Friday, July 20, 2018

Vụ án tử Đặng Văn Hiến dưới góc nhìn pháp lý


Tóm lược: 

1- Bị can Đặng Văn Hiến cần phải được miễn tố (vô tội) chứ không phải chỉ cần được ân giảm hay ân xá, vì ông Hiến đã hành động tự vệ chính đáng. 

2- Từ nay người dân bị giải tỏa có quyền từ chối thương thuyết với chủ đầu tư mà đòi chỉ thương thuyết với chính quyền. 

3- Để bảo đảm quyền lợi, người dân bị giải tỏa nên bắt đầu bằng thủ tục thuê văn phòng luật sư đại diện thương thuyết khế ước thuê đất với chính quyền (khế ước dân sự). Và luật sư sẽ chỉ nhận lệ phí sau khi người dân được đền bù thỏa đáng. 

Nội dung: 

Hôm 17 tháng 7-2018, văn phòng Chủ tịch Nước đã ra công văn yêu cầu kiểm tra lại toàn bộ vụ án tử tội Đặng Văn Hiến. Đây không phải là vụ án hình sự đầu tiên liên quan tới tranh chấp đất đai mà chỉ là vụ án trầm trọng nhất, cho tới hiện tại, biểu tượng cho một hiện tượng xã hội phổ biến. Vì vậy việc nhận định vụ án này dưới khía cạnh pháp lý sẽ giúp tìm được giải pháp căn bản dứt điểm hiện tượng tranh chấp đất đai quá sức phổ biến đã và đang khiến hàng chục vạn người dân đau khổ vì mất đất, lại còn bị tù đầy dài hạn, nếu nhà nước biết lắng nghe những ý kiến chuyên môn pháp lý, và người dân biết xử dụng quyền pháp định của mình. 

I- Trong vụ án này, bị can Hiến cùng đồng phạm đã dùng súng tự tạo và các vũ khí khác chống lại một đám đông tiến vào triệt phá để giải tỏa vườn và nhà ông khiến nhóm người tấn công có 13 người bị thương và 3 người chết. Thông thường, ở trường hợp này, luật sư của bị cáo sẽ biện minh bằng luận điểm pháp lý "Bị cáo ở trường hợp tự vệ chính đáng" (legitimate self-defense) để xin miễn tội; tôi xin nhấn mạnh miễn tội tức là vô tội chứ không phải xin giảm tội hay khoan hồng. Trước luận điểm pháp lý này, chánh án sẽ phải xem xét hai yếu tố: 1-Bị can có ở tình trạng sinh mạng của mình hay của gia đình bị nguy hiểm tức thời (immediate danger) hay không. 2-Bị can có xử dụng vũ lực trong giới hạn hợp lý không (reasonable force). 

Yếu tố 1: Xét về tình tiết 1 thì quả thật bị can Hiến và gia đình lúc đó đang ở trong tình trạng sinh mạng bị nguy hiểm tức thời. Theo tường thuật của vợ bị can với đài BBC, thì "hôm 23/10/2016, tầm 4 giờ sáng, khi gia đình còn đang ngủ, công ty Long Sơn cử hơn 30 nhân viên đem theo máy móc, xe ủi vào phá hủy vườn điều, cà phê của ông Hiến và hai hộ dân khác. Ngoài máy móc, nhóm người của Long Sơn còn mang theo vũ khí gậy gộc và khiên phòng thủ." Như vậy là người của Cty Long Sơn đã có ý định sẵn sàng dùng bạo lực bất hợp pháp hành hung gia đình bị can Hiến. Chẳng những vậy, nhóm người của Cty Long Sơn đã ném đá vào nhà bị can Hiến để đe dọa đồng thời dùng xe ủi để san bằng vườn điều của bị can.
 
