Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2012-02-20
Có những cuộc tình xa nhau không phải vì chủng tộc nhưng vì chính sách của hai đất nước đã không chấp nhận cho những cuộc tình xuyên biên giới.
Photo courtesy of bee.net.vn
Ông Phạm Ngọc Cảnh và bà Ri Yong-hui tại Hà Nội ngày nay.
Câu chuyện tình của thế kỷ
Báo chí vài ngày qua đang rộ lên câu chuyện tình của một cặp tình nhân thời chiến tranh Việt Nam, chàng sinh viên Hà Nội gặp và yêu một nữ công nhân Bắc Triều Tiên để rồi sau đó xa nhau không phải vì chủng tộc nhưng vì chính sách của hai đảng cộng sản tuy bên ngoài là anh em nhưng không chấp nhận cho những cuộc tình xuyên biên giới.
Chàng trai là Phạm Ngọc Cảnh vào năm 1971 sang Bắc Triều Tiên để theo học môn hoá học và lúc ấy Ri Yung Hui là một công nhân. Đôi mắt của Ri Yung Hui đã làm xao xuyến cậu sinh viên và mối tình âm thầm nảy nở giữa hai người trong không gian của một xứ sở khép kín nhất thế giới. Cả hai yêu nhau trong bí mật và khi chàng lưu học sinh Phạm Ngọc Cảnh chuẩn bị về nước thì cả hai đều hiểu rằng cuộc tình của họ không thể chấp nhận bởi cả hai quốc gia, nhất là Bắc Trìêu Tiên, trong những năm ấy luật lệ không cho phép thành hôn với người ngoại quốc mặc dù Bình Nhưỡng và Việt Nam là hai nước anh em cùng nằm chung trong hệ thống xã hội chủ nghĩa.
Năm 1973 anh Phạm Ngọc Cảnh tốt nghiệp về nước và trong lòng vẫn cháy bỏng mối tình với Ri Yung Hui. Tuy xa xôi cách trở, Cảnh vẫn liên lạc bằng thư từ với người yêu và anh đã gửi thư cả cho phu nhân của Chủ tịch Kim Nhật Thành để yêu cầu chấp nhận cho anh được thành hôn với Ri.
Không được hồi đáp, anh vẫn không nản lòng. Vào tháng 5 năm 2002 khi ông Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đức Lương và Bộ trưởng Bộ ngoại giao Nguyễn Dy Niên sang thăm Bắc Triều Tiên thì anh Cảnh đã gửi thư nhờ hai ông này nói lên tiếng nói của mình.
Bốn tháng sau, ngày 4 tháng 9 năm 2002, tấm thiệp hồng bay từ Bình Nhưỡng về cho chàng sinh viên Phạm Ngọc Cảnh bây giờ đã bứơc sang lứa tuổi 50 thông báo rằng anh đã đựơc nhà nước Bắc Trìêu Tiên chấp nhận cho kết hôn với công dân Bắc Triều Tiên là Ri Yung Hui.
Sau hơn 31 năm chờ đợi trong mỏi mòn, hai kẻ yêu nhau ấy bây giờ đã có thể nói chung tiếng nói mà chỉ những người yêu nhau mới hiểu.
Hai ông bà Phạm Ngọc Cảnh và Ri Yung Hui liên lạc chủ yếu chỉ qua thư.
Photo courtesy bee.net.vn
Một phụ nữ Hàn Quốc là chị Bo Rah Yong khi được hỏi cảm tưởng về mối tình này đã không ngần ngại phát biểu rằng thật là sung sướng cho hai người và nhất là cho chị Ri vì chị ấy đã có được một người đàn ông xứng đáng chờ chị ấy suốt 30 năm trường. Đây là một nét đẹp của nền văn hóa Á Đông mà chị Bo Rah Yong cho rằng có thể trở thành một câu chuyện tình lãng mạn của thế kỷ.
Kính thưa quý vị, chuyện tình của anh Phạm Ngọc Cảnh và cô Ri Yung Hui dù sao cũng có một kết thúc có hậu.
