Nguyễn Minh (danlambao) - "Phản động ngày xưa" tôi không biết nhiều về họ. Theo những gì tôi đọc và nghe từ báo, đài của đảng thì họ là những con người chạy khỏi Việt Nam khi VNCH thất thủ năm 75 và động cơ chiến đấu của họ là sự căm thù và ước mong của họ là tìm lại vinh quang của ngày xưa...
"Phản động ngày nay" thì thế nào ? Tôi biết, tại vì tôi thuộc thành phần "phản động" mới này.
"Phản động ngày nay" đến từ nhiều thành phần, tầng lớp. Từ học sinh, sinh viên, công nhân viên chức, chị bán cá, anh làm thịt, người nông dân, người công nhân, nhà báo, cựu Đảng viên, Đảng viên, luật sư, giáo sư tiến sĩ... Họ là những con người Việt Nam, sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, có những người thuộc gia đình có truyền thống cách mạng, có những người gia đình cả 7 đời làm nông. Nhưng họ có 1 điểm chung.
Họ đã và đang đấu tranh cho 1 nước Việt phồn vịnh, cho 1 tương lai tươi sáng hơn cho con người Việt Nam chứ không phải vì một quá khứ nào hết. Do họ sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, họ đã nhìn, đã thấy sự bất cập trong cơ chế, tiêu cực trong quản lý và những hành động sai trái của Đảng cầm quyền.
Không phải ngẫu nhiên mà tất cả họ đều hướng về 1 thứ gọi là dân chủ.
Có rất nhiều người đã từng đấu tranh công khai với tham nhũng, với yếu kém trong quản lý. Nhưng những gì họ nhận được là sự im lặng... và sự trả thù. Có nhà báo đấu tranh tham nhũng từ những năm 80 của thế kỷ trước, kết cục mà ông nhận được là 1 ca a-xít vào mặt và 1 cuộc sống không hạnh phúc. Nhưng vẫn chẳng có gì thay đổi.
Chúng tôi đều nhận ra rằng: không thể đòi hỏi một nhà nước trong sạch khi chỉ có một Đảng cầm quyền. Một phiên tòa mà luật sư công tố, bào chữa và quan tòa cùng là một người thì có thể đòi hỏi phiên tòa ấy công bằng?
Dẫn chứng về sự quản lý yếu kém của Đảng thì nhiều lắm.
Mới 4, 5 năm trước nhà nước đưa ra đề án cải cách giáo dục, thay sách giáo khoa hàng loạt, gần đây lại manh nha ý định thay đổi nữa thì giải thích như thế nào?
Dự án đường cao tốc vô lí như thế và vẫn có nhiều thành viên quốc hội và chính phủ đồng tình.
Tại sao lại có cảnh Việt Nam - một nước nông nghiệp lại phải đi nhập rau củ quả từ Trung Quốc?
Tại sao nước ta đã thực hiện Công nghiệp hóa, hiện đại hóa hơn 30 năm nhưng vẫn chưa đủ khả năng tự tạo ra máy móc mà phải đi nhập từ Trung Quốc?
Biết bao khu du lịch khi được đưa ra khai thác chục năm thì phải đóng cửa vì ô nhiễm rác.
Đừng đổ lỗi cho dân trí thấp khi chính phủ chẳng có một chính sách, hành động cụ thể nào để ngăn chặn những bất cập ấy.
Dẫn chứng về Đảng tham nhũng thì cũng nhiều không kém.
Vinashin lỗ 1 000 tỷ đồng là vụ tham nhũng gần nhất chúng ta biết do báo chí được phép đăng ra. Các bạn có biết là điều tương tự xảy ra ở hầu hết các cty nhà nước, cty liên doanh nhà nước? Lỗ không phải vì quản lí yếu kém, mà vì sự tham nhũng, ăn chia của nhân viên trong công ty.
Những gì chúng ta biết được chỉ là bề nổi của tảng băng chìm.
Các bạn ở Miền Nam chắc ít biết thuật ngữ "COCC" : Con Ông Cháu Cha. Thuật ngữ này rất phổ biến ở ngoài Bắc, đặc biệt là Hà Nội. COCC là những thanh niên có cha mẹ giữ chức vụ trong cơ quan nhà nước và Đảng. Họ được mang cái biệt danh ấy nhờ thái độ "không sợ trời không sợ đất", nhờ những con xế hộp mà họ đi, nhờ khả năng ăn chơi tiêu tiền như lũ. Mà tiền ở đâu ra? Theo cơ chế, lương của thủ tướng cao nhất + phụ cấp cũng chưa vượt quá 20tr VND... Thế tại sao vị nào cũng có nhà lầu, cũng có xế hộp, cũng cho con đi học ở nước ngoài?
Tại sao lại có cảnh người làm nông chật vật nợ nần, người công nhân vật lội trong bão giá trong khi Đảng tự hào Đảng là Đảng của giai cấp công nông?
Chúng tôi đã và đang đấu tranh để loại bỏ những tiêu cực nêu trên. Chúng tôi đấu tranh vì tương lai của chúng tôi, chúng ta, mà quan trọng hơn là vì tương lai của con em chúng ta.
Chúng tôi sẵn sàng trả tiền thuế cao để đổi lấy một nhà nước hiệu quả và trong sạch. Một bộ máy chính quyền tâm huyết có khả năng lãnh đạo đất nước phát triển.
Nhưng chúng tôi không chấp nhận việc những đồng thuế của mình bị tham nhũng một cách trắng trợn bởi 1 hệ thống bất tài.
Vì thế chúng tôi đấu tranh. Vì thế cho nên chúng tôi là "phản động ngày nay".
"Phản động ngày nay" không phải là "phản động ngày xưa".
0 comments:
Post a Comment