Có lẽ dị ứng nhất là những người Công Giáo kính chúa yêu nước. Vì đạo Thiên chúa là đối tượng bị đảng Cộng sản giám sát và đàn áp nhiều nhất trong tất cả các tôn giáo ở Việt Nam. Nguyên nhân thì thật dễ hiểu, cộng sản là những kẻ vô thần nên họ không bao giờ chấp nhận các tín ngưỡng. Một lý do nữa là người Công giáo kính Chúa, vì thế mà nhà nước sợ hình ảnh độc tôn của ông Hồ Chí Minh bị soán ngôi. Vì rằng kẻ độc tài tồn tại là dựa trên sự tuân phục và sợ hãi của dân chúng. Bởi vậy cho nên, một mặt thì đảng Cộng sản xây dựng hình tượng lãnh tụ cho ông Hồ cao hơn cả Đức Chúa trời toàn năng. Một mặt thì họ cai trị đất nước bằng bàn tay sắt. Có như vậy thì người mọi thành phần dân tộc cũng như người Công giáo mới tuân phục đảng được. Nhưng đối với những người kính chúa yêu nước thì họ không bao giờ bán rẻ đức tin, dù cho kẻ bạo quyền luôn doạ dẫm và ép buộc.
Chú Đà là con chiên ngoan đạo nên trong lòng chú luôn có Chúa, và chỉ biết có chúa mà thôi. Đối với lớp trẻ thì có thể nói chú là một pho sử sống về lịch sử Công giáo địa phương. Những câu chuyện của chú dẫn dắt chúng tôi trở về những năm tháng thời Pháp thuộc, cho đến những nổi khổ của quê hương kể từ khi đảng Cộng sản cai trị đất nước.
Cánh trẻ chúng tôi thường tập trung uống trà và tán gẫu những lúc rỗi. Mọi người (mà phần lớn là anh em người Công giáo) nói đủ thứ chuyện, nhưng có một chủ đề không ai hẹn mà gặp: Ấy là sự phi lý của chế độ Cộng Sản. Thường thì chúng tôi tán chuyện một cách rôm rả, một lúc sau thì chú Đà lại có mặt để góp chuyện. Tuy đã ngoài 60 nhưng chú là người vui tính và hóm hỉnh, hàm răng đã rụng đôi chiếc trông ngồ ngộ. Ấy nhưng khi nhắc đến nhà nước Cộng Sản thì nét mặt chú như đông cứng lại vì giận dữ và ánh mắt thì long lên sòng sọc.
Chú Đà thường mặc chiếc quần cộc và đội chiếc nón lá rộng vành như một lão nông chính hiệu. Cứ thấy dáng chú lững thững đi vào là cánh trẻ lại ùa lên thích thú. Kẻ thì túm tay, người thì giật áo mời chú ngồi. Nhiều khi vì sự hiếu khách thái quá mà thành ra chú bị xô đẩy như là một minh tinh màn bạc vậy. Những lúc như thế, chú lại vênh mặt lên làm điệu bộ và nói với một giọng điệu vừa đùa cợt vừa doạ dẫm:
- Buông ra không thì tao hô: “Đảng Cộng Sản muôn năm!” bây giờ!…
Nói xong chú lại nhe hàm răng sún ra cười.
Mấy người có mặt nghe thấy vậy thì mặt ai cũng như chàm đổ, vội chắp tay vái chú:
- Chúng con lạy bố. Bố mà hô câu khẩu hiệu đó thì chúng tôi sẽ chết ngay bây giờ cho mà xem!
Chú Đà lại nhe răng cười đắc ý. Chú biết ở đây ai cũng ghét Cộng Sản, vì vậy mà thường dọa như vậy để trêu họ chơi. Và vòng quay vẫn vậy, cứ thấy chú xuất hiện là họ lại không dấu được sự phấn khích và lôi kéo, lúc ấy chú lại doạ hô khẩu hiệu như là một thứ vũ khí để khắc chế sự hâm mộ thái quá này. Lúc thì chú doạ hô “Đảng Cộng sản muôn năm!”, lần khác thì doạ “Hồ chủ tịch muôn năm!”. Mỗi lần như vậy, cánh trẻ lại vái lạy chú như tế sao, và chú lại mỉm cười một cách khoái trá. Cũng vì vậy mà mọi người đặt cho chú cái tên: Chú Đà Khẩu hiệu.
Những câu chuyện của chú Đà kể khiến mọi người xúc động, tuy là những chuyện xảy ra từ hồi chúng tôi còn bé hoặc chưa ra đời.
Ấy là chuyện phân biệt người Công Giáo do
nhà nước Cộng sản phát động để chia rẽ Lương – Giáo. Thời ấy (khoảng
trước và sau năm 1975) nhà nước luôn coi các nhà thờ là những trung tâm
chống Cộng, họ kích động dân chúng nói xấu và tẩy chay người Công Giáo.
Vì vậy mà người Công giáo rất khó làm ăn, cũng như con cái ít được học
hành. Những người dân bình thường và giáo dân chẳng có căm ghét gì nhau,
nay vì đảng Cộng Sản mà thành hai chiến tuyến hận thù. Nhiều khi sự mâu
thuẫn được đẩy cao đến mức xẩy ra xung đột. Chính quyền địa phương đánh
trống ngũ liên để tập trung dân quân và những phần tử kích động tấn
công nhà thờ. Phía nhà thờ thì kéo chuông báo động, giáo dân liền cầm
gậy gộc và bất kể thứ gì có thể để kéo đến bảo vệ nhà thờ và đức tin.