Cấm lấy người nước ngoài
Hôm nay trong phòng thu âm của chúng tôi có mặt nhà báo Lê Diễn Đức, sở dĩ anh có mặt hôm nay do chúng tôi biết bản thân anh cũng có một mối tình khác chủng tộc và cũng xảy ra trong khối xã hội chủ nghĩa cách đây gần 40 năm, chúng tôi mời nhà báo Lê Diễn Đức để trực tiếp kể lại câu chuyện tình của anh với thính giả của Đài Á Châu Tự Do.
Mặc Lâm : Thưa anh Lê Điễn Đức chắc có lẽ chúng ta nên quay lại câu chuyện của cô Lê Vũ Anh là con gái của Tổng bí thư Lê Duẩn, mối tình của cô ấy với một người Nga nhiều chục năm trước đây khi lệnh cấm người Việt lấy người nước ngoài còn hiệu lực. Anh có thể kể lại cho quý thính giả nghe sơ về những câu chuyện tương tự như vậy trong khi anh đang theo học ở Ba Lan được không, thưa anh?
Lê Diễn Đức : "Dạ thưa anh Mặc Lâm và thính giả của Đài Á Châu Tự Do, về bản thân tôi thì có lẽ tôi chỉ cần nói qua một chút cuộc tình của tôi cũng có những bi kịch nhưng nó không có cái “happiness” giống như là anh Phạm Ngọc Cảnh và cô gái Bắc Triều Tiên, như anh Mặc Lâm vừa nói. Nhưng mà những cuộc tình như của tôi trong những nước xã hội chủ nghĩa vào những năm 1970 thì có rất là nhiều, và mỗi người có một màu sắc, có một hoàn cảnh riêng. Trước khi nói tới chuyện cô Lê Vũ Anh, con của cố TBT Lê Duẩn, tôi muốn nói là trong giai đoạn chúng tôi sang học những năm 1970 nó như thế nào.
Hồi đó chúng tôi sang học thì cũng giống như câu chuyện mà anh Mặc Lâm vừa đọc, tức là nhà nước quyết định cho chúng tôi đi học và chỉ học để phục vụ tổ quốc thôi, ngoài ra không cần biết cái gì hết, thậm chí không được yêu nhau giữa người Việt Nam với người Việt Nam chứ đừng nói gì tới giữa người Việt Nam với người nước ngoài. Tất cả chúng tôi bị cấm xem phim tư bản, bị cấm mặc quần loe, để tóc dài, bị cấm đến thăm nhà người bản xứ, vân vân. Mặc dù cùng đi học một trường, sống chung trong một môi trường chung quanh mình là những người Ba Lan nhưng mà chúng tôi coi như bị ngăn cấm hết tất cả mọi thứ, đúng như là đảng và nhà nước họ đã cử những người thường thường là nghiên cứu sinh hay là thực tập sinh và là đảng viên, ở thành phố thì họ chịu trách nhiệm quản lý chung tất cả sinh viên ở thành phố đó.
Rồi sau đó nếu có gì xảy ra đối với sinh viên nào thì họ báo cáo lên tòa đại sứ, và nếu vi phạm những điều tôi vừa nói thì sẽ bị kỷ luật tùy theo mức đọ nhưng mà dính vào những điều cấm kỵ thì đa số bị trục xuất về nước.
Những trường hợp bị trục xuất về nước cũng khá nhiều, bởi vì quý thính giả biết rằng chúng tôi đi sang nước ngoài mới chỉ 17-18 tuổi là cái tuổi yêu đương, trai chưa vợ gái chưa chồng, sinh viên đi học với nhau, sinh hoạt cùng thư viện, cùng nhà ăn, cùng đọc sách thì cái chuyện nẩy nở tình cảm giữa con người là cái chuyện tất yếu thì khó mà ngăn chận lắm. Cho nên có những mối tình rất là nghịch lý, rất là trái khoáy, bất chấp hết lệnh của tòa đại sứ, nhưng mà khi bị phát hiện ra thì rất là nhiều bi kịch.
