Tháng 8/2010, trong bài “Tâm sự cùng giáo sư Ngô Bảo Châu: Đừng dây với hủi”, tôi có nhắc tới nhà toán học F. Sierpiński (1882-1969), một trong những đại diện hàng đầu của toán học Ba Lan, đã được Liên minh Thiên văn Quốc tế lấy tên đặt cho miệng núi lửa trên Mặt Trăng vào năm 1976.
Năm 1964, cùng với 34 trí thức Ba Lan khác, F. Sierpiński đã ký tên vào bản kiến nghị gửi nhà nước cộng sản Ba Lan phản đối sự kiểm duyệt. Thế nhưng sau đó, trước áp lực và đe dọa của an ninh, ông lại ký vào lá thư gửi nhật báo Anh quốc The Times khẳng định ở Ba Lan không có đàn áp chính trị và nhà chức trách Ba Lan không bôi nhọ Đài Âu châu Tự do (Radio Free Europe). Vào cuối đời Sierpiński rất hối hận về việc làm này.
Lúc ấy tôi viết, hy vọng Ngô Bảo Châu sẽ không bị cám dỗ bằng những lời ru có cánh của chính quyền Việt Nam, hay sự cám dỗ của vật chất… để không thể sống đúng với chính mình, rồi có lúc phải chịu bi kịch tinh thần như F. Sierpiński. [1]
Rồi không khí phấn hứng phát cuồng mừng đón Ngô Bảo Châu nhận Huy chương Fields; những nhận định gây tranh cãi về phiên toà Cù Huy Hà Vũ; Châu đóng cửa blog cá nhân; sự im lặng; và cuối cùng… cánh cửa căn hộ của Châu trị giá 700 ngàn USD, món quà nhận của Hà Nội, đã khép lại trong tôi hình ảnh Châu mà tôi từng khâm phục từ lá thư Châu gửi quốc hội phản đối khai thác bauxite Tây Nguyên.
Nói cho cùng, Huân chương Fiels là giải thưởng uy tín dành cho các nhà toán học dưới 40 tuổi, giá trị 15 ngàn đôla Canada, chẳng có gì khủng khiếp, sủng ái quá mức như ở Việt Nam. Gần với Giải Nobel hơn là giải thưởng toán học Abel, có giá trị khoảng 1 triệu USD.
Sau bài “Sự lạc quan vô tận” của Phạm Thị Hoài với thuật ngữ “đối lập trung thành” để chỉ những người “không hài lòng với hệ thống chính trị trong nhiều vấn đề lớn, công khai phản biện và tìm giải pháp thay đổi trong phạm vi các vấn đề đó, nhưng không đụng chạm, hay tránh đụng chạm đến nền tảng tồn tại của hệ thống” – đã có những tranh luận xung khắc. [2]
Chủ đề trí thức đã được cọ xát trong nhiều thập niên qua trên các diễn đàn Việt ngữ với sự xuất hiện của một số thuật ngữ như “trí thức quan văn”, “ngu trung”, “trí thức trùm chăn”, v.v… Do vậy, tôi không mấy hứng thú sa vào những cuộc thảo luận không hồi kết, thậm chí có thể bị thách đố khiêu khích.
Sau mấy ngày Tết, thấy dư luận sôi động với bài phỏng vấn Ngô Bảo Châu về vai trò trí thức Việt Nam trên tờ Tuổi Trẻ ngày 20/1/2012, khiến tôi tò mò. Không biết nhà toán học này lại nói gì.
Trong bài, Châu phản đối việc “coi phản biện xã hội như chỉ tiêu để được phong hàm trí thức”, và “trí thức là người lao động trí óc… Giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội“. [3]
Mặc dù có nói “việc đưa ra các phản biện có lập luận chặt chẽ là những đóng góp lớn cho xã hội”, “không có phản biện, xã hội đã chết lâm sàng”, định nghĩa về trí thức mà Châu đưa ra không đầy đủ và sự phản đối của Châu cũng không đúng.
Trí thức, nếu được “phong hàm”, thì phải gắn với vai trò phản biện xã hội, một trong những chỉ tiêu quan trọng nhất.
Giá trị của sản phẩm có thể “không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội” thật. Nhưng nếu nó được làm ra từ “lao động trí óc” thuần tuý, thì chẳng to tát gì hơn bộ bàn ghế đẹp được làm ra bằng bàn tay khéo léo của người thợ mộc. Tìm ra đáp số bài toán hay chứng minh bổ đề, trong ý nghĩa này, là sản phẩm của anh thợ toán.
