Wednesday, February 15, 2012

400.000 tấn hải sản phải vứt bỏ mỗi năm

Nam Nguyên, phóng viên RFA

Tổn thất sau khai thác hải sản ở Việt Nam được ước tính lên tới 400.000 tấn mỗi năm. Nguyên nhân nào gây ra tình trạng này khi đánh bắt hải sản là nguồn lợi nuôi sống cả triệu ngư dân.

AFP photo

Đội tàu đánh cá ở Nha Trang

Do thiếu vốn

Thiếu vốn, tàu cá vừa nhỏ vừa lạc hậu dẫn tới việc bảo quản hải sản đánh bắt được trong chuyến ra khơi của ngư dân Việt Nam cũng rất thủ công. Theo tính toán của Tổng cục Thủy sản, mỗi năm tổn thất sau đánh bắt khai thác trên biển của ngư dân cả nước tương đương 8.000 tỷ đồng, một con số không nhỏ.

Trong tổng số 130.000 tàu đánh cá của Việt Nam đang họat động trên Biển Đông và Biển Tây Nam, chỉ có khoảng 23.000 tàu thực sự có khả năng đánh bắt xa bờ. Một ít tàu có đầu tư hầm chứa hải sản cách nhiệt tốt và sử dụng nước đá đem theo, trong khi nhiều ngư dân vẫn ướp muối để bảo quản hải sản đánh bắt. Nếu sử dụng nước đá bảo quản có tỷ lệ tổn thất sau khai thác là 20% thì phương pháp ướp muối truyền thống có tổn thất tới 30%.

Một thí dụ điển hình về cách bảo quản hải sản rất phổ biến cho tàu cá hiện nay được thuyền trưởng Nguyễn Chí Thạnh ở Huyện đảo Lý Sơn Quảng Ngãi cho biết:

“Chúng tôi dùng đá…đá cây mà còn hầm chứa thì lót mút mốp làm vệ sinh không ảnh hưởng chất lượng…mình muối nguyên con, ngư dân chưa khá giả gì để làm đông lạnh, biết đông lạnh thì con cá tốt tươi hơn…ở đây ướp đá thì không thể đi hơn 1 tháng được, đi hơn tháng thì khi vô cá hư kém chất lượng họ mua giá rẻ…”

Nói rõ hơn về các phương pháp bảo quản hải sản đánh bắt trên biển của các tàu cá Việt Nam, ông Nguyễn Tử Cương ủy viên thường vụ Hội nghề cá phát biểu, tổng kết của các nước ASEAN trong đó có Việt Nam thì thất thoát sau khai thác thủy hải sản vẫn còn ở mức trên 20%. Nghĩa là nếu đánh được 100 tấn cá mà giữ được nguyên giá trị dinh dưỡng và độ tươi thì còn đủ 100 tấn, nhưng mang về bờ bị hư hao đi do dập nát, do bị ươn hỏng thì giá trị của nó còn 80 tấn thôi.

Những tàu cấp đông ở Việt Nam là rất hiếm đếm trên đầu ngón tay, thường là mang nước đá đi theo, Bây giờ có phong trào sản xuất nước đá ngay trên tàu và nước để sản xuất nước đá là nước biển.

Ô. Nguyễn Tử Cương

Con số này không chỉ các nhà quản lý mà ngư dân cũng biết và đang phấn đấu làm thế nào đó để giữ được giá trị và thông qua đó giảm bớt đánh bắt ngoài biển để bảo vệ nguồn lợi cho năm sau và thậm chí cho đời sau. Ông Nguyễn Tử Cương tiếp lời:

“Đối với các tàu đánh cá ngoài khơi thì không còn tàu nào dùng muối nữa, nếu có thì chỉ là dành cho những loại cá mà ta gọi là không mong muốn. Tức là đánh bắt bằng lưới, những cá nhỏ cá con bị vướng vào và chết. Đối với các tàu đánh cá nước ngoài thì người ta thường đổ lại ngoài biển, nhưng ở Việt Nam thì có những cái thùng đựng và cho muối vào để bảo quản và mang vào bờ chế biến nước mắm.

Những tàu cấp đông ở Việt Nam là rất hiếm đếm trên đầu ngón tay, thường là mang nước đá đi theo, Bây giờ có phong trào sản xuất nước đá ngay trên tàu và nước để sản xuất nước đá là nước biển. Phương pháp này thích hợp cho những tàu đánh bắt trên biển khoảng 15 ngày.”

Chọn giải pháp phù hợp

052_01417520-250.jpg
Những con cá nhỏ được mua bán trên bờ sau chuyến đi biển. AFP photo
Tại sao ngư nghiệp Việt Nam sau mấy thập niên vẫn chưa phát triển được những đội tàu hiện đại có phương tiện cấp đông hoặc chế biến tại chỗ. Cho đến nay, đầu tư tốt nhất cũng mới tiến tới hầm chứa cách nhiệt bọc kim loại óp mốp có thể giữ nước đá lâu 20 ngày mà chỉ tan đá 40%. Ông Nguyễn Tử Cương, Ủy viên thường vụ Hội nghề cá Việt Nam phát biểu:

“Đây là một hoạt động hoàn toàn theo kinh tế thị trường, một chuyến biển ra đi thì bao nhiêu dầu, dầu cho động cơ chính, dầu cho máy phát điện và các chi phí trên tàu. Sau khi mang cá vào bờ bán, trừ cho nhau mà ra được con số dương thì mới có chuyến biển tiếp theo. Do vậy không phải Việt Nam không biết đến những loại tàu hiện đại và có nhiều thiết bị trên tàu, nhưng nếu đưa loại tàu đó vào với vùng biển Việt Nam hiện nay thì đi đánh cá là lỗ nặng.

Không phải Việt Nam không biết đến những loại tàu hiện đại và có nhiều thiết bị trên tàu, nhưng nếu đưa loại tàu đó vào với vùng biển Việt Nam hiện nay thì đi đánh cá là lỗ nặng.

Ô. Nguyễn Tử Cương

Do vậy chúng tôi phải chọn những giải pháp mà nó thích ứng với đánh bắt hải sản của Việt Nam và đồng thời phải có lãi cho ngư dân. Phương án chúng tôi chọn là tàu đánh bắt không quá lớn, những trang thiết bị không cồng kềnh dẫn tới tiêu tốn điện cũng như phải đầu tư ban đầu rất cao. Chúng tôi chọn phương án là có những tàu con thoi mang thực phẩm, mang dầu ra tiếp cho những tàu đang đánh cá và đồng thời nhận hải sản mang nhanh về bờ với mục tiêu là chống thất thoát, giảm được thất thoát sau khai thác.”

Theo lời ông Nguyễn Tử Cương, do nhu cầu phải hỗ trợ nhau, phối hợp trong phòng chống thiên tai, khi phát hiện đàn cá thì tập trung đánh bắt và đặc biệt là vấn đề bảo vệ biên giới của Việt Nam trên biển, các tàu đánh cá đã bắt đầu liên kết lại với nhau thành tổ chức gọi là nghiệp đoàn đánh cá. Thí dụ 10 tàu đánh bắt thì có một tàu chuyên nhận cá chở về bờ và khi ra thì mang theo dầu và thực phẩm để cho các tàu có thời gian đánh bắt trên biển dài hơn, nhưng cá thì đảm bảo chất lượng hơn do thời gian bảo quản trên biển ngắn lại.

0 comments:

Powered By Blogger