Trần Minh Quân (tuanvietnam) - Tại sao phải xây dựng một khu phố người Hoa mà không phải của một dân tộc nào khác ở ngay trung tâm đô thị được giới thiệu là trung tâm hành chính trong tương lai của một tỉnh? Tại sao không để một khu phố rất đặc trưng như vậy hình thành theo quy luật sinh tồn như vốn có của nó từ hàng nghìn năm nay trên khắp thế giới? Liệu người Việt Nam có bị bắt buộc phải không được bén mảng đến đây (trên chính đất nước Việt Nam) như tại một Casino quốc tế ở Đà Nẵng, hay một sân gofl ở ngay địa đầu Móng Cái?...
Nếu việc này cũng là tiền đề cho các địa phương khác đang có ý định "dời đô" noi theo thì rất nhiều khả năng sẽ tồn tại những khu phố người Hoa khác do chính Việt Nam xây dựng nên?
"Xuất khẩu" lao động phổ thông giá rẻ
Người Trung Quốc (người Hoa) di cư vào làm ăn, sinh sống tại Việt Nam từ rất lâu đời. Lần đầu tiên người Hoa di cư vào Việt Nam được ghi nhận là từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên. Trong suốt 2 thiên niên kỷ tiếp sau đó, nhiều làn sóng người Hoa di cư sang Việt Nam với nhiều nguyên nhân, từ quan, lính, tội phạm ... đến những người phải trốn chạy khỏi các cuộc nội chiến triền miên ở Trung Quốc.
Sau những biến cố lịch sử, người Trung Quốc di cư đến Việt Nam ngày càng đông. Họ cư trú tập trung ở những nơi có điều kiện buôn bán và dần dần hình thành nhiều khu phố người Hoa. Đó là đô thị thương mại Vân Đồn thế kỷ 15, đô thị phố Hiến thế kỷ 16, đô thị Hội An thế kỷ 17 và đậm nét nhất phải kể đến là khu Sài Gòn - Chợ Lớn thế kỷ 18, 19.
Ngày nay, làn sóng di cư người Trung Quốc sang Việt Nam vẫn không ngừng gia tăng. Không giống như trước đây, người Trung Quốc đang di cư sang Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau nhưng chủ yếu là lao động phổ thông từ các gói thầu EPC. Theo thống kê không chính thức của các cơ quan báo chí thì hiện có khoảng 90% gói thầu EPC đang được các nhà thầu Trung Quốc thực hiện, trong đó, ngoài các nguyên vật liệu, thiết bị cần thiết thì ngay cả lực lượng lao động phổ thông cũng được các nhà thầu này "xuất khẩu" sang Việt Nam.
Hiện chưa có con số thống kê chính thức nhưng có thể nói số lượng người Trung Quốc nói riêng và người gốc Hoa nói chung đang hiện diện trên đất nước Việt Nam là rất lớn. Có lẽ, trong tất cả các sắc dân nước ngoài đang sống trên lãnh thổ Việt Nam thì người Hoa là cộng đồng dân cư nước ngoài có số lượng đông nhất.
Công bằng mà nói thì người Hoa cũng đã ít nhiều góp phần vào sự phát triển kinh tế và làm tăng tính đa dạng của bản sắc văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, với sự xuất hiện ồ ạt những đối tượng lao động nhập cư đến từ Trung Quốc đang gây nên những mối lo ngại về an ninh trật tự nơi người Trung Quốc cư ngụ đông như đã từng xảy ra ở Ninh Bình và đang góp phần đẩy người lao động Việt Nam đến chỗ thiếu công ăn việc làm.
Trước đây, chính phủ Trung Quốc đã thành công trong việc "xuất khẩu" nông dân sang châu Phi thì một lần nữa họ lại rất thành công trong việc "xuất khẩu" lao động phổ thông giá rẻ sang các nước mà các nhà thầu mang quốc tịch Trung Quốc đang chiếm nhiều ưu thế như Việt Nam.
