CTV Danlambao - Lúc 12 giờ trưa ngày 27/9/2017, nhà hoạt động Nguyễn Viết Dũng (tên thường gọi Dũng Phi Hổ) đã bất ngờ bị một nhóm an ninh thường khoảng phục hơn chục tên, đi trên xe ô tô và xe gắn máy bắt cóc khi đang ăn trưa tại một quán phở trên địa bàn xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
Khung cảnh vụ bắt người không khác gì một vụ bắt cóc. Những nhân chứng đi cùng Dũng cho biết, trong lúc bắt người, những viên CA đã tuyên bố rằng: "Dũng đang là đối tượng bị truy nã, cần phải bắt". Tuy nhiên, do lo sợ bị người dân phát hiện nên ngay khi vừa khống chế được Dũng, nhóm CA này nhanh chóng tẩu thoát để lại hiện trường một chiếc xe gắn máy đã tháo biển số. Người dân kiểm tra bên trong cốp xe thì thấy có còng số 8, biển số xe giả (37-L1 261.57) và 3 gói… bao cao su.
Chiếc xe CA bỏ lại hiện trường sau khi bắt cóc Nguyễn Viết Dũng.
Kiểm tra đồ đạc trong cốp xe có còng số 8 và... bao cao su.
Ngay sau đó, một nhóm công an xã quay lại hiện trường để hỏi thăm người dân về chiếc xe gắn máy nhưng người dân trả lời rằng họ không biết.
Chiều cùng ngày, cơ quan an ninh điều tra tỉnh Nghệ An đã cho công bố bản thông cáo báo chí có nội dung bắt khẩn cấp Nguyễn Viết Dũng với cáo buộc "Tuyên truyền chống phá nhà nước CHXHCNVN" theo điều 88 bộ luật hình sự cộng sản.
Nguyễn Viết Dũng là ai?
Nguyễn Viết Dũng sinh năm 1986, sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo ở vùng quê Hậu Thành, Yên Thành, Nghệ An.
Trong suốt quảng đời học sinh, Dũng là một học sinh giỏi của tỉnh Nghệ An. Dũng từng đoạt giải nhất tháng cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm 2003-2004. Dũng đậu Đại học Bách Khoa với điểm số khá cao nhưng bị đuổi học vào cuối năm 2006 vì nhận thức chính trị thay đổi.
Ngày 02 tháng 04 năm 2015, Dũng cùng những người bạn công khai thành lập Đảng cộng hòa và Hội những người yêu Quân lực VNCH.
Ngày 12 tháng 04 năm 2015, Dũng cùng nhóm bạn bị bắt ở Hà Nội khi tham gia cuộc biểu tình bảo vệ cây xanh. Những người bạn Dũng được thả sau đó, còn Dũng bị khởi tố theo Điều 245 BLHS với cáo buộc "gây rối trật tự công cộng".
Ngày 14 tháng 12 năm 2015, trong phiên tòa sơ thẩm, Nguyễn Viết Dũng bị nhà cầm quyền CSVN kết án 15 tháng tù giam.
Ngày 11 tháng 03 năm 2016, phiên tòa phúc thẩm, Dũng được giảm án 3 tháng tù giam.
Sau 12 tháng tù giam, Dũng trở về quê và vẫn tiếp tục con đường đấu tranh cho quê hương Việt Nam.
Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2017, hàng chục những nhà hoạt động bị bắt giữ theo các điều 88, 79 BLHS. Cùng với đó là 2 bản án nặng nề lên đến 9 và 10 năm tù giam đối với 2 người phụ nữ đang phải nuôi con nhỏ là Trần Thúy Nga và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Có thể nói, đây là một trong những giai đoạn mà nhà cầm quyền CSVN thực hiện việc bắt bớ, bỏ tù, khủng bố đối với giới hoạt động xã hội mạnh mẽ nhất trong những năm gần đây.
Nhiều ý kiến cho rằng, những hành động khủng bố này phục vụ cho những toan tính của nhà cầm quyền trong thời gian sắp tới:
- Đè bẹp sự đối kháng trong nước để tạo một không gian chính trị “ổn định” khi tổ chức hội nghị thượng đỉnh APEC vào tháng 11/2017 tại Đà Nẵng và Hội nghị TƯ lần thứ 6 của đảng CSVN.