Vũ khí của nhóm công nhân của Cty Long Sơn (ảnh của Báo Lửa Net) 

Ngoài ra, trong suốt 8 năm trước đó (2008-2016), Cty Long Sơn đã nhiều lần tổ chức đưa công nhân đi cưỡng chế, san ủi cây trồng của dân. Trong quá trình cưỡng chế - thu hồi đất, “công nhân” của Cty Long Sơn đã đánh đập, gây thương tích cho nhiều người chỉ vì họ “dám” bảo vệ nhà cửa, vườn tược của họ. Có người bị rựa vạt mất gần nửa hộp sọ, bị thương tật vĩnh viễn 90% và mất khả năng nói, có phụ nữ bị trụy thai do “công nhân” của Cty Long Sơn đạp vào bụng... Nạn nhân bị nhóm bảo vệ của Công ty Long Sơn dùng vũ khí chém vạt mất gần nửa hộp sọ là anh Trần Văn Thanh, hàng xóm của anh Đặng Văn Hiến, khi anh Thanh bảo vệ mảnh đất của mình. 


(Ảnh của Báo Lửa Net) 

Do lịch sử hành động của Cty Long Sơn và do hành động của Cty Long Sơn trước mắt, bị can Hiến, có đủ lý lẽ tin rằng (reasonable belief) sinh mạng mình và gia đình đang bị đe dọa bởi một nguy hiểm rõ ràng, trực tiếp chứ không phải là những lời đe dọa xuông (an apparent and immediate danger, not just an empty verbal threat). Đây chính là tình huống pháp luật chấp nhận cho nạn nhân bị đe dọa có quyền dùng vũ lực, sử dụng quyền tự vệ chính đáng để tránh bị thương vong. 

Yếu tố 2: Mức độ của vũ lực tự vệ của bị can Hiến. 

Mặc dù bị can Hiến đã đứng trước mối nguy trực tiếp đe dọa sinh mạng bản thân và gia đình để có hành động tự vệ hợp pháp, chánh án vẫn cần xem xét xem bị can và đồng phạm có sử dụng vũ lực hợp lý không (reasonable force), có sử dụng vũ lực quá đáng không (excessive force)? Bởi vì hành vi tự vệ chỉ được phép tương xứng với mối hiểm nguy. Người ta không thể giết người chỉ vì một cái tát khiến mình cảm thấy nhục nhã. Nhưng thế nào là sử dụng vũ lực hợp lý, tương xứng là một ý niệm khá mơ hồ và hoàn toàn tùy thuộc ý kiến chủ quan của chánh án. Mặc dù vậy, vẫn có yếu tố giúp chánh án đánh giá khách quan vấn đề này, đó là hành động của bị can ngay trước khi nổ súng. Luật pháp Việt Nam cũng như đa số luật pháp các nước tiên tiến không đòi hỏi kẻ bị đe dọa phải bỏ chạy (duty to retreat) trước mối hiểm nguy cận kề. Tuy nhiên nếu bị can đã bỏ chạy trước khi phải sử dụng vũ lực chết người để bảo vệ thân mình hay người khác thì đó là một yếu tố giúp chánh án dễ dàng xác định vũ lực do bị can sử dụng trong hành vi tự vệ là hợp lý (reasonable), trong giới hạn hợp pháp, và là giải pháp cuối cùng không còn giải pháp nào khác. Dựa theo ý niệm pháp lý "rút lui nếu có đường rút an toàn" (duty to retreat: safe retreat) thì cả bị can Hiến và vợ ông đã dùng hết phương pháp ôn hòa mà vẫn không tránh khỏi bị đe dọa tới sinh mạng. Theo lời thuật của bà vợ thì khoảng 4 giờ sáng khi nghe tiếng đông người và xe máy vào san ủi vườn điều của mình, ông Hiến " bật dậy chạy ra bãi rộng thì thấy một nhóm công nhân khoảng hai chục (20) người bao vây. Bị can Hiến can ngăn nhưng không được mà còn bị ném đá khiêu khích, đe dọa. Sau đó ông Hiến dùng súng hoa cải bắn chỉ thiên để nhóm người của Cty Long Sơn ngừng ném đá. Tuy nhiên, nhân viên của Long Sơn vẫn không ngừng lại. Ông Hiến chạy vào nhà cố thủ..." Ngoài ông Hiến, vợ ông cũng có hành động ôn hòa tương tự khi bà chạy ra bãi sau nhà thì cũng thấy khoảng vài chục người của Long Sơn. Bà thuật tiếp, "Tôi ngăn cản, van xin họ mà cũng không được. Họ còn nói "Chị mà cản là chúng tôi cho máy cán chết chị." Chỉ sau khi hai vợ chồng ông Hiến đã có những lời lẽ ôn hòa và rút lui vào trong nhà nhưng vẫn không tránh được mối nguy hiểm cho sinh mạng và tài sản của mình, ông Hiến mới bắn vào nhóm người của Cty Long Sơn. 

