Sunday, February 12, 2012

Kinh Tế Thế Giới Vào Năm 2050



Nguyễn Xuân Nghĩa - Những động lực của phát triển: dân số, dân trí và dân chủ...
Ngay trước Tết Nhâm Thìn, Việt Nam nhận được lời chúc mà cũng hàm ý cảnh báo từ một dự phóng về "Kinh tế Thế giới vào năm 2050".

Chưa biết năm mới ra sao, người ta có thể phóng tầm nhìn đến ba bốn chục năm nữa! May ra thì có thể biết là ngay trong năm nay các quốc gia phải làm những gì để đạt kỳ vọng hoặc tránh được chân trời hôn ám của năm 2050....
VÀO ĐẦU LÀ BỐI CẢNH CÂU CHUYỆN....
Cập nhật và mở rộng một dự báo kinh tế từ đầu năm 2011, hôm 11 Tháng Giêng vừa qua, Ngân hàng Hong Kong & Shanghai của Anh (HCBC Holdings) công bố phúc trình mới về kinh tế thế giới trong bốn thập niên tới. Năm nay, việc cập nhật kết hợp thêm yếu tố dự phóng mới và từ danh mục 30 nền kinh tế lớn nhất của 40 quốc gia, việc mở rộng đưa tới danh sách 100 nền kinh tế có trọng lượng nhất địa cầu vào năm 2050.
Trên danh sách đó, Việt Nam nhảy vọt 11 bậc, có sản lượng kinh tế đứng hạng 41. Đó là bức tranh toàn cảnh có tính chất khích lệ cho người Việt vào buổi đầu Xuân. Nhưng người ta cũng để ý tới bước nhảy vọt còn vĩ đại hơn của Phillipines: vượt 27 bậc để có nền kinh tế hạng 16 của trăm nước dẫn đầu. Cũng trong danh sách đó, Trung Quốc sẽ qua mặt Hoa Kỳ thành nền kinh tế lớn nhất, với tổng sản lượng khoảng 25 ngàn tỷ đô la.
Nhìn rộng ra ngoài, và nói về tốc độ thì trong bốn thập niên tới, 100 nền kinh tế địa cầu sẽ nằm trong ba nhóm.
Thứ nhất là 26 quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất, từ 5% một năm trở lên, đa số nằm tại Á châu. Thứ hai là 43 nước trong nhóm "có tăng trưởng", ở khoảng 3 tới 5%. Sau cùng là 26 quốc gia thuộc nhóm "tăng trưởng bình hòa", thật ra là rất chậm, dưới 3% một năm.
Trong nhóm 16 nước lẹt đẹt này có 22 nước công nghiệp hóa Tây phương và hai nước loại "tân hưng" hiện nay là Nam Hàn và Singapore. Ngoại lệ là xứ Cuba, chưa lên tới hạng "đang phát triển" thì đã tụt vào loại già lão!
Nhưng, đâu là cơ sở khoa học của những dự báo đó?
BỆ PHÓNG VÀ ĐỘNG LƯỢNG
Giáo sư Robert Barro của Đại học Harvard kiêm học giả của viện Hoover thuộc Đại học Stanford được dân trong nghề đánh giá là kinh tế gia có ảnh hưởng hạng thứ tư trên toàn cầu.
Hơn chục năm trước ông đưa ra một lý thuyết về phát triển rất đáng chú ý vì châm thêm yếu tố "phẩm chất của tư bản" trong đà tăng trưởng kinh tế của các nước. Tư bản ở đây có thể là nguồn nhân lực, và phẩm chất chính là sức khoẻ, khả năng sinh sản và nhất là giáo dục, được đo lường ở số năm đi học của nam giới. Tiêu chuẩn ấy được đưa vào mô thức kinh toán học để giải thích động lực tăng trưởng của các nước.
Giới nghiên cứu kinh tế của tập đoàn HSBC đã "trắc nghiệm ngược" để kiểm chứng giá trị của "mô thức Barro" trong quá khứ và điều chỉnh một số yếu tố cho tinh vi hơn rồi khai triển thành một dự phóng cho tương lai. Đấy là cơ sở của dự báo vừa được họ công bố.
Từ hơn nửa thế kỷ, giới kinh tế - đa số từ Tây phương - đã nghiên cứu tiến trình phát triển nhằm giải quyết bài toán kinh tế của các nước nghèo. Ngày nay, các nước Tây phương đang xét ngược bài toán ấy vì nền kinh tế của họ bị sa sút. Một trong các động lực chính là sự co cụm dân số vì tỷ lệ sinh sản giảm mạnh khiến thành phần già lão ngày một đông hơn. Họ có dân số bị lão hóa.
Ngoại lệ là vài nước Tây phương nằm ngoài Âu châu, nhất là Hoa Kỳ.
Một nền kinh tế có hy vọng tăng trưởng mạnh nếu lượng lao động gia tăng. Nhưng dân số lao động còn cần một yếu tố khác, là năng suất. Nôm na là một người có thể làm giỏi gấp ba người khác nếu biết làm với dụng cụ tinh vi hơn! Trình độ giáo dục và đào tạo là một điều kiện, nếu không, mỗi cá nhân phụ trội chỉ là một miệng ăn hơn là đôi tay làm và cái đầu biết tổ chức.
