Vài tuần trước, nhiều trang mạng đồng loạt đăng tin “Những Ngôi Sao Lạ Trong Cung Thánh”. Bài viết đã đặt vấn đề vô tình hay cố ý khi Tổng Giáo phận Huế cho các em cầm sao vàng múa trên thảm đỏ, trông như cờ đỏ sao vàng tung bay trong Cung Thánh và yêu cầu Tòa Tổng Giám Mục Huế thanh minh vấn đề nầy, nếu đó là vô tình.
Cho đến nay, chưa thấy tiếng nói tích cực nào của các vị có trách nhiệm. Ngược lại, đã có những lời thách thức và miệt thị của một vài vị có trách nhiệm và cộng sự viên. Vì thế, chúng tôi phải nêu lên những cái gọi là “vô tình” của Tổng Giáo Phận Huế. Nội dung bài viết này chỉ khái quát vì chúng tôi còn nghĩ đến lòng kính trọng đối với các đấng bậc. Nếu quý vị hữu trách còn có thái độ thách thức thì nhiều chi tiết khác và danh tánh của những người liên quan sẽ được công bố cho dư luận.
Mọi thẩm định xin được dành cho độc giả.
Khi viết lên những điều sau đây về các đấng bậc, chúng tôi đã suy nghĩ và cân nhắc nhiều. Nhưng, nói như linh mục Chân Tín: “Lưng ghẻ lở mà che dấu sẽ ghẻ lở thêm. Trái lại, phải nói thẳng nói thật để cùng nhau ý thức và cùng nhau chữa lành những vết thương cho đất nước và Giáo hội. Ghẻ lở mà che dấu sẽ tới lúc mùi hôi thối bốc lên và quan trọng là không chữa được nữa” và chúng tôi tin tưởng rằng “Sự thật sẽ giải thoát chúng ta” (Yn 8, 32).
Tác giả tha thiết chỉ xin một điều: Sau khi đọc bài nầy, xin mọi người cầu nguyện nhiều hơn cho Giáo Hội Việt Nam để Giáo Hội luôn luôn là thánh thiện và tông truyền, không trở thành công cụ của Nhà Nước cộng sản và cũng đừng quên cầu cho hàng giáo phẩm và giáo sĩ luôn trung thành với Hội Thánh và sống xứng đáng là môn đệ của Chúa Giêsu.
Bài thứ nhất:
“VỊ VUA THỨ BỐN”: TỔNG GIÁM MỤC NGUYỄN NHƯ THỂ*
TỪ MỘT LINH MỤC NHÚT NHÁT TRỜ THÀNH MỘT TGM BỊ “TÓM”:
Linh mục Nguyễn Như Thể vốn là người ít nói, có vẻ nhút nhát, và có cuộc sống kín đáo. Có phải vì thế mà, từ khi chịu chức linh mục, ngài đã không được bề trên cắt đặt cho coi xứ lâu dài, mà chỉ được làm giáo sư, rồi giám đốc chủng viện cho đến lúc trở thành giám mục? Ít ai biết rằng, là linh mục, và cả sau nầy làm giám mục, Đức Cha Thể là người rất sợ ma. Đố ai biết được, trong cuộc đời làm linh mục và giám mục, ngài đã làm phép xác cho bao nhiêu người! Đặc biệt nhiều đêm sau khi phải đi dự đám ma, Đức Cha Thể mất ngủ. Cho nên, thường phải có người ngủ chung với ngài trong phòng thì ngài mới bớt sợ. Theo thông lệ, Tổng Giám Mục (TGM) Huế thường cư trú và làm việc tại Tòa TGM. Thế nhưng, từ ngày Đức Tổng Giám Mục (ĐTGM) Nguyễn Kim Điền bị sát hại đến nay, Đức Cha Thể vẫn chưa dám dọn vào ở và làm việc tại Tòa TGM, mà chỉ ở một phòng trên lầu của Nhà Chung. Phải chăng Đức Cha Thể sợ hồn “ma” của ĐTGM Nguyễn Kim Điền?
