Ngô Lộc Thiện
(LTS: Bài viết này nêu lên một số quan điểm dị biệt để suy nghĩ, và cũng để toàn dân ý thức về một hiểm họa mới trong trường hợp chiến tranh bùng nổ giữa Trung Quốc và Việt Nam mà chính phủ Hà Nội vẫn cương quyết đàn áp chính nhân dân mình, không chịu hòa giảỉ để đoàn kết chống ngoạị xâm. Bài viết là quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của tòa soạn.)
Bản tin của thông tấn xã AP đánh đi từ Hà nội ngày 01 tháng 07 năm 2011:
"Tin tổng hợp: Rạng sáng ngày 30 tháng 06 năm 2011, lợi dụng khi bóng tối và sương mù còn che phủ núi rừng Việt Bắc, hơn hai trăm ngàn bộ đội Giải phóng quân Trung quốc, duới sự yểm trợ của xe tăng và trọng pháo, đã mở ba mũi tiến công đồng loạt qua biên giới Việt Trung hướng về ba tỉnh địa đầu biên giới của Việt nam: Lao cai, Cao bằng và Lạng sơn."
Xin tha thứ cho người viết nếu có bạn đọc nào giật mình, vì dĩ nhiên đây là bản tin do người viết tự đặt ra, nhưng nếu bạn đọc thay cái mốc thời gian trong bản tin bằng "ngày 17 tháng 02 năm 1979" thì nó trở thành một sự kiện có thật đã xảy ra cách đây hơn ba mươi năm, một sự việc mà lúc ấy người Việt chúng ta trong cũng như ngoài nước có nằm mơ cũng không nghĩ rằng sẽ có thể xảy ra.
Cuộc chiến tranh biên giới Việt Trung năm 1979, mà phía Trung quốc gọi là "Cuộc phản công tự vệ chống Việt nam" và phía Việt nam gọi là "Cuộc chiến tranh chống bành trướng Trung quốc" kéo dài hai mươi chín ngày. Ngày 5 tháng 03, sau khi chiếm được Cao bằng và Lạng sơn, Trung quốc đơn phương tuyên bố đã thành đạt được mục tiêu mà người lãnh đạo Trung quốc lúc bấy giờ, Đặng tiểu Bình, gọi là "dạy cho Việt nam một bài học" và rút quân về sau khi đã triệt phá tan hoang hai thị trấn địa đầu của Việt nam. Cả hai bên đều tuyên bố mình là kẻ thắng trận và không ai loan báo số tổn thất của mình và ngay cả Việt nam cũng tuyên bố đã "dạy cho bành trướng Trung quốc một bài học". Chẳng biết có ai học được bài học của ai không nhưng những con số được tiết lộ gần đây cho thấy số tổn thất của cả hai bên trong cuộc chiến tranh không phải là nhỏ. Giải phóng quân Trung quốc gánh chịu gần hai mươi ngàn thương vong, trong khi gần hai trăm ngàn thường dân Việt nam thiệt mạng và hai tỉnh Cao bằng và Lạng sơn gần như thành bình địa.
Bạn đọc theo dõi tin tức những ngày gần đây hẳn đã thấy những dấu hiệu căng thẳng trong mối quan hệ Việt Trung. Sau khi tàu thăm dò dầu hỏa của Việt nam bị tàu Trung quốc sách nhiễu và cắt đứt những giàn dây cáp, tại Hà nội, Sài gòn, Nha trang bỗng nổ ra những cuộc biểu tình chống Trung quốc mà công an địa phương cứ lờ đi như không biết, bộ Quốc phòng Việt nam thì loan báo mở một cuộc thao diễn hải quân trên biển Đông bắn bằng đạn thật và cách đây mấy hôm, Nguyễn tấn Dũng, Thủ tướng Việt nam, ký một nghị định liệt kê những trường hợp được hoãn dịch nếu có lệnh động viên như viên chức chính phủ, viên chức đảng, con một của gia đình liệt sĩ v.v. Dĩ nhiên ai cũng biết chẳng phải ông Thủ tướng một sáng đẹp trời bỗng nhiên nghĩ đến chuyện hoãn dịch hay Hải quân nhân dân lâu ngày không đánh đấm thấy ngứa ngáy tay chân muốn bắn đạn thật, hoặc tự do nhân quyền bỗng nhiên được nhà nước ta tôn trọng. Người theo dõi thời cuộc chỉ không biết thật sự có bao nhiêu phần trăm là những lãnh tụ Hà nội muốn tỏ ra bất mãn trước những chèn ép của Trung quốc sau khi đã ngậm miệng cho Trung quốc tiến chiếm Hoàng sa năm 1974 và giao nộp Ảỉ Nam quan cho Tàu trong hiệp định biên giới gần đây ? Hay đối tượng thật sự chỉ là muốn tỏ ra với người dân Việt là các lãnh tụ Hà nội không phải là những Lê chiêu Thống thời nay ?
