Mình đã vinh dự được qua hai lần cải cách giáo dục. Và có khả năng được tham dự lần cải cách thứ ba, vì nghe đâu đang có cái dự án giáo dục 70 nghìn tỷ. Xấp xỉ bằng vụ VINASIN.
Bé được xem cải cách ruông đất, nhớn đi bộ đội đánh nhau được xem cải tạo tư bản miền Nam, vào nghề dạy học được tham dự ba lần cải cách giáo dục. Đời người mà được tham dự những năm lần cải cách lớn quy mô toàn quốc (chưa kể những cái cải cách lặt vặt)… vậy cũng đáng tự hào… ta lớn lên cùng đất nước.
Kể về cải cách giáo dục một tí tị cho vui. Chỉ dám kể ở bậc phổ thông thôi chứ bậc nhớn hơn mình không biết nên không dám nói.
Cải cách giáo dục lần thứ nhất đầu thập kỉ tám mươi: Bọn mình lúc bấy giờ là giáo viên gầy giơ xương, có cô giáo ngất xỉu khi nghe giảng viên trình bày nội dung cải cách. Ngất vì hai nhẽ; nhẽ thứ nhất: nghe mà sợ đến ngất đi bởi nhiệm vụ nặng nề vì cải cách đặt ra mục đích cao vòi vọi, nhà trường phải đào tạo ra các… Thánh. Con người được đào tạo ra phải giỏi hết mọi nhẽ mà lại còn có lí tưởng Cộng sản chủ nghĩa. Nhẽ thứ hai: ngất vì đói. Thời bao cấp giáo viên là tầng lớp hạ đẳng trong xã hội, cửa hàng mậu dịch ghi rõ rành rành “phân phối từ giáo viên trở lên mỗi người… nửa mét vải màn.”
Hạ đẳng nhất trong giới công chức viên chức mà lại làm nhiệm vụ đào tạo các Thánh. Vậy ra chức năng của giáo viên tự dưng được nâng ngang hàng Chúa Giê su và Đức Phật Thích ca(!) Kể cũng hay. Đấy là suy diễn về mặt chức năng thôi chứ mình không có ý dám xúc phạm đến các bậc tối linh.
Kết quả là nước ta đã đào tạo được một lớp người viết thư pháp đông đảo nhất trong lịch sử. Khả năng này bộc lộ ngay từ trong nhà trường. “Thầy giáo” biến thành “Thần Gió”. Bọn trẻ viết “lòi phi củi thần gió”, phải có nghề mới dịch được sau khi đã suy luận chán chê. Thì ra nó viết “Lời phê của thầy giáo”. Nếu ai không tin hãy thử xem các văn bản viết tay.
Và học phép cộng ở lớp một phải theo quan điểm tập hợp. Một bé giai tính "năm cộng năm bằng mười một". Tìm hiểu ra thằng bé không sao nhận ra được Phép Cộng là Tập Hợp là Hợp của hai Tập Hợp không Giao nhau mà mỗi Tập Hợp có năm phần tử. (Chắc các bạn cũng mụ mị vì mớ lí thuyết phức tạp này mà mãi bậc Đại học mới sờ đến. Bây giờ phải nhét vào đầu thằng trẻ con sáu tuổi ngủ còn đái dầm, nửa đêm mở mắt ra thấy bố với mẹ mất đoàn kết cởi hết quần áo vật nhau chí tử, mà không dám nói, không giải thích được tại sao lại thế? trong khi người lớn thì bảo đó là...Giao Hợp. Mình phải giải thích theo quan điểm tập hợp của Toán học hiện đại bởi chương trình cũng quy định phải dạy như thế)... Nhưng nó lại sợ cô giáo nên đành phải cho tay vào túi quần, tay nọ đếm số ngón tay của tay kia theo phép đếm thông thường. Và... đếm luôn cái của quý, nên năm cộng năm bằng mười một.