Vai trò phản biện là chỉ tiêu xác định người trí thức mà con người đã có từ rất lâu, thiết nghĩ không nên sáng tạo gì thêm.
Khái niệm trí thức/intellectuel xuất hiện vào cuối thế kỷ 18 tại Pháp và Ý (liên hệ với illuminism, phong trào Khai Sáng).
Sau Công xã Paris (1871), trí thức được xác định không chỉ là những người có học vấn hay trình độ chuyên môn cao, mà trước hết phải quan tâm và có chính kiến trước các vấn đề chính trị-xã hội.
Cùng với vụ án Dreyfus (1895-1906), khái niệm trí thức được phổ biến rộng rãi, đặc biệt thường xuất hiện trong các tác phẩm của nhà văn Emile Zola, nguời đã dũng cảm phanh phui sự thật, cương quyết bảo vệ đại úy Alfred Dreyfus. Chính từ đây, người ta gắn trí thức với tinh thần bảo vệ “các giá trị dreyfus”, tức là chống lại sự bất công của ngành tư pháp dưới danh nghĩa lợi ích quốc gia.
Trong một bài luận về trí thức, giáo sư Chu Hảo viết:
“… Karl Marx đã coi trí thức là những người “phê bình không nhân nhượng những gì đang hiện hữu, không nhân nhượng với nghĩa rằng họ không lùi bước trước kết luận của chính quyền hoặc trước xung đột với chính quyền, bất cứ chính quyền nào”. Cần phải hiểu rằng ở đây Marx chỉ muốn nhấn mạnh trách nhiệm xã hội của người trí thức. “Những gì đang hiện hữu” là những bất cập của các chính sách xã hội hiện hành, chứ không thể là những chính sách hợp lý, tiến bộ. Người trí thức có năng lực phê phán và có tầm nhìn xa nên thường hay tỏ sự bất bình trước sự trì trệ và bất hợp lý một cách công khai và thẳng thắn“. [4]
Sau bài phỏng vấn Ngô Bảo Châu, nhà văn Nguyễn Quang Lập lên tiếng rằng, “không thể nghĩ đơn giản: trí thức là người lao động trí óc”, và “các nhà khoa học được coi là trí thức hay không phải xem xét họ đã dấn thân trong cộng đồng xã hội như thế nào, xưa nay đều thế cả“. [5]
Thế nhưng, một số nhà trí thức khi được xã hội ngưỡng mộ và chiều chuộng, thường ngộ nhận về mình, lâm vào trạng thái ảo tưởng, có lúc phát ngôn linh tinh.
Noam Chomsky, một khuôn mặt trí thức còn sống được nói đến nhiều nhất trên thế giới, nhiều người xem ông như một biểu tượng của sự thông thái, với công trình lý thuyết ngôn ngữ đồ sộ, tác động vào mọi lĩnh vực khoa học, được so sánh với nhà bác học Einstein. Trong các cuộc thăm dò những học giả qua mọi thời gian, Chomsky chỉ đứng sau Platon và Freud.
Vậy mà, nhà khoa học, chính trị gia Ba Lan M. Nowicki đã gọi Chomsky là “nhà trí thức ngu xuẩn nhất thế giới”.
Bởi vì, Chomsky đã ủng hộ R. Faurisson, một giáo sư của đại học Lyon, phủ nhận sự diệt chủng của Hitler đối với dân tộc Do Thái tại Holocaust và của Khmer Đỏ ở Campuchia. Chomsky đã khen ngợi nhà độc tài Nam Tư Milosevich, cho rằng, sự diệt chủng sắc tộc ở Srebrenica do báo chí dựng chuyện, còn Đông Âu dưới thời thống trị của Liên Xô là thiên đường thực…
M. Nowicki dẫn lời Richard Posner trong cuốn “Public Intellectuals”: “Có nhà khoa học khi đã đạt được danh vọng trong lĩnh vực của mình, có thể dùng uy tín để dạy đời người khác những vấn đề mà trong đó hắn ta chỉ là một thằng đểu, không hơn không kém”. [6]
Tôi nhớ lại nhận định về Chomsky của Nowicki xuất phát từ quan ngại của nhà văn Nguyễn Quang Lập: “Phát biểu của Châu, dù vô tình đi chăng nữa, sẽ làm cho đám trí thức trùm chăn được thể vênh vang, tiếp tục trùm chăn kỹ hơn nữa, trong khi vẫn có cớ để dè bỉu và chỉ điểm những trí thức chân chính“. [6]
Trên Facebook có bạn nói “nhận mình là trí thức mà câm, điếc, mù trước nỗi đau của đất nước, sung sướng hưởng thụ trước nghèo đói và họa mất nước vào tay ngoại bang“.
