Tác giả: Vũ Linh | Posted on: 2017-09-20 |
...tỷ lệ hậu thuẫn quốc hội ở mức từ 10% đến 20%, thua xa ông Trump...
Đó là tiêu đề của hàng loạt emails của vài người không mê Trump lắm đã hớn hở phổ biến, như thể đang khô cổ mà vớ được trái chanh tươi. Có chuyện chửi Trump, mừng chi đâu!
Số là TT Trump mới đây đã bất ngờ ngủ lộn giường, chui vào ngủ với bà Nancy Pelosi của đảng DC, khiến mấy ông kép bà đào CH chưng hững.
Sau vụ bão Harvey tàn phá Houston, TT Trump đề nghị quốc hội khẩn cấp chuẩn chi gần tám tỷ đô giúp nạn nhân ngay. Các trung tâm cứu trợ, trú bão tạm, các chính quyền địa phương, cần tiền mua thực phẩm, thuốc men ngay lập tức trong khi chờ đợi chuẩn chi cả mấy chục tỷ nữa để tái định cư họ, sửa chữa nhà cửa, xe cộ, giao thông, điện nước, cầu cống.
Tại Thượng Viện, các nghị sĩ cả hai đảng, đúng theo nguyên tắc sinh hoạt chính trị Mỹ, lợi dụng ngay cơ hội để nhét yêu sách chính trị vào. Cả hai bên, lấy lý do cơ quan cứu trợ liên bang FEMA không có tiền, cần phải chuẩn chi ngân sách đặc biệt, nhưng vì ngân sách quốc gia cũng hết tiền cuối Tháng Chín này, nên phải đi vay mượn thêm đâu đó. Thế là có lý do để cài mức trần công nợ vào cuộc biểu quyết. Hai bên tranh cãi. Bên CH muốn ấn định mức trần có giá trị 18 tháng, tức là trong thời gian đó, không được tăng mức công nợ lên. Phe DC đòi hạn định 3 tháng thôi, để sau đó lại có dịp tăng nợ nữa. Trong khi họ cãi nhau, dĩ nhiên, nạn nhân bão lụt Houston dài cổ chờ cứu giúp.
TT Trump gọi lãnh đạo CH và DC đến họp. Nửa tá lãnh tụ của hai bên tiếp tục cãi nhau trước mặt tổng thống. Phe CH nhân nhượng, hạ xuống còn 12 tháng, rồi 6 tháng. Phe DC kiên quyết giữ 3 tháng. Buổi họp có triển vọng đi vào bế tắc.
TT Trump sốt ruột, bực mình, nhẩy bổ vào cuộc tranh cãi, tuyên bố ông chấp nhận đề nghị ba tháng của DC, không ấn định mức trần nào hết, cứu giúp nạn nhân bão lụt là ưu tiên cần giải quyết ngay, những chuyện khác tính sau, chấm dứt cuộc họp. Theo tính toán của TT Trump, ông cần phải nhận giải pháp của DC mới có phiếu của họ để mau mắn thông qua luật cứu trợ, chứ nếu theo ý kiến của CH, phe DC sẽ chống đối và phe CH sẽ không đủ túc số 60 phiếu cần thiết để áp đặt giải pháp CH. Nói cách khác, các nghị sĩ của cả hai đảng chú tâm vào cuộc tranh cãi công nợ, chỉ có TT Trump nhìn thấy nạn nhân bão lụt đang dài cổ nằm dưới nước chờ, và ông chấp nhận đầu hàng phe DC vô điều kiện để nạn nhân bão lụt có tiền cứu trợ ngay.
Sau đó, để tránh tiếng bất nhẫn, phe CH đề nghị tăng tiền giúp nạn nhân lên gấp đôi, tới 15 tỷ. Thượng Viện mau chóng thông qua, rồi Hạ Viện cũng theo gót.
Phản ứng của TTDC là đổi giọng, ca ngợi tính nhân đạo, bác ái của TT Trump, lần đầu tiên ủng hộ ông ta? Hay là ca tụng TT Trump đã phá bỏ tính phe phái, sẵn sàng hợp tác với đối lập để cứu dân? Dĩ nhiên là không. TTDC reo mừng, coi như đã “chiêu hồi” được TT Trump về phe mình, rồi kêu gọi các lãnh tụ DC cẩn thận, coi chừng tay phản phúc này. Nói cách khác, vẫn bài bản cũ, bất kể TT Trump làm gì cũng phải nặn cho được lý do để đánh chửi. Vài cụ tỵ nạn phe ta cũng vội chạy theo trả bài đúng bài bản CNN, miả mai TT Trump “kết bè” gì đó vì bản tính tráo trở, không tin được.
