Lãnh đạo Việt Nam đã gửi điện chúc mừng ngày Quốc khánh của nước Cộng
hòa Nhân dân Trung Hoa để rồi nhận tin Trung Quốc tổ chức Quốc khánh
rầm rộ ở Tam Sa trên quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
Theo
trang web của chính phủ Việt Nam, nhân dịp lần thứ 63 Quốc khánh Trung
Quốc (1/10/1949 – 1/10/2012), lãnh đạo Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt
Nam đã gửi điện mừng tới lãnh đạo Trung Quốc.
Điện mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn
Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã
được gửi từ hôm 30/9 tới Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và các lãnh đạo khác như
ông Ngô Bang Quốc và Ôn Gia Bảo.
Một ngày sau đó, báo chí Trung Quốc đưa tin lễ mừng Quốc khánh nước
này được tổ chức cho quân và dân trước cơ quan hành chính mới là Tam Sa
trên đảo Vĩnh Hưng (Phú Lâm) thuộc quần đảo Tây Sa mà Việt Nam gọi là
Hoàng Sa.
Báo Thanh Niên, bản điện tử ở TPHCM có bài ngắn gọi buổi lễ này là hành động “vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa” nhưng không thấy các tranh web của Đảng hoặc chính phủ Việt Nam nói gì về vụ việc.
Có thể các điện thư chúc Quốc khánh chỉ là thông lệ ngoại giao thường
có giữa các quốc gia, như lời chúc của Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Hillary
Clinton tới Việt Nam nhân ngày 2/9 năm nay.
Nhưng trong bối cảnh quan hệ Trung – Việt được dư luận coi là ‘nhạy
cảm’, câu chuyện Trung Quốc làm lễ Quốc khánh ở Tam Sa đã khiến một số
tờ báo trong nước và nhất là cộng đồng mạng tiếng Việt tỏ thái độ.
‘Vận mệnh tương thông’
Trong khi các ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đang có kỳ
họp kín hai tuần để bàn về các vấn đề nội bộ quan trọng, diễn biến mới
nhất trong quan hệ Việt-Trung là chuyến thăm đến Trụ sở Chính phủ tại Hà
Nội của Đại sứ Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu.
Báo chí nhà nước tại Việt Nam chỉ đưa tin ông Khổng đã đến thăm chiều
ngày 2/10 và được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đón tiếp nhưng không
nêu rõ chi tiết trao đổi hai bên.
Một nhà quan sát các vấn đề Trung Quốc từ Hà Nội nhận xét với BBC về chuyến thăm của Đại sứ Khổng rằng “Điều
họ nói gì thì chưa biết và tôi cũng không để ý. Vấn đề lớn [của Việt
Nam với Trung Quốc] bây giờ là: những ai chủ trương”nhượng bộ” những ai
“cứng rắn” và những ai “đúng mức” trong ứng xử với họ,”
Ông cũng cho biết ý kiến riêng về chủ đề này:
“Khó phán đoán chính xác, nhưng hình như “nhượng bộ” có phần
chiếm ưu thế. Trung Quốc đang vướng Đại hội 18 và “khó nuốt” vấn đề
Senkaku với Nhật, nên “tạm thời” dịu ở Biển Đông. [Tuy thế], sắp tới họ
không để yên đâu.”
Cũng mới cuối tháng 8, cơ quan ngoại giao Việt Nam ở Trung Quốc đã
làm lễ kỷ niệm 67 năm Quốc khánh Việt Nam 2/9/1945-2012 trong tinh thần
về tình đoàn kết hữu nghị được Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nêu ra.
Theo Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc ( CRI), Đại sứ Việt Nam Nguyễn Văn Thơ đã phát biểu tại buổi lễ hôm 31/8 ở Bắc Kinh đã trích lời ông Hồ Cẩm Đào từng nói rằng “Hai nước Việt – Trung sơn thủy tương liên, văn hóa tương đồng, lý tưởng tương thông, vận mệnh tương quan’.
Bài diễn văn của Đại sứ Thơ trước Thứ trưởng Ngoại giao Phó Doanh của
Trung Quốc và hơn 400 quan khách cũng nói kinh ngạch thương mại hai bên
năm 2011 đã đạt trên 40 tỷ USD, và hiện có hơn 13 nghìn sinh viên Việt
Nam đang học tập tại các trường đại học Trung Quốc.
Ông Thơ cũng nói về “nhận thức chung quan trọng của lãnh đạo cấp
cao hai nước, trong đó có thỏa thuận ‘Những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo
giải quyết vấn đề trên biển’ sẽ giúp hai nước từng bước tìm ra giải pháp
phù hợp cho vấn đề tồn tại lớn còn lại là vấn đề Biển Đông”.
Trong số các cuộc gặp lãnh đạo hai bên gần đây nhất có chuyến thăm
Trung Quốc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập
Cận Bình.
Cuộc gặp chiều 20/9 diễn ra trong dịp ông Dũng tham dự hội chợ ở thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây.
Thông Tấn xã Việt Nam nói cuộc gặp có mục tiêu “trao đổi những phương hướng lớn thúc đẩy quan hệ hai nước trong thời gian tới”.
BBC
0 comments:
Post a Comment