Thursday, June 30, 2011

Không thể làm việc theo kiểu bắt nợ

Nguyễn Tường Thụy - Hộ khẩu của tôi ở xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì nhưng sau đó tôi lại mua nhà ở xã Vĩnh Quỳnh ở từ 18 năm nay. Tuy cùng huyện cách nhau có 5 cây số nhưng vẫn là ở một nơi, hộ khẩu một nẻo.


Cũng vì sự cố vừa qua, Vĩnh Quỳnh không cho tôi bầu cử nữa, bảo về nơi có hộ khẩu mà bầu nên tôi quyết định chuyển hộ khẩu về nơi ở “để tiện cho Vĩnh Quỳnh quản lý”, bà xã tôi nói với các anh ở UB xã Vĩnh Quỳnh như thế.

Bà xã tôi vài lần chạy đi chạy lại, hơi phức tạp 1 chút, dăm lần từ huyện về xã, từ xã ra huyện rồi cuối cũng cũng lấy được giấy hẹn trả kết quả vào ngày 9/6/2011.

Tuy nhiên trưa ngày 3/6 có một người, giọng nam xưng là công an hộ khẩu, không biết ở xã hay huyện gọi vào máy bàn của tôi nói là gia đình chưa nộp phạt hành chính nên phải vào nộp phạt hành chính đã rồi mới được lấy hộ khẩu. Không biết chuyện này có liên quan đến buổi làm việc với an ninh ngày hôm trước (2/6) không.

Tôi đang nói ý kiến của mình thì cậu ta úp máy rụp phát. Vô lễ.

Chiều ngày 9/6, Thứ năm, đúng hẹn, tôi ra để lấy hộ khẩu mới. Mọi người lấy hết, cuối cùng còn trơ lại mình tôi. Một cậu CA bảo hộ khẩu của bác không thấy, chúng cháu chỉ trả kết quả hộ. Vậy cháu cho bác số ĐT của em Nga là người trực tiếp làm cho bác để bác hỏi, nhưng giờ em đang nghỉ mát, thứ 2 bác hãy gọi.

Ngày Thứ hai, 13/6 tôi đến CA huyện gặp Nga, cháu bảo khi nào có kết quả thì gọi cho bác.

Ngày 16/6 tôi gọi cho cháu Nga, cháu bảo trường hợp của bác phải xác minh lại. Tôi hỏi xác minh cái gì, cháu bảo xác minh xem nhà bác đã đến ở chưa. Trời đất, tôi ở đây 18 năm, ở cái xã này ai còn lạ gì tôi bởi bao nhiêu vụ kiện cáo mà lại phải xác minh xem đã ở Vĩnh Quỳnh thật chưa. Vậy cái giấy hẹn có ý nghĩa gì. Mà có xác mình gì thì cũng trong thời gian đó chứ. Nếu có mất nhiều thời gian thì hẹn lùi lại, tôi đâu có thắc mắc.

Lại tiếp tục gọi cho cháu Nga, thường là không được. Cuối cùng thì cháu nói rõ lý do là trường hợp nhà bác không làm được đâu vì bác không chịu nộp phạt hành chính, ở xã người ta có công văn gửi lên. Tôi bảo vậy để bác ra gặp trực tiếp sếp của cháu. Cháu bảo vâng, bác ra gặp sếp cháu đi.

Nói chung là thái độ mấy cháu ở phòng hộ khẩu tốt, ân cần, vui vẻ, các cháu chỉ làm theo lệnh thôi.

Ngày 22.6, tôi ra gặp sếp của cháu. Đó là một nữ trung tá mà tôi biết từ hồi làm hộ khẩu lần trước, cách đây 18 năm.

Cũng nên tóm tắt về nguồn gốc cái quyết định phạt hành chính nói trên một chút.

Số là ngày 10/5/2010, cháu gái tôi (cùng mẹ và em gái nó - ba mẹ con, toàn đàn bà con gái cả) bị bọn thuê nhà bên cạnh làm xưởng lấn chiếm đất và đánh cho tơi tả, tôi gọi điện cho cảnh sát 113 cầu cứu. Cái tổ 113 được điều đến gồm 5, 6 vị công an huyện và xã. Không những cháu tôi không được cứu mà còn bị đánh tiếp ngay trước mặt CA. Để côn đồ đánh chán rồi, CA mới yêu cầu mẹ con cháu tôi vào trụ sở CA xã với lý do là để “bảo vệ” mẹ con cháu tôi (nhưng sau đó lại thả cháu về giữa lúc nửa đêmcác cháu sợ quá phải đến nhà bác cháu cách 10 km để tạm lánh), “mời” luôn cả các anh cháu đến hỏi thăm, bê cả xe máy lên ô tô vào xã rồi xử phạt hành chính. Tôi chạy sang cũng bị công an bố trí cho côn đồ đánh và cướp điện thoại.

