Wednesday, February 22, 2012

Bản Đồ Kinh Tế



Nguyễn Xuân Nghĩa - Xác định mục tiêu và tọa độ trong một năm bầu cử tại Hoa Kỳ...
Hoa Kỳ đang gặp khó khăn kinh tế chưa từng thấy kể từ Thế chiến II, thậm chí kể từ vụ Tổng khủng hoảng 1929-1933, một trong những nguyên nhân dẫn tới đại chiến. Nguyên nhân chính, lâu dài và trầm trọng nhất là tình trạng nợ nần chồng chất, lưu cữu, tích lũy từ nhiều thập niên. Nợ nần của khu vực tư nhân, của người dân và các doanh nghiệp từ sản xuất đến tài chánh, là phần quan trọng nhất.

Cái "nhân" đó đã gặp cái "duyên" là vụ bể bóng đầu tư trên thị trường gia cư địa ốc khởi sự từ 2006 và dẫn đến khủng hoảng tài chánh năm 2008, ngay trong một năm có tổng tuyển cử mà then chốt là cuộc tranh cử Tổng thống.
Nạn suy trầm kinh tế - chu kỳ kinh doanh bình thường cứ sáu bảy năm lại xảy ra một lần và kéo dài trung bình chừng hai năm - bắt đầu vào Tháng 12 năm 2007 khiến người ta gặp một vụ khủng hoảng tài chánh 2008 ngay giữa suy trầm và trong một năm bầu cử. Thế rồi, nạn suy trầm đã chính thức kết thúc vào Tháng Bảy 2009 mà sinh hoạt kinh tế vẫn èo uột, thất nghiệp không giảm mà còn tăng.
Năm 2008, ngay giữa những tai họa kinh tế tài chánh, lá phiếu của dân Mỹ đã đưa lên một chính quyền thiên tả, với đảng Dân Chủ kiểm soát cả Hành pháp và Lập pháp. Phương thức ứng phó rất đúng bài bản kinh tế của cánh tả là bơm tiền, tăng chi, thực tế là chuyển khối nợ vĩ đại của tư nhân về cho công quyền và đẩy mức công trái - nợ của khu vực công - lên mức kỷ lục....
Nhìn ra ngoài Hoa Kỳ, người ta cho rằng cả thế giới bị vạ lây và rơi vào tình trạng gọi là "Tổng suy trầm 2008-2009." Nhưng người ta nhìn sai.
Những vấn đề gọi là nhân duyên kinh tế nói trên là hiện tượng chung của các nền kinh tế công nghiệp hoá, của cả ba khối kinh tế hàng đầu là Hoa Kỳ, Âu Châu và Nhật Bản. Cái nhân vẫn là tình trạng vay mượn quá nhiều trong một giai đoạn quá lâu tại ngần ấy nước chứ không riêng gì tại Hoa Kỳ. Cái duyên chỉ là yếu tố thời cơ khiến thất quân bình chi thu đó bị lật vào thời điểm này.
Các nhà kinh tế có thể dự đoán rằng thất quân bình đó sẽ sụp đổ - nghiêng quá thì đổ - nhưng khó đoán ra cái duyên, vì bất cứ biến cố nhỏ nhoi nào cũng làm kiến trúc bất thường và bất ổn đó sẽ lật. Các nhà kinh tế càng khó dự đoán là làm sao Hoa Kỳ có thể tái lập sự quân bình đó vì đấy là quyết định chính trị, xuất phát từ chọn lựa của người dân khi họ đi bầu.
Nói trừu tượng thì Hoa Kỳ phải tái lập lại sự quân bình. Thực tế vẫn là phải trả nợ, tiết giảm chi thu để trả nợ và phải mất dăm bảy năm thì mới giải quyết một vấn đề tích lũy từ mấy chục năm. Nếu kinh tế có tăng trưởng, lợi tức khả quan hơn của mọi người sẽ giúp nhà nước tăng được nguồn thu thuế khoá và trang trải nợ nần hầu giảm bớt khoản tiền lời của việc vay mượn, v.v....