Một số linh mục Huế kể lại: Khi được tin Tòa Thánh bổ làm giám mục, linh mục Nguyễn Như Thể vừa vui, vừa khóc vì quá lo sợ!
CÔ SINH VIÊN VÀ NGÀI LINH MỤC SINH VIÊN
Vào thập niên 60, tại tỉnh Thừa Thiên, có cô nữ sinh trường làng (xin tạm dấu tên và lý lịch), được Việt Cộng huấn luyện trở thành cán bộ. Sau nầy, cô nữ sinh ấy len lỏi vào đại học đường để hoạt động cho Cộng Sản trong giới sinh viên Huế. Khoảng 1966, linh mục Nguyễn Như Thể học Đại Học Văn Khoa Huế và “vô tình” quen biết nữ sinh viên nầy. Việc hoạt động cho cộng sản trong đại học đường Huế sau đó bị bại lộ, nữ cán bộ Việt Cộng nầy trốn vào bưng và công tác trong ngành truyền thông và văn hóa.
Sau khi cộng sản xâm chiếm toàn miền Nam vào năm 1975, cô sinh viên năm xưa trở về thành phố Huế, dưới danh nghĩa là cán bộ gộc. Bấy giờ cũng là lúc linh mục Nguyễn Như Thể đã trở thành TGM Phó Tổng Giáo Phận Huế. Quan hệ giữa cô sinh viên năm xưa và vị TGM Phó được nối lại từ đây. Nàng cán bộ thổ lộ nàng rất yêu TGM Thể. Nàng không ngần ngại bộc bạch với các văn hữu rằng trong các tác phẩm của nàng luôn có hình bóng của một nhà tu. Trong tư thất của nàng tọa lạc trong giáo xứ chánh tòa Phủ Cam, thành phố Huế, có một bức chân dung lớn của ngài TGM, được treo ở một nơi rất trang trọng và TGM Nguyễn Như Thể vẫn thường xuyên đến ngôi nhà nầy. Được biết nàng là chị họ của một vị Ủy Viên Bộ Chính Trị, Trưởng Ban Tư Tưỏng Văn Hóa, là bạn đồng chí cùng hoạt động với Hoàng Phủ Ngọc Tường, một trong những tên đồ tể của biến cố Mậu Thân tại Huế và hai con trai của nàng hiện là cán bộ cấp trung ương tại Hà Nội.
Hóa ra bàn cờ đã được chuẩn bị từ lâu!
TỔNG GIÁM MỤC PHÓ VÀ SỰ VIỆC TỪ CHỨC
Được tấn phong giám mục ngày 07/09/1975, linh mục Nguyễn Như Thể trở thành TGM Phó Tổng Giáo Phận Huế dưới thời ĐTGM Nguyễn Kim Điền.
Từ tháng 3 năm 1975, sau khi thành phố Huế bị cộng sản “giải phóng”, ĐTGM Nguyễn Kim Điền cứng rắn với bạo quyền cộng sản nên bị họ liên tục mời đi “làm việc” và gây nhiều khó khăn trong việc cai quản giáo phận.
Trong tình hình bi đát đó, ngài TGM Phó Nguyễn Như Thể “vô tình” xin từ chức.
Sự từ chức nầy đặt ra nhiều dấu hỏi rất lớn. Ai cũng biết đó là thời điểm mà giáo phận Huế phải đương đầu với vô vàn khó khăn. Tất cả mọi người, tức là từ TGM Nguyễn Kim Điền đến linh mục, tu sĩ, chủng sinh, và giáo dân, đều phải sống đạo trong lo âu, sợ hãi, bị bạo quyền cộng sản làm khó dễ, bắt bớ…. Vậy mà, với cương vị TGM Phó, TGM Nguyễn Như Thể lại đành đoạn từ chức để rút lui và sống ẩn dật!!!
Phải chăng đó là hành động nhu nhược và thoái thác bổn phận và trách nhiệm?
