VnMedia - Quân đội nước ngoài bắt đầu hiện diện ở Syria trong khi giới quan chức Mỹ được cho là đang họp bàn về phương án can thiệp quân sự vào đất nước Trung Đông bất ổn này. Đây là những dấu hiệu khiến nhiều người tin rằng, Syria sắp biến thành một chiến trường khốc liệt.
Chiến tranh sắp bùng nổ?
Theo mạng tin tình báo Debka, người ta đã nhìn thấy một số nhóm đặc nhiệm của Anh và Qatar hiện diện ở thành phố Homs – điểm nóng bóng nhất ở Syria hiện nay. Các binh sĩ của Anh và Qatar không trực tiếp tham chiến nhưng được cho là đang tích cực hậu thuẫn cho phe nổi dậy ở thành phố Homs trong vai trò là cố vấn chiến thuật, điều hành các đường dây liên lạc và giúp đỡ về hậu cần, vũ khí.
Ngoài ra, các nhóm đặc nhiệm của Anh và Qatar còn thiết lập 4 trung tâm chiến dịch tại bốn quận của thành phố Homs là Khaldiya, Bab Amro, Bab Derib và Rastan.
Được biết, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cũng đang có kế hoạch can thiệp quân sự vào Syria. Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ và Ả-rập Xê-út sẽ phái một lực lượng quân sự hỗn hợp tới Syria để giúp phe đối lập chiến đấu chống lại quân chính phủ.
Những thông tin mật trên được tung ra đúng thời điểm có tin quân đội Mỹ cũng đang bàn thảo phương án dùng sức mạnh quân sự để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria sau khi các cường quốc phương Tây thất bại trong việc thúc đẩy thông qua một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm kêu gọi Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ chức.
Trong lúc này, cuộc khủng hoảng chính trị ở Syria vẫn diễn biến ngày một phức tạp với tình trạng bạo lực tiếp tục bùng phát dữ dội ở những điểm nóng. Mỗi ngày số người chết vì các cuộc đụng độ giữa quân chính phủ Syria với phe nổi dậy ngày một tăng cao. Nghiêm trọng hơn, tình trạng bạo lực không còn dừng lại ở thành phố Homs mà đã lan sang Aleppo, thành phố lớn thứ hai của Syria. Một loạt vụ nổ xảy ra ở Aleppo ngày hôm qua (10/2) đã khiến nhiều người thiệt mạng, trong đó có cả lực lượng an ninh. Trong hai ngày qua, xe tăng của quân đội Syria đã dồn về bao vây những khu vực nổi dậy ở Homs. Người ta cho rằng, lực lượng trung thành với Tổng thống -Assad sắp tiến hành một chiến dịch tấn công toàn diện nhằm đánh bại thành trì của cuộc nổi dậy.
Chính phủ Syria còn được cho là đã đề nghị Iran cử 15.000 binh sĩ thuộc lực lượng đặc nhiệm đến hỗ trợ cho quốc gia Trung Đông trong công tác duy trì trật tự tại các tỉnh quan trọng.
Tất cả những diễn biến trên khiến nhiều người tin rằng, chiến tranh sắp bùng lên ở Syria và viễn cảnh đáng ngại hơn là Syria sẽ trở thành một Libya thứ hai với sự can thiệp của phương Tây.
Mỹ muốn đánh Syria để hạ gục Iran?
Syria nằm ở trung tâm khu vực Hồi giáo Ả-rập thuộc phía Tây Á với xung quanh là Lebanon, Jordan, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ. Do vị trí địa lý đặc biệt như vậy, các nhà phân tích tin rằng, việc thay đổi chính quyền ở Syria sẽ gây ảnh hưởng lớn đến tình hình chính trị ở Iran, Lebanon và Palestine, thậm chí là làm thay đổi cả bức tranh chính trị ở khu vực Trung Đông.
