Sunday, July 22, 2018

Ai là người xử báo Tuổi Trẻ

Bùi Quang Vơm (Danlambao) - ...Ông Quang và ông Phúc không cùng phe, như vậy, nếu đánh cả hai, thì người đánh phải đồng thời là đối thủ của cả hai ông. Kẻ đó có thể là ai, nếu để ý rằng hai ông này là những ứng viên nặng cân nhất cho vị trí thay thế ông Trọng, trong khi, người có uy quyền nhất với Ban Tuyên giáo hiện nay chỉ có duy nhất ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng... 

*

Ngày 19/6/2018, bài báo “Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật biểu tình” đăng trên báo Tuổi Trẻ (TT), tờ báo lớn nhất Việt Nam hiện nay, với nội dung ban đầu là “Tiếp xúc cử tri với vai trò đại biểu Quốc hội Tp. Hồ Chí Minh, Chủ tịch Trần Đại Quang nói ông “đồng tình với kiến nghị cử tri cần có luật Biểu tình và hứa báo cáo Quốc hội ”

Nhưng chỉ sau đó vài tiếng, đầu bài báo này bị gỡ bỏ, nguyên văn lời cam kết của chủ tịch nước bị xoá sạch và được thay bằng nội dung: “những vụ việc nghiêm trọng xảy ra tại Bình Thuận, TP.Hồ Chí Minh là “do các đối tượng chống đối, kích động, lôi kéo”, giống nguyên văn lời ông Nguyễn Phú Trọngkhi tiếp xúc cử trị Hà Nội, y như gắn lời ông Trọng vào miệng ông Quang. 

Tiếp sau đó, ngày 16/07 báo Tuổi Trẻ bị đình bản 3 tháng và chịu 220 triệu đồng tiền phạt. 

Ngay lập tức có người nói, đây là đòn trả đũa của ông Bộ trưởng Trương Minh Tuấn. Ông này còn cay cú cái vụ Tuổi trẻ là tờ báo nhanh nhất đưa tin kết luận của thanh tra chính phủ vụ Mobifone, rằng “bộ trưởng Trương Minh Tuấn là người chịu trách nhiệm làm thất thoát ngân sách, gây hậu quả nghiêm trọng”. Trả miếng trước khi mất chức?! Ít có khả năng, vì đang là đối tượng kỷ luật, ông Trương Minh Tuấn có thể đã không còn thực quyền điều hành Bộ 4T từ hàng tháng trước. 

Kỷ luật chủ tịch nước? 

Một buổi tiếp xúc cử tri các quận 1, 3 và 4 ở Sài gòn với hàng trăm người tham dự, cả dân chúng lẫn hàng chục quan chức các loại, Tuổi Trẻ không phải là tờ báo duy nhất có mặt chứng kiến, và nhất là ở thời smartphone, thì không phải chỉ nhà báo mới ghi âm ghi hình. Tuổi Trẻ không dốt, và cũng chẳng có lợi lộc gì đến mức phải bịa lời chủ tịch nước để phạm tội với đảng. Nếu muốn, bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng kiểm định. 

Luật biểu tình là món nợ khất lần của Quốc hội đối với hiến pháp 2013. Ông Nguyễn Tấn Dũng từng hứa, Quốc hội nhiều lần hoãn, dân cả nước từng nhiều lần kiến nghị. Trước lần họp kỳ thứ 5, quốc hội 14, cử tri các tỉnh Quảng Bình, Long An, Tp. HCM, Hải Phòng... cùng trực tiếp gửi lên Ban Dân nguyện của UB Thường vụ Quốc hội: “việc ban hành Luật biểu tình là rất cần thiết, nhằm hướng dẫn người dân thực hiện quyền công dân chính đáng của mình và xử lý nghiêm các hoạt động biểu tình trái phép, gây mất an ninh, trật tự an toàn xã hội.” Như vậy, nếu ông Trần Đại Quang đồng tình với kiến nghị này là một điều hợp lòng dân, dám sửa lời đã hứa với dân của chủ tịch nước, hàng trăm người chứng kiến, và qua hàng trăm người đại diện này, tới toàn dân cả nước, về mặt văn hoá, đạo lý, là một hành vi vô lễ, vô đạo, thấp kém, chưa nói nó bộc lộ thực chất là đảng chống lại ý nguyện của dân, đẩy dân về phía đối địch với chế độ. 

Nếu TT đăng lời bịa đặt không có sự thật, thì trước hết nhà báo phải bị tước giấy phép, rồi Tổng Biên Tập mới bị kỷ luật liên đới thiếu trách nhiệm. Việc đình bản 3 tháng mà không kỷ luật cá nhân cho thấy người ra quyết định kỷ luật không có căn cứ để kỷ luật cá nhân, có nghĩa là không có bằng chứng bịa đặt sai sự thật của nhà báo. Cũng có nghĩa rằng TT không đăng tin sai sự thật, chủ tịch Trần Đại Quang cam kết báo cáo lại với Quốc Hội về luật biểu tình là có thật. 

Như vậy, bản chất của kỷ luật đình bản TT ba tháng, không phải là kỷ luật đối với TT, đối tượng mà Quyết định kỷ luật này muốn chuyển tới chính là cá nhân chủ tịch nước Trần Đại Quang. 

Ông Quang, dù là chủ tịch nước, và dù yêu cầu có luật biểu tình là quyền, là nguyện vọng chính đáng của người dân, nhưng trái với ý muốn của đảng, thì ông chủ tịch hay lòng dân đều không mảy may có giá trị. Hiến pháp ghi là quyền của dân từ năm 2013 vẫn bị phớt lờ, và ông chủ tịch nươc nhắc tới quyền đó vẫn bị vả vào miệng. 