Kết quả thứ hai là có thêm một cái tên: Phổ thông Cơ sở. (Dĩ nhiên phải có hệ thống kéo theo cái tên ấy) nhập cấp một vào cấp hai, thòi ra một lớp gọi là “lớp tám nhô” sau đó vào lớp mười. Bởi cấp hai cũ là lớp 5, 6, 7 bây giờ lại là 6, 7, 8… mất một năm sau nữa mới có lớp 9. Bắt đầu trường lớp bỗng khắc nhập khắc xuất y như các tỉnh cũng khắc nhập khắc xuất…
Về nội dung kiến thức cũng bắt đầu phức tạp. Môn Toán cấp hai thì một số định lí biến thành định nghĩa và ngược lại, các kiến thức đã học của giáo viên buộc phải bỏ ra sắp xếp biện giải lại nhưng vẫn mắc phải tình trạng cầm đèn chạy trước ô tô ví như hình vuông có phải là hình thoi không vân vân… Môn văn thì ngoài thơ Tố Hữu ra chẳng có mấy bài thơ khác. Dạy văn mà chọn cóc nhảy từng đoạn của tác phẩm. Giáo viên chả biết lối nào mà lần. Mình đã từng hỏi hàng trăm giáo viên: Tên bố thằng thiếu tá Xăm trong Hòn Đất (của Anh Đức) là gì. Nhất loạt không biết… tất cả đều bảo đọc lâu quên rồi. Nhưng có người táo tợn hơn bảo bố thằng Xăm tên là Lốp. Điên hết cả người! Vì có đoạn bà Cà Xợi là mẹ đẻ Xăm đã vung dao định chém đầu con mình lúc đang ngủ, rồi nghĩ thế nào lại gọi du kích vào chém. Một hành động phi nhân tính như vậy mà học sinh phải học để minh họa cho ý chí cách mạng trên hết. Mình không dám trách nhà văn nhưng cũng cố tìm nguyên cớ để thanh minh cho hành động ấy. Nhưng giáo viên văn có mấy người đọc hết tác phẩm mà lí giải.
Còn thi cử mới khốn khổ khốn nạn. Trước khi vào thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở, Hiệu trưởng phải cắn rơm cắn cỏ lạy ông Hợp tác xã cho tạ lợn, lạy ông Ủy ban cho mấy trăm. Có Hội đồng coi thi thì có Hội đồng bảo thi. Coi thi mà tiệc tùng ê hề. Thi bốn môn mà kéo dài ba bốn ngày. Hai ngày đầu học quy chế và kiểm tra hồ sơ. Khi giám thị có mặt đầy đủ thì tiếng lợn bị chọc tiết vang lên hòa cùng tiếng chủ tịch Hội đồng sang sảng đọc quy chế. Các lãnh đạo Đảng, Chính quyền, Đoàn thể, Hội phụ huynh nô nức kéo đến chúc mừng…Sau những bài phát biểu chào mừng… mà chả ai biết chào mừng vì cái gì, tiếp theo là đại biểu và hội đồng hoan hỉ tiết canh lòng lợn. Đến ngày thi chính thức thì tập trung khai mạc chào cờ. Tiếng lợn bị chọc tiết một lần nữa lại hòa cùng tiếng hát Quốc ca vang lên hoành tráng… hứa hẹn trưa lại chào cờ… lòng lợn tiết canh.
