Nguyễn Hưng Quốc (VOA) - Ngày trước, dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, lúc mới ra đời, đảng Cộng sản Việt Nam đã giương cao cùng lúc hai ngọn cờ: độc lập và dân chủ. Họ thành lập Mặt trận dân chủ Đông Dương để đoàn kết toàn dân chống giặc và giành độc lập cho đất nước. Cuối cùng, tháng 9 năm 1945, họ đã đạt được cả hai mục tiêu: giành độc lập và giành chính quyền.
Thế nhưng, từ đó về sau, chỉ tập trung vào việc củng cố quyền lực của đảng, họ từ bỏ hẳn lý tưởng dân chủ. Về lý thuyết, họ chủ trương độc đảng và chuyên chính vô sản. Trên thực hành, họ càng ngày càng siết chặt bộ máy kiểm soát và trấn áp để không ai có thể chống lại họ, thậm chí, không nghe lời họ. Có một thời gian rất dài, cả mấy chục năm, từ 1955 ở miền Bắc, và từ năm 1975 trong cả nước, cho mãi đến vài năm sau thời đổi mới, họ sử dụng ba biện pháp chính để kềm kẹp dân chúng: sổ hộ khẩu, sổ lương thực và công an khu vực. Mọi người đều bị kiểm soát. Lúc nào cũng bị kiểm soát. Kiểm soát từ chỗ ở đến cái ăn cái uống và mọi sinh hoạt, từ xã hội đến tín ngưỡng, văn hóa và chính trị. Không nơi đâu là không có mắt công an theo dõi.
Để biện chính cho sự độc tài thô bạo ấy, họ nhân danh hai điều: một, viễn tượng xã hội chủ nghĩa; hai, độc lập dân tộc và/hoặc thống nhất đất nước. Để hoàn tất hai lý tưởng lớn lao và cao cả ấy, mọi người chấp nhận hy sinh quyền tự do và dân chủ của mình. Người ta hy vọng đó chỉ là những hy sinh ngắn hạn. Một lúc nào đó, đất nước đã thống nhất và/hoặc độc lập, nền tảng của chủ nghĩa xã hội đã được xây dựng, mọi người không những ăn no mặc ấm mà còn được tự do và hạnh phúc.
Nhưng khi chiến tranh kết thúc, dân chủ vẫn tiếp tục bị hy sinh. Người ta lại nêu lý do: thời hậu chiến, đất nước còn nhiều khó khăn và nguy hiểm. Ở biên giới phía Tây, Khmer đỏ hăm he đánh phá Việt Nam. Ở biên giới phía Bắc, Trung Quốc đòi dạy Việt Nam một bài học. Ở khắp nơi, ai cũng nhìn Việt Nam bằng cặp mắt nghi ngờ và thù địch. Ước nguyện dân chủ, một lần nữa, lại bị đè bẹp.
Sau này, khi phong trào đổi mới đã đâm hoa kết trái, kinh tế Việt Nam phát triển khá nhanh, đời sống mọi người dễ chịu hơn nhiều, quan hệ với thế giới cũng tốt đẹp hơn hẳn. Tuy nhiên, chính quyền cũng vẫn từ chối dân chủ. Lần này, họ nêu lý do chính: Việt Nam cần ổn định để phát triển. Họ biến dân chủ thành một con ngáo ộp chỉ gây hỗn loạn, rồi chiến tranh, và cuối cùng, dẫn đến một nền độc tài mới còn tàn bạo hơn nữa! Lần này, không mấy ai tin vào luận điệu trì hoãn dân chủ ấy, nhưng chính quyền vẫn mặc kệ. Họ vẫn khăng khăng tuyên bố: Việt Nam không cần đa nguyên đa đảng, nghĩa là, nói cách khác, Việt Nam không cần dân chủ! Hỏi: Tại sao? Họ đáp: tại nhân dân muốn thế! Nếu ai hỏi tiếp: Làm sao biết nhân dân muốn thế? Họ sẽ làm thinh và tìm cách bắt bớ.