Tôi có yêu một cô gái học cùng trường tên là Bojana nhưng không may chúng tôi bị phát hiện ra. Trong trường hợp của tôi thì tôi đi tìm tự do bằng cách khác chứ không như là anh Phạm Ngọc Thành trong câu chuyện anh Mặc Lâm kể, tôi đã vượt biên để đi tìm tự do, để bảo vệ tình yêu của mình, sau đó tôi bị an ninh bắt và đưa về Việt Nam thì tôi bị tù 2 năm ở Hỏa Lò. Chuyện của tôi là thế nhưng mà có những trường hợp, ví dụ như anh Hoàng Ngọc Hữu, chủ tịch hội Việt kiều đầu tiên ở Ba Lan, anh cũng yêu một cô rồi anh bị trục xuất về nước, khi qua biên giới Liên Xô thì anh nhảy xuống xe và anh bò lết được đến một gia đình nông dân ở ngoài đồng. Anh được người ta cấp cứu và đưa đến bệnh viện, nhưng sau khi tỉnh lại thì anh nói là phải chuyển anh đi nơi khác, nếu không thì sứ quán sẽ tới bắt. Thì đúng như vậy, ngày hôm sau tòa đại sứ đã nhờ phía Ba Lan can thiệp và công an Ba Lan đến bệnh viện để bắt anh Hữu. Nhưng trong bệnh viện người ta rất thương anh nên người ta đã chuyển anh đi nới khác rồi.
Ông Phạm Ngọc Cảnh và bà Ri Yong-hui tại Hà Nội ngày nay. Courtesy bee.net.vn
Một số người bạn khác cùng học với tôi cùng thời khi về Việt Nam cũng bị kỷ luật, mà mọi người biết là trong hoàn cảnh chiến tranh lúc đó đất nước Việt Nam còn rất lạc hậu trong cái nhận thức chứ không phải như bây giờ, cho nên họ chịu đựng những cuộc đời rất là đau khổ, nhiều người phải về quê đi cày, rồi bị trả về quê có người đã chết, v.v. những cuộc đời rất là bi thảm!
Trong bối cảnh chung đó, vào năm 1976 cô Lê Vũ Anh, con của cố TBT Lê Duẩn, lúc ấy ai cũng biết quyền lực của ông TBT Lê Duẩn rất là lớn, không những đứng đầu đảng, nhưng mà sau năm 1975 thì nói chung quyền lực trong phe nhóm của ông Lê Duẩn rất mạnh, kể cả về mặt nhà nước cũng như mặt đảng, thì cô Lê Vũ Anh cũng như chúng tôi thôi, cô cũng là con người, cũng là sinh viên, thì cô yêu một phó giáo sư người Nga, ra tòa đại sứ, rồi đoàn thanh niên, rồi thậm chí cả bên gia đình cô đều ngăn cản mối tình đó, nhưng cô bất chấp, cô vẫn lấy người Nga đó. Tất nhiên, khi mà cô đã đặt bố mẹ trong sự đã rồi thì gia đình phải chấp nhận, và bố mẹ nào chả thương con, cho nên ông Lê Duẩn tuy là có cay đắng nhưng ông đành chấp nhận chuyện đó.
Sau vụ đó thì thanh niên chúng tôi, tức là tất cả sinh viên ở Nga, ở các nước xã hội chủ nghĩa cũ, viết thư lên tòa đại sứ để khiếu nại, thậm chí có những nhóm sinh viên người ta viết bằng máu, ký tên bằng máu, phản đối là tại sao con TBT thì lại được yêu mà chúng tôi thì không, đại ý như vậy. Lúc đó có một phong trào, có một chiến dịch lớn như thế."
Thần tình yêu?
Mặc Lâm : Thưa, xin được ngắt lời anh ở đây. Trước những chống đối và những đòi hỏi như vậy thì TBT Lê Duẩn đã xử sự như thế nào, thưa anh?