Khốn nỗi, Hoa Kỳ đang có tổng tuyển cử để bầu lại Tổng thống, toàn thể Hạ viện và một phần ba Thượng viện, mà chẳng ứng cử viên nào lại dại dột nói ra sự thật kinh tế là "chúng ta phải mất năm bảy năm thắt lưng buộc bụng để ra khỏi tình trạng khó khăn ngày nay".
Họ không dám nói sự thật mà còn lừa mị người dân về những giải pháp nhẹ nhất phải gọi là đánh bùn sang ao, thực tế và phũ phàng hơn thì nên gọi là những liều thuốc đổ bệnh, hoặc giết con gà đẻ trứng vàng, khiến thời gian phục hồi không chỉ là năm bảy năm mà còn kéo dài lâu hơn.
Có khi còn lâm vào đại khủng hoảng.
Trở lại chuyện bầu cử, bài diễn văn về Tình hình Liên bang hay dự thảo ngân sách mà Tổng thống Obama vừa đề nghị như một chương trình hành động của năm tranh cử thuộc vào loại đánh bùn sang ao. Còn giải pháp của bốn ứng cử viên Cộng Hoà lại là hiện tượng "mờ mờ nhân ảnh". Họ chưa đi tới giai đoạn đề nghị mà còn đang đấu khẩu xem ai là người bảo thủ nhất. Quần chúng Cộng Hoà ở dưới thì ngơ ngác đổi ý mỗi nơi mỗi tuần tùy theo lịch trình tranh cử sơ bộ ở từng tiểu bang.
Trong hoàn cảnh đó, làm sao chúng ta biết được rằng Hoa Kỳ phải làm những gì trong mấy năm tới hầu ra khỏi vũng lầy hiện tại?
Người viết tin là trong dài hạn, Hoa Kỳ vẫn là siêu cường kinh tế và quân sự vì sức mạnh nội tại của xứ này. Nhưng trong trung hạn, nói theo kiểu kinh tế là từ hai đến năm năm, nước Mỹ phải uống liều thuốc đắng. Tức là lấy những quyết định đau lòng mà cần thiết, nó khác hẳn quyết định cần thiết của các chính khách là đắc cử.
Nói cách khác, ứng cử viên nào mà dám nói đến thuốc đắng thì đấy là người có thể thâu ngắn giai đoạn hồi phục và vẽ ra một lộ trình thực tế cho quốc dân.
Cho đến nay, ta chưa thấy xuất hiện những người như vậy! Mà lộ trình ấy là gì? Xin tạm phác họa ra tấm "bản đồ kinh tế" như sau....
***
Hãy lấy lại một công thức sơ đẳng và có giá trị toàn cầu vào mọi thời về sản lượng kinh tế một quốc gia trong một giai đoạn nhất định, gọi tắt là GDP, Tổng sản lượng Nội địa.
Nó là kết quả của tổng số Tiêu thụ của tư nhân và các doanh nghiệp, gọi chung là dân chúng (C), cộng với tổng số Đầu tư của các doanh nghiệp (I), cộng với số Chi tiêu của công quyền (G) và kết số của Ngoại thương, tức là Tổng số xuất cảng trừ nhập cảng (viết tắt là E).
GDP = C + I + G + E
Muốn có tăng trưởng kinh tế thì ngần ấy yếu tố C, I, G, E đều phải tăng.
Khi kinh tế bị suy trầm sau mấy chục năm vay mượn liên tục thì số tiêu thụ phải giảm. Đó là hiện tượng "bình thường" của tiến trình trả nợ. Khi thấy tiêu thụ giảm sút, nhà nước bèn tăng chi, tức là vì C xuống nên mới nâng G lên để giữ cho GDP khỏi sa sút.
Nhưng tăng chi như vậy chỉ là chuyển ngân, đánh bùn sang ao, chính khách thì lấy phiếu cử tri bằng hứa hẹn mà che giấu quần chúng về cái thực giá của việc tăng chi, là đi vay, mắc nợ và phải trả tiền lời. Đó là tấm bản đồ của 2009-2011, nó dẫn tới vách núi, bên bờ vực.
Một ngả đường thoát là nâng mức đầu tư của doanh nghiệp, tức là biến số I trong phương trình nít nôi ở trên.
