Wednesday, February 22, 2012

Đọc “Kẻ bị khai trừ” của Nguyễn Mạnh Tường

Trịnh Bình An

Nguyễn Mạnh Tường là một người nổi tiếng trong giới luật sư nói riêng, giới trí thức Việt Nam nói chung; nhưng vẫn có rất nhiều người không biết đến ông, trong đó có tôi. Và tôi đang có trong tay quyển sách “Kẻ bị khai trừ”(i) của Nguyễn Mạnh Tường do Tủ Sách Tiếng Quê Hương mới xuất bản, vậy mà tôi thấy mình rất ngần ngừ, rất ì ạch, không muốn giở ra đọc. Tôi không muốn mình phải đau lòng và bực tức thêm vì thấy một người học vị đầy mình lại đi theo cộng sản để rồi bị chính cộng sản đầy đọa.

Thế nhưng tay tôi vẫn lật qua mấy trang. Và một dòng chữ ập vào mắt tôi, đó là lời giới thiệu của chính Nguyễn Mạnh Tường, “Bản thảo của cuốn sách này đã được soạn và đánh máy trong một tình thế lén lút và bị cô lập…”

Một cuốn sách của một luật sư nổi tiếng bậc thầy, được viết trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, vậy mà tôi, tôi chỉ bỏ ra ít thì giờ nhàn nhã để đọc, thế mà đã nhăn nhó hay sao?

Vâng tôi sẽ đọc, và tôi sẽ hỏi ông Tường cho ra ngô ra khoai, rằng tại sao ông là người giỏi giang cỡ ấy lại cắm đầu chui vào cái rọ Cộng Sản để bị chúng lợi dụng chán chê mê mỏi rồi vứt vào xọt rác không thương tiếc. Mấy năm trước, Đảng còn bày đặt mừng sinh nhật 100 tuổi (!) của ông nhưng thực chất chỉ muốn ra cái điều Đảng cũng biết sửa sai (1).


Nguyễn Mạnh Tường
Nguồn ảnh: OntheNet
Nguyễn Mạnh Tường sinh năm 1909 tại phố Hàng Đào, Hà Nội. Ông theo học trường Albert Sarraut và đỗ tú tài năm 16 tuổi. Sau đó du học tại Đại Học Montpellier ở miền nam nước Pháp năm 1927. Khi mới 22 tuổi ông trở thành người Việt đầu tiên đỗ hai bằng tiến sĩ tại Pháp: Ưu hạng Luật khoa và Tiến sĩ Quốc gia Văn chương (ii).

Trở về Việt Nam năm 1936, Nguyễn Mạnh Tường dạy văn học Pháp ở trường Trung học Bảo hộ. Trong thời gian tham gia kháng chiến chống Pháp, ông làm luật sư, dạy học tại Thanh Hóa. Ông tham gia phái đoàn chính phủ dự Hội nghị Trừ bị Đà Lạt năm 1946, dự các Hội Nghị Hòa Bình Thế Giới ở Bắc Kinh và Wien năm 1952. Sau năm 1954, ông từng giữ những chức vụ quan trọng như trưởng khoa Đại Học Luật Hà Nội, phó chủ tịch Hội Luật Gia Việt Nam, chủ tịch Đoàn Luật Sư, phó trưởng khoa Đại Học Sư Phạm Hà Nội, thành viên Uỷ Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, và sáng lập viên Câu Lạc Bộ Đoàn Kết.

Ngày 30 tháng 10 năm 1956, luật sư Nguyễn Mạnh Tường, với tư cách thành viên của Mặt Trận Tổ Quốc, đã đọc một bài diễn văn tại một cuộc họp của Mặt Trận Tổ Quốc ở Hà Nội, phân tích sâu sắc những sai lầm của Đảng và Nhà nước trong vụ “Cải Cách Ruộng Đất” và đề ra phương hướng để tránh mắc lại. Sau phát biểu này, ông bị tước hết mọi chức vụ và danh vị nghề nghiệp. Sau đó, ông và gia đình bị cô lập với xã hội chung quanh, bản thân ông không được làm bất cứ nghề gì để kiếm tiền. Gia đình ông đã sống lây lất trong nghèo đói trong nhiều năm dài nhờ vào tiền bán dần mọi thứ trong nhà và nhờ sự giúp đỡ dấu diếm của bạn bè, thân hữu.