Khối bảo thủ cực đoan la hoảng TT Trump phản đảng, phản bội cử tri bảo thủ.
Nhiều người nghiêm chỉnh và ít phe đảng hơn, thắc mắc sao TT Trump lại nhẩy rào, bàn ra tán vào về nhu cầu của TT Trump lấy lại cảm tình của dân sau khi mức hậu thuẫn rớt như sung rụng lúc gần đây.
Tất cả những phản ứng trên dường như... trật đường rầy hết. Họ bàn tán trật hết chỉ vì đã không nhìn kỹ ông Trump ngay từ đầu, hay nhìn kỹ nhưng bị tính phe đảng che mắt, không nhìn rõ sự thật.
Sự thật là ông Trump đã hành xử đúng như... Trump! Không hơn không kém. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên.
Cột báo này đã nhiều lần viết TT Trump có đặc điểm là chính khách không giống bất cứ chính khách nào khác. Nếu lấy tiêu chuẩn bình thường để luận bàn về TT Trump thì bảo đảm sẽ tiếp tục trật đường rầy dài dài. Ông Trump khác các chính khách bình thường ở vô số điểm.
Chẳng hạn ông chẳng bao giờ cảm thấy bị gò bó hay trói tay bởi ý thức hệ cấp tiến hay bảo thủ, cũng chẳng bao giờ coi chuyện đảng phái là chuyện uống máu ăn thề trung thành đến chết.
Trong quá khứ, khi đi bầu cử, ông đã từng ghi danh là độc lập, là đảng viên “Đảng Cải Cách” -Reform Party- (đảng của tỷ phú Ross Perot thành lập để tranh cử năm 1992, đưa đến việc đương kim TT Bush cha mất phiếu bảo thủ, khiến thống đốc Bill Clinton đắc cử), đảng DC, rồi đảng CH luôn. Có nghiã là ông không phải là chính trị gia có quan điểm chính trị như đinh đóng cột, mà giản dị nhất, chỉ là một người có tư tưởng chính trị độc lập, đầu óc thực tế, thực dụng, muốn thực hiện một việc nào đó và có kết quả cụ thể, bất cần đó là việc của phe bảo thủ hay của khối cấp tiến, hay của đảng nào.
Khi ra tranh cử tổng thống, tuy ghi danh là đảng viên CH, tranh cử trong đảng CH, nhưng ông đánh nhau với tất cả các ứng viên CH khác, bất kể bảo thủ nặng hay ôn hoà.
Ứng viên Trump nhìn thấy nhiều vấn đề lớn của Mỹ như cuộc sống giới lao động và trung lưu ngày càng khó khăn, nước Mỹ ngày một thoái hoá trên phương diện vật chất cũng như tinh thần, đối diện với nhiều vấn nạn như di dân lậu, khủng bố đe dọa, phải đạo chính trị vớ vẩn đi ngược lại những giá trị nền tảng của văn hoá Mỹ,... Và ông quyết định thay đổi.
Tuy mượn danh đảng CH, nhưng thực tế là ông Trump đã đắc cử hoàn toàn dựa trên sự thu hút của cá nhân ông, và cả đảng CH sau đó đã phải bám chạy theo con tàu Trump. Nếu có mắc nợ thì là CH mắc nợ Trump chứ ông này không mắc nợ CH chút gì.
Việc TT Trump công khai chấp nhận đi theo quan điểm của DC là một thông điệp rất rõ ràng cho các đồng chí CH trong quốc hội: “Tôi không lệ thuộc vào mấy ông gì hết, tôi chỉ muốn làm được việc, cho ra chuyện, các ông không làm gì, tôi sẵn sàng hợp tác với địch nếu cần để có kết quả cụ thể. Các ông hãy nhìn kỹ quyết định này, nếu tiếp tục đấm đá nhau để đi vào bế tắc với những vấn đề tới như luật di dân, sắc lệnh DACA, thu hồi Obamacare, luật thuế mới, tái thiết đường xá, cầu cống,... xin đừng nghĩ tôi không dám bắt tay với DC. Cũng đừng nên quên tôi là chuyên gia về thương thảo, không có gì không thảo luận và điều đình được. Tôi không phải là người sống chết vì ý thức hệ, cũng không sống chết với đảng CH của mấy ông đâu. Tôi không muốn đi vào lịch sử như tổng thống chẳng làm gì hết”.
