Monday, February 13, 2012

Màn diễn PR tệ hại của Thủ tướng về vụ án Tiên Lãng


Cuộc họp do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì, Hà Nội ngày 10/2/20112 – Ảnh: GDVN

Lê Diễn Đức

Ngày 10 tháng 2 năm 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì một cuộc họp được bày biện hoành tráng và thành phần tiền hô, hậu ủng cũng đồ sộ. Buổi diễn PR đúng tầm cỡ của người đứng đầu Chính phủ.

Sự ủng hộ của xã hội dành cho ông Nguyễn Tấn Dũng ngày mỗi suy giảm xuất phát từ tình trạng kinh tế Việt Nam tệ hại nhất kể từ năm 1991. Nạn tham nhũng phát triển trầm trọng và tinh vi hơn, nhấn chìm dần lòng tin của dân chúng cùng với cam kết (rằng ông sẽ từ chức nếu như nạn tham nhũng không bị bài trừ) khi ông ngồi vào ghế Thủ tướng năm 2006.

Sau vụ bê bối Vinashin với khoản nợ xấp xỉ 4,5 tỷ USD, gần 20 tập đoàn và tổng công ty do ông trực tíếp nắm giữ sinh mệnh lâm vào cảnh nợ nần trên cả mức kinh hãi đối với một nền kinh tế nhỏ bé như Việt Nam với GDP chỉ 106,4 tỷ USD (năm 2010, theo số liệu của World Bank).

Ngoài Vinashin, tôi đưa ra con số của hai trong nhiều “quả đấm thép” điển hình của ông Dũng: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines).

EVN, theo Uỷ ban Kiểm toán Nhà nước, thua lỗ 10 ngàn tỷ đồng (tính chưa hết trong năm 2010) và nợ 200 ngàn tỷ đồng Việt Nam (khoảng 10 tỷ USD), tức là gần bằng 1/10 tổng thu nhập quốc dân, tương ứng lượng tiền xuất khẩu dầu mỏ của đất nước trong 10 năm!

Vinalines, đơn vị có con tàu Vinalines Queen trị giá 50 triệu USD đã bị chìm hôm 25/12/2011 cùng 22 thuỷ thủ đoàn, với nhiều dấu hỏi nghiêm trọng về nguyên nhân cũng như mức độ bồi hoàn của các hãng bảo hiểm. Trong 6 tháng đầu năm 2011, có tới 90% doanh nghiệp thuộc Vinalines báo lỗ hơn 600 tỉ đồng và Vinalines cũng đang nợ nhiều đối tác. Riêng khoản nhận bùn đánh bằng công cụ “tái cơ cấu” từ ao Vinashin qua, Vinalines lỗ 153 tỷ đồng, theo báo chí trong nước.

Cùng với hàng loạt sự kiện gây nhiều thắc mắc, hoài nghi: Vụ CPI (nhận hối lộ trong dự án ODA của Nhật); các dự án đường tàu cao tốc và khai thác bauxite Tây Nguyên; cho thuê hàng trăm ngàn hécta rừng đầu nguồn; hơn 90% tổng thầu EPC lọt vào tay Trung Quốc; in tiền polymer (Securency); và cuối cùng cách thức kéo con trai Nguyễn Thanh Nghị vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, rồi ít lâu sau đó đặt vào ghế Thứ trưởng Bộ Xây dựng – uy tín của ông Thủ tướng tuột xuống tận đáy, không chỉ về khả năng quản lý kinh tế, mà cả đạo đức cá nhân, ít nhất với những người quan tâm và có thông tin đa chiều về tình hình Việt Nam.

Vụ án Đoàn Văn Vươn bùng nổ như một cơ hội, một chiếc phao cứu hộ.

Ngay lập tức sau cuộc họp ngày 10/2/2012, trên báo điện tử của Chính phủ và các tờ báo quốc doanh khác đã xuất hiện các bài viết ca ngợi Thủ tướng về sự giải quyết hợp tình, hợp lý.

Nhưng nỗ lực tuyên truyền của Thủ tướng và bộ máy chẳng khác bao nhiêu việc tìm cách trục kéo con tàu Queen Vinalines 60 ngàn tấn từ dưới đáy đại dương ở độ sâu nhiều ngàn mét.

Có lẽ vì thế mà, đưa link dẫn bài “Các chuyên gia đồng thuận kết luận của Thủ tướng”, Giáo sư kinh tế học Trần Hữu Dũng, chủ biên tờ “Viet-studies” bình luận giễu cợt: “Chó cắn người” không phải là tin cần đăng, khi nào “người cắn chó” mới là tin cần đăng”!