Đáng lẽ chánh án phải chấp nhận 2 yếu tố khách quan nêu trên là: "Bị can và gia đình đối diện nguy hiểm trực tiếp nên đã sử dụng vũ lực tương xứng để tự vệ," để xác định hành vi của bị can Hiến là "hành vi tự vệ chính đáng" và miễn tội cho bị can. Nhưng bị can Hiến đã hai lần bị y án tử hình, thật là khó hiểu về nhận định của các vị thẩm phán ở cả hai cấp xét xử. 

II- Bây giờ chúng ta cũng nên xem xét các mối quan hệ dân sự giữa ông Hiến, Cty Long Sơn và chính quyền liên quan tới mảnh đất tranh chấp. Xem xét bản chất các quan hệ dân sự này là cần thiết giúp tìm ra giải pháp cho các tranh chấp đất đai tương tự trong tương lai. Trước tiên chúng ta có chính quyền là người chủ đất. Ông Hiến là người thuê đất của chính quyền (được quyền sử dụng) và là người thuê thứ nhất. Cty Long Sơn là người thuê cùng miếng đất của chính quyền, và là người thuê thứ 2. Như vậy ở đây có hai mối quan hệ dân sự: Quan hệ giữa chính quyền và ông Hiến và quan hệ giữa chính quyền và Cty Long Sơn. Hai mối quan hệ dân sự này không liên quan với nhau. Theo nguyên tắc căn bản của luật dân sự hiện hành của Việt Nam, nếu chính quyền (chủ đất) muốn chấm dứt khế ước thuê đất của người dân thì chính quyền phải thương thuyết với người dân để giải quyết tất cả mọi đền bù theo pháp luật để người thuê đất trả lại miếng đất. Nhưng ở đây, cũng như ở tất cả những vụ tranh chấp đất đai mấy chục năm qua, chính quyền đã không thực hiện hành vi pháp lý này mà trao cho người thuê đất thứ hai, ở đây là Cty Long Sơn trách nhiệm thương thuyết và đền bù với người thuê thứ nhất (người dân). Theo luật sư Quynh, một trong sáu luật sư biện hộ cho ông Hiến thì "Bản thân quyết định của UBND tỉnh giao đất cho công ty Long Sơn là quyết định giao đất có điều kiện, buộc công ty Long Sơn phải thỏa thuận với người dân đã xâm canh." Điều kiện "buộc công ty Long Sơn phải thỏa thuận với người dân đã xâm canh" là điều kiện không thể thực hiện được vì Cty Long Sơn không có căn bản pháp lý nào để thương thuyết với người dân bởi vì hai bên không phải là người kết ước với nhau? Một khi khế ước dựa trên một điều kiện không thể thực hiện được thì khế ước đó vô hiệu, đó chính là một nguyên tắc căn bản của luật khế ước (luật dân sự). Khế ước vô hiệu ở đây chính là văn bản chính quyền giao đất cho Cty Long Sơn. Và cũng chính cái điều kiện chỉ có một (1) dòng ngắn ngủi này thôi đã tạo ra không biết bao nhiêu điêu đứng cho hàng chục vạn người dân, làm xã hội bất ổn trong suốt mấy chục năm qua. Muốn tạo ổn định xã hội, chấm dứt mọi tranh chấp đất đai như lâu nay, chính quyền chỉ cần tuân hành thủ tục tố tụng dân sự bằng cách hủy bỏ điều khoản vô hiệu trong quyết định giao đất cho các nhà đầu tư, và trực tiếp đứng ra thương thuyết vấn đề bồi thường cho người dân. 

