Author: Thanh Phương | Source: RFI | Posted on: 2017-09-12 |
Tàu mang cờ Trung Quốc (P) bị hải quân Indonesia chặn kiểm tra trong vùng biển gần quần đảo Natuna. Ảnh 17/06/2016Foto/Handout/Indonesian Navy/ via REUTER
ặc dù không phải là quốc gia có tranh chấp trực tiếp với Trung Quốc về chủ quyền ở Biển Đông, nhưng Indonesia cũng đang có những hành động kiên quyết hơn trước tham vọng bành trướng của Bắc Kinh ở vùng biển này. Đó là nội dung một bài báo được đăng trên trang mạng tờ nhật báo The Straits Times của Singapore hôm nay, 11/09/2017.
Trong suốt nhiều thập niên, chính sách chính thức của Jakarta vẫn là Indonesia không phải là một bên tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, khác với các nước láng giềng Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.
Thế nhưng, giữa Indonesia và Trung Quốc đã từng xảy ra 3 vụ đụng độ trên biển vào năm 2016, trong đó có vụ chiến hạm Indonesia bắt giữ một tàu cá Trung Quốc và các thuyền viên của tàu này. Những vụ đó xảy ra ngay trong vùng đặc quyền kinh tế chung quanh quần đảo Natuna của Indonesia. Nguyên nhân là vì, đối với Bắc Kinh, hai nước có tuyên bố chủ quyền chồng lấn trên biển, điều mà Jakarta vẫn cực lực bác bỏ. Indonesia cũng phản đối việc Trung Quốc gộp vùng biển chung quanh quần đảo Natuna của nước này vào khu vực “đường lưỡi bò” hay còn gọi là “đường 9 đoạn” mà Bắc Kinh tự vạch ra để khẳng định chủ quyền.
Vào tháng 7 vừa qua, chính phủ Jakarta đã đặt lại tên vùng biển phía bắc vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia trên Biển Đông là Biển Bắc Natuna. Đây là khu vực có hoạt động khai thác dầu của Indonesia. Bắc Kinh đã ngay lập tức đã phản ứng, cho rằng hành động nói trên của Inodnesia là “hoàn toàn vô nghĩa”. Nhưng theo giới quan sát, việc đặt tên Biển Bắc Natuna chính là nhằm bác bỏ yêu sách “ đường 9 đoạn”của Trung Quốc.
Ngoài việc đặt tên Biển Bắc Natuna, từ năm ngoái, Indonesia cũng đã tăng cường sự hiện diện quân sự trên trên quần đảo Natuna và dự kiến triển khai các chiến hạm đến khu vực này. Chính quyền Jakarta dự trù mở rộng hải cảng trên đảo chính của Natuna để có thể tiếp nhận các tàu lớn hơn, đồng thời nối dài thêm phi đạo tại căn cứ không quân tại đây để các phi cơ lớn hơn có thể sử dụng.
Như nhận định của chuyên gia Ian Storey, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, Indonesia coi như đã trở thành một bên tranh chấp ở Biển Đông và theo ông “công nhận thực tế này càng sớm thì càng tốt”.
Giáo sư Frega Ferdinand Wenas Inkiriwang, Đại học Quốc phòng Indonesia, cũng cho rằng với việc đặt tên Biển Bắc Natuna, Indonesia đã gián tiếp trở thành một bên tranh chấp ở Biển Đông. Nhưng chuyên gia Aaron Connelly, Viện Chính sách Quốc tế Lowy, Sydney, thì lại cho rằng việc đặt tên nói trên chưa thật sự biến Indonesia thành một quốc gia tranh chấp ở vùng biển này.
Nhưng rõ ràng mặc dù Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại lớn nhất cũng như là một trong những nhà đầu tư hàng đầu ở Indoniesia, Jakarta không ngần ngại thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, bởi vì họ tìm cách kiểm soát một vùng biển giàu tài nguyên dầu khí và nguồn cá, và cũng vì đây là vấn đề toàn vẹn lãnh thổ.
Thái độ kiên quyết của Indonesia trái ngược với thái độ có phần nào hòa hoãn, nhất là của Philippines, trong tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông.
---------
0 comments:
Post a Comment