Mặt khác, việc TT Trump bắt tay với khối DC cũng chẳng có nghiã là TT Trump đã thay đổi lập trường lâu dài, trong tương lai sẽ thân thiện hay “kết bè” với DC. Hiển nhiên, quyết định của TT Trump chỉ là quyết định trong đúng một chuyện, có giá trị đúng ba tháng. Chỉ mang ý nghiã trong tương lai, mỗi vấn đề sẽ được giải quyết tùy từng trường hợp, cả hai chính đảng nên ghi nhớ.
Bằng chứng đầu tiên, có tin TT Trump đã đạt được sự đồng ý của cấp lãnh đạo DC để bàn về chuyện DACA. Chưa có thoả thuận gì đâu, chỉ là đồng ý thảo luận thôi. Khoan hoan hô hay đả đảo. Đồng ý nói chuyện thì dễ, đi vào chi tiết mới khó.
Ông Trump là một chính khách không ai tiên đoán được sẽ làm gì vì tất cả những phản ứng của ông đều khác thường, không theo sách vở nào hết.
Ngay từ hồi tranh cử, không biết bao nhiêu việc ông làm không giống ai có thể đã giết chết bất cứ chính khách nào khác, khiến cho TTDC hấp tấp đăng cáo phó cả chục lần, nhưng rồi cuối cùng thì ông ngồi trong Tòa Bạch Ốc trong khi đối thủ của ông, một chính khách chuyên nghiệp hành xử đúng sách vở, thì ngồi nhà viết sách than thở.
Khi còn tranh cử, đã có nhiều tiếng nói tố giác ông là cấp tiến nằm vùng, hay nặng nề hơn, là thời cơ, chỉ mượn tên CH và đội mũ bảo thủ để ra tranh cử thôi, chứ thật sự ông không phải CH cũng chẳng là bảo thủ. Sự thật như đã bàn ở trên, ông Trump chỉ là người có đầu óc thực dụng, không chịu đội mũ nào hết ngoài cái mũ “Make America Great Again” do chính ông chế ra thôi.
Các chuyên gia chính trị Mỹ cũng đang nhận thấy một hiện tượng mới lạ trong chính trường Mỹ.
Đảng DC, sau thất bại của bà Hillary và nhất là trước ảnh hưởng lớn mạnh bất ngờ của cụ xã nghiã Bernie Sanders, đã dường như chuyển hướng về phiá tả hơn nữa. Tiêu biểu là việc bầu ông cực tả Tom Perez làm chủ tịch Ủy Ban Quốc Gia của đảng, tuy không phải là chủ tịch đảng, nhưng là người có khả năng lèo lái hướng đi của đảng.
Đảng CH thì cũng sau chiến thắng bầu cử, có vẻ đi mạnh về phiá hữu hơn. Thất bại trong việc thu hồi Obamacare một phần là do phe cực hữu áp lực quá mạnh, chẳng những đòi hủy điều lệ bảo hiểm bắt buộc, bỏ việc đóng phạt, đóng cửa các “exchanges” của Obamacare, mà còn đòi cắt giảm quá nhiều số người nhận Medicaid (bảo hiểm y tế cho những người lợi tức thấp), đưa đến sự chống đối của vài ba ông bà CH ôn hoà.
TT Trump hiển nhiên nhìn thấy hai hướng đi đó, nên có vẻ muốn khai thác, chống cả hai đảng để tạo một thế đứng trung lập ở giữa, trên cả hai đảng.
Đây chính là sách lược của TT Clinton khi trước, gọi là “triangulation”. Tạm dịch là “tam đầu chế”, với hai chính đảng đánh nhau trong khi tổng thống leo lên chóp, không về phe nào hết, khi thì ủng hộ đảng này chống đảng kia, khi thì ngược lại.
Cái đau đầu của TT Trump là CH đã có được thế đa số tại cả hai viện quốc hội, DC là cá nằm trên thớt. Ấy vậy mà vì những tranh cãi nội bộ, trong gần 9 tháng qua, chưa có một cải cách lớn nào được thực hiện ngoài việc hủy bỏ hay thu hồi hàng loạt sắc lệnh Hành Pháp của TT Obama, mà ít ai biết đến vì TTDC giấu nhẹm. Obamacare vẫn còn đó, bức tường vẫn chưa có tiền để xây, luật cải tổ thuế có nhiều triển vọng bế tắc, luật tân trang hạ tầng cơ sở quốc gia chưa ai nói tới. Thượng Viện vẫn lo điều tra, điều trần chính quyền Trump hết chuyện này đến chuyện nọ trong khi hàng trăm viên chức cao cấp nhất vẫn chưa được phê chuẩn để làm việc,...