III- Góp ý với người dân trong sự thương thuyết giữa người thuê đất thứ nhất (ở đây là ông Hiến) và người thuê đất thứ hai (ở đây là Cty Long Sơn). 

Như trình bày ở trên, giữa người dân thuê đất thứ nhất và các nhà đầu tư là người thuê đất thứ hai không có mối liên hệ kết ước nào, vì thế người dân có quyền từ chối thương thuyết với các công ty đầu tư và đòi chỉ thương lượng trực tiếp với chính quyền là chủ đất mà thôi. Trong trường hợp này, để an toàn, người dân cũng nên nhờ luật sư đại diện trong công việc thương lượng như trong mọi khế ước dân sự khác vì luật sư nắm vững các nguyên tắc thương lượng khế ước dân sự. Luật sư trong những vụ này thường có thể thỏa thuận chỉ nhận lệ phí sau khi thương thuyết thành công và người dân nhận được tiền bồi thường. 

IV-Tội trạng của Cty Long Sơn trong việc tự tiện giải tỏa mặt bằng. 

Việc Cty Long Sơn nói riêng, và các nhà đầu tư khác nói chung, tự động mang nhân lực tới tàn phá nhà cửa, vườn tược của người dân để gọi là giải tỏa mặt bằng là HOÀN TOÀN BẤT HỢP PHÁP. Nếu có quyền sở hữu hay quyền sử dụng hợp pháp mà cần giải tỏa người dân đang chiếm ngụ thì chủ đầu tư phải nhờ cơ quan chính quyền làm việc này, bởi vì một nguyên tắc căn bản của luật pháp là "Không ai có quyền tự xử". Ngay cả cơ quan chính quyền có nhiệm vụ giải tỏa cũng cần một bản án của tòa mới có quyền giải tỏa những người dân chiếm ngụ bất hợp pháp. Ở tất cả mọi quốc gia đều có qui định như vậy. Thời Pháp thuộc tại Việt Nam cũng vậy, thời VNCH tại Nam Việt Nam trước 1975 cũng vậy. Và bây giờ tại Mỹ, ngay cho dù người thuê nhà không trả tiền nhà, chủ nhà vẫn không thể tự quyền trục xuất người thuê như vứt đồ đạc của họ ra đường rồi khóa trái cửa lại; làm như thế là mang tội xâm phạm gia cư bất hợp pháp và hủy hoại tài sản công dân. Tại Việt Nam, mấy chục năm nay, chủ đầu tư được sự ủng hộ ngầm của chính quyền tự động dùng vũ lực cưỡng chế người dân đang cư ngụ, canh tác trên thửa đất tranh chấp. Nếu bị kiện và nếu là một tòa án pháp quyền thì các chủ đầu tư này sẽ bị tội "xâm phạm gia cư bất hợp pháp, xử dụng vũ khí bất hợp pháp, phá hoại tài sản công dân và hành hung công dân." 

Chính hành vi bất hợp pháp của chủ đầu tư và sự âm thầm đồng ý của chính quyền đã khiến xã hội có quá nhiều xáo trộn và người dân có quá nhiều đau thương. Chỉ khi nào chính quyền áp dụng đúng thủ tục pháp lý về cưỡng chế và trục xuất (eviction) người chiếm ngụ bất hợp pháp thì những xáo trộn mới chấm dứt. 

*

Tham khảo



21.07.2018

0 comments:

Powered By Blogger