Đằng sau cái cớ ủng hộ cho “nền dân chủ và tự do ở Trung Đông”, động cơ thực sự của việc các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, can thiệp vào tình hình Syria là nhằm thay đổi cục diện và bức tranh chính trị trên toàn bộ khu vực Trung Đông vì lợi ích riêng của họ. Một trong những lý do Mỹ muốn nhằm vào Syria là để hạ gục cả Iran. Mỹ muốn nhằm một mục tiêu mà trúng cả hai đích.
Nếu như lật đổ được chính phủ Syria, thiết lập nên một chính phủ thân phương Tây, Mỹ và đồng minh sẽ có được trong tay lá bài mặc cả trong vấn đề Iran bởi Syria và Iran vốn có mối quan hệ thân thiết. Mất Syria, Iran sẽ mất một chỗ dựa khá lớn và “cái thế” của Tehran khi đối đầu với phương Tây sẽ suy yếu đi.
Mặt khác, Washington cũng muốn hy vọng một chính phủ mới ở Syria do họ dựng lên sẽ ngả về phía đồng minh thân thiết Israel và xa lánh Iran – kẻ thù hàng đầu trong khu vực của Mỹ. Chính phủ hiện tại của Syria vốn không ưa gì Israel và có quan hệ tốt đẹp với Iran. Syria không ký hiệp định hòa bình với Israel và nước này ủng hộ mạnh mẽ cho phong trào chống lại sự chiếm đóng của Israel trong khu vực.
Rõ ràng, phương Tây và Mỹ chưa bao giờ lại mong muốn đánh đổ chính quyền của Tổng thống Syria Assad như lúc này nhưng vấn đề ở chỗ liệu họ có dám đi nước cờ mạo hiểm là thực hiện một chiến dịch quân sự như ở Libya hồi năm ngoái hay không.
Xét trong bối cảnh hiện nay thì Mỹ và các cường quốc phương Tây khó lòng có thể tái diễn kịch bản như ở Libya. Cả Mỹ và phương Tây đều đang vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế hết sức khó khăn, một cuộc chiến tranh tốn kém đối với họ lúc này không khác gì là một kế hoạch tự sát. Hơn nữa, Syria không phải là Libya. Nếu tấn công Syria, Mỹ và phương Tây sẽ không chỉ phải đối đầu với quân đội Syria mà còn phải đối đầu với Nga và một loạt những nước, những nhóm đồng minh của Syria như Iran, nhóm Hezbollah ở Lebanon... Chưa hết, cộng đồng thế giới giờ đây đã quá chán ngán với hình ảnh các cường quốc phương Tây đi gây chiến khắp nơi. Vì thế, nếu đánh Syria lúc này, Mỹ và phương Tây tự bôi xấu hình ảnh của mình trước mắt cộng đồng quốc tế trong khi hình ảnh của Nga và Trung Quốc sẽ phát triển theo chiều hướng ngược lại. Một khi đánh mất uy tín, tiếng nói của Mỹ và phương Tây sẽ không còn trọng lượng và như vậy, vị thế cường quốc hàng đầu thế giới của họ cũng theo đó mà lung lay.
Tuy nhiên, Syria khó mà tránh khỏi việc rơi vào một cuộc nội chiến khi tình hình bạo lực của nước này ngày một leo thang nghiêm trọng hơn. Đã có hàng nghìn người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình bạo lực kéo dài nhiều tháng qua ở đất nước này và số lượng binh lính đào ngũ cầm vũ khí chống lại chính quyền của Tổng thống Assad cũng đang ngày một gia tăng. Khi chính quyền của Tổng thống Assad càng ra tay đàn áp mạnh mẽ các cuộc biểu tình thì sự phản đối ngày càng trở nên quyết liệt hơn. Mỗi ngày qua đi, số người chết trong các cuộc đối đầu giữa lực lượng thân chính phủ với những người biểu tình ngày một tăng cao.
Kiệt Linh
Trung Quốc và Nga có "vui" khi nhìn thấy những hình ảnh này?
Bombardment continue in Homs
Syrian forces continue Homs Offensive
0 comments:
Post a Comment