Ra khỏi lãnh vực nhân khẩu, là số người lao động có tuổi thọ và tỷ lệ sinh sản cao hay thấp, năng suất còn đòi hỏi phẩm chất cao hơn của tư bản, từ công nghệ, thiết bị đến cách tổ chức.
Trong mô thức dự phóng, khái niệm "phẩm chất tư bản" được tiêu chuẩn hóa, định lượng hóa và tập trung vào một số lĩnh vực. Đó là hệ thống pháp quyền, kể cả quyền tư hữu và tác quyền, là sự can thiệp của nhà nước, là nguyên tắc dân chủ và cả khả năng điều tiết tiền tệ đo lường ở tỷ lệ lạm phát....
Từ cơ sở tính toán đó, người ta chú ý nhất đến dân số, giáo dục và dân chủ như các động lượng có ảnh hưởng nhất của phát triển kinh tế.
Sau cùng, khi đối chiếu các nền kinh tế với nhau, người ta nghiệm thấy một chân lý phổ quát: các nước trong nhóm "đang phát triển" - còn chậm tiến vì đi sau - thường có lợi thế là học hỏi từ các nước tiến tiến. Với "bệ phóng" hay khởi điểm thấp hơn, các quốc gia này có triển vọng tăng vọt để bắt kịp và có khi vượt qua nhóm tiên tiến đã đi vào công nghiệp hoá với dân số lão hoá dần...
Nhưng lợi thế ấy chỉ thành hiện thực nếu các nước huy động được những động lực của phát triển như vừa nói ở trên. Và khi đã từ sau vọt lên trước, các quốc gia này cũng có thể mất dần lợi thế ban đầu, như trường hợp của Nam Hàn hay Đài Loan, Singapore là các nền kinh tế đã từ trình độ đang phát triển vượt lên thành "tân hưng" từ mấy chục năm trước.
Đó là phần gọi là chuyên môn. Chi tiết khá vui trong dự báo của một ngân hàng Anh là không nhắc đến Đài Loan, một trong bốn con rồng Đông Á. Vì sợ phạm vào cái vẩy ngược của con rồng kia ở tại Bắc Kinh?
KẼ ĐƯỜNG THẲNG TỪ QUÁ KHỨ
Đã nói về chuyện vui đầu Xuân thì xin qua phần bình nghị!
Ngoại trừ khoa bói toán rất thịnh hành buổi đầu năm, đa số các dự phóng đều dùng dữ kiện của quá khứ - có điều chỉnh và gia trọng cho tinh vi hơn - để phóng chiếu vào tương lai. Và thường thì vạch ra một đường thẳng bắt mắt.
Nhưng thực tế bất định của loài người đều cho thấy tương lai có thể là đường thẳng bị gẫy. Đôi khi là hình tròn, thậm chí là vòng xoáy đi xuống.
Ai cũng có thể biết sản xuất là tiến trình huy động một số tài nguyên có hạn để tạo ra một lượng tài nguyên lớn hơn. Sinh viên kinh tế nhập môn thì biết thêm rằng có ba nguồn tài nguyên căn bản là đất đai, tư bản và nhân lực lao động. Vốn biết đo đếm, các kỹ sư thì nói đến giới hạn của loại tài nguyên sơ đẳng, là nguyên nhiên vật liệu và nông sản, nằm trong một khu vực đất đai nhất định và được các nước trao đổi với nhau để giải quyết bài toán sản xuất của mình.
Đặt bài toán này trong một tiến trình động, lại mở ra không gian toàn cầu và phóng vào thời gian bốn chục năm tới, người ta thấy ra một số nhược điểm của dự phóng. Những nhược điểm có thể báo hiệu nhiều khúc gẫy nhức tim của đường thẳng bắt mắt.
Đang vọt lên trên, Trung Quốc thật ra chỉ có một tài nguyên lớn lao – và hao hụt dần – là dân số. Còn lại, đấy là một xứ đói ăn, khát dầu và đang sợ động loạn!
Với sản lượng gạo đứng đầu thế giới, xứ này vẫn phải nhập khẩu lương thực mà họ chưa thể kiểm soát nổi nguồn cung cấp. Diện tích canh tác bình quân của Trung Quốc chỉ bằng một phần ba của trung bình thế giới thôi. Đó là chuyện đói ăn của con cháu ông Thần Nông!
Nếu so với sản lượng lương thực của Hoa Kỳ, có đất đai thừa khả năng nuôi được một dân số gấp ba và một lực lượng sản xuất rất ít người mà còn được hối lộ để kềm hãm sản xuất cho nông sản khỏi mất giá, thì lợi thế của Trung Quốc chỉ là ảo giác. Khi cùng quẫn, ai có gạo là kẻ nắm dao đằng chuôi! Mà không chỉ có chuyện áo cơm khá truyền thống của Trung Hoa ngàn năm.
So với Hoa Kỳ sẽ bị tụt xuống hạng hai, hai cường quốc kinh tế số một và số ba, là Trung Quốc và Ấn Độ, đều ngốn năng lượng như rồng cuốn để sản xuất ra cùng một lượng hàng hóa hay dịch vụ: hiệu năng tiêu thụ kém của một nhập lượng căn bản cho công nghiệp hóa sẽ là vấn đề.