- Càng nhiều Tù nhân chính trị thì càng có nhiều món hàng nhằm đổi chác, thương lượng với các đối tác từ phương tây, Hoa Kỳ: Những nước có xu hướng cổ vũ và hỗ trợ mạnh mẽ cho quá trình dân chủ hóa đất nước.
- Làm hài lòng Bắc Kinh bởi những nhà hoạt động xã hội bị bắt đều lên tiếng, tranh đấu cho vấn đề chủ quyền biển, đảo của dân tộc Việt Nam, tẩy chay mạnh mẽ hàng hóa độc hại, công ty gây ô nhiễm đến từ Trung Quốc. Trong đó, nhà máy Formosa là một ví dụ.
Sẵn sàng đi tù
Vụ bắt giữ mới nhất chỉ xảy ra sau khi người thanh niên 31 tuổi này mãn hạn tù được khoảng hơn một năm. Hồi năm 2015, Nguyễn Viết Dũng từng bị chế độ CS bỏ tù 15 tháng tù giam với cáo buộc “Gây rối trật tự công cộng” chỉ vì mặc quân phục Việt Nam Cộng Hoà đi biểu tình ôn hoà phản đối vụ chặt phá cây xanh tại Hà Nội.
Bình luận về vụ bắt người mới nhất lần này, cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên bình luận:
“Như vậy là sau hơn một năm mãn hạn tù trước, Dũng bị bắt trở lại. Lần này, Dũng bị gán ghép điều 88 " tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam", một điều luật tuỳ tiện và mơ hồ cho phép công an bắt giam bất cứ công dân nào bày tỏ một cách ôn hoà quan điểm đối lập với đảng cộng sản.
Nói như cựu TNLT, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa thì công an CSVN quá lười biếng và bất tài, chỉ nhăm nhe bắt các cựu TNLT, chứ chả chịu "điều tra", tìm kiếm những người hoạt động mới mà bắt.
Tuy nhiên, đọc cái gọi là "Thông cáo báo chí"- chứ không phải Lệnh bắt, của Cơ quan an ninh điều tra CA tỉnh Nghệ An, tôi không khỏi ghê tởm khi bọn họ khẳng định việc bắt là đúng quy định của bộ luật tố tụng hình sự. Đây rõ ràng là hành vi "bắt cóc", thể hiện sự hèn hạ và ám muội của phía côn an chứ ko phải "bắt" theo cách diễn giải thông thường. Những kẻ thực hành luật rừng ( chả biết trình độ nghiệp vụ kiểu gì) trong cơn vội vã đã bỏ lại chiếc xe gắn máy. Trong cốp xe có còng số 8, biển số xe, một số giấy tờ và cả.... bao cao su nữa.
Sau Nguyễn Viết Dũng, hẳn là còn nhiều cựu TNLT khác và cả những người tù dự khuyết là lựa chọn của nhà cầm quyền thời gian tới. Nhưng cũng giống như Dũng, hình như ai cũng đang trong tư thế sẵn sàng đi tù thì phải.”
Đồng quan điểm với Phạm Thanh Nghiên, blogger Huỳnh Anh Tú chia sẻ thêm:
“Án tù lần này đối với Dũng, và đối với nhiều anh chị em khác hẳn là rất nặng nề. Nhưng tôi tin là một thanh niên yêu nước, đầy lòng nhiệt huyết như Dũng đã chuẩn bị trước tinh thần để đón nhận những hiểm nguy và thử thách đang đợi phía trước. Dũng quý vợ chồng tôi. Em từng lặn lội từ Nghệ An vào tận Sài Gòn thăm hỏi vợ chồng tôi và vì thế tôi có dịp hàn huyên với em. Đối với tôi, Dũng là người mạnh mẽ, nhiệt tâm, đôi khi hơi vội vã trong cách nhìn nhận và hành động. Chính điều này khiến tôi lo lắng cho Dũng. Nhưng dù sao, tôi vẫn tin ở em. Tin ở bản lĩnh của một chàng trai yêu nước và đầy hoài bão.”
28.09.2017
CTV Danlambao
28.09.2017
CTV Danlambao
0 comments:
Post a Comment