Khác với các quốc gia ở châu Phi, Việt Nam là một quốc gia với đặc điểm đất chật, người đông và nền kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào nông nghiệp. Hiện nay, nhiều khu đất canh tác truyền thống thuộc dạng "bờ xôi, ruộng mật" đang dần nhường chỗ cho các dự án khác như khu công nghiệp, sân golf, ... Người Việt Nam đang đối diện với nguy cơ thiếu đất canh tác và đất ở nghiêm trọng. Nếu phải gồng mình chia sẻ tài nguyên đất đai vốn dĩ hạn hẹp với người dân nhập cư ồ ạt đến từ Trung Quốc thì không biết trong vài chục năm nữa, người dân Việt Nam sẽ đi về đâu?
Do điều kiện lịch sử, xã hội, cũng là một sự giao lưu tự nhiên, và do đặc điểm dân số quá đông của Trung Quốc, mà đến ngày nay, tại hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên trái đất đều có sự hiện diện của cộng đồng người Hoa làm ăn, sinh sống. Tại đây, họ đều để lại những dấu ấn đậm nét Trung Hoa. Đó là những khu phố người Hoa không lẫn vào đâu được đang nằm rải rác khắp thế giới.
Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy là những khu phố người Hoa này đều do chính những người Hoa di cư đến tự thành lập và xây dựng nên. Sự có mặt và thành công của họ cũng chính là góp phần vào sự thịnh vượng của các quốc gia và vùng lãnh thổ mà họ đang sinh sống.
Khu Đông Đô Đại Phố đang được triển khai đầu tư xây dựng ngay giữa trung tâm Thành Phố Mới ở Bình Dương |
Quyết định "ưu ái" cho cộng đồng người Hoa?
Trước những điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên đất đai đang rất hạn chế như đã nói đối với Việt Nam và lịch sử hình thành của những khu phố người Hoa trên khắp thế giới, thì việc xây dựng một khu phố mới toanh đặc biệt chỉ dành cho người Hoa như khu Đông Đô Đại Phố đang được triển khai đầu tư xây dựng ngay giữa trung tâm Thành Phố Mới ở Bình Dương, thực sự đang gây nên nhiều quan ngại. Khu phố này do chính Công ty Becamex IJC tỉnh Bình Dương làm chủ đầu tư.
Nhiều người sẽ đặt ra những nghi vấn rằng tại sao phải xây dựng một khu phố người Hoa mà không phải của một dân tộc nào khác ở ngay trung tâm đô thị được giới thiệu là trung tâm hành chính trong tương lai của một tỉnh? Tại sao không để một khu phố rất đặc trưng như vậy hình thành theo quy luật sinh tồn như vốn có của nó từ hàng nghìn năm nay trên khắp thế giới? Liệu người Việt Nam có bị bắt buộc phải không được bén mảng đến đây (trên chính đất nước Việt Nam) như tại một Casino quốc tế ở Đà Nẵng, hay một sân gofl ở ngay địa đầu Móng Cái?
Trong những năm qua, tại một số tỉnh thành phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh bỗng đều đang có ý định "dời đô". Trong đó Bình Dương là một tỉnh đi đầu trong việc xây dựng một thành phố mới, là bước đệm cho việc di dời các cơ quan hành chính chủ chốt của tỉnh về thành phố này. Điều đáng nói là ngay sau khi đầu tư xây dựng một số cơ sở hạ tầng như đường sá, cầu cống, ... thì Bình Dương cho tiến hành ngay dự án dành riêng cho người Hoa? Liệu đây có phải là một quyết định quá "ưu ái" cho cộng đồng người Hoa nơi đây nói riêng và các địa phương khác nói chung?
