Sunday, February 12, 2012

Vĩnh biệt nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân

Vào đầu Xuân Nhâm Thìn, một nghệ sĩ tài hoa, lại biết đấu tranh cho dân tộc, vừa yên nghỉ thực sự sau 40 năm sáng tác nhạc, để lại trong lòng người bao tiếc thương và ngưỡng mộ... Nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân đã qua đời lúc 10 giờ sáng Thứ Bảy, 21/1/2012 (theo giờ địa phương ở California, USA), hưởng thọ 70 tuổi.

Nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân tên thật là Trần Nhật Ngân, đã viết chung vài ca khúc với Trần Trịnh và Lâm Đệ, nên lấy biệt hiệu là Trịnh Lâm Ngân. Trước và sau năm mất nước 1975, ông sáng tác hơn 200 nhạc phẩm, đa dạng về thể loại: Thiếu nhi, tình yêu, cảm xúc, người lính Việt Nam Cộng Hòa, và quê hương Việt Nam trong chiến tranh. Ông còn chuyển thơ thành nhạc và đặt lời Việt cho các bài hát ngoại quốc, nhất là ngay sau khi đến Hoa Kỳ. Rồi sau đó, khi các trung tâm âm nhạc Việt ở hải ngoại ra đời, nhạc Việt trở nên phồn thịnh, ông có cơ hội sáng tác nhiều hơn, nhất là so với trong nước sau năm 1975, dưới chế độ Cộng Sản độc tài, nhiều nhạc sĩ không được phép viết nhạc tự do như trước. Cố Nhạc Sĩ Nhật Ngân nên phải ngưng hẳn, hoặc viết nhạc vớ vẩn theo lệnh đảng, để mà sống... Thật quá uổng phí cho các nhân tài không được nói thật lòng mình và không được phát triển đúng khả năng.

Ông Nhật Ngân sinh năm 1942 ở Thanh Hoá, Miền Bắc, nhưng lớn lên, sống, và làm việc ở Huế và Đà Nẵng, Miền Trung, vì cha ông là công chức được di chuyển vào làm việc ở Huế từ năm 1952 cùng với gia đình, rồi mất. Cả thời tuổi trẻ và sinh hoạt văn nghệ của ông ở Quảng Nam-Đà Nẵng, nên ông yêu mến xứ Quảng, và nhiều người Quảng Nam-Đà Nẵng gọi ông là “dân xứ Quảng” thì cũng đúng thôi.
Rồi ông vào Sàigòn, học trường Trung Học Võ Trường Toản, ở Quận Nhất, đậu Tú Tài. Ông trở về Đà Nẵng dạy Việt Văn và Âm Nhạc ở trường Trung Học Tư Thục Phan Thanh Giản.

Năm 1965, ông gia nhập quân đội VNCH, làm việc tại Cục Tâm Lý Chiến, lúc 24 tuổi. Năm 1966, ông được chuyển đến Hóc Môn, ngoại ô Sàigòn, làm Trưởng Ban Văn Nghệ ở Trung Tâm Huấn Luyện Bộ Binh Quang Trung. Năm 1969, 28 tuổi, ông lập gia đình với cô Mai Nương. Sau ngày mất nước 30/4/1975, ông bị sống 7 năm đau buồn trong chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa (mà nhiều người dân Miền Nam gọi là Xạo Hết Chỗ Nói hoặc Xếp Hàng Cả Ngày). Năm 1982, ông vượt biên một mình và được tỵ nạn ở Thái Lan. Năm 1984, ông được vào Hoa Kỳ, gia đình ca sĩ Thanh Thúy bảo trợ ông sống ở phía bắc Hollywood. Ông sống bằng nghề làm báo và phổ thơ thành nhạc, rồi tăng dần việc sáng tác nhạc, theo ý thích, cùng với sự phát triển của âm nhạc hải ngoại từ khoảng năm 1988, nên số lượng sáng tác của ông ở hải ngoại nhiều hơn lúc ông còn bị áp chế trong nước. Ông cũng là giám khảo nhiều cuộc thi tuyển lựa ca sĩ ở Vùng Little Saigon, CA. Năm 1990, vợ con ông sang đoàn tụ, ông hy sinh, làm việc vất vả hơn để nuôi vợ con đi học, trong khi có những người chồng hoặc gia đình chồng cản trở việc học của người vợ hoặc con dâu. Kết quả thành công: vợ ông trở thành một y tá; trưởng nữ của ông tốt nghiệp Cử Nhân Âm Nhạc ở Đại Học Fullerton, CA; Thứ Nam học Dược; Cậu Út tốt nghiệp Điện Toán. Ông Nhật Ngân ngã bệnh ung thư bao tử vào năm 1992, bị cắt bao tử mất 2/3. Nhưng nhờ biết chấp nhận hoàn cảnh và lạc quan, vui sống với những gì mình đang có với vợ con, tập thể dục, dưỡng sinh, chơi quần vợt, ông hồi phục dần và tiếp tục sáng tác nhạc ở hải ngoại cho đến khi mất vào đầu năm 2012, không hề trở lại xứ Việt Nam CS, trình diễn kiếm tiền thêm, như một vài nghệ sĩ khác...