Năm tám hai mình làm thư ký hội đồng ở ngay cái trường mà mình hiện giờ mới chuyển đến (vì lí do luân chuyển và ghét của nào trời trao của ấy. Cho chết!). Sau buổi thi đầu tiên, mười tám trong tổng số hai bốn giám thị cùng với bốn thanh tra cấp tỉnh bị Tào Tháo đuổi. Thanh tra cấp tỉnh được mười hai ông dân quân khênh đi cấp cứu tại Bệnh viện huyện. Còn mười tám giám thị cắt cử nhau vừa coi thi vừa lần lượt chạy ra nhà vệ sinh. Rồi kì thi ấy cũng qua. Vẫn đỗ trăm phần trăm. Vừa rồi gặp lại ông chủ tịch hội đồng coi thi ngày ấy (đã nghỉ hưu được mười năm) nhắc lại kỉ niệm ông bảo hú hồn. May không thằng nào chết chứ không thì hai thằng mình đi tù. Mà sao chú không việc gì? Ông hỏi. Mình mới bảo em phải thủ trước một ít Bê một và Suyn- pha Ga- ni- đăng rồi, với lại trước khi đi coi thi phải nhịn ăn gần một ngày chứ không có cũng toi. Ông lại hỏi: Nó cho ăn cái đếch gì mà nên nông nỗi ấy? Mình bảo: họ lấy tóp mỡ ngày hôm trước đem làm nhân tiết canh, em vừa đưa vào mồm thấy kinh quá nên không ăn. Vậy mới thoát!
Rôi vào cái năm tám sáu, tám bảy gì đó, trên hô hào phải thi nghiêm túc và giao cho các nhà trường tự coi, chấm thi tốt nghiệp. Mình sướng quá! Phải thế chứ! Bởi vì ở giáo dục bệnh thành tích nặng lắm. Chính quyền cũng vậy: người ta bắt bằng mọi giá phải phổ cập nên thành thử chẳng có trẻ lưu ban bao giờ. Bọn ra trường bảo bọn đang học: “Học làm đếch gì, chả ai dám bắt mày học lại đâu, thế nào mà chả lên lớp, chả tốt nghiệp…” Phụ huynh tự hào con mình mỗi năm lên một lớp, năm nào cũng có giấy khen…
Năm ấy mình tổ chức một kỳ thi nghiêm túc thật sự. Kết quả: bốn tám phần trăm học sinh trượt tốt nghiệp.
Dân tình ngao ngán. Có người đến tận nhà chửi mình… Lãnh đạo xã cho gọi lên làm kiểm điểm để xử lý kỷ luật. Trong hội nghị, mình cãi: “Kỳ thi vừa rồi không có học sinh nào trượt oan”. Ông bí thư chỉ tay vào mặt mình: “Thầy là loại người vô nhân đạo. Các xã khác con em người ta đỗ trăm phần trăm. Tại sao xã ta lại chỉ có năm hai… Khẩu hiệu tất cả vì tương lai con em chúng ta thầy không nhớ à. Thầy… thầy… giết tương lai con em xã ta…”.
Mình lục được bài diễn văn mình đã viết cho Bí thư phát biểu hôm 26-3 trước toàn thể đoàn viên học sinh nhà trường (Chả là mình còn có thêm nghề viết diễn văn thuê cho lãnh đạo xã. Mỗi mùa cũng được trả hơn trăm cân thóc) đại thể bài diễn văn yêu cầu phải học thật thi thật để có chất lượng thật. May sao đài truyền thanh còn giữ cuốn băng ghi lại ý kiến quý báu của đồng chí bí thư. Mình mở cuốn băng. Tất cả đều cười… rồi giải tán… sau khi lĩnh tiêu chuẩn hội nghị!
Vụ ấy mình không việc gì, nhưng cái nghiệp viết thuê diễn văn thì mất đứt. Người ta ngại, bảo là mình xỏ lá... Sau vụ ấy mình thành ra người nổi tiếng, trở thành một hung thần “giết tương lai con em xã ta”. Đến nỗi vài năm sau người ta định cho mình về làm Hiệu trưởng ở thị trấn quê hương yêu dấu của mình thì lãnh đạo thị trấn chối đây đẩy: Họ không muốn có một hung thần “giết tương lai con em thị trấn ta”.
(Kể dài rồi, cho mình tạm dừng. Kì sau kể tiếp )
0 comments:
Post a Comment