Vì khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh "dạy bài học" lần thứ hai vào lúc này là rất nhỏ. Sau ba mươi năm mở cửa kinh tế với phương Tây, cùng với sự giàu mạnh về kinh tế, giải phóng quân Trung quốc đã được hiện đại hóa rất nhiều về vũ khí và trang cụ so với thời Đặng tiểu Bình, trong khi thế hệ bộ đội Việt nam tao luyện trong cuộc chiến tranh tiến chiếm miền nam đã già và giải ngũ, những sư đòan "Sao vàng" mới chắc khó có thể chống trả như thời 1979. Có lẽ hiểu rõ tương quan lực lượng vào lúc này, sau khi đóng tuồng "phùng mang trợn má" với người dân, chính phủ Hà nội quay sang cầu cứu Mỹ can thiệp giúp hòa giải tranh chấp ở biển Đông.
Tôi nhớ khi cuộc chiến tranh biên giới xảy ra năm 1979, lúc ấy đang còn ở Việt nam chuẩn bị vượt biên, hàng đêm nghe tin tức từ đài VOA hay BBC, mong sao cho quân Trung quốc tiến vào Hà nội. Ông bố vợ tôi, lúc ấy đang cải tạo ngoài Bắc, kể lại trong trại có một anh sỹ quan gốc là Kỹ sư Phú thọ. Tình cờ nhặt được trong thùng rác một cái "đài' hư của cán bộ quản huấn vất đi. Anh bỏ ra cả mấy tháng trời mày mò và cuối cùng sửa được. Anh giấu nó rất kỹ nên hầu như không ai hay biết trong một thời gian khá dài, nhưng khi anh nghe được tin quân Tàu đánh sang biên giới, anh hồi hộp và sung sướng đến nỗi chỉ trong vài hôm cả trại đều biết cái tin giật gân ấy. Cuối cùng cán bộ trại giam nghi ngờ mở cuộc lục soát. Cái "đài" bị thu hồi và anh đi vào biệt giam.
Người Việt hải ngọai lúc bấy giờ tuy chưa đông đảo như bây giờ nhưng chắc hẳn ai cũng mang cùng tâm trạng hồi hộp và sung sướng ấy. Vết thương chiến tranh còn đỏ hỏn, chồng, cha, anh, em đang tàn tạ trong các trại tù cải tạo, gia đình đói nghèo trên những vùng kinh tế mới hay lây lất trong những trại vượt biên Bidon, Songla, tất cả khiến cho những người Việt hải ngọai chúng ta tìm thấy trong câu nói “Kẻ thù của kẻ thù ta là bạn ta” một chân lý hiển nhiên. Nay hơn ba mươi năm đã trôi qua, bao nhiêu đổi thay trong và ngòai nước, nếu một cuộc chiến tranh biên giới Việt Trung xảy ra một lần nữa, không biết bao nhiêu phần trăm của cộng đồng người Việt hải ngoại vẫn còn tìm thấy trong câu nói ấy một chân lý hiển nhiên như ngày xưa? Bao nhiêu phần trăm sẽ chọn câu trả lời a, b, hay c cho câu hỏi:
Nếu chiến tranh biên giới Việt Trung xảy ra, phản ứng của bạn là:
a- Tán thành Trung quốc dạy cho cộng sản Việt nam một bài học.
b- Ủng hộ Việt nam chống Trung quốc hiếu chiến bàng trướng.
c- Không có ý kiến (không tán thành Trung quốc, không ủng hộ Việt nam).
Tiếc rằng chúng ta không có được một cuộc thăm dò dư luận có tầm vóc của Gallup nên khó có thể trả lời được câu hỏi này. Tuy vậy, mỗi người trong chúng ta ắt hẳn có câu trả lời của riêng mình.
Tôi biết câu trả lời của tôi rồi. Câu trả lời của bạn là sao?
Ngô Lộc Thiện
------------------------------
Duc H. Vu :
Câu trả lời của tôi là : KHÔNG phải lúc nào kẻ thù của kẻ thù ta cũng ĐỀU là bạn ta, nhất là trong hiện tình đất nước VN của chúng ta ngày hôm nay là THÙ TRONG(Việt cộng) - GIẶC NGOÀI (Tàu cộng).
0 comments:
Post a Comment