Nhạc sĩ Nhật Ngân là một Mẫu Mực Hy Sinh, đáng làm gương cho giới nghệ sĩ cũng như cho các bậc cha mẹ, nhất là những người đã từng sống dưới thời Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Bởi vì trước khi trở thành ca sĩ, nhạc sĩ, văn sĩ, thi sĩ..., họ là một con người (a human being), rõ hơn, họ là một người dân (a citizen) của một chế độ, trong một đất nước. Vậy những người công dân nghệ sĩ đó, cũng phải có trách nhiệm và bổn phận với chế độ và đất nước đã cưu mang họ, đã cho họ được sinh sống bình yên, ăn học đầy đủ, khôn lớn, biết chữ nghĩa, biết viết, đọc, ca hát... Cho nên, thật quá dễ dãi, nông cạn, và thiếu suy nghĩ khi cho phép “nghệ sĩ” có đặc quyền - chỉ ... ca hát, viết nhạc, viết sách báo kiếm tiền; mà không cần phải đáp lễ và chung thủy với lý tưởng của những người đã hy sinh cho họ được tự do ca hát và hưởng thụ tự do như ngày nay. Nếu họ thiếu suy nghĩ, nhiệm vụ của mỗi người công dân tốt là nhắc họ nhớ lại và suy nghĩ lại... tư cách của một nghệ sĩ chân chính, bằng cách không mời họ đến ca hát ở địa phương.

Về tác phẩm, các ca khúc của nhạc sĩ Nhật Ngân được phổ biến sâu rộng trong tâm hồn và trái tim người Việt, từ trong nước ra đến hải ngoại, mở đầu là Tôi Đưa Em Sang Sông (viết chung với Y Vũ) vào năm 1960, lúc ông mới 18 tuổi, chưa nhập ngũ. Có vài bàn luận về bài hát nầy, riêng cá nhân tôi, người viết bài, ủng hộ hoàn toàn nội dung lời hát (lyrics) sau khi được nhạc sĩ Y Vân sửa lại chút ít với hình ảnh người lính trong mưa gió, lúc đó. Xin cám ơn nhạc sĩ Y Vân. Bởi vì lẽ nào giữa sự đau thương ngập tràn của dân tộc Miền Nam đang khi chiến đấu chống Việt Cộng ồ ạt xâm lăng từ Miền Bắc trong 25 năm (1950-1975), mà người nghệ sĩ chỉ biết than khóc cho mối tình dang dở riêng tư - vì thời đó, cha mẹ người yêu muốn con gái lấy chồng có danh phận hơn? Đối với cá nhân tôi, những lời ca thật là dễ nhớ và tuyệt vời:

Rồi thời gian lặng lẽ trôi,
Đời tôi là chiến binh,
Đi khắp phương trời...
Mà đời em là ước mơ,
Đẹp muôn ngàn ý thơ,
Như ngóng trông chờ...
Hôm nao, em sang ngang
Bằng xe hoa thay con thuyền...
Nàng đã thay một lối về,
Quên cả người trong gió mưa...

Thật vậy, trước năm 1975, hình ảnh người lính VNCH có tinh thần trách nhiệm, tự ý bám trụ nơi trận mạc, dù được giấy phép về thăm nhà khi Xuân về, nhưng vẫn ở lại để sống chết với chiến hữu, đã được thể hiện qua những lời lẽ chân tình của Con Trai nói với Mẹ, qua ca khúc Xuân Này, Con Không Về của ông:

Con biết không về, Mẹ chờ, em trông...
Nhưng nếu con về, bạn bè thương mong.
Bao lứa trai cùng chào Xuân chiến trường,
Không lẽ riêng mình yên ấm?
Mẹ ơi, con Xuân này, vắng nhà
Mẹ thương con, xin đợi ngày mai...