Nguyễn Mạnh Tường mất ngày 13 tháng 6 năm 1997 tại Hà Nội, thọ 88 tuổi.


Bìa Hồi Ký của Nguyễn Mạnh Tường
Nguồn ảnh: OntheNet
“Kẻ bị khai trừ” được viết bằng tiếng Pháp – Un Excommunié. Hanoi: 1954-1991: Procès d'un intellectuel – do Nguyễn Quốc Vĩ dịch sang tiếng Việt, tựa là “Kẻ Bị Rút Phép Thông Công”. Thuật ngữ “rút phép thông công” hay “vạ tuyệt thông” nói tới một kỷ luật nặng nề nhất trong Giáo hội Thiên Chúa Giáo khi một người bị cho là đã phạm trọng tội nên sẽ bị khai trừ vĩnh viễn khỏi Giáo hội. Hiểu như thế thì ta sẽ thấy Nguyễn Mạnh Tường tự ví mình là một kẻ mắc tội trọng với Đảng Cộng Sản vì thế mà bị khai trừ vĩnh viễn khỏi xã hội.

“Kẻ bị khai trừ” gồm có ba chương: 1– Đến đỉnh vinh quang. 2 – Mỏm đá Tarpeinne. 3 – Hành trình đi vào sa mạc. Ba chương này tương ứng với 3 đoạn đời của Nguyễn Mạnh Tường: 1 – Được cưng chiều (và bị lợi dụng). 2 – Phản kháng và bị “đấu tố”. 3 – Bị cô lập và đày đọa.

Một trong những điểm đặc biệt của “văn” Nguyễn Mạnh Tường là mang nhiều điển tích Tây phương. Nếu đọc truyện Kiều mà không biết các điển tích Trung Hoa, ta sẽ rất khó hiểu hết ý nghĩa gởi gắm trong câu thơ; với Kẻ Bị Khai Trừ cũng thế, nếu một người không biết các điển tích cổ của phương Tây thì sẽ khó hiểu được trọn vẹn ý tác giả.

Như chữ “Mỏm đá Tarpeinne”. Roche Tarpéienne – tiếng Pháp, hay, Tarpeian Rock – tiếng Anh, là một vực núi đá vách dựng đứng tại nước Ý. Thời cổ La Mã, những ai bị kết án giết người, phản bội, làm chứng dối, và những nô lệ phạm tội ăn cắp, sẽ bị xử tử bằng cách ném từ trên mỏm Tarpéienne xuống vực sâu. Đây là một hình phạt nặng nề hơn bị treo cổ hay đốt trên dàn lửa vì kẻ bị ném xuống vực – và gia đình họ – đã bị coi là những kẻ đồi bại, đáng nguyền rủa nhất trong xã hội.

Khi hiểu được ý nghĩa của “Mỏm đá Tarpeinne” ta mới phần nào hình dung được cái bản án Đảng dành cho luật sư Nguyễn Mạnh Tường – người dám nghi ngờ sự lãnh đạo “anh minh” của Đảng. Thật ra Đảng đã sai lầm ngay từ đầu khi tưởng rằng có thể mua chuộc được Nguyễn Mạnh Tường bằng những thủ đoạn mua chuộc vuốt ve từng tỏ ra rất thành công với nhiều người khác.


Bìa Kẻ bị khai trừ
Nguồn ảnh: TQH
Năm 1956, Hiệp Hội Luật Gia Dân Chủ triệu tập đại hội tại thủ đô Bruxelles của Bỉ, nhà cầm quyền Bắc Việt tổ chức một đoàn đại diện đi tuyên truyền cho chính nghĩa của mình. Trong cương vị phó chủ tịch Hội Luật Gia Việt Nam, Nguyễn Mạnh Tường được giao làm trưởng đoàn với nhiệm vụ là làm sao được hội nghị đưa ra nghị quyết ủng hộ dân tôc, quyền đấu tranh thống nhất đất nước. Luật sư Tường đã đọc một bản tham luận sắc bén, cháy bỏng lòng yêu nước và đã thuyết phục được hội nghị, đạt được thành quả mỹ mãn.


