Monday, June 27, 2011

Cơn bão trong tách trà - Hòa Đồng (Wa)

Trong trà đạo, tinh thần dân chủ được thể hiện rất rõ qua ý niệm “hòa đồng”. Với kiến trúc của trà thất, cánh cửa bước vào trà đạo bắt buộc tất cả phải hạ mình, khiêm cung mà “bò vào”lối“nijiriguchi” như nhau, dù danh cao đức trọng tước vị ra sao trong xã hội. Hành vi cúi đầu khom lưng ấy nhằm nhắc nhở tinh thần cơ bản của trà đạo: tính hòa đồng! Trong trà thất, tất cả mọi người đều đã để lại ngoài cửa vai vế chức tước của mình, để cùng ngồi bên nhau, chung một phong cách bình đẳng, chia xẻ cùng một tấm chiếu tatami thô sơ trong căn phòng rộng không quá bốn tấm chiếu rưỡi.

*

Trà đạo là một kết quả của Thiền học nhưng bắt nguồn từ những nguyên lý cơ bản của Phật giáo, Lão giáo và Khổng giáo. Ngài Rikyu đã từng dùng những từ “wa, kei, sei, jaku” nghĩa là “hòa đồng, tôn trọng, tinh khiết, tĩnh lặng” để giảng về nền tảng của trà đạo. Trong trà đạo, người thực hành bước vào một thế giới mà nơi đó, với sự đồng thuận, tự chế và thực tập lâu dài của tất cả những người hiện diện, bốn ý niệm lý tưởng nền tảng bên trên được thể hiện, đối chọi với những hoạt động bận rộn trong đời sống hằng ngày. Những ý niệm “hòa, kỷ, xả, an cư” được tìm thấy lần đầu trong thiền Trung Hoa, không phải của văn hóa đặc thù Nhật Bản. Thiền giúp con người tìm đến con đường của sự vun bồi tâm linh. Hòa đồng là đức tính cần có trong hành xử giữa người với người; trong khi tinh khiết, trong sáng, tĩnh lặng mang ý nghĩa nội tại của mỗi cá nhân. Tuy thế, tất cả bốn ý niệm ấy đều liên hệ chặt chẽ với nhau, ý này hàm chỉ những ý kia và bao trùm những ý khác. Vì thế, tất cả đều ảnh hưởng lên quan hệ giữa những người cùng ngồi đối ẩm, với môi trường ngoại tại của buổi trà đàm, và hòa lẫn với tâm trạng tiềm ẩn nội tại của mỗi cá nhân hiện diện. Nhiều người quan sát Chanoyu, trà đạo, dễ có ấn tượng về những nghi thức, khuôn phép, cách thức nấu trà, rót trà, uống trà v.v. là cứng ngắc, kiểu cách, bó buộc. Tuy nhiên, nếu hiểu rằng thế giới trà đạo giúp con người hành xử với nhau trong cùng môi trường sinh hoạt, ở một mức độ có điều kiện, có ý thức, và có sự tự chế để khi chung sống ngoài xã hội, chúng ta sẽ hiểu rằng luật lệ của đời sống xã hội được quy định là nhằm giúp chúng ta tránh những hành xử đột phát từ sự vô ý thức, từ sự ích kỷ, từ lòng sân si... Nhất là đối với những ai nắm giữ quyền lực trong tay, sự tự chủ và tự giám sát chính mình sẽ càng cần thiết.

Những nghi thức, khuôn phép của trà đạo, dẫn dắt từng chi tiết, một cách chính xác từ lối nhỏ “roji” lót sỏi vào trà viên, đến chiếc cầu nhỏ khi bước sang bờ bên kia là để lại sau lưng bụi đời và phiền não, đến y phục, sắc áo, và bể nước nhỏ dùng rửa sạch tay trần, trước khi khiêm hạ bước vào trà thất. Vào đến đây, lúc nào là lúc cúi đầu chào, khom người bao sâu, khi nào cất lời, đề tài nào là thích hợp và đúng lễ để trao đổi trong buổi trà đàm, nhất nhất đều được quy định rõ. Những dụng cụ bày trí trong một trà thất, từ ấm trà, tách trà, đến cách đun ấm nước, phương thức xếp than trong lò để khi đun nước vừa sôi đúng độ thì vị trí của tro than sẽ nằm ở một vị trí nhất định. Từ chiếc khăn lót tay bắt ấm đun trà đến mỹ thuật trang trí và kiến trúc cần thiết của một trà thất v.v. đều nhằm giúp chúng ta phát triển khả năng tự kỷ luật cuộc sống của chính mình. Trà đạo giúp chúng ta tự luyện mình từ những việc nhỏ để có thể đương đầu với tất cả mọi tình huống cam go trong sự điềm tĩnh.

