Source: Đàn Chim Việt | Posted on: 2017-09-21 |
Leon Trotsky
Vào buổi tối ngày 20 tháng 8 năm 1940, một người đàn ông tên Frank Jacson ghé vào một căn nhà lớn vùng ngoại ô thành phố Mexico City của Mexico, căn nhà của ‘Lão Già’ – cái tên mà mọi người thường gọi Leon Trotsky, một người Nga nổi tiếng đang ẩn náu bên trong.
Vài phút sau đó, lưỡi búa cắm sâu 5 phân vào sọ của Trotsky và trở thành cây búa nổi tiếng nhất trong vụ giết người có thể làm thay đổi lịch sử cận đại.
Vài hôm sau, chiếc búa xuất hiện tại buổi họp báo ngắn ngủi của cảnh sát Mexico để rồi sau đó biến mất trong hơn 60 năm.
Thế nhưng, qua đến sang năm, chiếc búa vấy máu sẽ được mang ra trưng bày cho công chúng đến thăm Viện bảo tàng Gián điệp Quốc tế ở Washington nhân dịp bảo tàng này mở cửa tại một tòa nhà mới để có chỗ cho hàng vạn di vật được tìm lại từ trong bóng tối.
Câu chuyện về chiếc búa đã bổ vào đầu Trotsky là một câu chuyện phức tạp, thích hợp cho một câu chuyện ly kỳ và ghê rợn liên quan đến vụ truy sát người được xem là đối thủ của Stalin.
Sau buổi họp báo năm 1940, chiếc búa được cất giữ nhiều năm trong phòng tang chứng sở cảnh sát Mexico City cho đến khi nó được một giới chức cảnh sát tên Alfredo Salas ký nhận mang ra, ông ta lấy lý do cần bảo tồn tang vật quan trọng này cho hậu thế.
Salas qua đời, để lại chiếc búa cho cô con gái Ana Alicia Salas, bà này giấu nó dưới gầm giường trong 40 năm trước khi quyết định mang ra bán vào năm 2005.
Khách hàng tiềm năng muốn biết có đúng là chiếc búa đã giết Trotsky hay không. Một người cháu nội, Esteban Volkov, sẵn sàng cho máu để thử DNA với điều kiện bà Salas sẽ hiến tặng chiếc búa cho nhà lưu niệm Trotsky, là căn nhà ở Mexico City được giữ gìn nguyên vẹn sau vụ truy sát.
Bà Salas với chiếc búa |
Cuối cùng, chiếc búa về tay nhà sưu tầm người Mỹ Keith Melton, sống ở Florida, tác giả nhiều sách về gián điệp, một trong những người sáng lập Viện bảo tàng Gián điệp Quốc tế ở Washington.
Đối với Melton, sở hữu chiếc búa là một ám ảnh trong cuộc đời ông. “Tôi đã mất 40 năm mới tìm ra nó, sau nhiều lần được mớm tin và nhiều lần thất vọng.” Ông đã hăng hái chạy theo những cái tip, những tin đồn, kể cả tin đồn Tổng thống Mexico đã dùng búa để chận giấy tờ. Cuối cùng mới lòi ra bà Salas.
Bài báo trên tờ Guardian không cho biết ông Melton đã trả cho bà Salas bao nhiêu để sở hữu chiếc búa. Bà Salas trả lời tờ báo bà không biết gì về chuyện chiếc búa đã được bán. Ông Volkov, cháu nội Trotsky, trả lời mình chẳng quan tâm số phận chiếc búa. “Tôi chưa bao giờ thử DNA. Tôi chẳng liên quan gì đến vụ mua bán của bà ấy. Có ai dám chắc đó quả thật là chiếc búa đã giết ông tôi?”
Nhà sưu tầm Melton nói ông đã xác nhận được đúng là nó, không có gì phải nghi ngờ, và đã dùng nhiều phép thử. Chẳng hạn có những giấy tờ chứng tỏ búa đã được truyền lại cho bà Salas. Búa có dấu khắc của nhà sản xuất Werkgen Fulpmes bên Áo và có cùng kích thước với búa được ghi trong báo cáo của cảnh sát. Búa còn dấu tay có máu của hung thủ y chang như dấu trong ảnh đưa trong trong buổi họp báo năm 1940.
Melton cũng tin là mình đã giải mã được một trong những bí ẩn của vụ giết người. Tại sao hung thủ có một súng ngắn và một mã tấu lưỡi dài 3 tấc mà không chịu xài, lại đi xài búa đập nước đá?
Sau khi Lenin chết, hai người con cưng của cách mạng Nga 1917 – Trotsky và Stalin – mỗi người có một tố chất riêng biệt, gầm gừ nhau để thế chỗ Lenin. Cuộc tranh giành gay gắt đến độ chỉ có thể giải quyết bằng cái chết của một trong hai.