Thế nhưng cố gắng của Nguyễn Mạnh Tường không hề để phục vụ cho Đảng, ông chỉ làm vì lòng yêu nước, vì muốn đất nước được thống nhất để tránh một cuộc chiến nồi da xáo thịt. Còn mỗi khi có dịp, ông sẵn sàng phân tích những sự thật rung rợn về chế độ Cộng Sản. Như khi ghé thủ đô Prague, gặp các luật gia Tiệp Khắc, ông mô tả bản chất của chế độ này trong một câu ngắn nhưng trọn vẹn:

“Đây là một chế độ chuyên chế ở ba chiều không gian, một chế độ chuyên quyền gần như tuyệt đối, gian xảo nhất, cứng rắn nhất trên thế giới và trong lịch sử nhân loại. Dưới một chế độ như thế, quyền tự do là một lầm lẫn, một loại bệnh hoạn cần phải loại bỏ trong dân chúng. Vì vậy, không có bất cứ ngành nghề nào là nghề tự do.”

Nguyễn Mạnh Tường còn cảnh báo các đồng nghiệp biết rằng, trong các ngành nghề, Đảng ghét nhất là giới luật gia:

“Nếu Đảng áp dụng biện pháp khắt khe trên giới luật gia, trước hết vì họ là người trí thức và là đối tượng ghét hận của những kẻ chuyên quyền, vì luật gia là người có cái đầu để suy nghĩ và có cái miệng để nói, hai thuộc tính gây ác cảm nơi kẻ cầm quyền, làm phức tạp cho công việc và gây xáo trộn cho kế hoạch của họ. Hơn nữa, trong hàng ngũ trí thức, giới luật gia càng nổi trội với kiến thức về Luật, thông thạo, thường nắm vững các hội nghị, các cuộc phê bình, và hơn nữa, họ còn có ý thức về tư cách, danh dự và trách nhiệm. Họ tự mình đặt vào thế tương phản với con người máy khúm núm nịnh bợ những kẻ chuyên quyền.”

Điều Nguyễn Mạnh Tường nói quả không sai. Gần đây, giới luật sư là những người lên tiếng phản kháng mạnh mẽ nhất để chống lại những hành vi sai trái của Đảng. Các luật sự này được đào tạo dưới mái trường Xã Hội Chủ Nghĩa và không hề dính dáng tới chế độ “ngụy”, vậy mà họ vẫn ương ngạnh làm “phức tạp và xáo trộn” những kế hoạch do Đảng đề ra; đó là những Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Cù Huy Hà Vũ, Lê Trần Luật, Huỳnh Văn Đông, Lê Công Định, Trần Quốc Hiền,…

Rồi tới khi ghé qua Liên Xô, cái nôi của chủ nghĩa Cộng Sản, Nguyễn Mạnh Tường cũng gặp gỡ và trò chuyện với các luật gia nước này. Ông bảo thẳng với bạn rằng Đảng CS sẽ tự chuốc lấy kết quả bi thảm:

“Bi thảm là ở chỗ chính Đảng đã tự lừa dối, nghĩ rằng mình có thể đưa ra nhừng đường lối chính trị trẻ con phát xuất từ bệnh ấu trĩ, duy ý chí, chủ quan, vi phạm những định luật của khoa học, quay lưng lại với thực tiễn, những chính sách này sớm hay muộn cũng sẽ đưa đất nước vào sự nghèo túng và đưa nhân dân vào sự đau khổ. Bên cạnh đó, với niềm tin cho rằng mình là vô địch, Đảng nghĩ rằng mình có thể áp chế nhân dân, chơi đùa trên sinh mạng của họ, buông lơi pháp luật, hành động với sự tàn ác vô nhân tính như đã xảy ra trong đợt Cải Cách Ruộng Đất, một kỷ niệm đau buồn không bao giờ quên được trong tâm khảm của người dân.”

