Friday, February 24, 2012

Quốc tế vẫn dè dặt không dám can thiệp võ trang vào Syria như ở Libya

Tác Giả: Trọng Nghĩa

Hiện thời, lực lượng võ trang Syria cho thấy là họ vẫn hoàn toàn ủng hộ chế độ của Tổng thống Al-Assad.


Các quân nhân Syria bỏ ngũ, thuộc lực lượng Quân đội Syria Tự do bên cạnh một chiếc xe tăng lấy được từ quân chính phủ tại Al Qusayr ngày 23/02/2012.
REUTERS/Samuel Jamison

Diễn biến tình hình tại Syria không khỏi gợi lại những gì đã xảy ra tại Libya vào năm ngoái. Kịch bản rất giống nhau : tại một quốc gia Ả Rập, một chính quyền độc tài không ngần ngại dùng súng đạn đàn áp người dân chống lại chế độ.

Thế nhưng có một điểm khác nhau cơ bản : Nếu trong trường hợp Libya, phương Tây đã nhanh chóng mở chiến dịch quân sự tấn công vào chế độ Kadhafi, thì tại Syria, bất kể thực tế là hàng ngàn thường dân vô tội đã bị sát hại, phương Tây cho đến nay vẫn bác bỏ khả năng can thiệp võ trang chống chế độ Al-Assad.

Với tình hình ngày càng xấu đi thêm, đặc biệt trong những tuần lễ gần đây, câu hỏi được nhiều người đặt ra vì sao quốc tế - chính xác ra là phương Tây - lại dè dặt không dám can thiệp quân sự vào Syria như họ đã từng làm trong trường hợp Libya.

Một trong những lời giải thích thường xuyên được đưa ra là không có sự đồng thuận quốc tế.

Vào năm 2011, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã thông qua được một nghị quyết áp đặt một vùng cấm bay tại Libya và cho phép sử dụng « mọi biện pháp cần thiết » để bảo vệ người dân chống lại Kadhafi.

Tuy nhiên, về Syria, cho đến giờ này, các dự thảo nghị quyết luôn luôn vấp phải quyền phủ quyết của Trung Quốc và Nga, hai đồng minh của Damas.

Theo giới quan sát, vốn cực lực chống lại mọi hành động can thiệp võ trang vào một nước có chủ quyền, Bắc Kinh và Mátxcơva đã rút kinh nghiệm chua cay từ hồ sơ Libya. Khi ấy, vì không dùng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an, sau đó Trung Quốc và Nga đã không làm gì được khi Pháp và Anh khởi động chiến dịch không kích Libya.

Thế nhưng, sự thiếu đồng thuận quốc tế trên hồ sơ Syria có thể chỉ là một cái cớ để né tránh việc phải can thiệp võ trang, vì trong thời gian qua, đã có nhiều ví dụ cho thấy là nếu muốn, thì một nước hay nhóm nước hoàn toàn có thể phớt lờ đèn xanh chính thức của Liên Hiệp Quốc.

Chiến dịch tấn công Irak của Mỹ vào năm 2003 là một ví dụ điển hình, cũng như là quyết định không kích Serbia của khối NATO vào năm 1999.

Do đó, nguyên nhân thực thụ khiến Phương Tây thận trọng nằm ở chỗ khác. Trong một bài viết công bố trên trang web của mình vào hôm nay, đài truyền hình Mỹ CNN đã kê ra một loạt những lý do khác ngoài yếu tố thiếu đồng thuận quốc tế, trong đó phải kể đến vấn đề địa lý và tiềm lực của quân đội Syria.

Trên bình diện địa lý chẳng hạn, Libya có địa hình bằng phẳng, lại có một bờ biển dài bên Địa Trung Hải, với đa số các mục tiêu gần vùng duyên hải và gần các căn cứ không quân của NATO tại Ý. Ngược lại, địa hình Syria hiểm trở hơn, có nhiều đồi núi làm cho việc đi lại khó khăn hơn.

Ngoài ra bờ biển của Syria rất ngắn, chỉ bằng 1/10 Libya, không thuận tiện cho những chiến dịch can thiệp từ ngoài biển vào. Hơn nữa, các nước láng giềng của Syria như Liban, Jordan, Irak, thậm chí Israel, đều có vấn đề nội bộ, cho nên khó có thể cho phương Tây mượn đường để tấn công chế độ Damas, nhất là khi đó là một hành động không được Liên Hiệp Quốc bật đèn xanh.

Bên cạnh đó, nếu so với Libya, thì quân đội của Syria hùng mạnh hơn nhiều, võ trang hùng hậu hơn, có tổ chức chặt chẽ và thống nhất hơn. Hiện thời, lực lượng võ trang Syria cho thấy là họ vẫn hoàn toàn ủng hộ chế độ của Tổng thống Al-Assad.

Mặt khác, phong trào đối lập Syria cho đến lúc này vẫn còn là một ẩn số, tổ chức còn lộn xộn, không biết ai là người lãnh đạo, đoàn kết với nhau đến mức nào, có uy tín ra sao với dân chúng, đủ sức đương cự với bộ máy Al-Assad hay không ?

Đó là những câu hỏi mà phương Tây phải có lời giải trước khi nghĩ đến phương thức can thiệp bằng quân sự, mà mức thấp nhất là trợ giúp vũ khí cho phong trào đối lập, như họ đã bắt đầu yêu cầu trong những ngày gần đây, và như một số chính khách Mỹ mong muốn.

Theo ông Bilal Y. Saab, một nhà nghiên cứu thỉnh giảng tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Monterey ở Mỹ :

« Cuộc nổi dậy ở Syria chỉ tiến xa được nếu phe đối lập Syria thực sự thống nhất, tạo được uy tín nhất định trong dân chúng và phối hợp hành động với nhau một cách có hiệu quả ».

0 comments:

Powered By Blogger