Trước hết, bản kết luận gần 1.800 chữ của Thủ tướng chẳng toát lên điều gì chứng tỏ là tác phẩm riêng từ tầm quyền hạn và thực quyền của một ông Thủ tướng.

Không cần động não, một viên thứ ký hạng xoàng, chỉ cần “copy & past” tiếng nói của báo chí chính thống, các chuyên gia luật, luật sư và các vị lão thành cách mạng trong hơn một tháng qua là có thể có ngay bản kết luận đưa cho Thủ tướng… đọc và “chỉ đạo”!

Rất có thể vì chỉ đọc bản kết luận được người khác viết sẵn nên Thủ tướng đã không ý thức được nội dung của nó chứa đựng nhiều điểm khiếm khuyết, thậm chí sai trái?

Trong cuộc phỏng vấn của đài quốc tế Pháp RFI ngày 11/2, Luật sư Trần Đình Triển cho thấy kết luận của Thủ tướng có những “câu chữ chưa đúng quy định của pháp luật” – một cách nói nhẹ nhàng. Nhưng thẳng thắn mà nói, câu dưới đây của Thủ tướng đã ngược lại quy định của Hiến pháp và Pháp luật:

Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo thành phố Hải Phòng tiếp tục (…) chỉ đạo cơ quan bảo vệ pháp luật khẩn trương đưa vụ án “giết người và chống người thi hành công vụ” ra xét xử công khai, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Kiến nghị các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo do các quyết định không đúng pháp luật của UBND huyện Tiên Lãng”.

Theo Hiến pháp và điều 10 của Bộ luật Tố tụng Hình sự thì: Không ai có thể bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật. Nghĩa là họ vẫn phải chịu một số biện pháp cưỡng chế nhất định, nhưng không ai được xem là có tội và không chịu bất kỳ một hình phạt nào khi chưa có bản án của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.

Chưa có bản án hiệu lực của toà án đã đành, ngay cả tội danh “giết người và chống người thi hành công vụ” đối với anh Đoàn Văn Vươn đang là chủ đề tranh cãi rất gay gắt trong dư luận xã hội, bao gồm giới trí thức, báo chí, các cựu quan chức, cũng như những luật sư đang hành nghề hợp pháp tại Việt Nam.

Điều này chỉ có thể đồng nghĩa với sự yếu kém nhận thức của ông Thủ tướng, hoặc là Thủ tướng vào hùa trùm chăn đánh hội đồng nạn nhân Đoàn Văn Vươn với báo Công an Nhân dân và Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang.

Dư luận cũng bức xúc cho rằng, người đứng đầu Chính phủ, tức cơ quan hành pháp thì không nên “chỉ đạo” các cơ quan Tư pháp (Toà án, Viện Kiểm sát).

Cho dù ai cũng biết thực chất cả bộ máy vận hành của chế độ ở Việt Nam đều nằm trong sự kiểm soát và điều khiển của tập đoàn lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN), nhưng rõ ràng trong buổi diễn này ông Thủ tướng diễn xuất rất tệ.

Nội dung kết luận của Thủ tướng cũng cho thấy những sơ hở trong toàn bộ cuộc chơi này.

Thủ tướng có thực sự chỉ đạo Đảng uỷ và Ủy ban Thành phố Hải Phòng không?

Về số phận của mấy ông quan xã, những con tốt đen, trực tiếp vi phạm pháp luật, coi như đã an bài, có lẽ không đáng để bàn.

Người ta đã trao quyết định tạm đình chỉ chức Chủ tịch huyện Tiên Lãng đối với Lê Văn Hiền và đình chỉ chức Phó Chủ tịch đối với Nguyễn Văn Khanh, nhưng ký quyết định ngày 9/2 trước khi có cuộc họp của Thủ tướng và thời hạn đình chỉ, tạm đình chỉ là… 15 ngày, để… “kiểm điểm nghiêm khắc đúng yêu cầu của Thủ tướng” theo kết luận của ngày hôm sau!

Luật sư Trần Đình Triển còn chỉ ra điều đáng phải nói mà Thủ tướng lờ đi hoặc cố ý quên:

Thủ tướng chỉ nói đến là việc phá dỡ nhà ông Vươn sai, đó là tội phạm hủy hoại tài sản. Còn một tội nữa. Trong bộ luật hình sự nước CHXHCNVN đã có riêng quy định về đất đai. Có một điều luật chuyên biệt, đó là vi phạm về quản lý đất đai. Thì ở đây ra quyết định cưỡng chế sai, thu hồi sai, rõ ràng đã vi phạm điều đó, thì cần phải khởi tố những người thực hiện việc quản lý đất đai trong sự việc này, theo điều luật đó đã. Còn những ai chỉ đạo phá dỡ, thì đấy là phạm vào tội hủy hoại tài sản”.