Điều Nguyễn Mạnh Tường nói cũng đã thành sự thật, chế độ Cộng Sản đã đưa mọi quốc gia đến chỗ tận cùng lụn bại, để rồi Nga và các nước Đông Âu đã tìm mọi cách gỡ bỏ cái chủ nghĩa ma quái ấy để tự cứu lấy chính mình.

Nếu như Nguyễn Mạnh Tường không kể lại những điều trên thì tới ngày nay người ta vẫn tưởng rằng ông Tường đã bị mờ mắt, bùi tai vì những chức tước và lời ca tụng của “Bác và Đảng” đã dành cho ông. Đảng nhìn lầm ông Tường chỉ vì họ tưởng ông cũng là loại như họ. Sự thật, Nguyễn Mạnh Tường là một người khác hẳn với họ, ông là người có học, có trí tuệ, và nhất là, có trái tim; vì thế ông không thể im lặng khi thấy đồng bào ông quằn quại dưới những nhát chém đẫm máu của cái-gọi-là Cải Cách Ruộng Đất.

Ngày 30 tháng 10 năm 1956, luật sư Nguyễn Mạnh Tường tại một cuộc họp của Mặt Trận Tổ Quốc ở Hà Nội đã đọc bài diễn văn có tựa đề “Qua những sai lầm trong Cải Cách Ruộng Đất – Xây dựng quan điểm lãnh đạo”.

Trong đó, Nguyễn Mạnh Tường chỉ rõ mọi tầng lớp nông dân, công nhân, tiểu thương, kể cả các cán bộ, đều phải chịu đau đớn cơ cực vì các cuộc đấu tố, xử giảo man rợ trong Cải Cách Ruộng Đất. Ông tin rằng pháp luật chân chính là phải theo nguyên tắc: “Thà 10 địch sót còn hơn 1 người bị kết án oan”. Cuối cùng, ông đề nghị phải xây dựng một chế độ pháp trị chân chính, thực sự dân chủ trong đó các cán bộ Đảng phải chiu trách nhiệm với việc mình làm, và mọi người dân được quyền lên tiếng.

Hẳn không quá khó cho chúng ta biết Đảng đã làm gì với những đề nghị ấy. Cho tới tận ngày nay, Đảng vẫn ôm quan điểm “Thà chết 10 người oan còn hơn để sót 1 địch” vì đó là sức mạnh cốt lõi của chế độ. Kết quả, Đảng ném những đề nghị của ông Tường vào sọt rác và ném cái người dám nói những lời lẽ “phản động” ấy xuống vực Tarpéienne bằng cách đưa Nguyễn Mạnh Tường ra kiểm điểm công khai hòng bêu xấu ông, hạ gục ông trước mặt mọi người.

Nhưng kết quả lại hoàn toàn trái ngược, đám đông đứng nghe như nuốt từng lời của vị lưỡng quốc luật sư tài giỏi và can trường. Đó là điều cực kỳ nguy hiểm cho sự tồn vong của chế độ. Cuối cùng, để trả thù nhưng không muốn đánh động dư luận, Đảng thi hành cái kế hèn hạ nhất, độc địa nhất mà chỉ có họ mới đủ ác để nghĩ ra: cho Nguyễn Mạnh Tường và gia đình được sống, nhưng đó là cái sống tệ hơn cái chết gấp trăm lần, cái sống mà không ai dám đến gần như thể họ là những kẻ cùi hủi, cái sống mà thân xác lúc nào cũng quằn quại đớn đau vì… đói.

Tới đây, hẳn có người sẽ bảo ông Tường biết Cộng Sản nó gian nó ác, nó ngu dốt, nó cứng đầu mà còn muốn sửa sai nó, thế thì tự chuốc họa vào thân là đúng rồi.