Phải chăng đó là hành động vô ân đối với bề trên là người anh em Giám Mục Nguyễn Kim Điền vốn đã tín nhiệm linh mục Nguyễn Như Thể nên mới đề nghị với Tòa Thánh phong ngài lên làm TGM Phó để kế vị mình?
Phải chăng đó là hành động vô nghĩa với anh em linh mục Huế, những người đồng liêu, đồng chí hướng vốn đã coi TGM Phó Nguyễn Như Thể là bề trên?
Phải chăng đó là hành động bất nhân tâm của một mục tử đã bỏ mặc đoàn chiên trong tình cảnh khốn khó để thoát thân?
Đi tu vì muốn tận hiến! Nhưng, đã được phong đến chức Tổng Giám Mục, sao không tận hiến cho trót, mà bỏ mặc bề trên, bề dưới, và con chiên để tìm sự an thân cho riêng mình?
Đã là giáo sĩ và là giám mục bề dưới, dù đường lối và ngay cả cá tính của ĐTGM Nguyễn Kim Điền có như thế nào đi nữa thì TGM Phó Nguyễn Như Thể cũng phải tuân phục bề trên và không được phép rút lui.
Thế là, vào ngày 23/11/1983, TGM Phó Nguyễn Như Thể đã thật sự từ chức.
Tại sao vậy?
Người ta không tin Đức Cha Thể thiếu đức vâng phục đối với ĐTGM Nguyễn Kim Điền. Đơn thuần không phải là thế.
Mấu chốt vẫn là cô sinh viên năm xưa đã trở thành bà cán bộ gộc tại thành phố Huế. Chính vì sự nhút nhát vốn có nơi TGM Phó và áp lực cùng mưu ma, chước quỷ của cộng sản mà chiếc thòng lọng đã được tròng vào cổ ngài, buộc ngài phải từ chức, tạm thời rút vào hậu trường để chuẩn bị cho những kịch bản mới.
SỰ TRỞ LẠI NGAI TÒA GIÁM MỤC
ĐTGM Nguyễn Kim Điền bị cộng sản sát hại ngày 8 tháng 6 năm 1988. Vài năm trước khi qua đời, ĐTGM Nguyễn Kim Điền đã đặt linh mục Lê Văn Mẫn làm Tổng Đại Diện và đã truyền chức (chui) Giám Mục cho cha Mẫn. Sau khi ngài qua đời, Tòa Thánh đã cử Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn làm giám quản Tổng Giáo Phận Huế vài tháng, và, sau đó, cha Lê Văn Mẫn làm giám quản.
Ngày 23/04/1994, Đức Cha Thể “vô tình” trở lại làm Giám Quản Tông Toà Huế, rồi TGM Huế từ 1998 cho đến hôm nay. Xin nhớ rằng việc một TGM từ chức, rồi trở lại cai quản giáo phận là điều rất hiếm có trong Giáo Hội.
Thử hỏi: Vì lý do gì ngài đã từ chức, nay trở lại cai quản giáo phận?
Như đã nói ở trên, sự kiện ĐTGM Nguyễn Kim Điền bị sát hại đã hiễn nhiên trở thành cơ hội tốt nhất cho một kịch bản mới bắt đầu.
Xin nhớ rằng, khi trở lại Tòa TGM Huế, Đức Cha Thể chỉ được gọi bằng chức danh Giám Mục Giám Quản Tông Tòa Huế. Sau những giằng co và thương lượng giữa Vatican và Hà Nội, mãi cho đến ngày 09/03/1998, ngài mới được bổ nhiệm chính thức làm TGM Huế. Và, vào ngày 15/08/2000 là Lễ 200 năm kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II mới trao dây Palium cho Đức Cha Thể, qua tay đặc sứ của ngài là Đức Hồng Y Phạm Đình Tụng.