Hai nhóm tội phạm đó, hai hành vi đó khác nhau, nhưng tôi thấy rằng không nhắc gì đến vi phạm về quản lý đất đai. Và một điều quan trọng nhất mà dân rất chờ đợi, đó là việc cưỡng chế”.

Trên trang Web Bauxite Việt Nam do Giáo sư Nguyễn Huệ Chi chủ biên, trong phần giới thiệu bài “Chưa thỏa mãn với kết luận của Thủ tướng” của luật gia Lê Hiếu Đằng ngày 12/2, nhận định của Ban biên tập có đoạn:

Trong kết luận của Thủ tướng Chính phủ, ông Thủ tướng lại chỉ đặt vấn đề kiểm điểm (đành rằng sau đó một ngày, Bộ trưởng Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam có tuyên bố rằng “sẽ xem xét kỷ luật lãnh đạo TP Hải Phòng)? Chẳng lẽ ông không biết rằng nếu không có một cái gật đầu của bọn họ thì bọn ăn cướp ở Tiên Lãng dù có máu tham bằng mười cũng chẳng dám ho he sao? Ông có nghĩ rằng nếu cướp được chừng ấy đầm của ông Vươn, đám cướp Tiên Lãng đâu có dám ăn lấy một mình, còn phải cống nộp nữa chứ. Hãy cứ xem cái mặt núc ních của Đại tá Ca thì cũng đủ đoán biết ông ta là người như thế nào, và chắc chắn không phải vô cớ và vô tư khi ông ta tỏ ra rất hể hả nói rằng việc phá nhà ông Vươn ông Quý là một trận đánh tuyệt đẹp đáng viết lại thành sách mẫu mực về chiến công của công an và bộ đội thời buổi này”.

Trong kết luận Thủ tướng cũng không nói gì về việc điều động lực lượng quân đội vào việc cưỡng chế thu hồi đất đai của huyện Tiên lãng. Việc làm này đã gây nên bất bình trong dư luận, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh cao đẹp của người lính bảo vệ Tổ quốc và nhân dân. Cựu Chủ tịch nước, đại tướng Lê Đức Anh, cũng phê phán việc làm trái nguyên tắc này.

Kết luận

Tất cả cho thấy rằng, có những điều toan tính khuất tất phía sau hậu trường của buổi họp ngày 10/2/2012.

Một số giả thiết đưa ra như “loạn sứ quân”, “rừng nào cọp đó”, mỗi địa phương hùng cứ một lãnh thổ, đặc biệt đất Cảng Hải Phòng vốn có truyền thống ngang tàng… Tôi cho rằng các giả thiết này không đúng.

Sự liên kết từ trung ương xuống địa phương rất chặt chẽ trong lợi ích phe nhóm. Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ rỗng hầu bao nếu không được Trung ương chuẩn thuận và cấp ngân sách cho các khoản đầu tư công khổng lồ.

Ngược lại, hầu bao của Trung ương chẳng thể xúng xính nếu tiền không chạy ngược từ rút ruột các công trình trong những dự án đầu tư ấy.

Dòng chảy xuôi ngược của đồng tiền khiến trên và dưới ràng buộc lẫn nhau, có trách nhiệm bảo vệ nhau khi có vấn đề, nhưng cũng bất lợi là khi cần hai bên đều có thể sử dụng nó như một thứ con tin.

Còn về nhân sự, cấu trúc tổ chức đặc thù của hệ thống cộng sản cho phép Trung Ương mà cụ thể là Bộ Chính Trị ĐCSVN có thể chôn vùi bất cứ ai trong nội bộ có tư tưởng chống đối, cách ly.

Cuộc họp của Thủ tướng để lại dư âm còn dài, vì vụ án đầm Cống Rộc đang tiếp diễn không đơn giản, nhất là dưới sức ép của xã hội và hậu quả khó lường nếu không được giải quyết thoả đáng.

Vì thế, những người cầm bút hơn ai hết cần có trách nhiệm thông báo kịp thời mọi diễn biến đến dân chúng, ngăn chặn thái độ ngây ngô, lòng tin ấu trĩ vào thực tâm của lãnh đạo ĐCSVN.

Đừng nên để văn hoá nô lệ lấn át lý trí, chưa chi đã vội vã vui mừng, chỉ vì một cái vuốt ve (dối trá) nhẹ nhàng!

© 2012 Lê Diễn Đức – RFA Blog

0 comments:

Powered By Blogger