Nghĩ đến việc gọi cảnh sát 113 mà dại. Chuyện này tôi đã kể tỉ mỉ trong bài “Bảo kê cho côn đồ”

Tôi làm đơn tố cáo lên trưởng CA Thanh Trì về việc CA bảo kê cho côn đồ đánh người. Ngày 12/11/2010, tôi làm việc với công an huyện tên Hiển (là người có mặt trong tổ công tác bị tôi tố cáo), khi trả lời, tôi có nói đến chuyện nhà tôi có mấy phòng trọ cho thuê. CA Hiển nghe và hỏi có vẻ chăm chú lắm. Lập tức tối hôm đó, nghĩa là 12 giờ sau, CA Hiển, trưởng CA xã Khoa(cũng ở trong tổ 113 bị tôi tố cáo) và một số người khác đến kiểm tra hành chính nhà tôi.

Giá mà đơn kiện của dân trả lời được nhanh như vậy.

Ba ngày sau thì trưởng CA xã Khoa ngoài việc ra QĐ phạt những người thuê nhàvề việc không khai báo tạm trú còn ra quyết định phạt hành chính nhà tôi về việc không khai báo lưu trú. Hèn.

Thấy quyết định xử phạt không có căn cứ pháp luật, ngày 19/11/2010, tôi viết đơn gửi chủ tịch xã Vĩnh Quỳnh yêu cầu giải thích. Nhưng đến nay không có ai trả lời tôi.

Lại nói tiếp về buổi làm việc với nữ trung tá. Chị bảo nhà bác không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm qui định về thông báo lưu trú. Rồi chị phân tích về mục đích ý nghĩa về việc chấp hành thì sẽ mang lại lợi ích như thế nào cho gia đình. Hơi dài dòng một tí.

Đợi chị nói xong, tôi bảo: thế cho tôi xem công văn của xã Vĩnh Quỳnh yêu cầu không chuyển hộ khẩu cho tôi. Chị bảo công văn thì không có nhưng tôi nghe ở xã họ nói thế (trong khi cháu Nga lại bảo có)

Tôi bảo: Thứ nhất là nếu xã Vĩnh Quỳnh yêu cầu không chuyển hộ khẩu cho nhà tôi thì phải có bằng văn bản chứ chị không thể nghe lời nói.

Thứ hai là nếu CA Thanh Trì không chuyển hộ khẩu cho tôi thì cũng phải trả lời công dân bằng văn bản, nêu rõ lý do, còn ý kiến của tôi về việc này như sau:

Việc chuyển hộ khẩu của tôi không liên quan đến việc xử phạt hành chính. Việc làm hộ khẩu là căn cứ vào qui định. Nếu chúng tôi đáp ứng đủ yêu cầu thì phải làm.

Nếu tôi vi phạm hành chính, bị xử phạt mà không chịu nộp phạt thì sẽ bị cưỡng chế, điều này đã đươc qui định đầy đủ. Không thể lấy cái nọ ràng buộc cái kia như kiểu bắt nợ.

Trường hợp của tôi, nếu xã Vĩnh Quỳnh trả lời được đơn khiếu nại của tôi (ngày 19/44/2010), dẫn ra được căn cứ pháp luật thì tôi sẽ thi hành ngay lập tức.

Tôi nói thêm: “Tôi chuyển hộ khẩu về Vĩnh Quỳnh để tiện cho địa phương quản lý tôi. Đó là ý thức công dân của tôi, chứ không chuyển thì với tôi cũng không có gì quan trọng vì tôi đã sống 18 năm nay ở Vĩnh Quỳnh mà hộ khẩu vẫn ở Thanh Liệt, có sao đâu”.

Cũng may là cuộc nói chuyện không đến nỗi căng thẳng. Chị CA nghe tôi nói chắc cũng hiểu ra và gọi cháu Nga sang bảo viết lại giấy hẹn.

Đúng hẹn lần thứ hai, ngày 27/6, tôi ra nhận sổ hộ khẩu mới sau 18 ngày đình lại.



gửi Dân Làm Báo

*

Phụ lục:

ĐƠN KHIẾU NẠI


Kính gửi Bà Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, Hà Nội.
Tôi là Nguyễn Tường Thụy và vợ là Phạm Thị Lân;
Địa chỉ: số nhà 11 cụm Quỳnh Lân đường Phan Trọng Tuệ, xã Vĩnh Quỳnh.