Như thế, từ ngày được làm giám mục, TGM Nguyễn Như Thể đã cai quản TGP Huế dưới các chức danh là TGM Phó, Giám Mục Giám Quản, và TGM, tổng cộng là 26 năm, chứ không phải 37 năm như lời linh mục Nguyễn Vinh Gioang trong bài giảng ca ngợi “Vị Vua Thứ Bốn” Nguyễn Như Thể vì phải trừ đi thời gian ngài rút lui vào bóng tối là 11 năm!!!
KHÔNG TIN DÙNG BẤT CỨ AI
Theo cơ cấu, mỗi giáo phận đều có một Hội Đồng Linh Mục cố vấn cho Giám Mục; nhưng, dưới thời của Đức Cha Thể, thường không có Hội Đồng Linh Mục. Có chăng cũng chỉ là trên danh nghĩa, vì Đức Cha Thể không hề tin ai, không hề hỏi ý kiến ai. Cho nên Hội Đồng đó, nếu có, chỉ là bù nhìn. Những vị linh mục được coi là thân cận thì ngài chỉ sử dụng một thời gian nhất định! Rồi, theo thời, ngài lại thân cận với các vị khác. Mỗi khi bổ nhiệm linh mục thư ký và quản lý Nhà Chung, ngài thường sử dụng tân linh mục. Mỗi thư ký và quản lý ngài chỉ sử dụng chừng hai hoặc ba năm, rồi thay vị khác. Nhưng, dù với vai trò thư ký hay quản lý, các vị đó cũng chỉ làm những công việc tạp dịch như đưa đón khách, sắp xếp phòng cho khách, nhận tiền đi chợ hằng ngày… Ngay cả nhưng cú điện thoại gọi đến Toà TGM cũng do đích thân ngài TGM trực tiếp bắt.
Gần đây, ngoài Giám Mục Phụ Tá Lê Văn Hồng (sẽ đề cập trong bài sau), TGM Tổng Giáo phận Huế đặt ra ba vị linh mục “đặc trách” ba khối: Sinh Viên, Cựu Chủng Sinh, và Giáo Dân. Cả ba vị đều có “thành tích”. Một vị đã từng là Phó Chủ Tịch Hội Đồng Nhân Dân Thành Phố Huế và Tỉnh Thừa Thiên và đang là thành viên của Mặt Trận Tổ Quốc nắm Cựu Chủng Sinh; một vị có dính líu đến đàn bà, lại nắm Sinh Viên Công Giáo; vị “đặc trách” Giáo Dân thì vừa dính đến đàn bà, vừa dính líu đến tài chánh và đã từng bị cộng sản cầm tù để được “răn đe”. Và, quả thực, sau khi ở tù về, vị nầy trở thành ngoan ngoãn và hăng say làm việc có lợi cho nhà cầm quyền nhiều hơn nữa.
Người ta cũng thắc mắc tại sao trong khi không thiếu giáo sĩ trẻ tài năng và có kiến thức về vi tính, TGM Huế lại cử người đặc trách Website của Tổng Giáo phận Huế là một linh mục già về hưu. Vị nầy cũng có quá khứ dính líu đến ít lắm là 4 phụ nữ (trong đó có 3 nữ tu). Ngoài ra, vị giám đốc Trung Tâm Mục Vụ của giáo phận cũng có dính líu đến đàn bà và tiền bạc. Xin nhớ rằng vị nầy nguyên là linh mục thuộc Tu Hội Hy Vọng, mà TGM Thể không ưa thích, được truyền chức linh mục chui. Chính TGM Thể rất khó chịu về sự việc truyền chức chui cho một số linh mục thuộc tu hội nầy. Cho nên, đến hôm nay, số phận của các linh mục “chui” vẫn còn long đong! Ngược lại, một vị trong số nầy vẫn được trọng dụng và được bổ làm Giám Đốc Trung Tâm Mục Vụ.