Thực ra các thuật ngữ “trí ngủ”, “trí thức trùm chăn”… là biến thể của khái niệm “clerc-ism” trong cuốn “Des La Trahison Clercs”, xuất bản năm 1927, của triết gia Pháp Julien Benda (1867- 1956).
“Clerc-ism” là thế giới quan, theo đó trí thức nên giữ khoảng cách với những vấn đề chính trị và không tham gia vào những tranh chấp chính trị. Những người theo “clerc-ism” có nhiệm vụ cống hiến cho công việc nghệ thuật hoặc khoa học, và tránh tham gia vào tiến trình sửa đổi thế giới hiện có. Vì vậy, những trí thức có thái độ này có thể liên đới với “escapism”, tức là chạy trốn các vấn đề của đời sống xã hội trong thế giới ảo tưởng và trí tưởng tượng.
Triết gia Julien Benda lên án sự phản bội của loại “trí thức-clercs”, vì họ đã gắn bản thân với thái độ nhún nhường, thỏa hiệp, xấu hổ và đi ra khỏi vai trò của mình như là người giám hộ các giá trị phổ quát (sự thật, công lý, lý trí).
R. Aron trong cuốn “Opium of the intellectuals” nêu ngắn gọn: “Trí thức là tác giả của ý tưởng trí tuệ và là một người quan sát thời cuộc“.
Có lẽ từ vai trò “quan sát thời cuộc” mà có chuyện hài hước của Ba Lan: Thằng bé hỏi “Trí thức là ai hả bố?, bố trả lời: “Là những kẻ chỉ biết chúi mũi đọc sách trong khi có TV và video”.
Jean-Paul Sartre, một triết gia thích nghịch lý, cho rằng trí thức là người hay xía vào các công việc không phải của mình. Nhưng trong thực tế ông bênh vực các nạn nhân của sự tra tấn tại Algeria, là thành viên của Tòa án Russell (cũng là một trí thức) xét xử tội phạm chiến tranh tại Việt Nam.
Albert Camus (1913-1960), được xem là một trong những trí thức nổi bật nhất châu Âu trong nửa sau của thế kỷ 20, Giải Nobel Văn học 1957, đặt dấu chấm trên chữ i: “Nhà văn là trí thức không thể là để phụng sự những người sáng tạo lịch sử, mà là phụng sự các nạn nhân của nó. Lẽ phải của sự sinh tồn nếu có, là nói thay cho những người mà họ không thể nói được“. Trong bối cảnh Việt Nam chúng ta có thể thêm ý: “hoặc là họ sợ hãi”!
Leopold Unger, bình luận gia và là một trí thức đối lập cộng sản Ba Lan cho rằng, “trí thức là người có ý thức trách nhiệm và trong một tình hình cụ thể từ chối tham gia vào việc lạm dụng pháp luật, lên án bất công và bác bỏ độc quyền tư tưởng với mục đích biện minh cho bạo lực và dối trá”.
“Với lính đánh thuê cũng như với các nô lệ người ta đã xây nên kim tự tháp, chứ không phải với máy vi tính. Dân chủ cũng vậy!”- Unger viết. [7]
Trong bài “Trí thức và quá trình dân chủ hoá – Kinh nghiệm Ba Lan”, Adam Michnik, người được tờ Financial Times xếp vào danh sách 50 nhà báo có ảnh hưởng nhất thế giới, một nhà tranh đấu dân chủ Ba Lan nổi tiếng, hiện là Tổng biên tập nhật báo tri thức lớn nhất Ba Lan Gazeta Wyborcza, viết:
“Cần phải nói rằng, giai tầng này (trí thức) giữ một vị trí đặc biệt trong hệ thống. Stalin gọi họ là ’những kĩ sư tâm hồn’. Vâng, họ là đối tượng chính của những vụ đàn áp, mà lại rất tàn khốc nữa. Nhưng mặt khác, chính quyền lại luôn sử dụng họ nhằm củng cố hệ thống. Không có nhóm xã hội nào được ve vãn và nịnh bợ như thế, ngoài tầng lớp “con ông cháu cha” (nomenclature) cộng sản ra thì không có giai tầng nào được nhiều đặc quyền đặc lợi như trí thức“.