Qua nghi thức của trà đạo, ta nhận thức được nguyên tắc trong đời sống là cần thiết; luật pháp trong một quốc gia càng vốn không thể thiếu. Trong một xã hội mà nhiều cá thể cùng chung sống, luật lệ quy định là nhằm giúp mỗi cá nhân biết tự chế trong hành động, trong ngôn từ, trong hành xử hầu gìn giữ giềng mối và trật tự trong một đạo chung mà mỗi người đều ít nhiều đồng ý để theo đuổi. Bốn góc của tấm chiếu Tatami trải dưới sàn gỗ của trà thất đều có nẹp vải may viền quanh: bao hàm ý nghĩa lằn ranh của sự giới hạn được quy định rõ và mọi người chấp nhận để cùng tôn trọng và tuân thủ. Không ai được vượt quá giới hạn của mình khi đã cùng ngồi chung trong một chiếu. Sự hòa đồng chỉ có thể có khi luật pháp rõ ràng, nghiêm minh và công bằng cho tất cả mọi người, không phân biệt quyền uy, chức vị trong xã hội. Tiếc thay, vẫn có nhiều lãnh đạo nhanh chóng quên rằng họ cũng chỉ là người, như muôn người khác, để biết lắng nghe và hạ mình hòa đồng cùng muôn dân.

Trong trà đạo, sự hòa đồng đến từ sự đặt nặng trọng tâm vào việc thực hành bình đẳng xã hội, khởi đầu là trong trà thất. Điều này không có nghĩa là tất cả những khác biệt xã hội bị quét xuống chiếu tatami, hay là sự tôn ti xã hội bị bỏ rơi hay đối xử tuỳ tiện. Ngược lại, thứ tự trước, sau, khi bước vào trà thất của những khách tham dự được quyết định cẩn thận. Vai trò, trách nhiệm, vị trí ngồi của khách chính, khách phụ được quy định rõ. Hoàng hậu của hoàng đế Gomizuno’o là một trong những học trò của thiền sư Sotan. Khi ở cung điện, theo phong tục hoàng gia Nhật Bản, bà luôn ngồi ở vị trí cao nhất. Tuy thế, khi khom người, hạ mình bước qua khung cửa xây thấp của kiến trúc trà thất, không có nơi nào gọi là “cao hơn” và hoàng hậu ngồi ngang bằng trên chiếu Tatami với mọi học trò khác của Sotan. Tuy nhiên, để tỏ lòng tôn trọng chức vị của bà trong hoàng gia, bà được đặt ngồi ở vị trí dưới cây đà cao nhất (Shin) của mái trà thất. “Shin” (có nghĩa là “trang trọng”), cây đà kế tiếp sau “shin’ là “gyo”, và sau “gyo” là “so”. Vị trí của mỗi cây đà trên mái trà thất, và quyết định của Sotan về vị trí an tọa của Hoàng Hậu, chỉ biểu hiện sự tôn trọng “chức vụ” của một người trong cơ chế nhưng không đồng nghĩa với sự tôn sùng cá nhân một người chỉ vì địa vị hay chức tước của họ. Hai điều này có sự khác biệt to lớn. Trong trà đạo nói chung và trong phạm trù trà thất nói riêng, giá trị của một cá nhân được lượng giá dựa trên đức độ và mức độ tiến triển tâm linh của họ, chứ không ở yếu tố đo lường bình thường của xã hội vật chất.

Khi tôn trọng những luật quy định nghi thức, các vị thực hành trà đạo được tự do để đến với nhau ở mức độ “con người”. Họ để lại bên ngoài trà thất những va chạm, những ràng buộc xã hội, để cùng nhau trao đổi trong tình người bình đẳng, gặp nhau trong thế giới hòa đồng của trà đạo. Trong thế giới ấy, những samurai cũng phải gác kiếm để lại ngoài mái hiên trước khi bước vào trà thất. Những lãnh chúa, hoàng tộc quyền uy cũng bắt buộc phải khiêm cung hạ mình để cúi đầu bước qua cánh cửa chủ ý xây thấp (không đến một thước) và hẹp, gọi là “nijiriguchi”, có nghĩa là “lối bò vào”.

Trong trà đạo, tinh thần dân chủ được thể hiện rất rõ qua ý niệm “hòa đồng”. Với kiến trúc của trà thất, cánh cửa bước vào trà đạo bắt buộc tất cả phải hạ mình, khiêm cung mà “bò vào” như nhau, dù danh cao đức trọng tước vị ra sao trong xã hội. Hành vi cúi đầu khom lưng ấy nhằm nhắc nhở tinh thần cơ bản của trà đạo: tính hòa đồng! Trong trà thất, tất cả mọi người đều đã để lại ngoài cửa vai vế chức tước của mình, để cùng ngồi bên nhau, chung một phong cách bình đẳng, chia xẻ cùng một tấm chiếu tatami thô sơ trong căn phòng rộng không quá bốn tấm chiếu rưỡi. Họ cùng nhau hiện hữu trong thế giới bình đẳng mà nơi đó, mỗi người được tôn trọng bởi cái tâm và lòng nhân của chính họ, chứ không bằng thước đo địa vị, chức tước, tài sản, quyền lực, hay vũ khí sẵn có trong tay!

Đặng Thanh Chi

0 comments:

Powered By Blogger