Đặc biệt, trong hàng ngũ thân cận với TGM Huế, có một vị linh mục tuy không rình rang lắm, nhưng thường đi bên cạnh TGM Thể mỗi khi ngài xuất ngoại. Thân phụ và anh của vị linh mục nầy đã bị Việt Cộng thảm sát trong Tết Mậu Thân! Nhưng đáng tiếc rằng linh mục nầy đã chóng quên cái chết thê thảm của thân phụ và anh mình, để kết thân với chính những kẻ đã sát hại thân phụ và anh mình.
Nhìn lại việc TGM Thể sử dụng nhân sự, người ta rút ra được điều lý thú là ngài đã và đang sử dụng một số giáo sĩ đã vi phạm điều răn thứ sáu và thứ bảy. Vì bị bạo quyền nắm được các tì vết của mình, các vị đó phải trở thành người dễ sai khiến và đắc lực nhất trong việc đóng vai cho những kịch bản do bạo quyền đạo diễn.
Hiện tại, đa số các linh mục tại TGP Huế, trong đó có khoảng 50 linh mục trẻ đã quá chán ngán lối làm việc của TGM Thể và các nịnh thần của ngài.
TÀI CHÁNH
Đố ai biết được tài chánh và tài sản của Tổng Giáo Phận Huế là bao nhiêu và cái gì! Một điều chắc chắn là ngay cả Giám Mục Phụ tá Lê Văn Hồng cũng không hề biết điều này. Linh mục quản lý cũng chỉ là người được phát tiền chợ hàng ngày như đã nói ở trên. Có người nói rằng giả như ĐTGM Huế Nguyễn Như Thể trúng gió, chết thình lình thì chỉ có Đức Chúa Trời mới biết tài sản của giáo phận ở đâu! Ngoại trừ một số tiền không nhỏ, mà TGM Thể đã đầu tư vào hệ thống nhà trẻ ở Tây Nguyên, đã tan tành mây khói! Và vừa qua, một số tiền không nhỏ đã được chi cho lễ kỷ niệm 50 năm linh mục của ngài, vốn để lại tiếng tăm đến nghìn thu.
TƯỢNG ĐỨC MẸ LAVANG
TRUNG TÂM THÁNH MẪU TOÀN QUỐC HAY TRUNG TÂM HÀNH HƯƠNG LA VANG?
Tại Đại Lễ Kỷ Niệm 200 Đức Mẹ hiện ra tại La Vang, chính ĐTGM Nguyễn Như Thể, dưới hình thức hội nhập văn hóa, đã thay pho tượng Đức Mẹ La Vang cũ, được đúc theo mẫu tượng Đức Bà Chiến Thắng ở Paris (Pháp), bằng pho tượng Đức Mẹ mặc áo dài Việt Nam mầu thiên thanh, đầu đội mão vàng, trông sang trọng như một cô dâu người Việt. Có ba nhân chứng (xin tạm dấu tên) đã hỏi TGM Thể sự việc nầy. Ngài trả lời họ rằng bức tượng được lấy từ hình mẫu của Nam Phương Hoàng Hậu.
Việc tự ý thay đổi bức tượng đã có từ ngàn xưa bằng bức tượng lòe loẹt như cô dâu đã gây nên nhiều tranh cải cho đến hôm nay. Liệu đây là sự hưởng ứng tinh thần hội nhập văn hóa của Thượng Hội Đồng Giám mục Á Châu hay là việc làm theo đơn đặt hàng để trần-tục-hóa Đức Mẹ La Vang? Qua việc hạ cấp Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc xuống thành Trung Tâm Hành Hương La Vang sau khi nhà cầm quyền cộng sản ban ơn bằng cách trả lại hơn 20 mẩu đất cho la Vang và qua âm mưu đưa Nguyễn Minh Triết đến La Vang hồi đầu năm 2011, liệu La Vang có còn là Linh Địa hay sẽ thành khu du lịch thuần túy?