Quan trọng không kém đối với TT Trump là các vị dân cử CH đã không tích cực lắm trong việc bảo vệ tổng thống chống các vụ tấn công của phe DC và TTDC, đặc biệt là trong những vụ điều tra về quan hệ với Nga, hay việc giải nhiệm giám đốc FBI.
Thậm chí, nhiều ông bà CH còn công khai chỉ trích ông rất nặng nề, đặc biệt là ông McCain đã liên tục chỉ trích ông với những thậm từ nặng nề nhất, rồi bỏ lá phiếu quyết định để cứu sống Obamacare. Ngay cả ông Ryan, chủ tịch Hạ Viện, và ông McConnell, lãnh tụ khối đa số CH tại Thượng Viện, cũng đã nhiều lần công khai chỉ trích hay nói ngược lại tổng thống.
Có qua có lại mới toại lòng nhau, khi không có qua thì không cần có lại.
TT Trump bất đồng hay thậm chí tấn công các đồng chí CH thật ra cũng không có hại gì ghê gớm cho ông. Theo các thăm dò dư luận mới nhất, tỷ lệ hậu thuẫn quốc hội đang ở mức đâu từ 10% đến 20%, thua xa ông Trump.
Một cách cụ thể và chính xác hơn, TT Trump đã bị vài lãnh tụ CH chống đối chứ không phải bị toàn khối CH trong quốc hội hay khối bảo thủ trong quần chúng chống. Sau khi ông quyết định chấp nhận đề nghị về công nợ của DC, thì cả hai viện, với đa số CH, đã biểu quyết theo quyết định của ông.
Vài triệu chứng cho thấy chống TT Trump không phải là thái độ có lợi nhất trong nội bộ đảng CH. Lãnh tụ khối CH tại Thượng Viện, ông McConnell, nổi tiếng “cứng đầu” với TT Trump, có 17% hậu thuẫn và 42% chống trong chính tiểu bang của ông.
Thăm dò mới nhất của Rasmussen cho biết trong 10 cử tri CH, có gần 7 người (67%) hoan nghênh việc TT Trump “hợp tác” với khối DC. Cho thấy TT Trump vẫn được hậu thuẫn mạnh của khối cử tri nồng cốt của ông trong khối CH.
Dù vậy, việc TT Trump “đánh nhau” với các lãnh tụ CH dĩ nhiên sẽ đưa đến thắc mắc như vậy làm sao tổng thống thực hiện được những chương trình ông mong muốn hay đã hứa hẹn khi tranh cử, nhất là trong khi khối DC vẫn hoàn toàn “nhất trí” chống ông đến cùng trong bất cứ chuyện gì. Dù sao thì uy tín của hai lãnh tụ CH tại Thượng Viện và Hạ Viện vẫn còn rất lớn, qua mặt hai ông này để lôi cuốn các nghị sĩ và dân biểu CH khác theo tổng thống không phải chuyện dễ. Hơn nữa, các vị lãnh đạo này cũng là những người có quyền quyết định mang luật nào ra biểu quyết.
Quyết định hợp tác với phe DC của TT Trump tạo áp lực mạnh lên khối CH trong quốc hội phải làm một cái gì chứ không thể tiếp tục cãi nhau để rồi chẳng thông qua được luật cải tổ lớn nào trong khi nắm quyền từ Hành Pháp đến Lập Pháp. Cuộc bầu cử giữa mùa năm tới không còn bao xa, và dân Mỹ được nổi tiếng là thiếu kiên nhẫn, nếu không có gì làm bằng chứng là quốc hội đã “làm việc” thì bảo đảm cử tri Mỹ sẽ không đắn đo nửa phút trước khi mời CH về câu cá để trao lưỡng viện quốc hội cho DC lại. Và đảng CH sẽ bị liệng vào thùng rác của lịch sử một cách không oan uổng lắm.
Về phiá DC, việc cấp lãnh đạo hợp tác với TT Trump cũng làm cho các chiến lược gia luống cuống. Chiến thuật tranh cử năm tới của DC là đánh Trump đến cùng, bây giờ, bất ngờ lại có sự “thân thiện” này, không biết phải xử trí ra sao. Ông Perez, chủ tịch Ủy Ban Quốc Gia của đảng DC im re, từ chối không trả lời câu hỏi của báo chí.
Ngay cả TTDC cũng hụt cẳng, loay hoay giải thích và báo động về sự “tráo trở” của TT Trump.
