David Tran Hieu (Danlambao) - Lời mở đầu: Không chỉ nhiều tồn tại quanh các dự án BOT về đường bộ, vấn đề cổ phẩn hóa doanh nghiệp nhà nước trong ngành giao thông vận tải… mà khi ông Đinh La Thăng còn làm “Tư lệnh” ngành GTVT, công tác cán bộ còn là một trong những di sản nặng nề mà vị “Tư lệnh” này chuyển lại cho người kế nhiệm.
*
Ngày 14/9/2017, trên hệ thống truyền thông Việt Nam xuất hiện bài “Di sản của ông Đinh La Thăng: BOT và công tác cán bộ” (http://www.baomoi.com/di-san-cua-ong-dinh-la-thang-bot-va-cong-tac-can-bo/c/23273753.epi), bài báo lập tức gây tiếng vang, có hàng trăm ngàn lượt share, sở dĩ từ trước tới nay ít có tờ báo nào của mạng truyền thống chính thống có thể giật tít, động chạm đến một cán bộ cấp cao đương chức như vậy.
BOT đường bộ cao tốc từ thời của Tư Lệnh Đinh La Thăng đã có quá nhiều bê bối dần được phanh phui, còn công tác cán bộ là thế nào, phần chìm của tảng băng có dần hé lộ...?! Trước hết nhóm điều tra độc lập xin thông tin với quý vị độc giả về ông Nguyễn Đình Việt, đương kim Cục phó Cục Hàng hải Việt Nam.
Theo tìm hiểu của nhóm điều tra độc lập, ông Nguyễn Đình Việt, sinh ngày 19/7/1968, quê quán Kiên Giang, là người bà con với một chính khách nổi tiếng đã đứng đầu chính phủ Việt Nam trong 10 năm (2006 - 4/2016), người mà dân Việt Nam đặt cho ông một biệt danh trìu mến: “đồng chí X”.
Sau khi làm Giám đốc Cảng vụ hàng hải Kiên Giang 10 năm- một chức vụ nhỏ cỡ trưởng phòng, thì theo sự dàn xếp đầy chủ ý của ông Cục trưởng Cục Hàng hải lúc đó là ông Nguyễn Nhật (sau này lên Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải), ngày 9/4/2015 đã được “Tư lệnh” Giao thông-Vận tải Việt Nam lúc đó là ông Đinh La Thăng bổ nhiệm lên chức Cục phó Cục Hàng hải. Xin lưu ý là, ông Đinh La Thăng, cựu Bộ trưởng GTVT - một con người chưa từng một ngày trong quân ngũ nhưng tự coi mình và cũng rất thích được báo chí cũng như đàn em gọi mình bằng “Tư lệnh”.
Nhiều nguồn tin cho hay, khi giới chức của Bộ Giao thông -Vận tải làm quy trình bổ nhiệm ông Việt đã có nhiều ý kiến phản ánh tới “Tư lệnh” Đinh La Thăng và Vụ Tổ chức Cán bộ - một cơ quan quyền lực, chủ chốt nhất trong hệ thống thực thi công vụ, về đề bạt bổ nhiệm cán bộ, rằng ông Nguyễn Đình Việt chỉ có bằng cấp tương đương với Cao đẳng, là trái với quy định bổ nhiệm do chính Bộ GTVT đặt ra là phải có bằng Đại học. Song vị “Tư lệnh” lúc đó với cái thế “dọc ngang nào biết trên đầu có ai” này thể hiện sự quyết đoán, quyết roẹt thăng hàm cấp người bà con của Đồng chí X lên Cục phó.
Cái ngang trái là, Tư lệnh Đinh La Thăng đã ban hành Quyết định 3688/QĐ-BGTVT từ ngày 15/11/2013, quy định về tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý các đơn vị trực thuộc Bộ GTVT. Theo đó, tại điều 5 của Quyết định này nêu rõ “Phó vụ trưởng và tương đương phải có bằng đại học phù hợp với lĩnh vực công tác”.