Tưởng cũng nên biết rằng, tại La Vang, cách đây vài năm, một nhà khách đồ sộ bốn tầng đã được hình thành bởi công ty xây cất của Nhà Nước, bằng tiền Nhà Nước cho “vay” không thời hạn, qua môi giới rất “tài tình” của linh mục Lê Quang Quý, hạt trưởng hạt Quảng Trị, người thân tín của TGM Thể và cũng là của cộng sản ở Quảng Trị. Tất nhiên, vị nầy cũng đã bị “nắm” vì dính líu tới đàn bà và tiền bạc.
WIKILEAKS NÓI GÌ VỀ TGM NGUYỄN NHƯ THỂ?
“Nhiều lần tiếp xúc với giới chức Hoa Kỳ, Tổng Giám Mục Nguyễn Như Thể ở Huế trấn an phía Mỹ là tình hình tự do tôn giáo ở địa phương này tiến triển chậm nhưng tốt và khuyên phía Mỹ hành xử nhẹ nhàng nhạy cảm. Riêng về Linh Mục Nguyễn Văn Lý, Tổng Giám Mục Thể cho rằng Linh Mục Lý bị tù là vì lý do chính trị, không phải tôn giáo.
Danh tánh vị chủ chăn tổng giáo phận Huế xuất hiện nhiều lần trong các công điện ngoại giao bị Wikileaks tiết lộ. Một trong những công điện sớm nhất có nhắc tới Tổng Giám Mục Nguyễn Như Thể là bức công điện đề ngày 28 tháng 1, 2004, khi Tiến Sĩ Scott Flipse, giám đốc điều hành Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Hoa Kỳ tới thăm Việt Nam.
Ủy ban này, tên tắt là USCIRF, là một tổ chức độc lập do Quốc Hội lập ra để theo dõi tình hình tự do tôn giáo trên thế giới. Một trong những việc USCIRF làm là đề nghị nên đưa nước nào vào danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt, quen gọi là CPC.
Tại Huế, Tiến Sĩ Flipse gặp Tổng Giám Mục Thể và hỏi về tình hình tự do tôn giáo tại đây. Tổng Giám Mục Thể cho rằng mâu thuẫn giữa chính quyền và giáo hội là ở định nghĩa thế nào là tự do tôn giáo. “Trong khi chính quyền cho rằng tự do thờ phượng là mục tiêu chính yếu, giáo hội Công Giáo cho rằng điều này bao gồm nhiều thứ nữa,” bức công điện viết. Tổng Giám Mục Thể nói ông hy vọng “với thời gian quan điểm hai bên sẽ lại gần với nhau”.
Vị tổng giám mục này nói “tình hình đã cải thiện mỗi năm, và hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ lên tiếng cho giáo hội một cách nhạy cảm và tôn trọng cách hành xử của người Á Ðông”. Ý ông nói là “bất cứ cách nào trực tiếp hơn, sẽ gây phản cảm cho giáo hội”.
Nêu thí dụ về tình hình giáo hội Công Giáo miền Trung, Tổng Giám Mục Thể cho biết “mặc dù tấn phong linh mục vẫn cần phải được chính quyền chấp thuận, nhưng sự chấp thuận này đã dễ dãi hơn, và cá nhân ông tấn phong 53 linh mục trong 10 năm ông ở tổng giáo phận”.
Quay sang trường hợp Linh Mục Lý, Tổng Giám Mục Thể gọi đó là “một trường hợp phức tạp”. Chính Giám Mục Thể sắp xếp để chuyển Linh Mục Lý đi sang xứ khác, nhưng, “rất tiếc, Cha Lý lại tiếp tục những hoạt động của ông ở xứ đạo mới, bất kể cảnh cáo của tổng giám mục là linh mục không được tham gia chính trị”.
Tổng Giám Mục Thể cũng nói ông không thiết tha đòi lại tài sản của giáo hội, vì “với giới hạn của chính quyền trong việc làm từ thiện, giáo hội cũng không có gì để sử dụng những bệnh viện và trường học cũ”.
