Sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989, Trung Quốc bị một số nước phương Tây chủ yếu cấm vận về nhiều mặt. Sau một thời gian, hầu hết mọi cấm vận đã được xoá bỏ. Nay, nếu bị cấm vận lần nữa, Trung Quốc sẽ ra sao?
Một người Trung Quốc giấu tên (bút danh: Thần Bản bố) nhưng tỏ ra khá quen thuộc với nhiều nhân vật có trách nhiệm trong những ngành sản xuất, quản lý có liên quan của Trung Quốc đã đề cập tới vấn đề nói trên. Theo ông này, nếu Trung Quốc bị cấm vận lần nữa, Trung Quốc phải gánh những hậu quả sau đây:
1. Sau ba năm, mọi máy bay hàng không dân dụng Trung Quốc sẽ phải ngừng bay vì không còn phụ tùng thay thế.
2. Sau ba năm, mọi tuyến đường sắt cao tốc phải ngừng chạy. Theo ông Hà Hoa Vũ, tổng công trình sư bộ Đường sắt Trung Quốc và ông Tạ Duy Đạt, giáo sư trường đại học Đồng Tế: “Toàn bộ bánh xe lửa chạy tốc độ cao và phần mềm hệ thống điều khiển phải nhập khẩu”.
3. Toàn bộ ngành sản xuất xe hơi du lịch Trung Quốc phải ngừng sản xuất, vì Trung Quốc chưa thể sản xuất được các chi tiết của động cơ. Ngay cả thép tấm, bu lông dùng cho xe cao cấp cũng vậy.
4. Toàn bộ ngành sản xuất ti vi màu Trung Quốc sụp đổ. Theo thứ trưởng bộ Công nghiệp Loại Cần Kiệm, toàn bộ hệ thống mạch vi điện tử trong ti vi do Trung Quốc sản xuất vẫn dựa vào nhập khẩu.
5. Toàn bộ ngành sản xuất điện thoại di động sụp đổ. Toàn bộ hệ thống mạch vi điện tử dùng trong điện thoại di động đều phải dựa vào nhập khẩu.
6. Toàn bộ ngành sản xuất màn hình lỏng sụp đổ vì 98% màn hình lỏng dựa vào nhập khẩu.
7. Trung Quốc sẽ không xây dựng những toà nhà cao tầng nữa, bởi vì sẽ không có thang máy đủ khả năng leo lên độ cao lớn. Ngành thang máy Trung Quốc, kể cả khâu kỹ thuật và nghiên cứu phát triển ngành này hoàn toàn bị thương nhân nước ngoài khống chế, người Trung Quốc chỉ nhận trách nhiệm “lắp ráp”.
8. Ngành công nghiệp đóng tàu sẽ sụp đổ toàn diện vì Trung Quốc chỉ biết đóng vỏ tàu và lắp ráp.
9. Trung Quốc sẽ không còn máy giặt, tủ lạnh, vì chưa sản xuất được hệ thống điện dùng cho hai loại máy này.
10. Ngành sản xuất đồ chơi Trung Quốc sẽ hoàn toàn sụp đổ, bởi vì các hệ thống vi mạch dùng cho đồ chơi, Trung Quốc cũng chưa sản xuất được.
11. Ngành máy móc công trình Trung Quốc sẽ sụp đổ toàn diện. Theo thống kê của hội máy móc công trình tỉnh Hồ Nam, tiền nhập khẩu phụ tùng cho các loại máy công trình của tỉnh này chiếm 40% giá thành. Năm 2006 xuất khẩu được 500 triệu USD, tiền nhập khẩu phụ tùng chi tiết máy mất 300 triệu USD.
12. Ngành sản xuất điện chạy bằng sức gió Trung Quốc sẽ sụp đổ toàn diện vì toàn bộ kỹ thuật then chốt của ngành này đều do nước ngoài nắm.
13. Trung Quốc sẽ không còn máy bay trực thăng. Qua lần động đất ở Tứ Xuyên, thấy xuất hiện nhiều máy bay trực thăng với nhiều kiểu dáng. Toàn bộ là hàng nhập của Nga, Mỹ, Pháp. Trong nước có loại Zhi-8 (Trực-8) nhưng phải phỏng theo kiểu Siêu ong vàng của Pháp, còn loại Zhi-9 (Trực-9) phải nhập khẩu kỹ thuật của Pháp.
14. Máy công cụ khống chế bằng số và dao cắt gọt sẽ tuyệt chủng ở Trung Quốc. Hiệu trưởng trường đại học Khoa học kỹ thuật Trung Hoa, viện sĩ viện Công trình Trung Quốc Lý Bồi Căn cho biết từ năm 2002, Trung Quốc trở thành nước dùng nhiều máy công cụ các loại lớn nhất thế giới và nước nhập khẩu các loại máy này lớn nhất thế giới. Năm 2005, Trung Quốc nhập khẩu các loại máy công cụ cao cấp hết 5,2 tỉ USD, năm 2006 tăng lên 6,4 tỉ USD. 80% máy công cụ sản xuất trong nước và các loại dao cắt gọt vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu.
15. Các thiết bị then chốt dùng cho điện hạt nhân, thiết bị chế tạo các mạch vi điện tử, thiết bị y tế dùng hạt nhân, thiết bị kỹ thuật cốt lõi của ngành hoá dầu v.v... sẽ không còn vì Trung Quốc chưa chế tạo được.
16. Toàn bộ ngành sản xuất mô tô Trung Quốc sẽ sụp đổ bởi vì những phụ tùng then chốt vẫn phải nhập khẩu.
Sau khi đưa ra những luận cứ trên, tác giả viết: “Thưa các vị, tôi biết những điều tôi viết đã làm tổn thương sâu sắc tới lòng tự tôn yếu đuối của các vị, trước tiên xin đừng vội phản đối, tôi nói là sự thực. Sự thực là các máy tính điện tử mà các vị đang sử dụng hiện nay có tới 99,99999% sử dụng mạch vi điện tử nước ngoài...”.
Tam Dương (lược dịch)
0 comments:
Post a Comment