Thưa Bà;

Chúng tôi nhận được quyết định xử phạt hành chính do ông Nguyễn Quang Khoa, trưởng công an xã ký ngày 15/11/2010.
Quyết định nêu nhà tôi đã vi phạm không khai báo lưu trú, tạm trú cho người thuê nhà và căn cứ vào nghị định Số: 73/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội để xử phạt. Trong đó có qui định mức xử phạt trong các trường hợp:
- Không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú;
- Không thực hiện việc thông báo lưu trú với cơ quan Công an theo quy định khi có người đến lưu trú.
Tuy nhiên, tìm hiểu Luật lưu trú, chúng tôi thấy như sau:
Thứ nhất, đối tượng thuê nhà chúng tôi không thể vừa là tạm trú vừa là lưu trú:

- Người tạm trú là "Người đang sinh sống, làm việc, lao động, học tập tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn nhưng không thuộc trường hợp được đăng ký thường trú tại địa phương" (khoản 1 điều 30 Luật cư trú)
- "Lưu trú là việc công dân ở lại trong một thời gian nhất định tại địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn ngoài nơi cư trú của mình và không thuộc trường hợp phải đăng ký tạm trú". (khoản 1 điều 31 Luật cư trú)
Như vậy, tạm trú và lưu trú là hai khái niệm khác nhau, không có chuyện tạm trú nằm trong lưu trú hay lưu trú nằm trong tạm trú hoặc gọi thế nào cũng đúng.
Thứ hai, những người thuê nhà chúng tôi thuộc đối tượng tạm trú:
- "Người đến đăng ký tạm trú phải xuất trình giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn nơi người đó đã đăng ký thường trú; giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hoặc sử dụng nhà ở đó; nộp phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, bản khai nhân khẩu; trường hợp chỗ ở hợp pháp là nhà do thuê, mượn hoặc ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản". (khoản 3 điều 30 Luật cư trú):
Qua điều khoản này thấy rõ người ở trọ là đối tượng tạm trú và chúng tôi đã đồng ý cho họ ở bằng hợp đồng thuê nhà.
Như vậy, ngay từ đâu, khi ký hợp đồng, hai bên đã xác định ở lâu dài chứ không xác định ở dưới 1 tháng.
- "Việc thông báo lưu trú được thực hiện trước 23 giờ, nếu người đến lưu trú sau 23 giờ thì thông báo lưu trú vào sáng ngày hôm sau; trường hợp ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, anh, chị, em ruột đến lưu trú nhiều lần thì chỉ cần thông báo lưu trú một lần. (khoản 3 điều 31)
Như vậy, đối tượng lưu trú là cha mẹ, anh em, họ hàng, bạn bè, người quen đến ở nhờ một vài hôm hoặc người đi chữa bệnh hay có việc gì đó chứ không phải là người thuê nhà để lao động, học tập như những người thuê nhà nhà chúng tôi.
- Trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với người thuê nhà tôi, ông Khoa xác định họ đã vi phạm không đăng ký tạm trú có nghĩa là cũng thừa nhận họ là đối tượng tạm trú.
Thứ ba, về trách nhiệm đăng ký khai báo tạm trú, lưu trú:

- "Người đến đăng ký tạm trú phải xuất trình..." (đã dẫn) có nghĩa là trách nhiệm đăng ký tạm trú của bên thuê nhà.

Trong hợp đồng thuê nhà, trong điều khoản về trách nhiệm bên thuê nhà có ghi:

"Đảm bảo thủ tục khai báo tạm trú với chính quyền địa phương". Điều khoản này phù hợp với qui định của Luật cư trú.

- Gia đình, nhà ở tập thể, cơ sở chữa bệnh, khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở khác khi có người từ đủ mười bốn tuổi trở lên đến lưu trú có trách nhiệm thông báo việc lưu trú với Công an xã, phường, thị trấn. Việc thông báo lưu trú được thực hiện trực tiếp hoặc bằng điện thoại. (khoản 2 điều 31)
Như vậy, Luật cư trú qui định rõ thế nào là tạm trú, thế nào là lưu trú, ai có trách nhiệm đăng ký tạm trú, ai có trách nhiệm thông báo lưu trú.
Có thể tôi chưa nắm được hết các qui định về lưu trú tạm trú, vì vậy tôi xin chính quyền cho biết tên văn bản qui phạm pháp luật và trích điều khoản qui định: Người tạm trú trong 30 ngày đầu được gọi là lưu trú và người cho thuê nhà có trách nhiệm phải thông báo. Tất nhiên, văn bản đó không được trái với văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.
Đảng và Nhà nước đã đưa ra khẩu hiệu "Sống và làm việc theo pháp luật". Khi chính quyền đưa ra căn cứ pháp luật rồi, chúng tôi vui lòng thực hiện và chấp hành theo qui định.
Trân trọng.
Kính đơn

0 comments:

Powered By Blogger