Nếu việc này cũng là tiền đề cho các địa phương khác đang có ý định "dời đô" noi theo thì rất nhiều khả năng sẽ tồn tại những khu phố người Hoa khác do chính Việt Nam xây dựng nên? Khi đó, liệu người Việt Nam có bị đẩy lùi ra khỏi khu trung tâm của những thành phố mới trong tương lai? Và, khi bắt tay xây dựng những khu phố "dành riêng" khác tương tự liệu các nhà đầu tư Việt Nam có khi nào nghĩ đến trong một tương lai không xa, người Việt Nam sẽ không còn được làm chủ trên chính mảnh đất của mình?
Trần Minh Quân
*********************************************
Bài liên quan đã đăng mời các bạn đọc tiếp :
*********************************************
Là thảo dân, tôi thực sự lo lắng về việc này
Người lao động Trung Quốc bất hợp pháp
Quốc Toản (Nguyễn Xuân Diện Blog) - Sáng nay, 22-6 khi vào trang mạng Diễn đàn kinh tế Việt Nam thấy bài “Phố Trung Quốc” ở Ninh Bình. Tôi nghĩ, chắc lại có chuyện một dãy phố có nhiều nhà dăng đèn lồng hoặc có chuyện gì đó bắt chước anh ba Tàu như báo chí đã nêu ra gần đây. Thật ra không phải. Đó là chuyện về những người Trung Quốc lao động phổ thông ở Ninh Bình.
Tôi đọc mà phát hoảng: Luật không cho phép doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức sử dụng lao động phổ thông là người nước ngoài. Vậy mà ở Ninh Bình, có công trường, số công nhân lao động phổ thông Trung Quốc lên đến gần 1.500 người.
Đọc tiếp thì thấy: Một người dân địa phương cho biết: "Trước kia ở đây bình yên lắm, nhưng từ khi người Trung Quốc đến đây, phố xá ồn ào hẳn lên. Tối tối, nhiều thanh niên Trung Quốc cởi trần trùng trục uống rượu, cãi nhau, khạc nhổ, rồi trêu chọc gái qua đường... Mỗi buổi chiều, sau giờ tan ca, họ về nhà trọ và tạo ra cảnh sinh hoạt rất chướng mắt, đi chơi về khuya, nói to ông ổng, khiến người dân mất ngủ. "Có hôm, trong lúc đang tắm rửa, mấy thanh niên đùa nghịch, rồi gào thét, đuổi nhau tồng ngồng chạy ra phố, rồi tụt luôn cái quần lót của người chạy trước, khiến cả phố náo loạn lên!", anh Tâm kể.
Chưa hết, khi đọc đến con số trên 1600 lao động Trung quốc không được cấp giấy phép. Tôi thực sự thấy lo lắng. Ninh Bình đã vậy, các tỉnh khác thì sao? Trung Quốc đã trúng thầu nhiều dự án ở Việt Nam. Vậy là số lao động Trung Quốc cũng không phải là nhỏ. Các tỉnh, thành phố nhất là khu vực Tây Nguyên hãy thống kê xem số lao động không giấy phép là bao nhiêu. Tôi cũng muốn nói rằng, không thể dùng từ “không phép” mà phải gọi đúng tên là “lao động bất hợp pháp”.
Trong số họ đa phần sang lao động tại VN cũng là vì miếng cơm manh áo, nhưng cũng sẽ có không ít người gây quan ngại cho chúng ta, nhất là về an ninh trật tự.
Báo chí gần đây đã nói nhiều đến lao động VN bất hợp pháp ở Anh, Đức, Hàn Quốc đã bị trục xuất về nước. Còn đối với chúng ta, liệu có trục xuất được người Trung Quốc lao động bất pháp về nước không?
Theo ông Dương phó phòng việc làm-Sở LĐTBXH Ninh Bình thì các chủ đầu tư thường nại rằng, nếu trục xuất lao động "chui" này thì tiến độ dự án chậm, hoặc dừng. Như vậy khác nào họ đã thách thức chúng ta?