Lúc đó, Tổng Giám Mục Thể cũng nói với USCIRF ông không biết gì về vụ tranh chấp đất của giáo hội ở Ðan viện Thiên An. Nhưng vài tháng sau, khi tham tán chính trị và nhân viên tổng lãnh sự quán Mỹ ở Sài Gòn trở ra Huế ngày 29-31 tháng 3, 2004, Tổng Giám Mục Thể nêu lên vấn đề Ðan viện Thiên An.
Cuộc gặp gỡ đó được ghi lại trong công điện đề ngày 18 tháng 5. Trong đó, Tổng Giám Mục Thể cho biết có 107 héc ta đất của giáo hội ở Thiên An bị chính quyền lấy để xây khu vui chơi. Trong khi Tổng Giám Mục Thể cho rằng dự án này “cần đặt vấn đề về mặt môi trường,” ông cũng cho rằng cơ may mà giáo hội đòi lại miếng đất này là không bao nhiêu.”
(Trích Người Việt)
TRÁNH NHẮC TỚI ĐTGM NGUYỄN KIM ĐIỀN
KHÔNG NHẮC TỚI THỜI GIAN LAO TÙ CỦA ĐHY NGUYỄN VĂN THUẬN
TGM Thể thường lờ đi tất cả những gì liên quan đến ĐTGM Nguyễn Kim Điền, thậm chí tên tuổi và công lao của vị TGM tử vì đạo nầy không được ngài muốn nhắc đến trong bất cứ mọi văn bản hay lễ lạc nào. Bởi thế, thật dễ hiểu rằng, dưới thời của TGM Thể, không hề có ngày lễ giỗ của vị tiền nhiệm là ĐTGM Nguyễn Kim Điền là một trong những vị Giám Mục có nhiều công lao nhất đối với Tổng Giáo Phận Huế. Chính linh mục chánh xứ Phủ Cam (là nơi Đức Cố ĐTGM Nguyễn Kim Điền được mai táng trong thánh đường) cũng thổ lộ rằng ngài không thể dâng Thánh Lễ trong ngày giỗ của ĐTGM Nguyễn Kim Điền dù ngài rất yêu mến vị Tổng Giám Mục quá cố. Tóm lại, những gì thuộc về ĐTGM Nguyễn Kim Điền được xem như “dị ứng” với TGM Thể. Thật dễ hiểu, vì mỗi vị đứng về mỗi phía hoàn toàn khác nhau!
TGM Thể và Tổng Giáo Phận Huế cũng thường lờ đi sự kiện Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận bị ở tù dưới chế độ cộng sản, xem như đó là chuyện “tế nhị”, không nên đề cập đến. Bằng chứng hiển nhiên là ngày 22/01/2012, trong Thông Báo về việc Phái Đoàn của Tòa Án Giáo Phận Roma sẽ đến Huế điều tra trong tiến trình phong Á Thánh và Hiển Thánh cho Đức Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, TGM Thể đã đã cố tình tránh né nhắc đến các sự kiện từ biến cố năm 1975 cho đến ngày Đức Cố Hồng Y bị trục xuất qua Roma. Chính thời gian này và những cực hình mà Đức Cố Hồng Y phải gánh chịu trong lao tù cộng sản là nhân tố quyết định việc lập hồ sơ phong chân phước cho ngài. Trước đây, vì run sợ trước việc cộng sản phản đối danh xưng “Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc La Vang”, TGM Thể phải chấp nhận các chữ “Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang”. Phải chăng hôm nay ngài cũng run sợ trước việc cộng sản phản đối danh hiệu của Đức Cố Hồng Y là “Tổng Giám Mục Phó Sài Gòn với quyền kế vị” và trước việc phải nhắc tới chặng đường thập giá 13 năm lao tù của Tôi Tớ Chúa mà thủ phạm chính là cộng sản?
