Saturday, November 26, 2011

Một ý kiến cá nhân về lá thư của 14 vị trí thức hải ngoại

Tôi đọc lá thư của 14 vị nhân sĩ trí thức hải ngoại này trên báo Diễn Đàn (Pháp) ngày đầu tiên, đã đặc biệt quan tâm đến một đoạn tuyên bố về v/đ HS-TS, như sau:

“Về Biển Đông, Quốc hội Việt Nam cần ra một tuyên cáo đặc biệt về Công hàm của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958, khẳng định đó không phải là sự thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa. Công hàm Phạm Văn Đồng chỉ là thiện chí của Việt Nam ủng hộ Trung Quốc trong việc tranh chấp với Mỹ về an ninh ở vùng biển gần Đài Loan. Tuyên cáo này vừa để làm rõ quan điểm của Việt Nam trước dư luận quốc tế, vừa xóa bỏ những ngờ vực của không ít người Việt Nam ở trong và ngoài nước, góp phần tăng thêm tình đoàn kết dân tộc trước hiểm họa ngoại xâm”…

Đã mấy lần tôi định viết một bài phản hồi nhưng còn nán chờ xem phản ứng của nhà cầm quyền Hà Nội ra sao về bài “Ý kiến chúng tôi: Cải cách toàn diện để phát triển đất nước” này. Sau hai tháng im lặng, nay mới nghe ông Nguyễn Thanh Giang lên tiếng từ trong nước, nên tôi mạo muội xin có vài nhận định cá nhân.

1)- Về tinh thần đóng góp tích cực, nhất là trên vị trí người làm KHKT, tôi đồng ý với lá thư của 14 vị trí thức đó;

2)- Tuy nhiên về lãnh vực chính trị lịch sử tôi cảm thấy câu tuyên bố ở trên về v/đ HS-TS chứa chất nhiều điểm lạ lùng nếu không là vô lý, như sau:

a)- Bức Công Hàm HS-TS của cố tt Phạm Văn Đồng ký tên ngày 14/09/1958 là do chính phủ VNDCCH, đại diện cơ quan hành pháp chịu trách nhiệm, không hề có bàn cãi trong Quốc Hội ở thời điểm đó, cho nên Quốc Hội ngày nay không có tư cách gì để trả lời (hay ra tuyên bố). Sự kiện này thuộc trách nhiệm của Bộ Chính Trị và tập đoàn lãnh đạo ĐCS VN mà chủ tịch tối cao chính là ông Hồ Chí Minh. Cố tt PV Đồng chỉ chịu trách nhiệm phần nào, vì bức công hàm được gửi đến tay ông Chu Ân Lai (TQ) theo phương tiện ngoại giao chính thức và công khai, qua sự phê chuẩn của lãnh đạo ĐCS VN và BCT;

b)- Đọc kỹ bức công hàm HS-TS này, tôi vẫn thấy nó tuy ngắn gọn nhưng rất rõ ràng “công nhận những lời tuyên bố chủ quyền do ông Chu Ân Lai đề xướng” là đúng, có nghĩa rằng chính phủ VNDCCH đã mặc nhiên công nhận chủ quyền của TQ trên hai quần đảo HS-TS vào thời điểm 1958. Tôi không thấy bức công hàm nhắc nhở gì đến tên hai quốc gia khác là Mỹ và Đài Loan. Do đâu mà 14 vị trí thức hải ngoại “khẳng định đó không phải là sự thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa”. Tôi đề nghị các vị nhân sĩ đó hãy lên tiếng giải thích rõ ràng câu cú ngôn từ của bức công hàm 1958 này;

c)- Do từ dẫn chứng lịch sử nào, tư liệu nào mà 14 vị trí thức dám khẳng định “Công hàm Phạm Văn Đồng chỉ là thiện chí của Việt Nam ủng hộ Trung Quốc trong việc tranh chấp với Mỹ về an ninh ở vùng biển gần Đài Loan”. Qua những bài đăng trên các Trang Mạng hải ngoại tôi không hề đọc thấy một chữ hay một đoạn văn nào trong bức công hàm thể hiện “thiện chí” đó. Đề nghị 14 vị trí thức lên tiếng giải thích tuờng tận và đưa ra bằng cớ “nói có sách, mách có chứng” trước dư luận trong và ngoài nước;