Stalin duyệt phương án loại trừ Trotsky vào năm 1939, gồm hai cú song hành. Cú thứ nhất là tấn công từ mặt tiền căn nhà. Tổ trưởng là David Alfaro Siqueiros, họa sĩ người Mexico chuyên vẽ tranh tường cổ vũ cách mạng vô sản ở Mexico, hợp tác với mật vụ NKVD của Stalin, xem đó là nghĩa vụ của người cộng sản quốc tế, thế giới đại đồng.
Ngày 24 tháng 5 năm 1940, Siqueiros và tổ sát thủ giả dạng mặc đồng phục cảnh sát và quân đội, ria hơn 200 viên đạn bằng súng tự động vào nhà Trotsky, nhưng ông này và bà vợ Natalia không sao.
Có vẻ như một phép lạ, nhưng phép lạ này không kéo dài vì cú ám sát thứ hai đã chuyển động.
Muốn hiểu cú thứ hai, ta phải lui về trước đó hai năm. Tại đại hội những người Trốt-kít được tổ chức năm 1938 ở Paris để lập ra Đệ Tứ Quốc Tế, còn gọi là Cộng Sản Đệ Tứ, người ta thấy có Sylvia Ageloff, một phụ nữ người Mỹ rất ngáo (hâm mộ ?) Trotsky.
Tại đây, cô Ageloff được giới thiệu với một thanh niên 25 tuổi tên Jacques Mornard, nhận mình là con của một nhà ngoại giao người Bỉ.
Thật ra, tên anh ta là Ramón Mercader, đảng viên đảng cộng sản Tây Ban Nha. Anh ta có bà mẹ ngáo Stalin và bà này đã cài anh ta vào phe Trốt-kít với mục đích duy nhất là giết Trotsky khi thời cơ đến.
Cô Ageloff tin rằng muốn hoạt động hiệu quả, mình cần phải qua Mexico City làm việc cho gia đình Trotsky, và rủ Mercader đi theo. Mercado nói rằng nếu muốn đi, thì anh ta phải có giấy tờ giả để khỏi phải đi nghĩa vụ quân sự. Anh ta kiếm được giấy tờ mang tên Frank Jacson (NKVD đã làm giả hộ chiếu và gõ sai tên anh, thay vì Jackson.)
Cô Ageloff chấp nhận lời giải thích này và những người thân cận của Trotsky vẫn quen thuộc với cảnh hầu như mỗi ngày, Jacson đưa Ageloff đến khu vực căn nhà Trotsky đang sống.
Quay lại với cú thứ nhì. Ngày 20 tháng 8 năm 1940 là lần thứ 10 Jacson đưa Ageloff đến khu nhà của Trotsky.
Anh nói với đám bảo vệ anh có một bài báo định đăng và muốn nhờ Trotsky xem qua trước.
Sau cú tấn công bằng súng tự động hồi tháng 5, các biện pháp an ninh đã được tăng cường. Muốn vào chỗ có Trotsky phải qua một cửa thứ nhì có khóa, khóa này được điều khiển bởi người trên một tháp canh. Nếu Mercader, hay Jacson cũng thế, muốn thoát thân sau khi giết Trotsky, anh ta phải tỉnh bơ, làm như chẳng có chuyện gì xảy ra, thì tháp canh mới mở cửa thứ nhì cho anh ra.
“Cách duy nhất để giải quyết là phải giết thật im lặng và đi ra như mọi người khách bình thường, trước khi người ta phát hiện xác chết,” nhà sưu tầm Melton nói.
Trong tình huống như vậy, dùng súng sẽ không ổn, còn mã tấu coi bộ cũng không gì bảo đảm sẽ làm Trotsky gục tại trận mà không gây ồn ào. Theo kinh nghiệm trước đây, NKVD gợi ý cần có một lực cực kỳ vũ bão đánh dứt điểm vào gáy để có một cái chết hoàn toàn im lặng, nhanh và gọn.
Để làm như vậy, Mercader đánh cắp chiếc búa đập nước đá của người con trai chủ nhà anh ta đang thuê.
Thế nhưng trong thực tế, sau khi để cho Mercader vào thư phòng của mình, Trotsky ngồi đọc bài báo và bị bổ vào đầu.
Trotsky hét lớn và vật lộn với hung thủ cho đến khi bảo vệ chạy tới.
Người cháu nội Volkov nhớ lại: “Tôi vẫn còn nhớ khi nhìn qua cánh cửa còn mở, ông tôi nằm dưới sàn, chung quanh đầu là vũng máu. Ông tôi thấy tôi và hét ‘đem thằng bé đi chỗ khác, đùng để nó thấy cảnh này.’ Quả là một con người đầy tính nhân bản. Giờ phút đó mà ông vẫn còn lo lắng cho tôi.”