Người ta nghiệm thấy, tại Hoa Kỳ và nhiều nước khác, doanh nghiệp loại nhỏ và vừa, mới thành lập trong vòng năm năm trở lại, là những cơ sở tạo ra nhiều việc làm nhất. Công ăn việc làm mới là động lực nâng cao sản xuất và căn bản thu thuế chi ngân sách. Nếu lực lượng lao động ấy lại có hiệu suất cao nhờ kiến thức và năng lực (kiến năng hay "know how") thì kinh tế phát triển.
Vì vậy, con đường thoát hiểm then chốt là đầu tư. Nhưng cụ thể về tâm lý và lời lãi là khiến cho những người có tiền DÁM bỏ tiền ra đầu tư để lập ra cơ sở kinh doanh mới, tuyển thêm người lao động và nâng tổng sản lượng cho quốc dân.
Khốn nỗi, người đầu tư cũng là kẻ có tiền, thành phần đang bị dư luận đả kích và bị kiềm toả bởi đạo luật tăng cường kiểm soát tài chính Dodd-Frank. Họ đứng bên lề, hoặc ngồi trên két bạc mà không dám nhúc nhích. Thành phần này không chỉ có hơn một ngàn tỷ phú mà là mấy triệu người có tài sản thuộc loại triệu phú, là những doanh gia có thể lập ra tiểu doanh nghiệp cò con thu dụng chừng 100 nhân viên trở lại.
Bản đồ thoát hiểm vì vậy phải là trấn an và khuyến khích dân đầu tư. Nhưng nói như vậy là không "phải đạo" và mất phiếu của dân nghèo cùng các nghiệp đoàn.
Một chi tiết kinh tế khác cũng đáng chú ý là trên nguyên tắc, tổng số đầu tư phải bằng số tiết kiệm trong xã hội vì đầu tư chỉ là tiết kiệm việc tiêu thụ hầu dồn tiền cho một tương lai thịnh vượng hơn. Nếu thiếu thì phải nhập cảng tiết kiệm từ bên ngoài vào, tức là tiếp nhận đầu tư nước ngoài, kinh tế học gọi là bị thiếu hụt cán cân chi phó.
Khi thấy số tiêu thụ giảm nhà nước tăng chi để bù đắp mà đã bị bội chi quá nặng thì sẽ phải đi vay, tức là vọc tay vào nguồn tiết kiệm của tư nhân, là nguồn đầu tư của doanh giới. Đánh bùn sang ao chỉ là cái thói trì hoãn chiến, thu hút tiết kiệm qua vay mượn là giết luôn con gà đẻ trứng vàng vì thu hẹp sức đầu tư. Là chuyện đang xảy ra cho nước Mỹ.
Vì vậy, nâng cao đầu tư phải đi đôi cùng giải tỏa kiểm soát và thu hẹp bàn tay phúc lợi của nhà nước mà cũng có bàn tay thô bạo đang lấy tiền tiết kiệm của thị trường để mua phiếu!
Sau cùng, tấm bản đồ còn một mảng quan trọng là kết số ngoại thương: phải gia tăng xuất cảng và thu hẹp nhập cảng thì mới góp phần nâng được Tổng sản lượng. Hoa Kỳ thật sự sản suất ra hơn 88% của số tiêu thụ nội địa và chỉ nhập cảng gần 12% mà thôi. Chuyện thu vén chi tiêu tất nhiên sẽ gián tiếp giảm bớt số nhập, nhưng nâng số xuất cảng lại là chuyện khác vì tùy thuộc vào thị trường bên ngoài.
Nếu ráo riết tranh thủ cán cân xuất nhập cảng bằng biện pháp bảo hộ mậu dịch thì sẽ rơi vào tình trạng gọi là "làm các bạn hàng đều nghèo đi", nôm na là dẫn nhau xuống hố. Đó cũng là một nguyên nhân khiến Tổng khủng hoảng kéo dài năm 1929...
Trong một bài rất cô đọng dưới hai ngàn chữ mà phải trình bày những chuyện chuyên môn rắc rối này thì quả là điều khổ tâm. Nhưng đấy là những chọn lựa còn khổ tâm hơn mà nước Mỹ không thể tránh khỏi.

0 comments:

Powered By Blogger