Không phải người lính VNCH chỉ biết “hận thù” (như tuyên truyền gian dối của VC), không biết yêu, và không nhớ quê nhà; nhưng họ biết kiên nhẫn, dằn lòng chờ đợi, vì một mục tiêu cao cả hơn cho tương lai của đất nước. Nói một cách khác, họ chờ đến Ngày Thanh Bình tươi sáng, thực sự trong vinh quang, chứ không phải thứ Hòa Bình đen tối, đầy áp bức, bất công, và tham nhũng (như sau năm 1975 đến nay), để họ có thể về quê, đoàn tụ trong hạnh phúc đơn sơ, nhưng bình yên và êm ấm thật sự với gia đình. Hãy nghe những Mơ Ước làm lại cuộc đời của họ, đầy tình nghĩa và đạo đức với cha mẹ và người yêu, cùng Lời Tri Ân các chiến hữu đã nằm xuống cho họ được sống tự do an lạc trong Ngày Quang Phục tương lai của quê hương, sau khi Giã Từ Vũ Khí:
...
Rồi anh sẽ dựng căn nhà xưa.
Rồi anh sẽ đón cha mẹ về.
Rồi anh sẽ sang thăm nhà em,
Chăm lại vườn cau, ta làm lại từ đầu.
Rồi anh sẽ dìu em tìm thăm
Mộ bia kín trong nghĩa địa buồn.
Bạn anh đó, đang say ngủ yên.
Xin cám ơn, xin cám ơn, người nằm xuống...

Nhưng tác phẩm nổi tiếng nhất sau năm 1975 của chiến sĩ Nhật Ngân, được can đảm viết ngay trong lòng địch, và được dân Miền Nam tự nguyện “xuất bản” bằng cách chuyền tay nhau, đã trực-diện thách đố kẻ thống trị Miền Bắc, luôn luôn “giải phóng” tài sản của dân Nam hằng ngày bằng cướp bóc, ngày và đêm, với một câu hỏi minh bạch: Anh Giải Phóng Tôi, Hay Tôi Giải Phóng Anh?

Nếu tôi có được phép thần thông
Tôi sẽ đưa anh đi thăm Sài Gòn 5 năm về trước
Để cho anh thấy được
Anh giải phóng tôi, hay tôi giải phóng anh?
om: http://www.lyricenter.com/v8540-trinh_lam_ngan~_lyrics.html ]
Tôi sẽ đưa anh đi thăm Sài Gòn
Từ lầu cao, từ phố đông
Cho tới nơi hang cùng ngõ hẹp
Bùn lầy đọng một chút tối tăm.

Tôi sẽ đưa anh hỏi thăm từng nhà
Họ sung sướng không, họ có mong anh,
Mong các anh về “giải phóng”, không anh ?

Biết anh có chợt nghĩ gì không ?
Khi thấy quanh anh, bao nhiêu nụ cười trên môi chợt tắt.
Và anh ơi ! thấy gì?
Ôi ! Hạnh phúc đâu?
Ôi ! Giải Phóng đâu?


Xin để những lời ca ý-nghĩa trên đây của nhạc sĩ Nhật Ngân kết thúc bài viết hôm nay về ông, một con người vừa có tài vừa đầy chí khí quật cường, trong sự nhớ tiếc và cảm phục những nghệ sĩ Việt Nam như ông, còn giữ được lương tâm, trong thời buổi vật chất, danh lợi, và chóng quên này...

Xin nhạc sĩ hãy giã từ vũ khí - để yên nghỉ trong một thế giới Hòa Bình thực sự với tình thương chân thật.

Ngày 12/2/2012
GS Trần Thủy Tiên – M.S in Counseling & Guidance

.................................................................................................................................

Tài Liệu Tham Khảo:

Văn Nghệ Người Sài Gòn - http://my.opera.com/khaisang2002/blog/2012/02/02/n
http://www.dutule.com/D_1-2_2-94_4-4064_5-4_6-1_17-140_14-2_15-2/
http://thoibao-online.com/ngi-vit-nm-chau/5140-nhc-s-nht-ngan-qua-i
http://dtphorum.com/pr4/showthread.php?995-
http://music.forvn.com/show/451182/t...t-nam-cd2.html
http://www.vietlandnews.net/forum/showthread.php?t=17801

0 comments:

Powered By Blogger