Tôi cũng đã từng nghĩ như thế, nhưng sau khi đọc những điều ông viết tôi chợt nhận ra rằng Nguyễn Mạnh Tường là một người có những khả năng kỳ lạ, một trong những khả năng ấy là ông có thể tự tách mình ra khỏi chính mình để quay lại nhìn mình. Trong ông là 2 con người: một người bình thường biết sợ, biết đau, biết đói, nhưng người kia lại rất bình thản, ung dung để có thể ngắm nghía và ghi nhận mọi sự kiện, ngay cả nỗi đau đớn của chính mình. Ta hãy xem thái độ của Nguyễn Mạnh Tường trước một buổi “kiểm điểm – xử án” mà ông gọi là màn “đấu bò” mà ông là chính con bò bị đẩy ra giữa đấu trường:

“Cho đến hôm nay tôi đã phải trải qua những thử thách không ai có thể nghĩ tới. Trong tình thế đó, tôi có thể lượng sức chịu đựng của mịnh và sự tò mò đã giúp tôi vượt qua nỗi ức chế. Bất chấp các “đồng sự” đang lay động tấm vải đỏ trước mắt, chính tôi là kẻ tấn công!”

Chính nhờ khả năng “tách mình làm đôi” ấy nên trong những lúc cùng quẫn nhất, ông vẫn tìm ra lối thoát cho mình; dù phải một mình đối đầu với kẻ địch to lớn nhất, ông vẫn giữ vẹn con người của mình.

“Và ngày nay, đối diện với người Cộng Sản, người ta phải sống với thái độ nào để giữ được con người thực và chân chính của mình?

Tôi, tôi tự thu mình vào cuộc sống nội tâm, bày biện và vui với nó. Phải tách góc nhà đó (nội tâm) khỏi cộng đồng vợ chồng, kể cả con cái, kể cả người dưng. Từ đài quan sát đó, nơi mà mình tự quan sát lấy mình, chúng ta có thể làm khán giả nhìn cuộc đời người khác để rồi tự đánh giá và điều chỉnh bản thân.”

Cái mà Nguyễn Mạnh Tường gọi là “sự tò mò” phải chăng là cái cốt lõi nhất của một người làm khoa học, đó là lòng muốn biết, biết tới cái tận cùng của sự việc. Sự hiểu biết của nhà khoa học còn phải được chứng thực bằng thử nghiệm, do đó, nếu Nguyễn Mạnh Tường không thử hết các cách có thể làm được thì hẳn ông sẽ không thể cam lòng. Vì thế dù biết Đảng ghét và sợ bị phê bình và sẵn sàng khủng bố kẻ nào dám phê bình thì Nguyễn Mạnh Tường cũng vẫn phải thử.

Nhiều người sống dưới chế độ Cộng Sản không dám thử kiểu ông Tường nên họ được sống yên tới già tới chết theo cái kiểu của Nguyễn Tuân “Tôi tồn tại được vì tôi biết sợ”. Nhưng, nghĩ lại mà coi, Nguyễn Mạnh Tường vẫn “tồn tại” tới cái tuổi cổ lai hy đó thôi. Cuối cùng, Đảng chẳng giết nổi ông. Nguyễn Mạnh Tường vẫn sống nhờ có sự giúp đỡ của những người chung quanh.

“Và khi chúng tôi cạn kiệt tiền bạc thì tấm lòng hào hiệp của các người bạn ở trong nước hay ở nước ngoài ném cho những chiếc phao cứu hộ giúp chúng tôi nổi trên mặt nước thay vì phải chìm đến tận đáy sâu của hư không (…) Họ là những kẻ không tên, không biết mặt nhưng không thiếu thận trọng đã sáng tạo ra nhiều phương cách tài tình chế nhạo những kẻ cầm quyền trên thế giới, bất kể cái hung tàn đần độn và cái cảnh giác gay gắt của chúng. Họ đã chung tay làm nên một mặt trận không chính thức nhưng năng động, mặt trận của lòng trắc ẩn và sự tử tế, đưa bàn tay cứu giúp đến các nạn nhân của độc tài khát máu.”

Hoặc nhờ những tấm lòng của người chung quanh, hoặc vì chính tấm lòng của Nguyễn Mạnh Tường quá lớn, hoặc vì cả hai, nên dù phải chịu sự tra tấn ác độc của kẻ thù, ông vẫn không hề đem lòng oán hận.

