Monday, June 27, 2011

Lá thư gửi người em yêu dấu

Tôi thấy hình ảnh các em rạng rỡ, như dòng sông chảy, các em đi thành đoàn biểu tình, các em tay giơ cao biểu ngữ, miệng hô vang những lời bỏng cháy, quyết liệt đòi lại sự công bằng cho biển Việt Nam. Mặc dầu tuổi tôi đã cao, nhưng tôi thấy trái tim tôi bừng tuôn chảy, tôi thấy tôi trẻ lại, như hòa vào các em, tôi đang là các em, đang giơ cao tấm biểu ngữ đòi Trung Quốc trả lại Hòang Sa, Trường Sa cho Việt Nam...


*

Nhìn khuôn mặt các em sáng ngời, nụ cười rạng rỡ, đôi mắt trong sáng ngây thơ, hai tay căng tờ biểu ngữ: Phản đối Trung Quốc xâm lấn Biển Việt Nam… tôi xúc động, mỉm cười, hai dòng nước mắt lăn trên má.

Những trang sử vàng Việt Nam đã cho tôi niềm tự hào về tổ tiên, giống dòng Lạc Việt.

Nước Việt Nam nhỏ bé nằm sát nách anh Trung Quốc khổng lồ, nên đã trải qua bao phen bị xâm lăng tàn khốc. Một ngàn năm Bắc thuộc, nhân dân ta đã sống cơ cực, tủi nhục, đau thương. Nhưng các bậc minh quân, anh hùng liệt nữ cùng sự đoàn kết của nhân dân đã đánh đuổi bọn giặc Nguyên, Minh, Hán… ra khỏi đất nuớc một cách vẻ vang. Rồi một trăm năm sống trong cảnh đô hộ của người Pháp. Toàn dân đã vùng lên chiến đấu, máu đổ thành sông, xương chất đấy đồng, hàng triệu người nằm xuống hy sinh giữ gìn bờ cõi để cho chúng ta có đựợc hôm nay sống thanh bình, độc lập. Sự thống nhất và thái bình của dân tộc Việt Nam đã phải trả giá quá đắt bằng sự hy sinh sương máu của thế hệ cha anh.

Đất nuớc mở cửa, làn sóng vật chất từ Âu Mỹ tràn vào như nuớc vỡ bờ khiến cho thế hệ trẻ choáng ngợp, tiếp thu ồ ạt, cái hay cũng nhiều, cài dở cũng lắm.

Theo dõi báo chí, nhất là truy cập internet hàng ngày, thế hệ chúng tôi, những người sống qua hai cuộc chiến tranh, không khỏi đau lòng vì thấy cảnh văn hóa suy đồi, đạo đức xuống dốc. Những người có chức quyền thì đa số tham nhũng. Người làm kinh tế, văn học, y học, tôn giáo… thì thiếu lương tâm, khiến cho lớp trẻ mất niềm tin, mất phương hướng… biến họ trở thành thực dụng, ăn chơi, bạc nhuợc…

Trước viễn cảnh xâm lấn Hòang Sa, Trường Sa của Trung Quốc, các bậc thức giả đã lên tiếng nhiều lần, nhưng tất cả đều bị đe dọa, bắt bớ, dần chìm vào quên lãng.

Nhưng hôm nay, em yêu dấu, mở trang mạng, tôi thấy hình ảnh các em rạng rỡ, như dòng sông chảy, các em đi thành đoàn biểu tình, các em tay giơ cao biểu ngử, miệng hô vang những lời bỏng cháy, quyết liệt đòi lại sự công bằng cho biển Việt Nam.

Mặc dầu tuổi tôi đã cao, nhưng tôi thấy trái tim tôi bừng tuôn chảy, tôi thấy tôi trẻ lại, như hòa vào các em, tôi đang là các em, đang giơ cao tấm biểu ngữ đòi Trung Quốc trả lại Hòang Sa, Trường Sa cho Việt Nam. Tôi đang cuời sung sướng với các em, dòng nước mắt hạnh phúc lăn tràn trên gò má. Tôi thấy các em là Phù Đổng, là Đinh Bộ Lĩnh, là Trần Quốc Toản, là Trần Bình Trọng, là Trưng Trắc, Trưng Nhị, là bà Triệu, là cô Giang, cô Bắc… các em là hậu duệ của Phan Bội Châu, Phan chu Trinh.. con cháu ưu tú của Vua Hùng.

Giang sơn Việt Nam có các em, những thanh niên nam nữ dũng cảm. Đất nước Việt Nam sẽ không thể bị ngọai bang cuớp mất đâu, dân tộc sẽ không bị đọa đầy mãi đâu.

Tôi khe khẽ hát trong cảnh đồi núi bao phủ sương mù.
Tôi chép tặng em yêu dấu, tuổi trẻ ưu việt của dân tộc Việt Nam:

Ngày mai trời lại sáng

Hôm nay trời âm u
Mây mù giăng tứ phía
Mưa rơi rơi nhè nhẹ
Thấm uớt đất cằn khô

Cây nẩy mầm ra hạt
Chúm chím nụ sinh tươi
Hứa hẹn bao mầm sống
Dâng hoa trái cho đời

Ta đi trong tĩnh lặng
Đếm từng hạt mưa rơi
Chân bước đều thanh thản
Như mặt đất thảnh thơi

Rồi ngày mai trời sáng
Nắng ấm tỏa nơi nơi
Hạt lúa vàng chín mọng
Bát cơm no mọi người

Đường quê vang tiếng hát
Muôn hoa cười rung rinh
Cỏ xanh rờn lượn sóng
Hoan ca khúc thanh bình

Thức dậy đi em

Dậy đi em, dậy đi thôi
sao mai lấp lánh đợi lưng đồi
mong tiếng đại hồng vang tỉnh thức
vầng đông xua bóng tối đi rồi !


Cao nguyên, 28-6-2011

Chân Y Nghiêm - Phan thị Thuần

0 comments:

Powered By Blogger