Lê Diễn Đức : "Thì ông Lê Duẩn đã chỉ thị cho nhà nước VN là bỏ đi cái lệnh cấm đoán người Việt Nam lấy người nước ngoài. Thế thì chúng tôi nói đùa với nhau (cười) là sau vụ đó thì có lẽ nên đúc tượng đồng cô Lê Vũ Anh để làm thần tình yêu cho những du học sinh ở nước ngoài đó anh ạ."
Mặc Lâm : Chúng tôi rất thích thú với câu chuyện riêng của anh. Anh có thể quay lại với cô Bojana và kể cho thính giả nghe một ít chi tiết về cuộc tình này hay không? Và tại sao anh lại bị bắt về Việt Nam trong cuộc tình này?
Lê Diễn Đức : "Thật ra nó có rất nhiều tình tiết, nó cũng rất là ly kỳ, rồi cũng do ý chí của tôi đi tìm tự do, đồng thời cũng gặp những may mắn nữa. Khi chúng tôi yêu nhau, chúng tôi phải tìm cách che mắt, giấu các bạn thanh niên Việt Nam cùng học và ở cùng một ký túc xá. Anh biết không, chúng tôi rủ nhau đi chơi, đi xem một cuốn phim nào đấy thì chúng tôi phải xem ở một cái rạp rất xa ở ngoài thành phố để không có bị bắt gặp. Thế thì cô ta đi một đường đến rạp đó, còn tôi từ ký túc xá tôi đi một mình. Chúng tôi chia ra mỗi người đi một hướng, rất hạn chế đi với nhau ở gần khu vực ký túc xá vì rất dễ bị phát hiện.
Rồi cũng có lúc tôi muốn đi chơi với cô ấy thì tôi phải xuống phòng người Ba Lan, tôi mặc quần áo nhẹ ở trong nhà nhưng thật ra tôi đã giấu một bộ quần áo ở nơi một người bạn Ba Lan ở lầu trên rồi. Trước khi đi tôi làm những động tác giả, tôi gõ cửa phòng này phòng kia. Chúng tôi hồi đó ở trong ký túc xá có trưởng đoàn, phó đoàn thanh niên, nói chung là tổ chức của người Việt Nam mình theo dõi để ý nhau rất là nhiều. Tôi làm bằng cách đó để đánh động là tôi đang mặc quần đùi, đang đi lại đây, và tôi đang đi xuống phòng dưới của người bạn Ba Lan cùng trường để mà trao đổi học hành, đại ý là làm những động tác giả như thế. Sau đó thì tôi mặc quần áo, mở cửa sổ và tôi nhảy ra bên ngoài đi chơi. Sau đó khi quay về tôi lại bỏ quần áo ở phòng người bạn Ba Lan và mặc đồ lót từ phòng đó tôi đi lên phòng mình. Nói chung là có nhiều động tác mà chúng tôi hồi đó phải làm rất là khổ.
Phải nói là luôn luôn phải làm động tác giả nhưng rồi cũng khó mà tránh được và cái chuyện bị lộ thì cũng rất là vô duyên. Chúng tôi là sinh viên, khi đi thư viện về hoặc là đi học về thì buổi trưa chúng tôi thường ăn trong nhà ăn tập thể của sinh viên, thì hôm đó tôi đang đứng xếp hàng đông lắm, đủ các nước và có cả Việt Nam nữa, thì cô Bojina tức người yêu của tôi cũng vừa đi thi về, thấy tôi đứng xếp hàng cổ chạy lại cổ ôm chầm và hôn tôi một cái. Cổ nói là “Em đã đậu rồi!” Tức là cổ vừa thi xong và khoe với tôi. Thế thì cái động tác của cô bị người Việt Nam cùng đứng đó để ý thấy và sau đó về báo cáo với đoàn thành niên là tôi đã ôm hôn cô gái Ba Lan ngay giữa chỗ “public”, chỗ công cộng. Ối trời ơi! Tôi phải viết kiểm điểm này nọ các thứ. Và ngay cả người báo cáo (cười) bây giờ gặp tôi rất là xấu hổ.