Còn đây nữa: Sau rất nhiều lần cố gắng, vượt qua rất nhiều thủ tục, chúng tôi vẫn không có được bất kỳ câu trả lời nào từ Công an tỉnh Ninh Bình về nguy cơ tiềm ẩn những diễn biến an ninh trật tự khó lường từ số lao động chui. Theo ông Màn Chí Nguyện, Trưởng phòng PX15, thì: "Thông tin nghiệp vụ không thể cung cấp được".
Tại sao công an Ninh Bình lại không thể không công bố? Thậm chi các tỉnh thành phố trên cả nước không thể không công bố số lao động Trung Quốc bất hợp pháp đang có mặt tại Việt Nam. Để cho những người có trách nhiệm phải kiên quyết xử lý. Đó chính là nguy cơ tiềm ẩn đối với Việt Nam. Đây là hành động bành trướng "mềm" của Trung Quốc mà Lão tướng "Nguyễn Trọng Vĩnh" đã nhận định từ lâu.
Là thảo dân, tôi thực sự lo lắng về việc này.
Quốc Toản
Blog Nguyễn Xuân Diện
"Phố Trung Quốc" ở Ninh Bình
Ngọc Minh, Cường Trung - “Cứ rượu xong là họ lại kéo từng toán vài chục người, nghênh ngang, xiêu vẹo trên đường, rồi dòm ngó vào nhà dân, trông rất khó chịu. Kinh khủng hơn, có lần họ còn tụt quần tiểu tiện ngay trước nhà tôi và nhiều nhà dân khác. Chúng tôi bức xúc, thậm chí xua đuổi, nhưng những lúc như thế, bọn họ dừng lại hằm hè, chửi lại, nên ai cũng ngại, không dám va chạm với họ”.
*
Luật không cho phép doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức sử dụng lao động phổ thông là người nước ngoài. Vậy mà ở Ninh Bình, có công trường, số công nhân lao động phổ thông Trung Quốc lên đến gần 1.500 người.
Nhếch nhác
Không phải ngẫu nhiên mà người dân xã Khánh Phú, H.Yên Khánh (Ninh Bình) đặt cho một đoạn đường của quốc lộ 10 chạy qua địa bàn cái tên “Phố của người Trung Quốc”, bởi mỗi khi phố lên đèn, hàng trăm thanh niên Trung Quốc từ các ngả đường đổ về con phố này. Một người dân địa phương cho biết: “Trước kia ở đây bình yên lắm, nhưng từ khi người Trung Quốc đến đây, phố xá ồn ào hẳn lên.
Những hàng quán dành cho người Trung Quốc đua nhau mọc lên - Ảnh: Cường Trung
Tối tối, nhiều thanh niên Trung Quốc cởi trần trùng trục uống rượu, cãi nhau, khạc nhổ, rồi trêu chọc gái qua đường”. Còn theo một công nhân Việt Nam đang làm việc tại công trường xây dựng Nhà máy đạm Ninh Bình thì ở đây cũng thường xảy ra xích mích qua lại giữa lao động Việt và lao động Trung Quốc hoặc giữa lao động Trung Quốc với nhau.
Tiếp xúc với PV Thanh Niên, anh Nguyễn Hoàng Tâm, ngụ tại xã Khánh Phú, cho biết: “Ngay sau khi khởi công Nhà máy đạm Ninh Bình, vùng quê này đã đổi thay hẳn. Các nhà hàng, quán cóc, tiệm gội đầu, mát-xa, nhà nghỉ, đua nhau mọc lên như nấm để phục vụ những lao động Trung Quốc. Mà những lao động Trung Quốc thì..., họ cứ kéo từng tốp mươi người, đánh độc một chiếc quần đùi, đi nghênh ngang trên đường, gặp con gái là thế nào cũng xông tới quờ quạng”. Anh Tâm kể thêm, cách đây mấy tháng, có một hộ dân xây nhà trọ cho công nhân Trung Quốc thuê, nhưng sau vài tuần đã phải cắt hợp đồng vì không chịu nổi sự nhếch nhác trong sinh hoạt của họ. Mỗi buổi chiều, sau giờ tan ca, họ về nhà trọ và tạo ra cảnh sinh hoạt rất chướng mắt, đi chơi về khuya, nói to ông ổng, khiến người dân mất ngủ. “Có hôm, trong lúc đang tắm rửa, mấy thanh niên đùa nghịch, rồi gào thét, đuổi nhau tồng ngồng chạy ra phố, rồi tụt luôn cái quần lót của người chạy trước, khiến cả phố náo loạn lên!”, anh Tâm kể.