Xin vào đường link nầy để đọc văn thư do TGM Thể ký tên:
http://tonggiaophanhue.net/home/images/stories/tin/thang012012/25012012thongbao_1.jpg
CHƠI CỜ DOMINO
TGM Nguyễn Như Thể là người rất mê cờ Domino. Có thể nói rằng ngài mê cờ Domino hơn bất cứ thứ gì. Phải chăng những gì đã và đang xảy ra tại Tổng Giáo Phận Huế là ván cờ Domino lớn nhất cuộc đời mà TGM Thể đang mân mê từng con cờ, với canh bạc là cơ đồ của cả Tổng Giáo Phận gồm giáo sĩ, tu sĩ nam nữ, chủng sinh, và giáo dân?
Trong trò Domino nầy, có bốn tay chơi: TGM Huế, TGM Hà Nội, TGM Sài Gòn và Nhà Nước cộng sản. Dù các TGM có chơi hay cách mấy cũng không thể quỷ quyệt bằng tay chơi Nhà Nước cộng sản. Có lúc, chúng cho các ngài “thắng” bằng những lễ hội đón rước linh đình, bằng những yến tiệc, cờ xổ, lộng che, xe đón đưa…Nhưng, lắm lúc, các ngài cũng phải toát mồ hôi bởi người cộng sản, lắm mưu chước độc ác, đã biết rõ hết các con cờ các ngài đang cầm trên tay. Đó là những con bò lục, bò ngũ, bò tứ, bò tam…ham mê tiền bạc, vất chất, và sắc dục. Càng chơi, các ngài luôn bị Nhà Nước gài các thế TRIỆT và TRIỆT BUỘC, mà hậu quả là một Giáo Hội Việt Nam đang dần dần trở thành công cụ của Nhà Nước bạo quyền.
Cộng sản Việt Nam đã đưa Vũ Ngọc Nhạ luồn sâu vào trong chính phủ Việt Nam Cộng Hoà! Cộng sản Ba Lan đã chiêu dụ được TGM Stanilav Welgus làm việc cho chúng! Vậy thì “nắm” các đấng bậc đã mang các tì vết là chuyện dễ như lật bàn tay!!!
HỖ THẸN NHƯNG PHẢI CAN ĐẢM
Ngày 07/02/2012, tại Rôma, ĐHY Marc Ouellet, Tổng trưởng Bộ Giám Mục, đã đứng chủ lễ trong một nghi thức sám hối gồm 100 Giám Mục đang tham dự hội thảo về đấu tranh chống lạm dụng tính dục trong Giáo Hội. Ngài đã nhân danh Giáo Hội xin lỗi sau khi mọi người đã được lắng nghe những lời chứng rúng động của chính các nạn nhân.
Đức Hồng Y Marc Oullet và các Giám Mục đã đứng lên đồng thanh: “Bằng nỗi hãi hùng và hổ thẹn, chúng tôi đã nhận thấy rằng sự dữ đang ở trong chúng tôi, và nó đã làm lu mờ cách nghiêm trọng vai trò chứng tá của chúng tôi. Chúng tôi, đã tưởng cứu giúp những người nhỏ bé nhất trong chúng tôi, nhưng chúng tôi đã trở thành một dụng cụ của sự dữ ám hại họ”. Sau những lời này, là lời thú tội do một giám mục người Đức đọc lên : “Chúng con đã phạm tội. Chúng con đã không biết lắng nghe nỗi đau đớn của những người vô tội này. Chúng con đã sợ và đã bị làm cho khiếp sợ bởi tội lỗi“.
Trong bài giảng của mình, ĐHY Ouellet đã gợi lên “bi kịch, sự hổ thẹn và tội ác này, là nguồn gương mù lớn lao”. Ngài đã xin lỗi nhân danh toàn thể Giáo Hội bằng cách ba lần dằn từng tiếng:
“Đừng bao giờ xảy ra nữa !”.
Liệu các Giám Mục Việt Nam nói chung và các Giám Mục Huế có đủ can đảm theo gương Đức Hồng Y Mar Ouellet và hàng trăm Giám Mục không?
Phủ Cam
Xin đón xem bài 2: Giám Mục Phụ Tá Lê Văn Hồng.
*Ngôn từ của linh mục Nguyễn Vinh Gioang
0 comments:
Post a Comment