì, như các vụ lấy đất của Nhà Thờ để dùng vào những mục đích khác, hay ngăn cản sinh hoạt tôn giáo, bắt các tôn giáo lúc nào cũng phải xin phép, trình báo nội dung những buổi lễ cầu nguyện. Tôi nghĩ rằng Hoa Kỳ cần lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa, điều đó sẽ buộc Việt Nam phải thi hành chính sách tự do tôn giáo một cách đúng đắn.
Đỗ Hiếu: Xin cám ơn ông Nguyễn Tấn Lạc, Điều Hợp Viên, Ủy Ban Vận Động Đưa Cộng Sản Việt Nam Trở Lại Danh Sách CPC đã dành thời giờ cho đài chúng tôi.
0 comments:
Post a Comment