d)- Thiển nghĩ 14 vị trí thức đó tuy có bằng cấp học vị cao,có địa vị sáng ngời trong cộng đồng người Việt hải ngoại, nhưng tư thế cũng không khác gì tôi, có nghĩa cũng là kiều bào hải ngoại mà thôi, còn mang Passe-Port với quốc tịch nước sở tại. Phải chăng quý vị đã được sự hỗ trợ ngầm của Nhà Nước VN để viết lên những “lời đề nghị với Quốc Hội” nhằm mục đích cứu vãn một chế độ phi nhân, phản khoa học, độc tài, độc đảng cha truyền con nối suốt 60 năm trị vì ở VN. Phải chăng quý vị muốn học cách “vẽ đường cho hưu chạy” nhằm thăm dò phản ứng dư luận?

e)- Sau cùng tôi cảm thấy hơi mâu thuẫn khi quý vị trí thức viết một lá thư chủ đề rất kêu “Ý kiến chúng tôi: Cải cách toàn diện để phát triển đất nước”. Dẫu rằng đây không phải là một bản kiến nghị (hay Thư Ngỏ) như hàng trăm bản kiến nghị bay tới tấp như bươm bướm từ ba năm qua, sau sự kiện Bô Xít Tây Nguyên, nhưng lập luận vẫn chứa những điểm trái ngược khá khôi hài.

Ví dụ: quý vị khởi đầu muốn “Cải cách toàn diện” tức là muốn sửa đổi hoàn toàn trên mọi phương diện, mọi lĩnh vực, từ trên (Nhà Nước, lãnh đạo ĐCS VN, BCT) cho tới xuống dưới (cấp thừa hành xã, huyện, quận, phường), từ chính trị đến kinh tế, xã hội giáo dục, khoa học kỹ thuật. Thế nhưng quý vị hãy còn giữ cái đuôi cho rằng: “Theo chúng tôi, phải có một cuộc cải cách mang tính cách mạng về thể chế mới giải quyết được hai vấn đề này. Chúng tôi nghĩ rằng trách nhiệm này trước hết thuộc về đảng cầm quyền và trên thực tế hiện nay cũng chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới đảm nhận được vai trò này”. Đã muốn thực tâm “cải cách toàn diện” mà vẫn còn trông cậy vào ĐCS VN, vì chỉ có Đảng này mới đảm nhận được vai trò lịch sử. Buồn cười thật nếu không muốn nói rằng quý vị vẫn còn lừng chừng trong lý luận, hãy còn vướng mắc quá khứ mà không có can đảm nghĩ đến “cải cách toàn diện”. Tôi đánh giá rằng đây là một loại tư tưởng “nứa chừng xuân” của những người mang chức danh Giáo Sư Tiến Sĩ, lý thuyết đầy mình nhưng ngại xông pha vào hành động thực tế.

Thử hỏi nếu giả dụ lãnh đạo ĐCS VN và Nhà Nước không thực tâm thi hành sửa đổi cải cách như quý vị mong muốn, hoặc họ sẽ tìm cách lừa gạt dư luận bằng những chiêu thức “mỵ dân, ngu dân” muôn thuở thì quý vị cũng đành chịu thua sao? Thế thì công lao thì giờ bỏ ra viết cả chục trang giấy cũng đi tong mà thôi! Từng sống trong những xã hội tiên tiến Âu Mỹ tôi thầm nghĩ quý vị hiểu rõ thực chất dân chủ đa nguyên và đa đảng như thế nào.

Vài hàng xin thân chúc 14 quý vị nhân sĩ trí thức hải ngoại luôn luôn sáng suốt để đóng góp hiệu quả hơn cho tổ quốc thân yêu.

Chào thân ái,

Lê Quốc Trinh, Canada, 24/11/2011
Kỹ sư cơ khí khai khoáng

0 comments:

Powered By Blogger