Chiến thuật bắt tay với DC của TT Trump không phải không nguy hiểm. Chưa biết hợp tác với DC có đạt được kết quả tốt đẹp hay không vì cái hố ngăn cách Trump và DC vẫn còn cực kỳ lớn và sâu, nhưng chắc chắn sẽ bị một số cử tri cực hữu là cử tri nồng cốt của TT Trump, chống mạnh ngay. Chưa gì thì bà to mồm Ann Coulter của cánh cực hữu, đã đòi đàn hặc TT Trump vì tội phản đảng rồi.
Chưa kể việc TT Trump có thể sẽ rất cần hậu thuẫn của các vị dân cử CH trước mối nguy cơ của công tố Mueller. Ông này vẫn tiếp tục mang luật sư phe DC vào ê-kíp điều tra TT Trump. Người mới nhất là bà luật sư Kyle Freeny, phụ tá của cựu bộ trưởng Tư Pháp của TT Obama, đã từng biện hộ cho TT Obama trong vụ các tiểu bang thưa Obama về sắc lệnh di dân năm 2014. Phần lớn ê-kíp của ông Mueller thân DC (trong đó có một người đã từng thưa ông con rể của TT Trump, và một người đã từng công khai đả kích TT Trump), phần còn lại không dính dáng đến chính trị, không có ai có thiện cảm với CH.
Thật ra, cũng khó biết TT Trump thực sự đã đổi qua chiến thuật mới không, hay chỉ là đòn hù, tháu cáy ép khối CH của TT Trump thôi. Ta chờ xem.
xxx
Nhiều người không ưa Trump đã bôi bác quyết định của TT Trump như kiểu phản bội đồng chí, ăn cháo đá bát, phản ảnh tư cách cá nhân đáng chê trách.
Đây là cách hiểu chính trị hoàn toàn sai lệch, chỉ phản ảnh ý đồ của TTDC lái vấn đề qua chuyện thương ghét cá nhân dựa trên tính tình cá nhân tổng thống, để thiên hạ quên chuyện lớn là thực hiện chính sách bảo thủ, tháo gỡ gia tài cấp tiến của TT Obama.
Thái độ chính đáng là phải ... quên cá nhân tổng thống đi, mà nhìn vào các chính sách của ông ta liên quan đến cuộc sống của chính mình, của gia đình mình.
Chính sách và cá nhân không thể xập xí xập ngầu lẫn lộn. Như đã viết nhiều lần trên cột báo này, ta có thể chống hay ủng hộ TT Obama về chính sách cấp tiến thiên tả của ông, mà không nhất thiết phải chê trách, hay nịnh bợ cá nhân ông hay gia đình ông, càng không thể bàn về màu da của ông. Đối với TT Trump cũng không khác, có thể ủng hộ hay chống chính sách thiên hữu của ông, nhưng không nhất thiết phải phỉ báng cá tính của ông hay gia đình ông.
Những chuyện như bôi bác chú bé con 11 tuổi của TT Trump hay chỉ trích giầy cao gót của bà Melania chỉ là những hành động thấp hèn của TTDC càng ngày càng mất tự trọng. TTDC mới leo thang thêm một cấp: chỉ trích TT Trump vì ông không... nuôi chó, chứng tỏ tính tàn ác không thương thú vật của ông!!! Phải công nhận truyền thông Mỹ quả là siêu mới nghĩ ra những cách đánh tối tân này.
Tin phiạ mới nhất được vài người chống Trump mừng rỡ gửi lung tung trên email: TT Trump chấp nhận để DC đàn hặc ông trước cuối năm nay. Không biết ông Trump điên hay những người chuyển tin bị điên?
Cái job của tôi, bảo hiểm y tế của tôi, hay an toàn tính mạng của tôi quan trọng gấp vạn lần ba cái tin lăng quăng đó.
TT Trump hay bất cứ tổng thống nào khác, luôn luôn được nửa nước ủng hộ, nửa nước chống. Chống đối nghiêm chỉnh qua việc phân tách rồi chỉ trích đứng đắn những sai lầm sách lược là chuyện chính đáng và mọi người cần phải lắng nghe và tôn trọng, dù không đồng ý. Phỉ báng hay bôi bác cá nhân bằng cách phổ biến lung tung bất cứ tin lắt nhắt, vụn vặt hay tin phịa nào tìm được trong thùng rác internet, chỉ phơi bầy cho thiên hạ thấy những bộ óc nghèo nàn và nhỏ mọn, không đủ hiểu biết và tầm nhìn để có thể bàn luận nghiêm chỉnh chuyện chính sách. (17-09-17)
Vũ Linh
0 comments:
Post a Comment