Một người dân ở khu “phố Trung Quốc” bức xúc: “Cứ rượu xong là họ lại kéo từng toán vài chục người, nghênh ngang, xiêu vẹo trên đường, rồi dòm ngó vào nhà dân, trông rất khó chịu. Kinh khủng hơn, có lần họ còn tụt quần tiểu tiện ngay trước nhà tôi và nhiều nhà dân khác. Chúng tôi bức xúc, thậm chí xua đuổi, nhưng những lúc như thế, bọn họ dừng lại hằm hè, chửi lại, nên ai cũng ngại, không dám va chạm với họ”.
Trên 1.600 lao động không phép
Theo thống kê của Sở LĐ-TB-XH tỉnh Ninh Bình, hiện trên địa bàn tỉnh có 26 công ty, doanh nghiệp và nhà máy sử dụng lao động người nước ngoài, với tổng số 2.400 lao động (chiếm 15,2% số lao động đang làm việc tại 26 công ty, doanh nghiệp này). Trong số 2.400 người nước ngoài này chỉ có 717 người được cấp giấy phép lao động, còn lại chưa được cấp phép, trong đó Nhà máy đạm Ninh Bình có tới 1.448 lao động không được cấp phép.
Số lao động người nước ngoài chiếm tỷ lệ lớn nhất là Trung Quốc, tập trung chủ yếu ở hai ngành xây dựng và xi măng. Tại công trường xây dựng Nhà máy đạm Ninh Bình có tới 1.988 người Trung Quốc đang làm việc. Trong đó, chỉ có 82 người giữ chức danh tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc, 514 người làm kỹ thuật, còn lại là lao động phổ thông, họ đều làm những công việc bình thường như phụ hồ, kéo sắt, kéo cáp...
Ông Vũ Đức Dương - Phó phòng Việc làm, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Ninh Bình - cho biết: Lao động Trung Quốc đang làm việc tại Ninh Bình chủ yếu nhập cảnh qua đường du lịch.
“Luật pháp vẫn chưa mở cửa đối với đối tượng lao động phổ thông nước ngoài nhưng dường như một dòng chảy lao động phổ thông lớn vẫn vào Việt Nam”, ông Dương nói. Cũng theo ông Dương: “Sở đã nhiều lần phối hợp với Ban quản lý các KCN đề nghị BQL nhà máy đạm yêu cầu các nhà thầu Trung Quốc cung cấp đầy đủ thông tin, chi tiết lao động được thuê nhưng hiện nay vẫn chưa được triển khai”. Theo ông Dương thì các chủ đầu tư thường nại rằng, nếu trục xuất lao động “chui” này thì tiến độ dự án chậm, hoặc dừng.
Công nhân Trung Quốc trở lại khu nhà tạm sau giờ tan ca
Sau rất nhiều lần cố gắng, vượt qua rất nhiều thủ tục, chúng tôi vẫn không có được bất kỳ câu trả lời nào từ Công an tỉnh Ninh Bình về nguy cơ tiềm ẩn những diễn biến an ninh trật tự khó lường từ số lao động chui. Theo ông Màn Chí Nguyện, Trưởng phòng PX15, thì: “Thông tin nghiệp vụ không thể cung cấp được”.
Ông Vũ Đức Dương lo ngại những lao động phổ thông ở Ninh Bình đang bị lao động Trung Quốc lấy đi phần việc lẽ ra dành cho họ.
Ngọc Minh - Cường Trung
0 comments:
Post a Comment