Khi mà tôi bị phát hiện thì là bị theo dõi rồi, thậm chí có những đứa nó tình nguyện, giống như là hồi đó chúng tôi gọi là “kapush”, đó là tiếng Ba Lan có nghĩa là cái loại chuyên đi bẫm báo cho phát xít Đức thời kỳ Ba Lan đang chiến tranh đấy. Thế thì có những thằng tình nguyện làm “kapush” mà bây giờ mình gọi là “chó săn” đấy, hơi nặng hơn một chút nhưng mà đại ý là như vậy. Tôi đi đâu chúng nó bám theo đấy, chúng nó bí mật bám theo và cuối cùng phát hiện ra tôi ở vài nơi đi chơi với con gái Ba Lan. Thế là về bị bắt làm kiểm điểm và được thông báo là tôi phải lên tòa đại sứ để về nước.
Khi tôi bị trục xuất về nước thì họ cho người kềm tôi từ thành phố nơi tôi học đề đi lên Warsaw, tức là thủ đô, để bàn giao tôi lại cho tòa đại sứ. Xong rồi thì tòa đại sứ mua vé, cho người kềm tôi từ Warsaw đi Moskva , từ Moskva về Bắc Kinh, tức là kềm liên tục cho tới về nước. Lúc đó về tòa đại sứ một cái thì tôi tìm cách tôi trốn. Tôi trèo cửa số nhảy ra một gia đình Ba Lan tôi trốn về nhà người yêu của tôi và tôi tìm cách vượt biên. Đại ý như vậy.
Tôi đi vượt biên lần cuối cùng ở Thụy Điển, thì an ninh hồi đó ở Ba Lan là an ninh cộng sản và họ có những nghi vấn nên họ giữ tôi, họ điều tra, họ nhốt tôi cũng mấy ngày, hỏi han xong thì họ áp tải tôi trở lại Warszawa và người ta bàn giao lại sứ quán và trục xuất tôi về nước. Khi về đến Đồng Đăng thì tôi bị tước đoạt hết mọi thứ, nào là giấy tờ, nào quần áo này nọ các thứ. Đến ga Hàng Cỏ, vì hồi đó chưa có máy bay nên phải đi tàu, thì hai công an đưa tôi đến một chỗ mà tôi không biết vì tôi không phải là dân Hà Nội. Khi dừng lại ở cổng sắt thì tôi tự bảo “Thế là mình bị đi tù rồi!” (cười). Vào đấy thì người ta đọc lệnh bắt tôi về tội trốn ở lại nước ngoài và người ta liên tục hỏi cung tôi mười mấy tháng trời, anh ạ. Ở đó tôi bị biệt giam luôn, và tôi vẫn nhớ chị chấp pháp ngày nào cũng hỏi cung tôi hết. Bây giờ thì biết ở đấy là chỗ giam các nhà tranh đấu dân chủ hiện giờ, tức là B15 Thanh Trì, Hà Nội đó, (cười lớn)."
Mặc Lâm : Vâng. Thưa quý vị, quý vị vừa nghe câu chuyện rất cảm động của nhà báo Lê Diễn Đức, nối tiếp câu chuyện của anh Phạm Ngọc Cảnh cũng có một người yêu người Triều Tiên vừa mới kết hợp với nhau sau bao nhiêu năm bị ngăn cách, nhưng rất tiếc là nhà báo của chúng ta lại không được cái may mắn đó. Nhân đây cũng xin chia buồn với anh Lê Diễn Đức về mối tình rất là đẹp nhưng bị đổ vỡ của anh. Một lần nữa xin cảm ơn nhà báo Lê Diễn Đức về cuộc nói chuyện ngày hôm nay với chúng tôi.
Lê Diễn Đức : "Xin cảm ơn anh Mặc Lâm và cảm ơn quý khán thính giả của RFA. Xin chúc quý vị mọi sự an lành và tốt đẹp."
*nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_dep...012193348.html
Monday, February 20, 2012
Những cuộc tình xuyên biên giới
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 comments:
Post a Comment