Theo hồ sơ lý lịch do Bộ GTVT quản lý thì ông Việt chỉ có “Bằng tốt nghiệp hệ ngắn hạn” của Trường Đại học Hàng hải cấp ngày 25/10/1993. Báo Thanh niên và Báo điện tử Vietnamnet ngày 17/12/2016 (http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/tot-nghiep-dai-hoc-ngan-han-van-duoc-lam-cuc-pho-hang-hai-346998.html), bài “Tốt nghiệp “đại học ngắn hạn” vẫn được bổ nhiệm Cục phó”, cùng nhiều báo khác đã đăng tin thì ông Việt khi được bổ nhiệm chưa có bằng đại học.
Cụ thể, Quyết định 590 ngày 8/10/1993 của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, tại điều 13 ghi rõ “ông Nguyễn Đình Việt tốt nghiệp ngành điều khiển tàu biển hệ cao đẳng khóa 1988 – 1991”. Để làm rõ vấn đề, nhóm điều tra độc lập đã tim hiểu kỹ và được biết, tại Công văn số 2480/ĐH hướng dẫn cấp phát văn bằng tốt nghiệp cho hệ “đại học ngắn hạn” của Bộ GD&ĐT ghi rõ: “Bằng Đại học ngắn hạn và Bằng tốt nghiệp cao đẳng do Bộ GD-ĐT phát hành từ năm 1991 trở đi có giá trị hoàn toàn như nhau” (Cổng Thông tin điện tử Chính phủ giải đáp chính sách về việc bằng đai học ngắn hạn tương đương trình độ cao đẳng: (http://chinhsachonline.chinhphu.vn/Chi-tiet-cau-hoi/Bang-dai-hoc-ngan-han-tuong-duong-trinh-do-nao/2450.vgp )
Thời gian ông Việt học tại Đại học Hàng hải là 3 năm (1988-1991), trong khi hệ đại học của Trường đại học Hàng hải có thời gian đào tạo là 5 năm. Tóm lại, ông Nguyễn Đình Việt đã được Tư lệnh Đinh La Thăng bổ nhiệm làm Cục phó khi chưa có bằng đại học như qui định của chính vị Tư lệnh GTVT này.
Quyết định 590 ngày 8/10/1993 của Trường Đại học Hàng hải, mục 13 ghi rõ “ông Nguyễn Đình Việt tốt nghiệp ngành ĐKTB (điều khiển tàu biển) hệ cao đẳng khóa 1988 – 1991, số bằng A 68868.
Bằng tốt nghiệp của ông Nguyễn Đình Việt do Trường Đại học Hàng hải cấp ngày 25/10/1993 ghi rõ hệ “ngắn hạn”, khóa học 1988-1991;
Nói về tầm quan trọng của công tác cán bộ, ông Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã nói “Công tác cán bộ đặc biệt quan trọng, là then chốt của mọi then chốt, nguyên nhân của mọi nguyên nhân”.
Những gì diễn ra qua thực tế trước đây tại Tập đoàn Vinashin hay Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, những khuất tất gần đây trong các dự án BOT đường bộ cao tốc hay vụ thuốc giả VN Pharma, đến đại án Ocean Bank, cho đến những yếu kém trong công tác quản lý tại Đà Nẵng …cho thấy mọi chuyện đều do con người gây ra.
Hẳn những vụ bổ nhiệm cán bộ năng lực yếu kém, không đủ tiêu chuẩn đã và đang diễn ra tại một số Bộ, địa phương… của Việt Nam, trong đó có vụ Tư lệnh Đinh La Thăng thăng hàm Cục phó sai nguyên tắc cho ông Nguyễn Đình Việt là nguồn gốc của hình thành sự tham nhũng.
Tư lệnh ngành GTVT thừa hiểu rằng con người là vô cùng quan trọng, để thực thi những nhiệm vụ của ông, song dẫu biết việc bổ nhiệm là sai phải chăng Tư lệnh Đinh La Thăng vẫn quyết bổ nhiệm Cục phó Cục Hàng hải cho Nguyễn Đình Việt, là sự thể hiện lúc đó, Tư lệnh là vị tướng “chỉ dưới một người mà trên vạn người”? cái nhóm lợi ích bắt gốc rễ từ “quan hệ, hậu duệ, tiền tệ và đồ đệ” hẳn đã hình thành từ đây?!
24/9/2017
0 comments:
Post a Comment