Vì thế ông cho rằng, “trí thức phải là tiếng nói của xã hội đã bị bịt miệng“. “Đối với người trí thức thì chính trị là lựa chọn mang tính đạo đức. Người trí thức bước vào chính trị là để lấy sự thật chống lại dối trá của bộ máy, lấy sức mạnh của niềm tin chống lại thói vô nguyên tắc của bộ máy“. [8]
Định nghĩa về trí thức, từ điển Wikipedia tiếng Việt có nói đến “lưu manh giả danh trí thức” trong bộ máy cai trị và xem “đây là mối họa không gì có thể so sánh, nó sẽ tàn phá mọi giá trị mà nhân loại đã xây đắp lên bằng cả trí tuệ, mồ hôi, thậm chí bằng cả máu xương của biết bao triệu triệu con người“.
Adam Michnik cho rằng, “nhà nước không thể tồn tại lâu nếu nó không được những người có học ủng hộ“.
Chỉ giới có học giả danh trí thức, thì mới ủng hộ một nhà nước phi dân chủ, bóp nghẹt tự do, chà đạp nhân quyền và chính đám này “chui vào đục khoét, tác oai, tác quái trong hệ thống cai trị đất nước“. [9]
Do đó, chừng nào những tên lưu manh giả danh trí thức chưa bị vạch mặt triệt để trước công luận, chừng nào trí thức chưa lột xác khỏi vỏ “đối lập trung thành”, chưa dấn thân sử dụng hết vai trò phản biện phục vụ cộng đồng và lý tưởng tự do dân chủ, chừng đó chưa thể có một phong trào quần chúng rộng lớn cho sự thay đổi xã hội Việt Nam.
Và bởi vì, trí thức là người lý luận, tổ chức, định hướng cách mạng và đảm bảo xây dựng cấu trúc xã hội dân sự hiện đại hậu cách mạng – câu nói “mọi cuộc cách mạng đều từ trên xuống” của Michnik nằm trong nội hàm này – thì, cách mạng, tất nhiên, sẽ không nổ ra từ đầm Cống Rộc, cho dù Đoàn Văn Vươn được xem như một biểu tượng của người nông dân nổi dậy!
Lời kết
Hy vọng bài viết sẽ đóng góp chút ít cho những ai được “phong hàm” trí thức, hoặc tự “phong hàm” trí thức, nhìn nhận mình có phải là trí thức hay không.
Mỗi người trong từng hoàn cảnh sẽ tự vấn lương tâm. Tiếng nói lương tâm của trí thức phải cao hơn cả luật pháp bị áp đặt bởi nhà cầm quyền, giống như Voltaire bảo vệ Calas (tín đồ Tin lành bị chặt đầu tại Toulouse), Zola bảo vệ Dreyfus, hoặc gần đây Bourdieu bảo vệ nguời thất nghiệp, Pinter và Sontag bảo vệ tù nhân Guantanamo; cũng như Albert Camus lấy uy tín trí thức của mình bảo vệ “sự tôn trọng các giá trị lâu dài trước bất kỳ cấu trúc chính trị nào, và thậm chí cả hệ thống chính trị”.●
Ngày 01/02/2012
© 2012 Lê Diễn Đức – RFA Blog
——————————————————————-
Tư liệu và trích dẫn trong bài được sử dụng từ các tài liệu sau:
[1]: http://danluan.org/node/6093
[2]: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2012/01/120117_phamthihoai_vn_intelligentsia.shtml
[3]: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/01/120102_vn_party_intellectuals_views.shtml
[4]: http://nguyenxuandien.blogspot.com/2010/06/gs-chu-hao-tim-hieu-ve-tang-lop-tri.html
[5]: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/01/120126_ngobaochau_feedback.shtml
[6]: http://wiadomosci.dziennik.pl/wydarzenia/artykuly/81868,najglupszy-intelektualista-swiata.html
[7]: http://wyborcza.pl/dziennikarze/1,95912,3998466.html
0 comments:
Post a Comment