“Tất cả kẻ thù của chủ nghĩa Cộng Sản đang chờ tôi trút cơn giận điên người lên chủ nghĩa Cộng Sản mà tôi là nạn nhân. Nhưng xin mọi người hãy tha thứ cho tôi: tôi chọn thái độ của một triết gia: chỉ tìm hiểu chứ không xử án. Hiểu biết đòi hỏi mình phải tìm hiểu dưới mọi khía cạnh và dưới hai phía: mặt ưu và mặt khuyết, mặt trái và mặt phải của trang giấy, sự tốt và sự xấu. Nó sẽ dẫn đến sự công bằng, và người trí thức chỉ muốn điều đúng đắn.”

Tất cả những điều Nguyễn Mạnh Tường viết về chủ nghĩa Cộng Sản, về Đảng Cộng Sản không là sự trả thù, đó chỉ là sự chiến đấu của một trí thức chống lại cái ngu, cái ác.

“Cuộc chiến đấu của trí thức chống lại thứ độc tài mù quáng và vô nhân đạo bởi kẻ độc tài đã ra tay đày đọa người trí thức. Một trí thức, với cái liêm chính của con người và cái minh mẫn của tinh thần, là người lính chống lại kẻ áp chế chuyên lặp đi lặp lại các lời hứa hão huyền và sự bất lực đã phải cầu cứu đến sức mạnh của công an để giữ vững ngai vàng.”

Cái đày đọa Nguyễn Mạnh Tường nhất, thật ra, không phải là cái khổ, cái đói, mà là ông không còn cơ hội truyền đạt kiến thức của mình cho các thế hệ đàn em. Đảng không chỉ tước đoạt quyền làm người, Đảng còn xé nát cả mơ ước được xây dựng đất nước của một người. Nhưng Đảng không toàn thắng như Đảng thường rêu rao, Đảng thua vì Nguyễn Mạnh Tường không chịu thua. Hơn 20 năm bị cô lập trong đói khổ, Nguyễn Mạnh Tường không ngừng viết. Ông đã để lại cho đời nhiều tác phẩm như một hiến dâng cho đất nước và dân tộc.(2)

Vậy là, qua từng trang giấy, lần lượt Nguyễn Mạnh Tường đã trả lời đầy đủ cho tôi mọi câu hỏi. Nguyễn Mạnh Tường không ngu, cũng không dại, ông biết kẻ thù là ai, ông cũng biết số phận của mình rồi sẽ như thế nào. Sở dĩ Nguyễn Mạnh Tường làm những điều ông đã làm vì Nguyễn Mạnh Tường thà chọn cái khổ, cái chết hơn cái nhục, và cái nhục ở đây không là do kẻ khác gán lên mình, cái nhục nhã nhất là làm trái với lương tâm và rồi mình sẽ phải tự khinh bỉ chính mình. Nguyễn Mạnh Tường thà làm kẻ bị Đảng khai trừ nhưng không thể làm kẻ bị lương tâm nguyền rủa.

Có thể xem “Kẻ bị khai trừ” là một tự truyện đau đớn và bi thảm của một con người yêu nước, tài hoa, nhưng bất hạnh; nhưng cũng có thể xem “Kẻ bị khai trừ” là một trường ca hào hùng của con người không khuất phục trước cái Ác, để rồi trong tận cùng đau khổ, người đó đã tìm ra chân lý đích thực cho chính mình.

“Từ 1958 tới nay, gần bốn mươi năm hiện hữu, tôi đã sống qua những thử thách tồi tệ nhất mà người ta có thể gán cho một trí thức, một con người. Đó lại là những năm tuyệt vời mà tôi biết được. Tôi như được thăng hoa, sung sướng là đã thắng mọi nghịch cảnh mà người ta đưa ra để chặn đường sống của tôi, đã thể hiện cách sinh hoạt của mình hướng theo sở thích, theo chọn lựa và cống hiến khả năng khiêm nhường cho dân tộc. Ý chí của tôi đã thắng tâm địa độc ác, đồi bại của những kẻ thề hạ gục tôi. Nhưng tôi vẫn tha thứ cho họ bằng cách lặp lại câu nói bất hủ: “Chúng không biết chúng đang làm gì!”. Người ta sẽ quên đi Cinna, và sẽ nhớ mãi August với lòng khoan dung quảng đại” (3)


