Tù nhân được trả tự do đang rời nhà tù Insein ở Yangon ngày 12,/10/2011. REUTERS/Soe Zeya Tun
Ngày hôm nay 24/02/2012, AFP loan tin một đại diện của tổ chức Human Rights Watch (HRW) kêu gọi chính quyền Miến Điện cho phép các nhà hoạt động nhân quyền vào thăm các nhà tù ở nước này, và cảnh báo là thái độ quân phiệt sẽ cản trở Miến Điện thực hiện dân chủ hóa.
Trong khi nhiều người hoạt động nhân quyền ngạc nhiên khi thấy các thay đổi đáng khích lệ tại Miến Điện, vốn khép kín với bên ngoài từ hàng chục năm nay, ông David Scott Mathieson – một nhà nghiên cứu kỳ cựu về Miến Điện của Human Rights Watch hiện đang ở Hoa Kỳ – cho rằng ông không nhìn thấy những thay đổi cơ bản về nhân quyền tại Miến Điện.
Phát biểu tại tổ chức nghiên cứu tư vấn Woodrow Wilson International Center for Scolars, ông David Scott Mathieson khuyến nghị, chính quyền Miến Điện nên cho hội Chữ Thập Đỏ Quốc tế vào quan sát các điều kiện trong tù và một nhóm công tác hỗn hợp bao gồm những người ở bên ngoài, các đại diện địa phương làm việc về vấn đề này.
Nhà nghiên cứu của tổ chức HRW ước tính, có tới hàng trăm tù nhân chính trị hiện vẫn đang bị giam giữ, tuy nhiên ông cũng khẳng định không thể nào đưa ra con số chính xác. Ông Mathieson kêu gọi Tổng thống Miến Điện Thein Sein công bố số lượng các tù nhân.
Chính quyền Miến Điện cho biết họ đã phóng thích hơn 300 tù chính trị trong tháng qua. Theo nhiều giới chức Miến Điện, có vẻ như tất cả các tù chính trị ở Miến Điện đã được trả tự do, tuy nhiên các nhóm ly khai và lưu vong thì nói rằng còn nhiều người vẫn bị giam giữ vì lý do chính trị.
Ông Mathieson đặc biệt nhấn mạnh đến thói quen quân phiệt lấy việc hành hạ người khác làm vui, vốn vẫn phổ biến trong quân đội Miến Điện. Các chỉ huy quân đội Miến Điện có thói quen sử dụng thường dân thuộc các sắc tộc thiểu số để vận tải các vật phẩm qua những khu vực có mìn. Nhiều phụ nữ thuộc các sắc tộc này bị bạo hành tình dục.
Theo nhà nghiên cứu của HRW, nền văn hóa quân phiệt độc ác này là một trong các thách thức lớn nhất đối với các thay đổi tại Miến Điện. Thay đổi những người chỉ huy là chuyện dễ, nhưng điều chủ yếu cần thay đổi là thái độ bạo ngược của quân đội với dân chúng. Mà để thay đổi được điều này, cần rất nhiều thời gian.
0 comments:
Post a Comment