Bây giờ, đất nước lại đối diện với một tình hình mới: nguy cơ xâm lấn của Trung Quốc. Có lẽ đảng Cộng sản và chính quyền lại vẫn giở chiêu bài cũ ra để tiếp tục từ chối dân chủ: Việt Nam cần thống nhất để mạnh mẽ chống lại những đe dọa từ bên ngoài. Tuy nhiên, lần này, họ lại sẽ đối diện với những nghịch lý và những thử thách mới lớn lao và khó khăn hơn gấp bội. Bởi, khái niệm dân chủ hiện nay, trong thời điểm này, có một nội dung hoàn toàn khác: Không phải là đa nguyên hay đa đảng nữa; không phải xóa bỏ điều 4 trong Hiến pháp hay lật đổ chính quyền hay vị thế lãnh đạo của đảng Cộng sản nữa. Phong trào dân chủ hiện nay, trong thời điểm này, có một nội dung rất giới hạn: dân chúng được quyền bày tỏ lòng yêu nước của mình; được quyền bày tỏ sự công phẫn trước đe dọa từ bên ngoài; được quyền yêu sách chính phủ phải có chính sách sáng suốt, đúng đắn và tự trọng trước những thái độ xâm lấn ngang ngược và trắng trợn của Trung Quốc.
Không có một luận điệu nào có thể đứng vững được nếu muốn chống lại các yêu sách chính đáng ấy.
Thứ nhất, chống lại các yêu sách ấy, chẳng hạn, chống lại các cuộc biểu tình yêu nước của dân chúng hay bắt bớ những người xuống đường chống lại Trung Quốc như những điều họ đã làm trước đây, họ sẽ hiện ra, dưới mắt dân chúng, như những kẻ hoặc phản quốc, hoặc nhẹ nhàng hơn, hèn hạ trước nguy cơ ngoại xâm. Tất cả các huyền thoại gắn liền với quá khứ gian khổ của họ trong mấy cuộc chiến tranh vừa qua chắn chắn sẽ bị sụp đổ. Tính chính đáng trong quyền cai trị của họ sẽ bị sụp đổ theo.
Thứ hai, như là hệ quả của điều trên, khi từ chối sự tham gia bày tỏ thái độ hoặc ý kiến của dân chúng, họ sẽ dần dần bị cô lập ngay trên đất nước mà họ cai trị.
Thứ ba, bị cô lập như thế, họ không thể huy động sức mạnh của nhân dân như một chiến lược cần thiết, nếu không nói là thiết yếu, để chống lại sự uy hiếp của một nước lớn và mạnh như Trung Quốc. Xin lưu ý: cho đến nay, khi bàn đến kế hoạch chống Trung Quốc, hầu hết những người lãnh đạo Việt Nam chỉ đề cập đến những chuyện như pháp lý hay hậu thuẫn quốc tế mà rất hiếm khi đề cập đến nhân dân. Người ta cố tình né tránh hai chữ “nhân dân”. Ngay các cuộc biểu tình chống Trung Quốc của nhân dân cũng bị giới truyền thông chính thống trong nước sửa lại thành những cuộc “tụ tập” vớ vẩn! Trong một đoản văn có nhan đề "Mình sợ" đăng trên blog Quê Choa mới đây, Thanh Chung cảnh báo một nguy cơ "mất nhân dân trước khi mất nước".
Thứ tư, khi bị cô lập như thế, họ sẽ không đủ sức mạnh để đương đầu, thậm chí, đối thoại với Trung Quốc. Họ không thể ngồi vào bàn đàm phán như những kẻ cô đơn, bị cô lập ngay từ trong nước được. Họ phải chứng tỏ họ được sự hậu thuẫn tích cực và vô điều kiện của tuyệt đại đa số nhân dân Việt Nam. Chính khối đa số hùng hậu ấy sẽ tạo nên sức nặng cho điều họ muốn thương thảo.
Có thể nói, trong tình hình hiện nay, chính quyền Việt Nam sẽ rất khó giữ được chủ quyền và độc lập nếu không chấp nhận dân chủ, ít nhất ở mức độ khiêm tốn nhất của khái niệm dân chủ: quyền bày tỏ quan điểm và quyền tham dự vào việc nước của nhân dân.
Không ai có thể chấp nhận chuyện tiếp tục nhắm mắt và bịt miệng lại để “phải tin” vào đảng và chính quyền như trước nữa.
0 comments:
Post a Comment