Lời của ông Quang đã được ai đó sửa lại. Nếu điều sửa lại không đúng với sự thật, hoặc chỉ là một phần sự thật nhũng điều ông Quang phát biểu, thì chính người này vi phạm luật báo chí. Nếu không có bảo kê, thì cá nhân người này chắc chắn bị kiện ra Toà. 

Cả TT và cá nhân ông Quang đến nay vẫn im lặng, cam chịu, cho thấy cả tờ báo lẫn cá nhân ông chủ tịch không đủ tư cách tương xứng với vị trí của mình. Ông Quang bị cho là người không biết nhục, và Tổng biên tập TT Lê Thế Chữ bị gọi là “thằng hèn”. 

Báo mà không dám bảo vệ chức năng phản ánh sự thật, thì nên đóng cửa. Chủ tịch nước đại diện cao nhất của chủ quyền quốc gia và chủ quyền dân tộc mà còn để cho một kẻ khác chặn họng, cấm nói thì cũng nên từ chức. 

Quyết định đình bản TT ba tháng dù được ký bởi ông Lưu Đình Phúc, cục trưởng Cục Báo chí, nhưng thực chất, ông này không thể ký mà không xin ý kiến chỉ đạo của Bộ chính trị, hơn thế, ông ta chắc chỉ ký thừa lệnh một quyết định từ cấp trên. 

Ai là người xử? 

Ai? ông Võ Văn Thưởng là người ra chỉ thị sửa lời, mà thực chất là lời cảnh cáo bịt miệng chủ tịch nước? Xét tuổi đời, thâm niên nghề chính trị, vị thế trong đảng, điều này là không thể. Về lĩnh vực tư tưởng, trong đảng, trên ông Thưởng chỉ có ông Nguyễn Phú Trọng. Như vậy, ông Trọng là thủ phạm cú “tạt tai” ông chủ tịch nước!? 

Kỷ luật báo TT nhưng thông điệp lại là sự răn đe đối với ngài chủ tịch nước. 

Nếu cứ theo dư luận, thì tờ Tuổi Trẻ còn được cho là tờ báo “vườn” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Facebook Lê Nguyễn Hương Trà cho biết trước đó, tổng biên tập Tuổi Trẻ là Lê Thế Chữ đã vội bay ra Hà Nội xin gặp Thủ tướng Phúc, và sau đó có nhận được lời hứa của ông Phúc là ‘không đình bản’, vậy mà kết cục vẫn có “đình bản 3 tháng và 220 triệu đồng tiền phạt”. Ông Phúc lừa Tuổi Trẻ, hay ông Phúc cũng bị “tạt” tai? 

Ông Quang và ông Phúc không cùng phe, như vậy, nếu đánh cả hai, thì người đánh phải đồng thời là đối thủ của cả hai ông. 

Kẻ đó có thể là ai, nếu để ý rằng hai ông này là những ứng viên nặng cân nhất cho vị trí thay thế ông Trọng, trong khi, người có uy quyền nhất với Ban Tuyên giáo hiện nay chỉ có duy nhất ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. 

Đại hội XIII có khi lại sửa điều lệ đảng, bỏ quy định hai nhiệm kỳ và không giới hạn tuổi tình nguyện cống hiến, trước khi Tổng bí thư đọc báo cáo chính trị. 

Báo oan, dân oan 

Đình bản báo Tuổi Trẻ, một kỷ luật nặng chưa từng có trong lịch sử báo chí cộng sản, ở vào thời điểm này, là một thứ kỷ luật có tính khiêu khích. 

Bất cứ điều gì trái ý muốn của đảng, dù là sự thật, báo chí cũng không được phép phản ánh. Bộ máy chuyên chính trong tay đảng sẽ không từ chối bất kỳ hình thức trấn áp nào, bất kể đó là đối tượng nào. 

Nhưng loại hình kỷ luật tuỳ hứng này cũng truyền tải một loại thông điệp: Nếu tất cả mọi tờ báo lề phải đều chỉ trung thành với sự thật, bất kể ý đảng và bất kể kỷ luật, thì sự việc sẽ như thế nào? 

Đến như nhà báo đại tá Nguyễn Như Phong, chủ bút Petrotimes, từng giáo huấn giới viết báo “phải như là chó ấy, cho cắn mới được cắn, cho sủa mới được sủa và phải thính mũi, tinh mắt để biết chủ muốn gì”. Biết thân phận và cúc cung tận tuỵ như Phong, mà Petrotimes vẫn bị đình bản vô thời hạn,và Tuổi Trẻ không phải là lần đầu bị “đánh” dù chưa một lần vi phạm đạo đức nghề báo. Nhưng lần này, khi nói đúng điều chủ tịch nước nói mà bị đánh, thì là bị đánh oan, là mượn cá đánh thớt. 

Nếu cứ chỉ nói thật, thì sớm hay muộn, không một tờ báo ăn lương của đảng nào không bị “đánh”. Dân bị cướp đất mà kiện chính quyền thì thành dân oan. Báo nói thật mà bị đánh thì thành “báo oan”. Dân oan ngủ vỉa hè mãi, bây giờ kéo theo dân cả nước xuống đường, không còn biết sợ hãi. Báo oan mà bảo nhau tất cả 800 tờ đều im tiếng, hoặc đều chỉ nói thật, thì chính quyền này sụp. 

22/07/2018 

0 comments:

Powered By Blogger