Đào Tuấn - Nếu ngày mai, mà điều này hoàn toàn có thể xảy ra, Trung Quốc cứ vào sâu trong khu vực 200 hải lý, cứ cắt cáp, cứ phá hoại, rồi bắt giữ ngư dân, rồi nổ súng, thậm chí bắt giữ tàu bè chả nhẽ chúng ta cũng vẫn chỉ “tuyên bố”?! Chả nhẽ cứ trông chờ mãi vào lương tâm thằng “láng giềng hữu nghị”. Chả nhẽ cứ bùng nhùng trong mớ bong bóng quan hệ với một tên hải tặc quốc tế khoác áo hoà bình. Chả nhẽ cứ chơi trò tự sướng với những thằng rể...
*
Khi thượng nghị sĩ Jim Webb kêu gọi Quốc hội Hoa Kỳ lên án hành động của Trung Quốc trong các tranh chấp hàng hải với các nước láng giềng, tin này lập tức được báo chí trong nước đăng tải dày đặc. “Thượng nghị sĩ Mỹ kêu gọi QH lên án hành động của TQ ở Biển Đông”; “Nghị sĩ Mỹ đòi lên án Trung Quốc về vụ Biển Đông”; “Nghị sĩ Jim Webb lên án Trung Quốc dùng vũ lực ở Biển Đông”; “Mỹ cần có phản ứng mạnh tại Biển Đông”; “Nghị sĩ Mỹ trình nghị quyết phản đối Trung Quốc”… Hàng trăm bản tin chứ không ít.
Nói ngay là tin này có thể đăng ngay, đăng một cách hân hoan và đắc thắng mà không cần phải xin phép. Các bác kiểu gì chả gật đầu như máy khâu. Gì thì gì chứ cái tay Mẽo này cũng đang gián tiếp ủng hộ Việt Nam trong cuộc chiến với thằng láng giềng khốn nạn đang giở thói du côn.
Chả hiểu sao, đọc mấy bản tin này, mình cứ tự hỏi vì sao lại cứ phải “nhờ” vào một anh Mẽo lên án giùm nhỉ. Cho khách quan chăng? Cho nó có vẻ “dư luận quốc tế” chăng? Mà Webb là ai, là một Thuỷ quân lục chiến đại đội Delta, huân chương Hải quân Bội tinh từng lia AR75 veo véo tại chiến trường Việt Nam. Vì sao người kêu gọi các nghị sĩ quốc hội, người yêu cầu ra nghị quyết phản đối không phải là một vị đại biểu của QH Việt Nam ? Vì sao “chúng ta” thích bọn khoai tây nó lên án, nó biểu tình phản chiến (à quên, “tụ tập phản chiến”), mà lại không cho phép chính dân Việt lên án, “tụ tập” thậm chí chỉ vì họ yêu nước? Chịu.
Đôi khi lại lẩn thẩn nghĩ hay là bà Hồng Lê là một đặc tình “của mình” được cử sang chơi trò mỹ nhân kế với chàng nghị sĩ đầu sói mũi lõ.
Đôi khi lại lẩn thẩn nghĩ nhỡ QH Mỹ mà nó làm thật, nó phản đối thật, nó có phản ứng mạnh thật thì không biết có cái lỗ nẻ nào cho QH Việt Nam.
Đôi khi lại lẩn thẩn nghĩ không biết khi ký được cái hưu chiến 16 chữ vàng với thằng côn đồ hàng xóm không biết là thắng lợi hay thất bại ngoại giao khi mình thì cứ khăng khăng nào là “chiến lược” với “toàn diện” để mỗi hôm nó cho một xẻng đất vào dậu cúc tần.
Có câu “Yếu thì đừng ra gió”. Xét về đủ mọi thứ, mình thấy thằng Phi Luật Tân không hơn Việt mình ở điểm nào. Hải quân yếu nhất khu vực (Đến cái chiến hạm biểu tượng BRP Rajah Humanbon vẫn được dung từ thời thế chiến). Kinh tế còi nhất khu vực (Nợ công tới 77% GDP). Quốc gia nông nghiệp mà không năm nào không phải nhập gạo từ…Việt Nam (Được mỗi cái xuất khẩu osin là đứng đầu thế giới). Nhưng có lẽ thằng Phi vì không bị ràng buộc bởi 16 chữ vàng, không sợ bị ông anh lớn cau mày đập bàn, vì không hèn nên đâu có sợ Tàu. Tháng 3, chiến đấu cơ được điều tới khu vực va chạm với tàu Trung Quốc. Rồi dồn dập sau đó nào là tập trận chung với hải quân Mỹ, hạ viện ra nghị quyết phản đối Trung Quốc và gần đây nhất, đưa hải quân ra nhổ hết các “cọc lạ” trên biển. (Đừng ai nói nó có “đối tác toàn diện” là Mẽo nhá).