© DCVOnline




DCVOnline

(i) Bản dịch sang tiếng Việt của Nguyễn Quốc Vĩ cuốn Un Excommunié. Hanoi: 1954-1991: Procès d'un intellectuel của Nguyễn Mạnh Tường đăng nhiều kỳ trên tạp chí Thông Luận với tựa đề Kẻ bị rút phép thông công. Hà Nội 1954-1991: Bản án cho một trí thức

Lời người dịch

Cuốn tự truyện Kẻ bị rút phép thông công được cụ Nguyễn Mạnh Tường hoàn tất năm 1991 viết bằng tiếng Pháp, được dịch ra tiếng Anh năm 2008(*).
[…]
Người dịch: Nguyễn Quốc Vĩ
Paris ngày 23 tháng 11 năm 2009

© Thông Luận 2009

(*) Bản dịch tiếng Anh của Gs. Phó Bá Long hoàn tất năm 2008, nhưng hiện chưa ấn hành và phổ biến rộng.

(ii) - Nguyen Manh Tuong, L'Annam dans la littérature française. Jules Boissière (1863-1897). Thèse complémentaire pour le doctorat ès lettres. Université de Montpellier. Faculté des lettres. Impr. de Mari Lavit, 1932 - 226 pages.
- Nguyen Manh Tuong, L'Individu dans la vieille cité Annamite. Thèse pour le doctorat en droit. Université de Montpellier. [The Individual in the Old Annamese Society. (Trad. RAF.)] Édition: Montpellier: Impr. de la Presse, 1932 - 411 pages.

(iii) Nguồn của tất cả các trích dẫn về/của Nguyễn Mạnh Tường (trong block quote) trong bài đều trong cuốn Kẻ bị khai trừ. (Tiếng Quê Hương, 2011).

Chú thích của tác giả
(1). Như trong bài “Kỷ niệm về thầy Nguyễn Mạnh Tường” của Nguyễn Văn Hoàn (2009) nhân sinh nhật 100 năm (!?) của Nguyễn Mạnh Tường, đã cố tình lờ đi nhừng cuộc luân phiên đấu tố và những năm tháng bị bỏ đói mà ông đã phải chịu đựng, thay vào đó chỉ là câu trả lời phỏng vấn của Nguyễn Mạnh Tường “Đi Hội nghị về, Nguyễn Hữu Đang đến phỏng vấn, rồi viết bài đăng lên báo Nhân văn. Tôi như thành một người “phạm pháp quả tang”, bị sa thải khỏi Đại học và không được hành nghề Luật sư nữa.”
(2). Nguyễn Mạnh Tường để lại khoảng hơn 20 tác phẩm như: Nền tảng Pháp, Kinh nghiệm Địa Trung Hải, Kinh nghiệm và nước mắt tuổi trẻ, Những chủ thuyết về Giáo Dục của Âu Châu từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII, Eschyle và bi kich của Hy Lạp, Bản dịch tiếng việt của tác phẩm Oresteia của Eschyle, với một chương nghiên cứu dùng như lời giới thiệu, Virgile và sử thi Hy Lạp, Tình yêu vợ chồng dưới chế độ cộng sản, Bi kịch di dân, Tiểu thuyết về Việt Nam 1950-1990, v.v. Một số viết bằng tiếng Pháp chưa được dịch và in ra tiếng Việt.
(3). - Câu “Chúng không biết chúng đang làm gì!” là viết tắt của câu “Lạy Cha, xin tha tội cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm”, là lời khấn nguyện của Đức Jesus khi Người đang chịu nạn trên thập giá (Phúc âm Lu-ca 23: 34).
- Cinna và August là hai nhân vật trong vở kịch Cinna ou la Clémence d'Auguste (Cinna, hay sự ân xá của đại đế Augustus). Cinna nghe lời người yêu là Émilie nên rắp tâm mưu sát vua để trả thù cho cha của Émilie bị vua giết tội. Mặc dấu mưu đồ bị lộ, Cinna và Émilie không bị trị tội mà được vua August ân xá và ban chức tước.

0 comments:

Powered By Blogger