Trên quả bi xanh mà ta gọi là địa cầu – hình như đang bị nhiệt hóa! – nguồn năng lượng sẽ là một giới hạn. Và trở thành yếu tố cạnh tranh, tranh giành hay tranh chấp.
Báo cáo của HSBC đặt giả thuyết lạc quan là lãnh đạo các nước đều chăm lo cho đời sống người dân và tránh xung đột với xứ khác. Yêu cầu "chăm lo đời sống người dân" tại một xứ đói ăn và khát dầu có thể khiến lãnh đạo sẽ rất phải đạo mà phủ nhận giả thuyết lạc quan đó. Bằng loại quyết định không phải của lũ đầu gấu thì cũng là cái lưỡi bò mà người Việt đã thấy lấp ló ngoài Đông hải của mình!
Thật ra, trong một thế giới toàn cầu hóa về kinh tế, yêu cầu trao đổi về kinh tế không nhất thiết dẫn tới hiện tượng "cộng đồng đồng tiến" giữa các nước, trong hoà bình! Ngược lại, có làm ăn thì càng dễ có tranh chấp! Trăm năm về trước, vào năm 1900. không ai có thể dự báo là giữa các nước Âu châu đang mở rộng buôn bán với nhau lại có Đại chiến – biến thành Thế chiến 1914-1918!
NHỮNG DẤU CHẤM BỊ LÃNG QUÊN
Nói về phẩm chất của tư bản, hay giáo dục, người ta máy móc tính ra số năm học của nam giới.
Giới giáo dục tại nhiều nước đã nếm hương nhài của Mùa Xuân Á Rập năm ngoái có thể thấy thanh niên được đi học nhiều hơn thì sẽ sớm đụng trần – và không thể bung lên vì cặp song sinh chính trị là ách độc tài và tệ tham nhũng. Khi kinh tế lại trôi vào chu kỳ suy trầm như từ năm 2008, họ biểu tình. Và bẻ gãy nhiều đường thẳng lạc quan của các định chế quốc tế.
Giới giáo dục tại Việt Nam thì đang la trời về khủng hoảng giáo dục và đào tạo. Mà la trời không thấu nên chưa thấm vào mô thức dự phóng của ngân hàng HSBC.
Các nhà xã hội học còn nghiệm thấy một chi tiết khác: số phụ nữ đi học ngày càng đông và có sức đóng góp rất cao cho sản xuất, dù chỉ học xong rồi có khi ở nhà chăm sóc con cái với trình độ kiến năng cao hơn. Nhưng hệ quả âm thầm của hiện tượng phự nữ đi học và đi làm đông hơn cũng khiến họ lập gia đình trễ hơn và ít có con hơn. Đó là yếu tố dân số đáng kể mà không được tính. Ngược lại, giáo dục phụ nữ có hy vọng đẩy lui bạo động và cả khủng bố trong thế giới Hồi giáo, một yếu tố tích cực khác bị lãng quên.
Như nhiều chuyện khác, chuyện nữ lưu vào trường sẽ làm thay đổi cả thị trường lẫn chính trường lại không được kết hợp trong dự phóng này. Người ta quên mất phân nửa của nhân loại, cái phân nửa vẫn lo tay hòm chìa khoá và sức sinh sản của gia đình! Một cái hố quá rộng.
***
Dù sao vẫn phải có lời kết nghiêm túc cho buổi đầu năm.
Khi thế giới quan tâm về loại chuyển động lớn của nhân loại, điểm đến của một dự phóng có thể là thiếu chính xác. Nhưng đường tuyến của sự chuyển động vẫn vẽ ra những bài học phổ quát cho lãnh đạo các nước.
Bài nhập môn là không nên thụ động tin vào dự báo của bất cứ ai, nhất là của chính mình trong các nghị quyết linh tinh!
Thứ hai, người bình thường học kinh nghiệm từ sự sai lầm của mình, quốc gia xuất sắc thì học từ sự sai lầm của xứ khác. Học bài mà khỏi trả học phí cũng là một tính toán kinh tế vậy! Báo cáo của HSBC là một kho kiến thức có thể học hỏi.
Riêng Việt Nam thì nên nhớ rằng động lực của phát triển chính là dân số, dân trí và dân chủ. Cứ so với Philippines thì mình có thể thấy.... Một quốc gia quần đảo, có nạn khủng bố và ly khai, từng nếm mùi độc tài mà vẫn phát huy dân chủ và truy tố cựu Tổng thống về tham nhũng. Rồi nhảy vọt qua đầu con rồng cháu tiên....
(Ghi chú của tác giả: Bài này được viết ngày 20120120 cho BBC theo yêu cầu – BBC đăng tải ngày 20120209 vừa qua: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2012/02/120209_viet_economy_future.shtml)
http://www.vietbao.com/D_1-2_2-67_4-187112_15-2/

0 comments:

Powered By Blogger