Không dám kê ra đây phản ứng của mấy thằng thầu dầu như Nhật, Hàn. Nhưng Malaysia cũng từng chĩa pháo hạm, từng dùng tàu chiến rượt đuổi tàu Trung Quốc suốt 17 tiếng. Indonesia thẳng tay bắt giữ các ngư dân Tàu xâm phạm lãnh hải, gửi công hàm tới liên hiệp quốc phản đối việc đòi chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Đến Phi cũng chơi ngay chiến đấu cơ xua đuổi tàu Trung Quốc. Rồi thì trước các hành động côn đồ của Trung Quốc, dù chưa nghiêm trọng như các vụ cắt cáp Bình Minh, Viking của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ QP Phi “mời Mỹ vào lập căn cứ trong khu vực Biển Đông”. Ngoại trưởng Phi coi TQ là tên “hải tặc quốc tế”. Một quan chức Chính phủ Phi kêu gọi dân chúng tẩy chay hàng Tàu, từ bỏ các kế hoạch du lịch, mua sắm tại Trung Quốc…
Tuyên bố chủ quyền mà không có biện pháp kiên quyết để bảo vệ chủ quyền thì liệu tuyên bố đó có ý nghĩa gì? Dân Phi, dân Mã, dân Nhật, dân Hàn, và cả dân Việt có lẽ chẳng thích gì chiến tranh, nhưng không vì sợ chiến tranh mà để thằng khác đến cướp nhà của mình. Lịch sử cho thấy không “ngôi nhà” nào là không phải đổi bằng xương, bằng máu của cha ông. Huống chi một sự cứng rắn về ngoại giao, một biện pháp mạnh trên biển không có nghĩa là xung đột. Một xung đột không có nghĩa là chiến tranh. Và chiến tranh, có muốn cũng khó xảy ra đối với hai quốc gia đều có chủ quyền và là thành viên của liên hiệp quốc.
Trung Quốc đang chơi trò hải tặc trên Biển Đông mà nạn nhân nhu nhược nhất chính là Việt Nam. Ngày 26-5, tàu hải giám TQ vào sâu trong khu vực 200 hải lý ngang nhiên cắt cáp tàu Bình Minh. Ngày 31-5, Hải quân Trung Quốc xả súng, xua đuổi những ngư dân Việt Nam tay không tấc sắt. Trên diễn đàn Sangri-La, tướng Tàu Lương Quang Liệt 27 lần nhắc đến hai chữ “Hoà Bình”. Ngày 7-6, Bác Triết thăm đảo Cô Tô và ra tuyên bố mà báo chí trong nước mô tả là “đanh thép”: “Chúng ta cũng sẵn sàng hiến dâng tất cả để bảo vệ quê hương, bảo vệ chủ quyền biển, đảo”. Ngày 8-6, bác Dũng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng đương nhiệm hùng hồn nhắc đến Hoàng Sa, Trường Sa và chủ quyền “không thể tranh cãi của Việt Nam” đối với hai quần đảo này. "Nhân dân Việt Nam, đất nước Việt Nam có đủ ý chí quyết tâm và sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc để giữ gìn, bảo vệ các vùng biển và hải đảo của mình”. Nhưng chỉ chưa đầy 48 giờ đồng hồ sau đó, khi người dân còn chưa kịp, sự kiện Viking xảy ra, cũng cắt cáp, cũng sâu trong thềm lục địa. Ngoài tàu ngư chính , còn có sự xuất hiện của máy bay trực thăng Trung Quốc Một sự thách thức. Một cái tát thực sự.
Mới biết to xác chắc gì đã ăn được bé hạt tiêu. To mồm chưa chắc đã phải là dũng cảm.
Phản ứng của Việt Nam ngay sau đó là chuyện biết rồi khổ lắm vẫn phải nói: vẫn lại là thông cáo của người phát ngôn Bộ Ngoại giao mà từ lâu đến trẻ con cũng thuộc, một thứ thông cáo quan liêu và nhu nhược đã thành giai thoại “Chỗ nào có oánh nhau, tao bày tỏ quan ngại sâu sắc. Thằng nào oánh tao, tao tuyên bố chủ quyền, tao cắt điện luân phiên, sau đó tao cực lực lên án”. (Dường như ai đó đã dùng chữ “thậm nguy” khi bình luận về lòng dân, với biểu hiện là các hình thức văn hóa dân gian như là thái độ phản ứng trước những vấn đề xã hội trướng tai gai mắt).
Nếu ngày mai, mà điều này hoàn toàn có thể xảy ra, Trung Quốc cứ vào sâu trong khu vực 200 hải lý, cứ cắt cáp, cứ phá hoại, rồi bắt giữ ngư dân, rồi nổ súng, thậm chí bắt giữ tàu bè chả nhẽ chúng ta cũng vẫn chỉ “tuyên bố”?! Chả nhẽ cứ trông chờ mãi vào lương tâm thằng “láng giềng hữu nghị”. Chả nhẽ cứ bùng nhùng trong mớ bong bóng quan hệ với một tên hải tặc quốc tế khoác áo hoà bình. Chả nhẽ cứ chơi trò tự sướng với những thằng rể.
http://vn.360plus.yahoo.com/tuanddk/article?mid=5418
0 comments:
Post a Comment