Trước sự đoàn kết của giáo dân, những kẻ côn đồ chính quyền đành phải
hậm hực rút lui. Tuy vậy nhưng cuộc sống vẫn trong vòng tăm tối vì sự
kích động hận thù thường xuyên từ phía chính quyền. Rồi chú lại vuốt râu
vẻ tự hào:
- Hồi đó chú còn trẻ, cũng cầm gậy trong số những người bảo vệ nhà
thờ. Oai hùng lắm, như những chiến binh thực thụ. Mình bảo vệ đức tin
của mình, nào có sợ gì!
Việt Cộng đập nát tượng Đức Mẹ tại Giáo điểm Con Cuông, Nghệ An, tháng 7-2012.
Nhiều người công giáo yêu nước bị bắt, điều này nằm trong chính sách
“Diệt tôn giáo” của nhà nước Cộng sản. Nhà nước tìm mọi cách để hạ thấp
vai trò của tôn giáo để bắt mọi người tôn sùng ông Hồ Chí Minh và học
thuyết Cộng sản hoang tưởng.Chú Đà thường hồi tưởng về những năm tháng của thời xa xưa. Theo chú, thời Pháp thuộc tuy là kẻ xâm lược nước mình nhưng họ làm cái gì cũng tốt. Những công trình như đập nước thuỷ lợi hay đường sá giao thông đến bây giờ gần cả thế kỷ mà vẫn tốt. Trong khi nhà nước Cộng sản bây giờ nói là nhà nước của dân nhưng làm cái gì cũng dối trá. Các công trình nhà nước thi công thì bị tham nhũng và làm ẩu, vừa mới đưa vào sử dụng đã bị hư hỏng nặng. Người dân mà lên tiếng phản đối thì bị họ trù dập và đe doạ. Thực là không còn hiểu thế nào nữa? Những lúc ấy chú lại thở dài:
- Chú già rồi, không biết còn sống để được thấy cái chế độ tàn ác và phi lý này nó sụp đổ không nữa?
Mấy thanh niên liền nhao nhao:
- Ông cứ yên tâm đi, chỉ ít năm nữa là chúng nó sụp đổ thôi. Không lẽ cứ lừa dối và đàn áp người dân được mãi sao!?…
Chú lại nói:
- Hy vọng là vậy, mong cho đời các cháu có được tự do và hạnh phúc!
Rồi chú lại nheo nheo đôi mắt, cho những dòng hồi tưởng xa xăm hiện về: “Các cháu có biết không? Chưa kể hồi xây dựng hợp tác xã, người ta bắt mọi người đi làm sau đó chia cho mỗi người một ít sản phẩm. Cứ đánh kẻng là đi làm, hết giờ lại đánh kẻng để nghỉ. Người siêng năng hay kẻ lười biếng đều hưởng thành quả như nhau, vì vậy mà mọi người mất hết sự phấn đấu, ai cũng làm việc để đối phó. Thời gian dành hết cho hợp tác xã, mọi người không làm gì được để kiếm ăn, cả nhà đành sống nheo nhóc và đói khổ. Ai muốn làm thêm gì cũng không được, vì bị đội quản lý thị trường cho là buôn lậu. Họ tịch thu hết hàng hoá và bắt giam luôn cả người. Nhiều người làm bánh mang ra chợ bán, bị đội quản lý thị trường mang đổ cả xuống ruộng. Ai cũng âm thầm gạt nước mắt mà chịu đựng, vì ai lên tiếng phản đối thì họ cho là chống Bác Hồ, chống chế độ. Bất cứ ai buôn bán thứ gì đều bị họ bắt và tịch thu, trong khi con cái ở nhà thì đang khóc khản cổ vì đói. Những kẻ gọi là Cán Bộ này vẫn ngang nhiên nhân danh Đảng và Bác Hồ để cướp đi cái ăn của dân, không biết chúng có còn là con người không nữa?”. Kể đến đây, nước mắt chú đã chảy dài tự lúc nào. Chúng tôi thì ngậm ngùi và thấy cay cay nơi khoé mắt. Ôi! cái thời đại mà người ta vẫn ra rả tuyên truyền là vẻ vang nhất trong lịch sử dân tộc là như thế này sao?. Thực là lừa bịp và giả dối mà!.
Là người vui tính nên chú Đà thường nhanh quên đi những câu chuyện buồn mình thường kể. Lúc nào chú cũng là người hóm hỉnh để được cánh trẻ yêu quý và hâm mộ. Cũng vì thế mà chú hay đến để mà trò chuyện với chúng tôi, như một người trẻ thực thụ. Đang bàn tán xôn xao, thoáng thấy chú Đà đi vào, chúng tôi reo lên:
- A! Chú Đà Khẩu hiệu đây rồi! Hôm nay có chuyện gì hay không chú?
Rồi kẻ lại tóm tay, người kéo áo. Chú vừa vùng ra vừa vênh mặt lên cười và doạ:
- Buông ra, không tao lại hô khẩu hiệu bây giờ!…
Minh Văn, 2.9.2012
0 comments:
Post a Comment