Trotsky chết tại bệnh viện trong vòng 24 tiếng. Mercader bị mang ra xử và ở tù gần 20 năm.
Trong thời gian ngồi tù, những người Soviet đặc trách vụ của anh cung cấp đầy đủ những món vật chất mà anh cần, mỗi tuần đều gửi tiền cho anh tiêu xài, thậm chí còn thu xếp cho anh bạn gái, một sao điện ảnh hạng B của Mexico tên Roquella, sau này trở thành vợ anh, theo anh về sống tại Moscow khi ra tù.
Mercader chết năm 1978 tại Cuba vì ung thư, có Roquella bên cạnh. Nghe nói những lời cuối của Mercader là “Lúc nào tôi cũng nghe. Tôi nghe tiếng hét. Tôi biết ông ta đang chờ tôi ở phía bên kia.”
***
Lời bàn của Mao Tốn Cơm
Lịch sử không có chữ nếu.
Nếu không có vụ Watergate thì có thể sẽ không có Đại Thắng Mùa Xuân mà biết đâu sẽ có Đại Thắng Mùa Xuân đảo ngược.
Nếu sau khi Lenin chết, cuộc tranh giành quyền lực giữa Stalin và Trotsky dẫn đến kết quả phần thắng nghiêng về Trostsy thì có thể số phận nước Nga sẽ khác bây giờ. Nước Nga khác đi thì khối Cộng sản cũng khác. Khối này khác thì số phận thế giới cũng đổi khác.
Sau khi loại được Trotsky, Stalin mở chiến dịch thanh trừng những người theo Trotsky. Khoảng 8.2 triệu người đã chết trong chiến dịch này.
Trên đường xây dựng sự nghiệp chính trị của mình, Hồ Chí Minh biết mình cần Stalin làm chỗ dựa, cho nên khi thấy Stalin thanh trừng bọn Trốt-kít thì họ Hồ cũng chỉ đạo “Bọn Trốt-kít là một lũ bất lương, những con chó săn của chủ nghĩa phát xít Nhật và chủ nghĩa phát xít quốc tế.” (Hồ Chí Minh tuyển tập, tập 3, trang 97).
Trong báo cáo gởi cho Quốc tế cộng sản vào tháng 7 năm 1939, Hồ Chí Minh viết: “Đối với bọn Trốt-kít không thể có một thỏa hiệp hay nhân nhượng nào cả. Phải lột mặt nạ chúng như là tay sai của phát xít, phải tiêu diệt chúng về chính trị”.
Cùng theo Mác, nhưng nếu anh bị chụp cái mũ Trốt-kít hay Đệ Tứ thì coi như anh đã mang một án tử hình, cuộc tranh giành quyền lực được núp dưới chiêu bài chống phát xít.
Ở miền Nam Việt Nam, trong thời buổi tranh tối tranh sáng chống Pháp, chống phát xít Nhật của năm 1945, hơn 60 phần tử Trốt-kít đã biệt tích sau khi chạy trốn về Dĩ An. Dư luận cho rằng hơn 60 người này đã biến mất trên cõi đời do bàn tay của người đồng chí Trần Văn Giàu của họ, vì vậy mà Giàu không chết nhưng cũng không được giao một chức vụ nào ra hồn.
Trong số những người Trốt-kít Việt Nam bị thủ tiêu, có những người được chính phủ Ngô Đình Diệm xem là những người yêu nước, vì thế trước năm 1975, Sài Gòn có những đường mang tên Hồ Văn Ngà, Tạ Thu Thâu, Trần Văn Thạch, Phan Văn Hùm… Riêng Hồ Hữu Tường thoát chết, và sau này còn đắc cử dân biểu VNCH.
Ôi, lịch sử cận đại Việt Nam còn quá nhiều góc khuất, biết đến bao giờ con cháu chúng ta mới học được lịch sử theo đúng như những gì đã xảy ra, thay vì lịch sử được minh họa theo ý của “bên thắng cuộc?”
Trong cuộc tranh giành quyền lực núp dưới danh nghĩa chống tham nhũng hiện nay, chẳng lẽ Ba X nằm im một chỗ để bác Cả từ từ đem tay chân của mình thảy vào lò nướng?
Án tử hình cho người này, chung thân cho người kia không quan trọng bằng chuyện có thu hồi được số tiền ngàn ngàn tỷ hay không.
Tiền đó chẳng thất thoát đi đâu mà đang nằm trong túi các quan lớn.
Tiền đó nếu được thu hồi và đem xây trường học, cầu cống (thay vì tượng đài) thì chẳng cần phải làm những trò ảo thuật rẻ tiền, bác Cả cũng được ngồi ở vị trí mình muốn suốt đời.
Đàn Chim Việt tổng hợp
The Assassination of Trotsky (1972) Starring Richard Burton |
0 comments:
Post a Comment